Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn -Ký Ức Rực Rỡ: ‘Mình giống như người khai phá nét kiêu sa’

Lúc đầu mình không nghĩ sẽ làm một cuốn sách xuất bản rộng rãi, chỉ nghĩ đơn giản vẽ cho ‘đã’ những gì mình biết, mình thích về Sài Gòn và cho riêng mình thôi”

“Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn – Ký Ức Rực Rỡ” là quyển artbook minh họa lại mảnh đất Sài Gòn trước những năm 1975, do Họa sĩ Lâm Nguyễn Kha Liêm minh họa, chắp bút và biên tập bởi Nhà văn – Nhà báo Phạm Công Luận.

Nội dung cuốn sách trải dài từ Sài Gòn – Gia Định cho đến Chợ Lớn. Từ những công trình di sản kiến trúc dinh thự nổi bật cho đến những hội quán, chùa, miếu. Từ những phòng trà khiêu vũ trường cho đến những rạp hát của người Hoa và Việt. Từ những đoàn cải lương lừng lẫy một thời cho đến những nghệ sĩ, kịch sĩ một thời vang bóng. Từ tranh kiếng tuồng tích đến tranh kiếng Nam Bộ,…trên những xe mì của người Hoa hay những bức chân dung nghệ sĩ được vẽ theo lối ảnh chụp của nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu.

Hiện anh Liêm đang hoạt động với tư cách là một Artist & Graphic design. Chia sẻ với iDesign, anh cho hay phong cách minh họa anh đang theo đuổi là trường phái Lập thể [1] và Line Art [2]. 

Các trang thông tin và liên hệ

Behance | Facebook

Trước khi lội ngược dòng tâm trí, hòa vào từng mẩu chuyện trong Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn – Ký Ức Rực Rỡ” để tưởng tượng về vùng đất Sài Gòn Gia Định nhộn nhịp phồn hoa trước những năm 1975, hãy cùng iDesign và họa sĩ Lâm Nguyễn Kha Liêm bóc tách quá trình thai nghén và hoàn thiện quyển Artbook này nhé! 

Chào anh Liêm. Ý tưởng cho những artwork đầu tiên trong “Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn – Ký Ức Rực Rỡ” đã đến với anh như thế nào? 

Ý tưởng vẽ những artwork đầu tiên tiếp nối từ niềm đam mê sưu tập những minh họa trong sách báo, áp phích, nhạc rời. v.v… trước 1975. Đó là hình ảnh những cô gái với những nét xuân đầy đặn trên các phụ bản báo Xuân của họa sĩ Lê Trung; từ những nét vẽ lập thể của họa sĩ Tạ Tỵ, họa sĩ Duy Liêm; đến những nét vẽ mượt mà của họa sĩ Kha Thùy Châu.  

Có thể thấy các thành tố anh sử dụng trong các artwork (như Quan Công đánh Tào Tháo ở Huê Dung Đạo… trên những bức tranh kiếng ở các xe mì tàu,..) đến từ những câu chuyện kể, trải nghiệm ghi chép thực tế trong cuộc sống hàng ngày của anh, hoặc trong những cuốn sách mà anh yêu thích viết về Sài Gòn. Anh có thể chia sẻ một chút về quá trình quan sát và tích góp này của mình?

Những artwork trong quyển sách đều là vẽ theo những cảm xúc và trải nghiệm quan sát thực tế trong cuộc sống hằng ngày, được tích góp qua nhiều năm. Từ những hình ảnh khi thành phố mới hội nhập và bắt đầu phát triển những năm 90 (thời điểm đó khung cảnh vẫn còn mang đậm nét Sài Gòn trước 1975 dù có đôi chút thay đổi) cho đến những năm sau này. Từ những di sản kiến trúc cho đến con người, v.v… Một phần cũng đến từ những câu chuyện kể của ông bà, cha mẹ những dịp Tết Xuân về. Hay trong những mẩu chuyện đăng trong sách báo xưa mà mình sưu tập được.

Cách quan sát, ghi chép từ những trải nghiệm của bản thân có phải cũng là cách mà anh thường áp dụng trong việc sáng tác của mình? 

Đúng vậy. Nhưng cũng có một số chủ đề nó quá xa với thế hệ của mình. Đối với những chủ đề đó, mình thường tham khảo tài liệu từ sách báo cũ hoặc nghe qua những câu chuyện kể của những người cố cựu ở vùng đất này rồi tưởng tượng về khung cảnh đó, khung cảnh nhộn nhịp, rực rỡ một thời đã qua mà mình chưa từng được sống. 

