Tân cổ điển (Phần 2): Các tác phẩm nổi bật


1770: Cái chết của tướng Wolfe của Benjamin West

Sơn dầu trên vải – Phòng trưng bày Quốc gia Canada, Ottawa, Canada

Bức tranh này thể hiện cái chết của Thiếu tướng James Wolfe trên Đồng bằng Abraham tại Trận chiến Quebec năm 1759 trong Chiến tranh Bảy năm, được biết đến ở Hoa Kỳ là Chiến tranh Pháp và Ấn Độ. Wolfe đã bị sát hại bởi hỏa lực của súng nòng dài trong trận chiến ngắn ngủi khi ông dẫn dắt lực lượng Anh chiến thắng, mở đầu cho cuộc chinh phục Canada từ tay người Pháp. 

Có thể thấy ông nằm trên chiến trường giữa sự quây quần và an ủi của một nhóm sĩ quan. Hình dáng của ông, tạo nên phần đáy của một khuôn hình dạng kim tự tháp, vươn lên lá cờ cuộn hờ ở trên, cùng với khuôn mặt nhợt nhạt được rọi sáng, ánh lên như khuôn mặt của Chúa, khiến ông trở thành tâm điểm hình ảnh và cảm xúc của tác phẩm. Ở bên trái, một nhóm sĩ quan đứng tham dự, truyền tới một nỗi đau xót gợi nhớ về niềm thương tiếc cho Đấng cứu thế. Ở tiền cảnh bên trái, độc một người đàn ông bản địa đang ngồi, tay chống cằm, như thể đang trầm tư. Hai sĩ quan khác ở bên phải khung cảnh, trong khi phía sau là các lực lượng đối lập tản mạn, và khói đen từ chiến trường cùng với các đám mây bão đổ về quanh đường chéo giao nhau của lá cờ. Có thể cảm thấy một cảm giác kịch tính được truyền tải khi trận chiến kết thúc bằng một sự hy sinh, anh dũng, duy nhất.

Có thể nhận dạng được một số sĩ quan, như đại úy Harvey Smythe đang nắm cánh tay của Wolfe, bác sĩ Thomas Hinde cố gắng cầm máu cho vị tướng, và trung tá Simon Fraser của đội Fraser Highlanders 78 được thấy trong tartan (mẫu những vạch màu chéo nhau theo góc vuông) của đại đội ông. Mặc dù những bức chân dung có thể nhận dạng này tạo ra cảm giác về sự chính xác và tầm vóc mang tính lịch sử, nhưng hầu như tất cả những người đó đều không có thật ở hiện trường và việc đưa họ vào phản ánh ý định của người nghệ sĩ trong việc sáng tác một hình ảnh mang tính biểu tượng của người hùng nước Anh. 

Người chiến binh bản địa đã thu hút nhiều sự diễn giải của giới học thuật, bao gồm cả lập luận rằng anh ta đại diện cho người hoang dã ưu tú (the noble savage), một khái niệm được đề xuất bởi triết gia Pháp Jean-Jacques Rousseau, người đã tán dương bản tính đơn giản và vì thế là ưu tú hơn của các dân tộc “nguyên thủy”. Đồng thời, việc bao gồm sự xuất hiện của nhân vật bản địa này cũng cố định khung hình vào bối cảnh Tân Thế giới (New World), bởi lẽ người nghệ sĩ đã lựa chọn cẩn thận tất cả các yếu tố đặc trưng. Ví dụ như là, phía sau nền, một người lính Anh đang chạy đua về phía nhóm người, khi anh ta mang theo lá cờ Pháp đã chiếm được. Như nhà sử học Robert A. Bromley đã viết, hiệu ứng tổng thể “quá tự nhiên… và chúng đến gần với sự thật của lịch sử đến nỗi chúng gần như là sự thật, nhưng không một cái nào trong số chúng là đúng trên thực tế.”

