Camelia Phạm: ‘Vẽ mà được khách cho tự do tung tóe màu là mát hết cả lòng’
Hòa vào không khí trung thu 2022 năm nay, Phạm Thu Trà hay còn được gọi là Camelia Phạm – một Freelance Illustrator sinh sống và làm việc tại Hà Nội với phong cách minh họa “đồng bóng có quy củ” cũng mang đến một thiết kế hết sức “màu mè” – với phần minh họa sân khấu tuồng cho hộp bánh trung thu Si Mooncake – “Tân Nguyệt Phúc Hưng” của SI Cuisine & Mixology 18 Hàng Bài.
Website | Facebook | Instagram
Si Mooncake 2022 là dự án tiếp nối hàng năm mà Zeit Media thực hiện cho SI Cuisine & Mixology 18 Hàng Bài. Đội ngũ đã thai nghén từ rất lâu và bắt đầu triển khai dự án án từ tháng 4/2022.
Si Mooncake – “Tân Nguyệt Phúc Hưng” là câu chuyện kể về biểu tượng văn hoá, lấy cảm hứng từ các giá trị di sản cần được gìn giữ như hoa văn chạm trổ, điêu khắc của mỹ thuật kiến trúc Bắc Bộ Việt Nam, cùng nghệ thuật Tuồng, được phục dựng bằng đôi tay kỹ nghệ đỉnh cao qua ánh nhìn hiện đại để trở nên gần gũi hơn với thế hệ đương thời. Trong đó, “Tân Nguyệt” nghĩa là khi ta bước qua một mùa Trăng mới nhiều trải nghiệm hơn trên đường đời; “Phúc Hưng” thay cho lời chúc về vạn sự hạnh phúc, hưng thịnh và bình an.
Ngay sau đây, hãy cùng chúng mình tâm tình một chút với Trà để mổ xẻ artwork trên hộp bánh Trung Thu của Si Mooncake – “Tân Nguyệt Phúc Hưng” nhé!
Chào Trà! Cơ duyên để bạn đảm nhận dự án thiết kế cho hộp bánh Trung Thu 2022 của SI Cuisine & Mixology 18 Hàng Bài là như thế nào vậy?
Một ngày đẹp trời mình được anh Lài Nguyễn bên Zeit Media liên hệ muốn hợp tác cho dự án lần này. Anh có rủ mình qua Si thăm thú rồi còn gửi hộp bánh năm ngoái để lấy cảm hứng.
Ý tưởng ứng dụng “sân khấu tuồng” cho thiết kế hộp bánh trung thu năm nay là từ nhãn hàng hay do Trà đề xuất? Vì sao SI/Trà lại muốn khai thác yếu tố này?
Chủ đề đó là bên Zeit Media lên rồi bảo mình vẽ thôi. Hồi đầu bọn mình định làm ca trù nhưng vì cả mình lẫn Zeit đều thích màu mè, mà quần áo của các nhân vật trong dàn ca trù sẽ không được chi tiết và sắc sảo được như hát hội nên bọn mình đã quyết định thay đổi trong lúc lên sketch (vẽ phác thảo ý tưởng).
Có khó khăn nào trong việc đi tìm nguồn tư liệu tham khảo hay không?
Thật ra hát bội cũng có khá nhiều tư liệu hình ảnh rồi, vấn đề duy nhất chắc là có quá nhiều trang phục để chọn mà mỗi cái mình thích một tý, nên mình cũng gán ghép các mũ miện, trang sức và quần áo của các nhân vật trong các vở tuồng cổ lại với nhau. (Nếu mình có cắt ghép gì sai và làm mất mục đích của các trang sức và trang phục ấy, mong các bạn nhắn cho mình biết để về sau mình rút kinh nghiệm nha).
Mình cũng muốn 3 nhân vật trong sân khấu của mình là 3 nhân vật cơ bản trong các vở tuồng như kép, đào và tướng. Nhưng vì mình chuyên vẽ nữ giới hơn nên có chút thiên vị với các nhân vật nữ (cười). Cộng với việc sản phẩm làm ra cho dịp Trung Thu, nên mình muốn thay vì chọn những vị tướng hùng hổ thì một nhân vật nữ chính đoan trang nhưng vẫn có phần oai phong đứng giữa sẽ phù hợp hơn.
Những hình dung ban đầu của Trà về thiết kế có quá khác so với artwork cuối cùng không? Bạn đã “bung” với những ý tưởng của mình như thế nào?
Tính ra thì đối với tranh khách đặt mình hầu như không thay đổi nhiều so với bản sketch đã duyệt. Nhưng anh Lài đã cho mình hầu như toàn quyền lựa chọn các màu sắc, pattern (họa tiết), chi tiết với mỗi yêu cầu là làm thật màu mè, cũng như có thể sử dụng màu tím và xanh. Từ đầu mình cũng không phác thảo các chi tiết xung quanh sân khấu mà chỉ tự biên tự diễn lúc lên màu thôi nên cảm thấy rất thoải mái bung lụa.