Giữa những giá trị xưa cũ và kỹ thuật tân thời bây giờ, mình kết hợp lại cùng với những tone màu rực rỡ mà mình yêu thích, để những artwork xuất hiện dần dần trong quyển sách, xuyên suốt như một cuốn phim nhựa trên màn ảnh đại vĩ tuyến.

Nói thêm một chút, size cuốn sách của mình là 20x42cm, nó lạ so với size các cuốn sách thông thường. Mình muốn làm theo size này để cuốn sách giống như một màn ảnh rộng đang chiếu từng thước phim về một “Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn – Ký Ức Rực Rỡ”.

Cuốn artbook “Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn – Ký Ức Rực Rỡ” gồm tổng cộng bao nhiêu artwork? 

Số lượng artwork sử dụng trong artbook “Ký Ức Rực Rỡ” khoảng trên dưới 200 artwork như dự tính ban đầu. Mình không nhớ hết được, vì có nhiều artwork được vẽ thêm hoặc bỏ ra trong giai đoạn cuối hoàn thiện cuốn sách, trước khi in ấn, để phù hợp với chủ đề và tạo sự liền mạch cho phần nội dung cuốn sách.

5 năm là tổng thời gian để anh hoàn thiện tất cả các artwork? Điều gì khiến anh đầu tư cho dự án đến thế?

Chỉ khi số lượng artwork càng lúc càng đồ sộ thì lúc này ý tưởng về một cuốn sách mới hình thành dần dần trong đầu. Mà mình thì chưa bao giờ làm một cuốn sách nào trước đó nên cũng mông lung về ý tưởng sách có khả thi hay không nữa. Nhưng cũng nhờ đến sự ủng hộ của bạn bè và đặc biệt là sự tư vấn và ủng hộ của anh Phạm Công Luận nên mình quyết định làm một dự án artbook về vùng đất mình đang sinh sống này với tên chủ đề:Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn – Ký Ức Rực Rỡ.”

Phong cách minh họa mà anh hướng đến trong dự án?

Phong cách mà mình đam mê từ lâu nay trước khi thực hiện cuốn sách này là trường phái hội họa lối Lập thể. Từ lâu mình say mê sưu tập các sách báo cũ, v.v… trước 1975. Thời đó sách báo hay bìa nhạc họ sử dụng đa phần là minh họa từ các họa sĩ, không như bây giờ sử dụng các ảnh photoshop. Và trong những sách báo, bìa nhạc đó mình rất mê phong cách lập thể theo kiểu họa sĩ tiền bối Tạ Tỵ và nhất là họa sĩ Duy Liêm, cũng như thêm kiểu vẽ Line Art. Khi thực hiện cuốn sách, mình muốn định hướng tất cả artwork trong sách sẽ theo những phong cách này, với những tone màu tương phản cao theo sở thích của riêng mình.

Có thể thấy trong “Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn – Ký Ức Rực Rỡ”,  màu sắc là yếu tố đầu tiên thu hút thị giác người xem. Anh có thể giải thích ý nghĩa của việc sử dụng và kết hợp các màu sắc trong quyển artbook?

Goût màu sắc của mình thiên hướng về tương phản mạnh và màu chỏi bất tự nhiên. Nó cũng ảnh hưởng một phần từ những tone màu trên những minh họa sách báo cũ trước 1975. Nhưng có lẽ thời đó kỹ thuật đồ họa chưa có hoặc chưa được phát triển bằng bây giờ nên những minh họa đó không được rực rỡ lắm.

Cho tới thời điểm này, anh nghĩ mình “vẽ đã” những gì mình biết về Sài Gòn chưa?

Vẫn chưa (cười) làm sao vẽ hết được. Vì càng vẽ càng say mê thì càng có thêm nhiều thứ để vẽ, càng có thêm thứ để tìm tòi học hỏi. Kiểu mình giống như người “khai phá nét kiêu sa”.

Anh có thể chia sẻ về quy trình để quyển artbook được phát hành, từ khi những ý tưởng sơ khai mới chớm nở đến khi quyển artbook được cầm trên tay? Theo anh việc một họa sĩ tự phát hành sách có quá khó khăn không?