West đã diễn giải lại bức họa lịch sử một cách sáng tạo bằng cách mô tả một khung cảnh đương đại và mặc trang phục đương đại cho các nhân vật của ông. Ngài Joshua Reynolds, cùng với các nghệ sĩ và những nhà bảo trợ đáng chú ý khác, đã thúc giục người nghệ sĩ khắc họa các nhân vật trong trang phục La Mã cổ điển để làm cho sự kiện trở nên trang trọng hơn, nhưng West trả lời, “Sự thật dẫn dắt ngòi bút của nhà sử học cũng nên chi phối ngòi chì của người nghệ sĩ.” Tức giận với việc sử dụng quần áo đương đại của Wolfe, vua George III đã từ chối mua tác phẩm, và người nghệ sĩ, do đó, đã tặng nó cho Học viện Hoàng gia, nơi nó trở nên phổ biến rộng rãi. 

Các bản chạm khắc của William Woollett cho bức tranh đã vươn tới được một lượng khán giả quốc tế, và West được đặt hàng vẽ thêm bốn bản sao của bức tranh. Tác phẩm, có ảnh hưởng đến phong trào của nhiều nghệ sĩ đối với hội họa lịch sử đương đại, mở đường cho các tác phẩm khác như Lời thề sân quần vợt của David (Oath of the Tennis court) (1791) và Tuyên bố độc lập (Declaration of Independence) (1787-1819) của John Trumbull. Ảnh hưởng văn hóa của nó tiếp diễn sang thời kỳ hiện đại, mà trong thời Đế chế Anh, như nhà sử học Graeme Wynn đã lưu ý, nó “trở thành biểu tượng quyền lực nhất cho một chiến thắng mang tính tượng trưng mãnh liệt của chủ nghĩa đế quốc Anh”. Và vào năm 1921, người Anh đã tặng tác phẩm này cho Canada để ghi nhận sự trợ giúp của họ trong Thế chiến thứ nhất.

1777: Nàng Psyche được hồi sinh nhờ nụ hôn của thần Cupid của Antonio Canova

Đá cẩm thạch – Musée du Louvre, Paris, Pháp

Tác phẩm dựa trên câu chuyện thần thoại về thần Cupid và nàng Psyche như được kể trong Con lừa vàng (The Golden Ass) (khoảng 180), một tiểu thuyết tiếng La-tinh do Lucius Apuleius viết. 

Venus, nữ thần tình yêu, ghen tị với Psyche – người được nhiều người ngưỡng mộ vì vẻ đẹp của nàng – đã giao cho con trai của bà là thần Cupid dùng những mũi tên của mình khiến cô gái kết hôn với người xấu xí nhất. Thay vào đó, Cupid đã phải lòng nàng. Và khi biết rằng hai người là một đôi, Venus đã cử nàng Psyche mang về chiếc lọ có chứa một “vẻ đẹp thần thánh” từ địa ngục. Mặc dù được hướng dẫn không được mở chiếc lọ, Psyche vẫn làm thế để rồi chìm vào giấc ngủ “ngàn thu”, bởi chiếc lọ thực chất là chứa “giấc ngủ của bóng tối sâu thẳm nhất.” 

Tác phẩm điêu khắc này mô tả khoảnh khắc thần Cupid hồi sinh nàng Psyche bằng một nụ hôn. Những đường nét uyển chuyển trong hình dáng ngả nghiêng của Psyche được lặp lại trong nếp vải che một phần của nàng, và vòng tay “tan chảy” của thần Cupid. Được mệnh danh là “nhà điêu khắc của sự duyên dáng và tuổi trẻ” ở thời đại của mình, Canova ở đây tạo ra một cảm giác về tình yêu anh hùng và ngây thơ, chiến thắng chính cái chết.

Kỹ thuật điêu khắc tân tiến của Canova cho phép ông truyền tải hiệu ứng của làn da, đôi cánh lông vũ, nếp vải nhăn chân thực và tảng đá thô ráp ở đế tượng. Phản ánh phương pháp tiếp cận mang tính khoa học của Tân Cổ điển, nghiên cứu của ông về hình dạng con người cho thấy sự chặt chẽ, vì ông đã sử dụng các phép đo và khuôn đúc sống (life cast) chính xác để chuẩn bị cho việc chế tác trên đá cẩm thạch.

