Okkio Typeface: Bộ chữ lấy cảm hứng những thanh âm du dương đầy tính ứng tác của nhạc Jazz
Okkio Caffe, một quán cà phê lấy cảm hứng từ nhạc Jazz ở Việt Nam đã đặt hàng Chợ Chời Creative (studio chuyên về Branding, Packaging, Artwork, Type) – một kiểu chữ tùy chỉnh được thiết kế dành riêng cho thương hiệu của họ, thể hiện bản chất của quán cà phê dựa trên những đặc điểm của nhạc Jazz.
Nếu chưa từng tiếp xúc với Jazz thì bạn có thể tham khảo định nghĩa (bao gồm tất cả những thời kỳ khác nhau của Jazz) được đề xuất bởi Travis Jackson, cho rằng: “Jazz là loại âm nhạc gồm những tính chất như swing, ứng tác, tác động cộng hưởng trong nhóm, phát triển một ‘tiếng nói cá nhân’, và mở rộng cho những khả năng âm nhạc khác.”
Và “…để thể hiện được sự đa dạng của Jazz, Team Chợ Chời đã sử dụng cách layout tương tự những chiếc bìa đĩa than ngày xưa nhằm cân bằng được sự cứng cáp. Ngoài ra, thêm thắt chút tinh quái trong cách đặt để chữ cái sao cho biến đổi liên tục mà không gây nhàm chán”, như đúng tinh thần của nhạc Jazz.
Cùng iDesign trò chuyện với team Chợ Chời ngay sau đây để hiểu hơn cách studio khai triển dự án này nhé!
Website | Behance | Facebook | Instagram
Chợ Chời đã tiếp nhận dự án như thế nào? Liệu có liên quan đến ba keyword – Người thích kể chuyện/Tận hưởng/Bạn bè – mà team đã từng mô tả bản thân mình?
Có thể cũng là sự may mắn, trùng hợp khi anh Đạt (Founder của Okkio caffe) biết được Chợ Chời thông qua anh của mình là Team Red5 – cũng vừa hoàn tất công trình Okkio Thảo Điền. Sau khi xem qua một vài dự án về cà phê mà Chợ Chời làm trước đó, anh Đạt đã lựa chọn Chợ Chời để ReBranding (tái cấu trúc/ làm mới thương hiệu) cho Okkio.
Tìm đến Chợ Chời để thực hiện bộ Typeface (Kiểu chữ) cho thương hiệu của mình, Okkio Cafe đã đặt ra những mục tiêu nào cho dự án? Thông qua kiểu chữ này, Okkio mong muốn khoác lên mình đặc điểm nhận diện nào của thương hiệu?
Anh Đạt đã đưa cho Team một đề bài là làm như thế nào để khi ReBranding, dù không nhìn vào Logo hay không gian ở Okkio, khách hàng vẫn có nhận diện được Okkio một cách tự nhiên và dễ nhớ. Anh có nói là mình thích những triết lý của Murakami, những thước phim của Vương Gia Vệ và giai điệu nhạc Jazz.
Sau khi research (nghiên cứu) và ra được nhiều ý tưởng khác nhau, Chợ Chời đề xuất anh Đạt hãy làm một bộ chữ cho riêng Okkio. Vì ở thời điểm đó, Team nhận thấy CHỮ là một yếu tố mà gần như ai cũng phải đọc khi tiếp cận bất kì một sản phẩm nào và thật vui khi anh Đạt tin tưởng và đồng ý.
Jazz là dòng nhạc sâu lắng, nhẹ nhàng và có dòng chảy lịch sử lâu đời. Tuy nhiên, cá tính của thương hiệu lại mang hơi hướng vui nhộn và có chút hiện đại. Team đã cân bằng điều này như thế nào để cho ra đời bộ Typeface cất lên tiếng nói của thương hiệu?
Thật ra đối với mình, Jazz cũng giống như đa phần các dòng nhạc khác, có giai điệu buồn, vui và đa cảm xúc. Những con chữ của Okkio sẽ là dòng Condense [1] nên khá đứng và chắc, nên để thể hiện được sự đa dạng của Jazz thì Team sử dụng cách layout tương tự những chiếc bìa đĩa than ngày xưa nhằm cân bằng được sự cứng cáp. Ngoài ra sẽ có chút tinh quái trong cách đặt để chữ cái sao cho biến đổi liên tục mà không gây nhàm chán.
Được biết, mỗi chữ cái trong bộ Typeface được lấy cảm hứng từ nội thất của quán cà phê Okkio. Chợ Chời có thể chia sẻ một vài ví dụ?
Theo như hình ảnh dưới đây sẽ giúp mọi người dễ hình dung hơn, như:
H là chiếc bàn,
X là chiếc đèn treo,
Q với phần đuôi từ chi tiết trên tường,
A là chiếc ghế counter
Và O chính là phần âm của Logo Symbol Okkio – một cách nhắc lại đặc trưng của Logo.
