Làng lụa Mã Châu

/Làng Thêu Làng Lụa/ là series giới thiệu các làng nghề thêu và lụa truyền thống của Việt Nam, qua đó truy tìm những đặc trưng trong từng sản phẩm, làng nghề.

Mã Châu con gái mĩ miều

Sớm mai dệt lụa, buổi chiều ươm tơ.

Làng lụa Mã Châu Duy Xuyên

Lần theo câu ca dao cổ, chúng ta cùng đến thăm làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa Mã Châu.

Làng tơ lụa Mã Châu nằm ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, được hình thành từ thế kỷ XV, nổi danh khắp nơi nhờ việc được chọn là vùng chuyên dệt lụa cung cấp cho giới quý tộc, quan lại trong triều đình. Các công việc trồng dâu, nuôi tằm, se tơ rồi dệt lụa tại Mã Châu đều được thực hiện trong làng, với sự tham gia của hàng trăm hộ sản xuất thủ công. 

Lịch sử hình thành

Làng lụa Mã Châu là một làng nghề có tuổi đời hơn 600 năm. Theo người dân địa phương kể lại, từ khi cô thôn nữ hái dâu trở thành Hoàng hậu, bà chăm lo con dân và dạy khắp nơi nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Cũng từ đó, vùng Duy Xuyên và Điện Bàn ngày càng phát triển thịnh vượng nghề truyền thống này. 

Người dân trồng dâu nuôi tằm

Làng lụa Mã Châu chỉ thực sự nổi tiếng từ thế kỷ XVI. Từ những khung cửi gỗ với khổ lụa nhỏ, người dân đã đầu tư mua máy sắt giá hàng chục triệu đồng để sản xuất, phát triển làng nghề theo hướng dệt công nghiệp hiện đại. Những năm 1960, Mã Châu là vùng đất nức tiếng với hơn 4000 khung cửi làm việc ngày đêm.

Phương thức sản xuất thô sơ của người dân những ngày đầu ở làng lụa Mã Châu

Khi xứ Đàng Trong mở cửa giao thương với thế giới bên ngoài qua cảng Hội An thì tơ lụa Mã Châu là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất. Từ cuối thế kỷ XIX, làng Mã Châu mặc dù có thêm nghề dệt vải bông nhưng nghề dệt lụa tơ tằm và lụa tơ tằm vẫn là mặt hàng chủ yếu được ưa chuộng nhất lúc bấy giờ. Trong khoảng thời gian này, phương thức sản xuất của làng lụa đã được cải tiến hơn so với trước đây, từ sử dụng hoàn toàn máy móc thủ công đã chuyển một phần sang bán cơ giới, rồi tiến đến tự động hoá như ngày nay.

Đặc điểm làng nghề và sản phẩm 

Ngay từ khi xuất hiện, lụa Mã Châu đã nức tiếng khắp nơi bởi sự tinh tế trong hoa văn và sự phối màu hài hòa của người thợ dệt. Để có một sản phẩm lụa tơ tằm đạt chất lượng và thẩm mỹ, người thợ phải sản xuất, làm việc hết 100% tâm trí trong các công đoạn: nuôi tằm – ươm tơ – dệt lụa – tẩy nhuộm màu để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm hoàn mỹ nhất. Nhờ thế, lụa tơ tằm truyền thống Mã Châu sở hữu những đặc tính mà các vải lụa công nghiệp không thể có được, như thoát nhiệt, thoát ẩm, chống hôi.

Những dải lụa Mã Châu trước khi nhuộm màu

Theo những người lớn tuổi trong làng cho biết, thời phong kiến, lụa Mã Châu là một trong những sản vật để cống tiến cho triều đình nhà Nguyễn may trang phục cho các vua, hoàng hậu, hoàng tử công chúa và quan lại trong triều.

Trong quá trình tìm hiểu, NTK Lê Thanh Hòa và đội ngũ của anh đã phát hiện một ưu điểm từ lụa Mã Châu, đó là khả năng bảo vệ sức khỏe cho người mặc. Dù phải trải qua đến hơn 20 công đoạn khác nhau, nhưng lụa vẫn được sản xuất một cách tự nhiên nhất, tức không sử dụng thuốc trừ sâu cho lá dâu dùng để nuôi tằm, không sử dụng keo hóa học để làm kết dính các sợi vải và không nhuộm bằng màu hóa học. Tằm được nuôi trong môi trường sạch nhờ thế nhả ra loại tơ có khả năng kháng độc tự nhiên, bảo vệ chúng khỏi tác hại môi trường. Những đặc tính đó vẫn được giữ nguyên khi tơ được dệt thành vải. Ngoài ra, lụa Mã Châu còn có thể chống mùi, chống khuẩn cho người dùng.

Sản phẩm lụa Mã Châu
Hình ảnh: Lofficielvietnam

Các sản phẩm nổi bật của làng Mã Châu có thể kể đến như lụa Taffeta, lụa hoa, lụa satin loang vân đá,… Hầu hết được dệt thủ công từ 100% sợi tơ tằm , xử lí sợi theo phương pháp truyền thống của người Mã Châu. Khác với những sản phẩm lụa khác, để tạo nên lụa Taffeta, tơ được nhuộm và se sợi trước khi dệt, tạo độ bền chặt và thớ vải sáng màu theo góc ánh sáng.

