Nghe Mai Vũ giải mã ‘Spring Roll Dream’ - Dự án hoạt hình stop motion thắng giải truyền cảm hứng tại liên hoan phim Cannes 2022 (Phần 1)

Ngày 28/5 vừa qua, cộng đồng sáng tạo Việt đã vô cùng tự hào khi hay tin Mai Vũ, đạo diễn phim “Spring Roll Dream” (tạm dịch: Giấc mơ gỏi cuốn) xuất sắc thắng giải “Lights on Women” ở Liên hoan phim Cannes, một trong những giấc mơ của nhiều đạo diễn cũng như nhà sáng tạo trẻ trên khắp thế giới.

Mai Vũ sinh năm 1992 tại TP.HCM và hiện tại đang sinh sống tại Anh. Gắn bó với hoạt hình từ năm 2011, những đoạn phim ngắn ban đầu chị thực hiện chủ yếu là để bạn bè thưởng thức. Từ 2012 đến 2015, Mai thử sức với nhiều vai trò như biên kịch, chụp ảnh, dựng phim. Và rồi, “Xin chào bút chì” – loạt phim hoạt hình stop motion dài hơn 70 tập đầu tiên của Việt Nam được chị đạo diễn ra đời như một lời khẳng định chắc nịch của Mai về con đường mà chị đang theo đuổi.

Ngoài ra, Mai còn thực hiện các video quảng cáo, chủ yếu dưới dạng stop motion. Năm 2020, chị sang Anh du học Khoa Đạo diễn hoạt hình, khóa Master tại National Film and Television School – NFTS (trường Điện ảnh & Truyền hình Quốc gia Vương quốc Anh) và vừa tốt nghiệp vào tháng 3 năm nay. 

“Spring Roll Dream”  là sản phẩm tốt nghiệp của Mai, có độ dài 9 phút, được chiếu và tranh giải trong hạng mục La Cinéf của Liên hoan phim Cannes 2022. Hạng mục La Cinéf được thành lập từ năm 1998, dành cho việc tìm kiếm tài năng mới. Mỗi năm, ban tổ chức sẽ chọn từ 15 đến 20 phim ngắn hoặc dài từ hàng nghìn phim của những đạo diễn trẻ thuộc các trường điện ảnh trên toàn thế giới. Năm nay, “Spring Roll Dream” vinh hạnh nằm trong 16 tác phẩm được chọn trong số 1.528 phim được gửi về.

Khi được hỏi các tiêu chí để tham dự một liên hoan phim danh giá như Cannes có khắt khe quá không, chị cho biết: “Không thể nói được là khắt khe hay không mà bản thân nó ở bộ phim, ở tinh thần của bộ phim, nhiều khi nó ở tiêu chí tìm kiếm của liên hoan phim đó. Liên hoan phim Cannes thì chuyên về phim Live action hơn nên là họ không quá chú trọng kỹ thuật hoạt hình như thế nào, mà họ muốn tìm câu chuyện đủ truyền cảm, có chất nhân văn, đồng cảm ngay được và có góc nhìn chân thật. Đấy là mình rút ra được khi xem các phim được chọn trong năm nay.”

2 năm là khoảng thời gian để những ý tưởng đầu tiên về “Spring Roll Dream” chớm nở và được thành hình. Trong đó bao gồm 1 năm lên ý tưởng, 6 tháng cho khâu tiền sản xuất kịch bản, tạo hình và 8 tháng để quay phim.

Đó là câu chuyện về gia đình của một người mẹ đơn thân người Việt đang sinh sống tại Mỹ là Linh (do Elyse Dinh lồng tiếng) và con trai Alan (Jarlan Bogolubov). Cuộc sống của hai mẹ con bị đảo lộn khi bố cô – ông Sang (lồng tiếng bởi Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Bài Bình) từ quê nhà sang thăm. Trong một lần nấu ăn, ông có ý định làm món gỏi cuốn cho cháu trai nhưng Linh thì lại muốn nấu mì ống và phô mai. Từ đây, khoảng cách thế hệ lộ rõ bởi sự bất đồng quan điểm giữa hai cha con. Một tuyến nội dung không quá mới mẻ nhưng đâu đó đã chạm vào sự sâu thẳm trong rất nhiều người xem, đặc biệt là những gia đình Việt.

Tò mò về cách thức khai thác của nữ đạo diễn Mai Vũ trong “Spring Roll Dream”, chúng mình cũng đã có một cuộc trò chuyện thân mật với chị từ đất nước Anh xa xôi, để thâm nhập và soi chiếu vào góc nhìn của một nhà làm phim nữ – trẻ – người Việt – đang sinh sống tại nước ngoài.

Khi được hỏi về phong cách nghệ thuật mà chị đang theo đuổi, Mai cho hay bản thân không đi chuyên sâu một phong cách nghệ thuật riêng nào cả, nhưng gần đây lại bị thu hút đặc biệt với chất liệu giấy. 

Điều gì từ giấy khiến chị muốn khai thác và đào sâu mà không phải là các chất liệu khác? Và chị đã chinh phục chất liệu này như thế nào?

