/ai đi/ - Như cánh bướm lạc vào ‘Vùng Thơ’ của Hứa Vĩ Văn

/ai đi/ – Chuyên mục check-in các địa điểm sáng tạo, nghệ thuật của iDesign

Trong một ngày trời thu thơ mộng của Hà Nội, cùng iDesign ghé thăm triển lãm cá nhân thứ tư của Hứa Vĩ Văn, nằm ẩn mình trong một căn nhà cổ kính giữa trung tâm thành phố và cũng là không gian của Toong tại số 8 Tràng Thi. Buổi trưng bày bao gồm mười sáu tác phẩm, đánh dấu chặng đường tròn một năm Hứa Vĩ Văn làm việc với chuỗi “Vùng Mơ” – “Vùng Yên” – “Vùng Thơ”.

Có mặt lần đầu ngay trong buổi khai mạc riêng tư đón tiếp những người bạn thân thiết, chúng tôi lập tức có cảm giác như lạc vào một vùng huê-mộng. Lấy chủ đề chính là hoa, với chất liệu chủ đạo là acrylic trên toan, Hứa Vĩ Văn tạo ra thế giới tự sự lấy cảm hứng từ hình dáng của hoa sen, hoa cúc… nhưng để vẽ ra những bông hoa trừu tượng của tâm trí mình. Bằng những sắc màu đa dạng, cọ pháp đầy năng lượng, và sự lặp lại chủ thể có chủ ý dễ dàng nhận ra, người nghệ sĩ thực hiện cuộc đối thoại với nội tâm cuồn cuộn sóng, nhưng đồng thời khơi gợi ra năng lượng chữa lành và đầy tích cực cho người thưởng thức.

Quay lại để xem các tác phẩm Vùng Thơ vào một ngày vắng vẻ hơn sau khai mạc, chúng tôi có cơ hội ngắm nhìn thật kỹ các tác phẩm. Lúc này, kỹ thuật chuyên nghiệp của Hứa Vĩ Văn hiện ra rõ hơn. Phía bên dưới lớp bề mặt huê-mộng ngập tràn những màu sắc tươi và mạnh được tạo ra bởi những nét cọ lỏng tay hay những vẩy màu nom ngây thơ là những lớp “gân” nền gai góc ẩn hiện trồi sụt được thực hiện một cách công phu. Càng nhìn sẽ càng thấy các bức tranh của Hứa Vĩ Văn được thực hiện bằng nhiều kỹ thuật kết hợp với nhau tạo ra độ chồng lớp của các kết cấu chất liệu và tâm trạng, đòi hỏi người xem phải ngắm nhìn đủ lâu để khám phá hết. 

Điểm cuối của triển lãm vẫn là một bức tranh “hoa” nhưng không còn thấy hình dạng rõ ràng của một loại hoa cụ thể nào mà thay vào đó gây liên tưởng tới phong cảnh một đồng hoa dâng lên từ vùng đất đen để mang sắc trắng tinh khôi hoà vào bầu trời. Đối diện bức tranh ấy là chú “bướm” duy nhất của triển lãm, được treo lơ lửng giữa không gian, cũng là bức tranh được chọn làm hình ảnh chính trên các ấn phẩm truyền thông. Hứa Vĩ Văn từng chia sẻ rằng anh muốn mỗi khách tham quan đều là một cánh bướm đi vào “Vùng Thơ” để ngắm các bông hoa trong ấy. Như vậy, hẳn phải là một chủ ý đầy tinh tế khi đặt cánh bướm sặc sỡ ấy đối diện với cánh đồng hoa trắng ở nơi dừng chân cuối cùng của khán giả. Tại đó, chúng ta sẽ nhận ra mình là cánh bướm và trở thành một cánh bướm bay vào đồng hoa của nghệ sĩ, trở thành một phần của tác phẩm nghệ thuật. Điều này thật phù hợp với việc tên tiếng Anh của triển lãm là “Musings” vừa là những suy tư sâu sắc lại vừa chứa trong đó “Muse” tức “nàng thơ” hay nguồn khởi cảm hứng.

Về hành trình sáng tác suốt thời gian qua, Hứa Vĩ Văn chia sẻ với chúng tôi niềm vui và cảm giác may mắn. Trong khoảng thời gian đại dịch COVID-19 khiến cuộc sống của chúng ta hầu hết là bị gián đoạn, anh đã tìm về với toan và màu vẽ, tìm về với hội hoạ mà anh vốn theo học trước khi dấn thân vào lĩnh vực điện ảnh. Tại đó anh tìm thấy nơi trú ẩn của cái đẹp, cảm xúc, sự giãi bày, và sự chữa lành. Các trưng bày của anh thu hút được nhiều sự quan tâm và yêu mến. Hứa Vĩ Văn cảm thấy mình may mắn vì đời sống của anh như vậy không chỉ vượt qua được khó khăn của dịch bệnh mà còn thu được những nguồn lợi từ tác phẩm của mình để dành hỗ trợ những người khác. Qua bốn cuộc triển lãm cá nhân là kết quả của những lao động chuyên tâm và dày công thử nghiệm, Hứa Vĩ Văn dần chứng minh mình thực sự là một nghệ sĩ thực hành hội hoạ nghiêm túc chứ không phải một diễn viên hay một người nổi tiếng sáng tác tay ngang. 

Triển lãm The Showcase Hứa Vĩ Văn – Vùng Thơ | Musings đón khách tham quan miễn phí từ 07/10 đến 07/11/2022 tại Toong, 8 Tràng Thi, Hà Nội. Thời gian mở cửa cụ thể từ thứ 2 – thứ 6 (8h – 20h), thứ 7 (8h-17h).

Thực hiện và Hình ảnh: Hương Mi Lê


Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi

iDesign Must-try

Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler, một trong những người có đóng góp lớn vào lịch sử nghệ thuật nói chung và nước Mĩ hậu chiến nói riêng, đã tiên phong khởi xưởng hội…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko, tác giả của nhiều bức tranh trong danh sách những tác phẩm đắt nhất thế giới, đã phát triển phong cách đặc trưng của mình vào cuối những…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Liệu Mark Rothko là một thiên tài hay là một kẻ lừa đảo? Đây là câu hỏi mà các nhà sử học nghệ thuật và những người mê nghệ thuật…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
“Chúng ta bắt đầu với màu sắc”, đó là lời tuyên bố nổi tiếng của Rothko vào năm 1936 lúc ông viết một cuốn sách so sánh nghệ thuật của…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman đã để lại số tiểu luận, thảo luận, ý tưởng cũng nhiều và quan trọng như những tác phẩm nghệ thuật tiến bộ và khác biệt của ông.…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Nói rằng “Một hoạ sĩ là một biên đạo không gian”, Barnett Newman phát minh ra cái mà ông gọi là “zip”, một dải màu chạy dọc. Và như thế,…