Sợi tơ Mã Châu được nhuộm màu trước khi dệt
Hình ảnh: The Sai Gon Times
Lụa hoa được nhuộm tự nhiên bằng màu của xơ dừa

Nỗ lực bảo tồn di sản và làng nghề

Theo thời gian, nghề dệt lụa tơ tằm ngày càng mai một dần, do Trung Quốc xuất hàng vải ồ ạt sang Việt Nam với giá cực rẻ, chỉ bằng một nửa so với giá vải làng nghề. Dẫn đến biến động giá cả tơ lụa trong nước và quốc tế nghiêm trọng.

Cạnh tranh không nổi với thị trường, vải dệt ra không bán được, cả làng dệt điêu đứng, mấy trăm máy dệt chạy cầm chừng. Sự phát triển của làng nghề Mã Châu bị chững lại. Diện tích đất trồng dâu cũng giảm mạnh, thay vào đó là các loại cây trồng khác và người dệt lụa cũng chuyển sang làm công việc khác. Nhiều máy dệt chịu cảnh tháo sắt đem đi cân ký, khung cửi thì chẻ ra đun bếp lửa.

Dù vậy, những người thợ dệt còn yêu nghề vẫn nỗ lực phục hưng làng lụa tơ tằm Mã Châu, mong muốn đưa sản phẩm đi xa hơn và thương hiệu được nhiều người biết tới hơn.

Xác định yếu tố con người là chìa khóa trong công cuộc phục dựng lại ngành lụa Mã Châu truyền thống Quảng Nam, những nghệ nhân làng lụa Mã Châu cũng đã mở lớp truyền nghề cho học viên, kêu gọi những nghệ nhân cũ cùng làm lại khung cửi, chung tay khôi phục nghề truyền thống quê hương đang dần mai một đi.

Chị Trần Thị Yến (con gái ông Ông Trần Hữu Phương – một trong những nghệ nhân gạo cội của làng lụa tơ tằm Mã Châu), đã từ bỏ ước mơ của riêng mình, cùng cha phục hưng ngành lụa truyền thống quê hương. Chị Yến đã làm một “cuộc cách mạng về lụa tơ tằm Mã Châu” khi đẩy mạnh khâu quảng bá, xây dựng thương hiệu, tạo dựng niềm tin với khách hàng. 

Chị Lê Thị Yến, một trong những người con Mã Châu không ngừng nghỉ phục dựng làng nghề dệt lụa truyền thống

Trong thời đại công nghệ số, làng lụa tơ tằm truyền thống Mã Châu đã sử dụng công nghệ thông tin truyền thông để quảng bá sản phẩm thông qua các kênh thương mại trực tuyến như sàn thương mại điện tử Quảng Nam, các chương trình, điểm bán do Sở Công Thương hỗ trợ và thông qua các trang mạng xã hội, website của chính làng nghề. Những người làm lụa tơ tằm Mã Châu đã bày bán sản phẩm khắp các diễn đàn, trang mạng xã hội cũng như trang thương mại điện tử, đồng thời bày bán trực tiếp sản phẩm tại TP. Hội An và Quảng Nam.

Từ khi đưa lên các kênh thương mại điện tử, sản phẩm lụa tơ tằm truyền thống Mã Châu đã được nhiều khách hàng từ khắp Việt Nam biết tới, sản lượng tiêu thụ tăng lên rất nhiều. Người tiêu dùng cũng dễ dàng mua sản phẩm từ xa, làng lụa tơ tằm Mã Châu có được đầu ra tốt cho sản phẩm. Nhiều khách hàng từ khắp các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã bắt đầu tìm đến với lụa Mã Châu.

Tổng hợp và biên tập: May

Cùng tác giả

#Tag

Làng Lụa Mã Châu làng nghề lụa truyền thống Việt Nam may Series Làng Thêu Làng Lụa văn hóa

iDesign Must-try

Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman đã để lại số tiểu luận, thảo luận, ý tưởng cũng nhiều và quan trọng như những tác phẩm nghệ thuật tiến bộ và khác biệt của ông.…
Maybe bạn nên .. Đi! Tháng 05/2024
Maybe bạn nên .. Đi! Tháng 05/2024
/Maybe bạn nên … Đi/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ 1. Triển lãm ‘Người Phá Rào,…
Đất 3 Miền: Tựa game pixel mô phỏng đặc trưng trong văn hóa Sài Gòn của Cam Hoa
Đất 3 Miền: Tựa game pixel mô phỏng đặc trưng trong văn hóa Sài Gòn của Cam Hoa
Quan tâm đến các chủ đề về văn hóa Việt Nam và dành sự yêu thích đặc biệt cho các phong cách liên quan đến sự hoài cổ như: Vaporwave,…
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 04/2024
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 04/2024
/Maybe bạn nên … Đi/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ 1. Triển lãm ‘Hoạ Chiêu…
Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) là nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển và giao hàng lớn nhất và hàng đầu tại Việt Nam. GHTK đóng vai trò quan trọng…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Vincent Van Gogh
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Vincent Van Gogh
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…