Mình thấy bạn sử dụng những tone màu rất nổi bật cho artwork này. Bạn đã kết hợp chúng ra sao để tạo nên một tổng thể hài hòa nhưng vẫn có điểm nhấn nhá?
Cái này mình cũng không biết giải thích thế nào, mình cũng hay dùng màu mạnh nên nó như cảm tính thôi á.
Nhìn vào thiết kế hộp bánh trung thu 2022 của SI Cuisine & Mixology, dễ dàng nhận diện ngay đây là artwork do Trà thực hiện. Liệu bạn có đang định hình phong cách vẽ cho bản thân? Bạn cảm thấy việc xác định phong cách minh họa của riêng mình có cần thiết không? Tại sao?
Thật ra cũng tuỳ lĩnh vực và định hướng sự nghiệp để quyết định phong cách cá nhân có cần thiết hay không. Nếu bạn có thể “chấp” nhiều trường phái hoặc trong công việc đòi hỏi sự đa dạng trong phong cách, như art director, thì việc đi tìm phong cách riêng chỉ tổ làm bạn fomo (hội chứng sợ bỏ lỡ) và đau đầu thêm. Ngược lại, nếu bạn như mình, biết điểm yếu của mình ở những chỗ nào và xây dựng phong cách cá nhân hầu như chỉ để trốn tránh những điểm yếu ấy (phối cảnh và anatomy – giải phẫu học), tô đậm những điểm mạnh (màu sắc tung toé và pattern tỉ mẩn) thì chúc mừng, bạn đã có phong cách riêng rồi đó.
Nên việc có phong cách riêng tốt hay không cũng khó nói, nhưng cá nhân mình thích việc mọi người nhìn ra được nét vẽ của mình hơn, vì khi các khách hàng tương lai có tìm đến mình, họ cũng biết mình có thể đem lại cho họ cái gì và tin tưởng cho mình thoải mái tự do làm theo cách mình thích.
Bạn hoàn thành artwork này trong bao lâu?
Tầm một tháng
Trà có thể chia sẻ một chút cảm nhận của bạn về mùa Trung Thu năm nay?
Năm nay không bị cách ly rồi nên mình cũng hí hửng tha hồ bay nhảy sang nhà má ăn bánh uống trà.
Là một người làm nghệ thuật nghiêm túc, bạn có lời khuyên nào với những bạn trẻ đang làm về nghệ thuật và sáng tạo để bảo vệ các sản phẩm của mình?
Không phải ai cũng có thể đăng ký bản quyền cho tất cả các sản phẩm từng tạo ra, nên mình nghĩ cách tốt nhất là xây dựng một cộng đồng để có thể bảo vệ cho sản phẩm của mình và những người xung quanh. Mọi người đều biết là về vấn đề bản quyền thì ở Việt Nam còn đang rất lỏng lẻo và phần nhiều những vụ đánh cắp hình ảnh thường không có hình phạt gì, nhưng hiện nay mình thấy số đông các bạn trẻ rất có ý thức trong việc tôn trọng bản quyền rồi. Nếu mọi người tiếp tục lên tiếng và tẩy chay những thứ sử dụng hình ảnh trái phép thì mình nghĩ sẽ không phải quá lo lắng về vấn đề này trong tương lai.
Thực hiện: May
Thiết kế: Uyên Nguyễn
Hình ảnh do nhân vật cung cấp
Nguồn tham khảo
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Calligrapher Đào Huy Hoàng: “Mình chẳng có gì ngoài kiên nhẫn cả”
- 2. Hậu trường Việt Sử Kiêu Hùng - góc nhìn cận cảnh về nghề lồng tiếng
- 3. Illustrator Đốm: Đem lại ấm áp cho người khác bằng tranh vẽ
- 4. Triển lãm “Vẽ về hát bội” - cánh cửa giao thoa văn hoá giữa hai thế hệ
- 5. Illustrator Kỳ Huỳnh: Dùng lý trí để tư duy sáng tạo
- 6. VR ở Việt Nam: Không khó về kỹ thuật mà là con người
- 7. Vietnam Geographical Indications - Hành trang đưa nông nghiệp Việt bước ra thế giới
- 8. Dạo quanh một vòng triển lãm tốt nghiệp tại Đại học Văn Lang
- 9. Có gì ở triển lãm tốt nghiệp tại đại học Mĩ Thuật (TP.HCM)?
- 10. Dự án “THỊ ƠI”: Trào phúng cùng những cô Thị thích đùa