Để miêu tả thần Cupid, ông lấy cảm hứng từ một bức tranh La Mã, bức tranh mà ông đã nhìn thấy tại địa điểm khai quật của Herculaneum. Tuy nhiên, mặc dù được ấn định vững chắc trong chủ nghĩa Tân Cổ điển, sự nhấn mạnh của tác phẩm này vào cảm xúc và cảm giác đã tạo tiền đề cho phong trào Lãng mạn sau đó.

Bức tượng có một tay cầm gần chân tượng, giống như nhiều tác phẩm khác của Canova, nó được dùng để xoay trên đế, nhấn mạnh chuyển động và cảm giác của tác phẩm. Việc ly tâm khỏi một điểm nhìn duy nhất cấp tiến này đã bị chỉ trích bởi một số nhà phê bình thời đó, trong đó có Karl Ludwig Fernow đã viết “người quan sát đã cố gắng vô ích để tìm ra một quan điểm… mà trong đó giảm thiểu từng tia biểu hiện mỏng manh về một điểm tụ trung tâm.” Tuy nhiên, sự linh hoạt về nhận thức này đã kiến tạo một mối quan hệ mật thiết hơn với người xem.

Đại tá John Campbell đã đặt mua tác phẩm điêu khắc vào năm 1787. Sau đó, cả cách xử lý và chủ đề của nó đã trở nên phổ biến rộng rãi với các nghệ sĩ sau này, bao gồm nhà điêu khắc hàng đầu thế kỷ 19 người Anh, John Gibson, người đã học với Canova ở Rome.

1778: Voltaire của Jean-Antoine Houdon

Đá cẩm thạch trên bệ đá cẩm thạch màu xám – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, New York

Bức tượng bán thân này mô tả nhà văn và nhà triết học nổi tiếng người Pháp, François Marie Arouet de Voltaire, người sở hữu tài trí và trí tuệ thông tường đã có ảnh hưởng lớn tới thời kỳ Tân Cổ điển. Tác phẩm tả thực một cách đáng kinh ngạc, tạo hình của nó ghi lại những nét đặc trưng của vị triết gia khi về cuối đời: mái tóc thưa dần, những nếp nhăn quanh miệng và vầng trán nhăn nheo. 

Được miêu tả với đầu trần không đội tóc giả, vốn là mốt của giới quý tộc Pháp, bức chân dung mang tính hiện thực và sự đơn giản của những bức tượng bán thân La Mã cổ điển, cho phép nguồn lực của cá tính chủ thể tỏa sáng không giới hạn. Houdon nắm bắt được dung mạo thông minh sắc sảo của Voltaire, ở chỗ ánh mắt của ông có vẻ thích thú với những suy nghĩ nội tâm của chính mình.

Bá tước Alexander Sergeyevich Stroganoff đã mang bức tượng chân dung này đến Nga dưới thời trị vì của Catherine Đại đế, người đã trao đổi thư từ với Voltaire và tận tụy ủng hộ các tác phẩm của ông. Bà đã đặt làm một số bức chân dung, cũng như Voltaire ngồi trên ghế bành (Voltaire Seated in an Armchair) (1781) của Houdon, trong đó miêu tả nhà triết học mặc áo toga (áo choàng ngoài rộng của những người đàn ông thời La Mã cổ), như thể một hiện thân của triết học Hy Lạp cổ điển.

Những đổi mới của Houdon bao gồm độ chính xác khoa học khi ông sử dụng thước cặp để đo các đặc điểm và khuôn đúc sống của đối tượng, đồng thời tiên phong trong kỹ thuật điêu khắc đôi mắt sao cho chúng bắt được ánh sáng. Như nhà sử học nghệ thuật John Goldsmith Phillips đã mô tả, “Đầu tiên ông ấy cắt toàn bộ mống mắt, sau đó khoét một lỗ sâu hơn cho đồng tử, cẩn thận để lại một mảnh đá cẩm thạch nhỏ để nhô ra ngoài mống mắt. Hiệu ứng này mang lại một sự sống động và linh hoạt vô song của biểu cảm trong lịch sử lâu đời của nghệ thuật hội hoạ hay điêu khắc chân dung “