Để vẽ thỏa mãn đam mê cho mục đích cá nhân thì dễ, mình tự vẽ mình tự xem thì không sao, không ảnh hưởng đến ai. Nhưng để làm một cuốn sách xuất bản cho cộng đồng thì lại là chuyện rất khác. Nó phải có một loạt hình ảnh liền mạch, xây dựng nội dung chủ đề rõ ràng và đầy đặn. Mình phải dung hòa giữa ý tưởng và chủ đề của cuốn sách. Cho dù mình có tâm đắc một số tranh hoặc ý tưởng ban đầu nhưng nếu nó không hợp hoặc bị chỏi trong tổng thể nội dung cuốn sách thì mình phải thay đổi hoặc bỏ nó ra dù rất thích nó. Nên để làm một cuốn sách, mình nên cân bằng mọi thứ.

Từ lúc ý tưởng mới sơ khai cho đến khi mình cầm trên tay cuốn sách thực tế (ấn tượng vì nó quá lớn so với sách thông thường – 2.3kg – 42x20cm) là một quá trình dài. Nó cho mình nhiều kinh nghiệm làm sách, thử nghiệm nhiều kỹ thuật mới trong minh họa và có cái nhìn rộng hơn.

Theo cá nhân mình thấy, một họa sĩ tự phát hành sách là không khó, cái khó là họ phải sắp xếp thứ tự công việc rõ ràng từ khâu minh họa design, dàn trang cho đến khâu xin giấy phép và in ấn sao cho hợp lý. 

Một cuốn sách chỉ có hình ảnh minh họa bắt mắt chưa hẳn đã tốt, vì nó làm độc giả chỉ hào hứng lúc đầu và dễ chán sau đó. Còn chỉ tập trung vào nội dung mà minh họa sơ sài thì quá khô khan rất kén độc giả, nhất là về những dòng artbook. Cả hai nên dung hòa. Mà đa phần là các họa sĩ bây giờ làm sách họ quá tập trung vào hình ảnh mà bỏ quên hoặc không coi trọng phần nội dung – bài viết đi kèm.

Vậy điều gì từ Nhà văn – Nhà báo Phạm Công Luận đã khiến anh quyết định tìm gặp và gửi gắm đứa con tinh thần này của mình?

Anh Phạm Công Luận và mình quen biết trước đó cũng lâu. Anh cũng chia sẻ với mình về những ý tưởng và những dự án sách của anh. Nhưng do thời điểm lúc đó mình và anh Luận có nhiều dự án đang thực hiện, cũng như thời gian không thuận lợi để cả hai có thể kết hợp với nhau. Mình biết anh Luận là người có kiến thức sâu rộng về vùng đất Sài Gòn này qua các buổi gặp mặt cafe nói chuyện, cũng như các đầu sách anh đã xuất bản hơn 10 năm qua mà anh viết về vùng đất này, nên mình rất tin tưởng khi ngỏ ý nhờ anh Luận hợp tác viết bài cho cuốn sách “Ký Ức Rực Rỡ”, dù lúc đó anh cũng bận nhiều cho mấy dự án khác.

Anh có thể bật mí một chút với các độc giả của iDesign về một dự án sắp tới của anh?

Bí mật (cười)


Chú thích:

 [1] Chủ nghĩa lập thể, còn gọi là trường phái lập thể, (Cubism) là một trường phái hội họa tạo ra cuộc cách mạng về hội họa và điêu khắc châu Âu vào đầu thế kỷ 20. Chủ nghĩa lập thể do Georges BraquePablo Picasso khởi xướng năm 1906 tại khu Montmartre của kinh đô ánh sáng Paris, Pháp. Trong tác phẩm của họa sĩ lập thể, đối tượng được mổ xẻ, phân tích và được kết hợp lại trong một hình thức trừu tượng. 

[2] Chúng ta thường nghĩ rằng nét vẽ của nghệ sĩ là cách thuần túy nhất để xác định khả năng của họ. Khi một đường vẽ uốn lượn trên một tờ giấy hoặc vải, bạn cảm nhận được những cảm xúc mạnh mẽ mà nó phát ra. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nghệ thuật Line Art, hay Line Drawing, là một trong những yếu tố cơ bản nhất của nghệ thuật thị giác.

Thực hiện: May

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh do nhân vật cung cấp


Cùng tác giả

#Tag

idesign signature Lâm Nguyễn Kha Liêm may Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn -Ký Ức Rực Rỡ

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 03/2023
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 03/2023
/Maybe bạn nên … Đi/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ 1. Triển lãm ‘Alice ở…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Rembrandt 
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Rembrandt 
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Với niềm say mê đặc biệt dành cho nghệ thuật và tình yêu thiên nhiên ngay từ thuở bé, Tomoaki Murayama, một nghệ sĩ Nhật Bản đã tạo nên vô…