Hệ thống dấu của bảng chữ cái tiếng Việt như một điểm nhấn “gảy lên” giai điệu cho bộ Typeface. Team có thể chia sẻ thêm về ý tưởng này cũng như những khó khăn trong việc tìm một hệ thống dấu tiếng Việt phù hợp?
Vì ban đầu khi ReBranding, Team đã chọn được con đường khá rõ ràng nên việc triển khai sau đó dễ dàng hơn. Tụi mình chỉ việc tập trung vào những gì liên quan đến âm nhạc nói chung và Jazz nói riêng.
Theo team, việc thiết kế Typeface tiếng Việt có những trở ngại nào? Team có những chia sẻ hay gợi ý bổ ích nào cho những bạn yêu thích và đang nghiên cứu, thực hành thiết kế Typeface, đặc biệt là Typeface tiếng Việt?
Về tính chất của dấu tiếng Việt, có lẽ mọi người đều biết đó luôn là trở ngại của tất cả các Designer ở Việt Nam. Vì mình phải tính toán làm sao cho khoảng cách giữa các dòng chữ khi gõ ra không quá cao và làm ảnh hưởng đến sự ổn định của bố cục chữ – điều mà sẽ dễ gây khó đọc nếu xử lý dấu không khéo.
Bộ dấu cũng nên tinh giản để dễ nhận diện vì đa phần tỷ lệ độ dày của dấu luôn mỏng hơn nhiều so với các chữ cái. Nếu xử lý không khéo thì khi dấu có kích thước nhỏ sẽ dễ rối tổng thể khi đọc và không nhận diện được.
Thực tế là tụi mình đều tự xem sách và thử nghiệm nhiều rồi từ đó đúc kết được kinh nghiệm cho bản thân, chứ không phải được học từ một khoá học chuyên sâu. Nên team Chợ Chời không dám đưa ra lời khuyên nào, nhưng mọi người có thể tham khảo các cuốn sách mà tụi mình đã đọc và học hỏi được:
- Designing fonts (tạm dịch: Thiết kế phông chữ) – Chris Cape & Ulrike Rausch
- Type tricks (tạm dịch: Thủ thuật kiểu chữ) – Sofie Beier
- Thinking with type (tạm dịch: Suy nghĩ với kiểu chữ) – Ellen Lupton
Khi tiếp nhận và sau khi hoàn thành dự án, Chợ Chời cảm thấy như thế nào khi thấy một thương hiệu F&B Việt đầu tư cho phần nhận diện thương hiệu đến thế?
Team Chợ Chời rất vui khi sau khi công bố dự án Okkio, nhiều đồng nghiệp, bạn bè xung quanh đều rất thích. Những khách hàng sau này cũng tìm đến Chợ Chời với mong muốn có cho mình một bộ chữ riêng. Đó gần như là một thành công với Team sau những gì tụi mình đầu tư.
Trước đây, các thương hiệu không hiểu được giá trị mà một bộ chữ riêng mang lại cho họ. Thế nhưng khoảng hai năm trở lại đây, mọi thứ đã thay đổi. Các thương hiệu dần nhận ra được tầm quan trọng của việc này, đặc biệt là mảng F&B cũng là mảng thiết kế chính của Chợ Chời.
Sắp tới đây Team sẽ còn ra mắt những dự án mới nữa về chữ, cho riêng các thương hiệu và cả miễn phí. Mong rằng mọi người sẽ đón nhận, trải nghiệm và nếu được có thể feedback về lỗi để Team ngày càng hoàn thiện hơn. Đâu đó, Team muốn có thể cùng những bạn làm Chữ ở Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh hơn ở mảng thiết kế mới mẻ này.
Thực hiện: May
Thiết kế: Uyên Nguyễn
Hình ảnh do Chợ Chời Creative cung cấp
Chú thích:
[1] Condense là kiểu font chữ dạng dẹp theo chiều dọc, để khi sử dụng, dòng có thể chứa được nhiều chữ cái hơn, và tổng quan chung layout trông sẽ chắc chắn hơn.
Nguồn tham khảo
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Calligrapher Đào Huy Hoàng: “Mình chẳng có gì ngoài kiên nhẫn cả”
- 2. Hậu trường Việt Sử Kiêu Hùng - góc nhìn cận cảnh về nghề lồng tiếng
- 3. Illustrator Đốm: Đem lại ấm áp cho người khác bằng tranh vẽ
- 4. Triển lãm “Vẽ về hát bội” - cánh cửa giao thoa văn hoá giữa hai thế hệ
- 5. Illustrator Kỳ Huỳnh: Dùng lý trí để tư duy sáng tạo
- 6. VR ở Việt Nam: Không khó về kỹ thuật mà là con người
- 7. Vietnam Geographical Indications - Hành trang đưa nông nghiệp Việt bước ra thế giới
- 8. Dạo quanh một vòng triển lãm tốt nghiệp tại Đại học Văn Lang
- 9. Có gì ở triển lãm tốt nghiệp tại đại học Mĩ Thuật (TP.HCM)?
- 10. Dự án “THỊ ƠI”: Trào phúng cùng những cô Thị thích đùa