Được coi là người hoạ chân dung vĩ đại nhất của thời đại Tân Cổ điển, Houdon đã điêu khắc chân dung các nhà lãnh đạo trí thức và chính trị thời đó bao gồm George Washington, Benjamin Franklin, Thomas Jefferson và Napoléon Bonaparte. Không chỉ nắm bắt được hình dáng chính xác, ông ấy còn nắm bắt được chất riêng của họ. Như nhà sử học nghệ thuật Johanna Hecht đã viết, “Các đức tính của Khai sáng về chân lý nằm trong tự nhiên (truth to nature), sự đơn giản, và duyên dáng đều tìm được sự thể hiện tuyệt luân thông qua khả năng của ông trong việc truyền tải cả tính cách và bản chất sống động của da thịt chủ thể, cuộc sống bên trong cũng như bên ngoài của họ, lên đá cẩm thạch” Những miêu tả chân dung này đã trở thành một phần trong nhận thức của công chúng về những nhân vật trên, được tái hiện trong vô số sách giáo khoa, bản sao thạch cao, trên tem quốc gia và tiền xu. Chân dung của Thomas Jefferson do Houdon thực hiện cũng được sử dụng trên đồng xu của Hoa Kỳ.

1784: Lời thề của gia đình Horatii của Jacques-Louis David

Sơn dầu trên vải – Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp

Hình ảnh này mô tả Horatii, một gia đình La Mã, với trung tâm là ba người con trai của họ, mặc quần áo chiến đấu, giang rộng cánh tay phải trong một cử chỉ thể hiện sự trung thành đối với người cha, người đang cầm ba thanh kiếm. Họ chuẩn bị ra trận với những người anh em từ một gia đình của một thành phố đối diện. Ở bên phải, hai người phụ nữ có người thân ở cả hai bên chiến tuyến, tay buông thõng bên hông, ngất lịm về phía nhau với điệu bộ tuyệt vọng, lo sợ cho những người sẽ tử trận. Ở phía nền sau khuất bóng, một người phụ nữ khác ăn mặc như đưa tang, đang an ủi lũ trẻ. Khung cảnh tối giản với ba mái vòm vươn lên, mở ra phần bóng gần tối, tạo nên cảm giác về sự kiên quyết ảm đạm. Bức tranh nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng yêu nước và sự hy sinh quên mình đầy nam tính cho Tổ quốc. Nó trở thành một phép ẩn dụ cho cuộc Cách mạng Pháp, trong đó những người đồng hương được “kết nạp” vào hệ tư tưởng rằng giết hại nhau là hướng tới điều tốt đẹp hơn.

Khi bức tranh được triển lãm tại Salon 1785, David được ca ngợi là họa sĩ Pháp vĩ đại nhất kể từ thời Poussin. Như nhà phê bình nghệ thuật Roberta Smith đã viết, bức tranh đã trở thành, “một nền móng đúng nghĩa cho chủ nghĩa Tân Cổ điển. Nó tuyên bố sự trở lại đầy thắng lợi của truyền thống vĩ đại của hội họa lịch sử của Poussin, và đáp lại lời cầu nguyện của các nhà phê bình đã chống lại sự suy đồi của hội họa cung đình trong nhiều năm , với Boucher là kẻ chịu oan … [và] đã đưa ra hình dạng thị giác cho các ý tưởng của Cách mạng Pháp trước sự thật. “

Tác phẩm của David trở nên có ảnh hưởng rộng rãi, truyền lửa cho tác phẩm của thế hệ sau bao gồm Gros và Ingres, cũng như ảnh hưởng đến các nghệ sĩ Lãng mạn Eugène Delacroix và Théodore Géricault, ngay cả khi phong trào của họ chống lại Chủ nghĩa tân cổ điển.

Người dịch: Quang Khải

Cùng tác giả

#Tag

antonio canova benjamin west Hương Mi Lê jean-antoine houdon Lê Hương Mi Neoclassicism Series Lịch sử thiết kế đồ họa voltaire

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…