Chắc là sở thích cá nhân thôi. Có cái gì đó ở giấy rất nhẹ nhàng và dịu dàng khi lên phim. Đất sét thì màu sắc hơn, trơn, và dễ thương. Giấy thì lại có cái gì đó hơi thô, ra được cái chất thủ công. Và khi các nhân vật được làm từ giấy tự dưng nó mềm ra. Ngoài ra, ở giấy có một sự mỏng manh nên khi chất liệu lên nhân vật tự nhiên giúp cho các nhân vật có một độ nhạy cảm nhất định. Trước đây mình cũng có làm một số dự án bằng chất liệu giấy với những hình thức sử dụng khác nhau như Paper model (Mô hình giấy), Paper Sculpture (Điêu khắc cắt giấy).

Khi làm “Spring Roll Dream”, mình muốn phim được thể hiện với chất liệu giấy là chính. Tuy nhiên, chất liệu này cũng gặp khá nhiều hạn chế vì nó không được bền, nên tụi mình phải kết hợp nhiều chất liệu khác nhau để duy trì độ bền cho set và nhân vật.

“Spring Roll Dream” là một dự án dài hơi với thời lượng dài, 9 phút là khá là dài cho một bộ phim ngắn. Để làm ra con puppet (con rối) cũng qua rất nhiều công đoạn và mất khoảng trung bình 1 tháng cho một nhân vật.

Có khó khăn nào trong quá trình chị tạo hình nhân vật không?

Thật sự thì tụi mình có một khoa model making (làm mô hình) riêng và những con puppet này được làm bởi 2 bạn model making.

Trở ngại đó là chất liệu giấy thì không duy trì được lâu. Giống như quần áo sau khi quay 1 – 2 cảnh là đã rách hết rồi, nên tụi mình phải tìm một chất liệu thay thế sao cho cái chất nhìn giống giấy nhưng nó là dạng nhựa tổng hợp. Nhờ vậy mà chất liệu này duy trì được trong hơn 8 tháng.

Khi bạn xem trailer sẽ có những đoạn cận cảnh thể hiện gương mặt có sự thô ráp. Tụi mình muốn tạo bề mặt chất liệu như vậy, nhưng khi thử chất liệu đất sét giấy để làm bề mặt gương mặt thì tụi mình gặp một vấn đề tương tự như giấy là nó không được chắc và có xu hướng bị vỡ ra, cũng không được bền. Thành ra các bạn model making phải làm rất nhiều công đoạn.

Đầu tiên các bạn dùng đất sét giấy để làm bề mặt, đổ khuôn trên cái đất sét giấy đó để lấy chất liệu bề mặt, rồi đổ lại trên một chất liệu khác để cho nó chắc hơn. Tựu chung lại thử thách khi làm con nhân vật này là làm sao để nó được chắc, bền và duy trì được trong 8  tháng ghi hình. Nếu như không có một đội ngũ thực sự lành nghề về model making thì mình cũng không biết phải làm thế nào. 

Một trong những cách khác là làm nhiều con model khác nhau, nhưng với cách đó thì mỗi lần làm model sẽ hơi khác đi và trong các cảnh quay không có tính ổn định.

Vậy tạo hình các nhân vật trong “Spring Roll Dream” được chị lấy cảm hứng từ đâu? Vừa đạo diễn vừa kiêm họa sĩ hoạt hình chính cho dự án, chị đã xoay sở như thế nào để cho đời dự án?

Cảm hứng tạo hình nhân vật được dựa vào hình ảnh của bố mình, những người bố của bạn bè và thậm chí là của chồng mình. Đó là tổng hòa hình ảnh của một người bố, gốc Bắc, có phần hơi khó biểu đạt cảm xúc trực tiếp, nhưng trong nhân vật đó chứa đựng rất nhiều tình cảm, và ông phải thể hiện gián tiếp bằng việc nấu nướng cho con cái.

Ekip của “Spring Roll Dream” khoảng 9 người chủ đạo, bao gồm: 1 bạn dựng phim, 1 bạn sản xuất, 1 bạn biên kịch, 1 bạn soạn nhạc, 1 bạn thiết kế âm thanh, 1 bạn thiết kế mỹ thuật,… và mình. Ngoài ra cũng có một số bạn cộng tác viên khác làm model (mô hình), diễn hoạt, visual effect (hiệu ứng hình ảnh). Tụi mình bắt đầu từ tháng 12, đến tháng 6 vừa rồi mới bắt đầu quay được. Cả một quy trình mất khoảng hơn 1 năm và tháng 3 vừa rồi là hoàn thành.

Khâu dựng kịch bản đã được chị chuẩn bị như thế nào? Có câu chuyện thú vị nào chị muốn chia sẻ với các độc giả của iDesign không?

Phần kịch bản thì mình xây dựng từ năm trước rồi, ngay từ năm nhất mình theo học đại học. Mình đã ngồi lại với một bạn biên kịch và một bạn sản xuất để cùng nhau trao đổi kịch bản. Tụi mình bàn bạc liên tục để chia sẻ suy nghĩ về nhân vật, về gia đình, về mối quan hệ trong gia đình, tìm hình thức khai thác để kể câu chuyện được chân thực và thể hiện được mục đích là “muốn kể một vấn đề về khoảng cách thế hệ giữa các nhân vật cũng như làm sao để kết nối lại khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình”. Bàn bạc với nhau thì tụi mình chọn hình thức khai thác là làm một bộ phim về nấu nướng, vì nấu ăn là một trong những hoạt động thân mật nhất và gần gũi nhất trong gia đình, hiện lên nhiều sự gắn kết nhất khi mà tất cả các thành viên cùng ngồi chung quanh một cái bàn ăn.

Thông qua bộ phim “Spring Roll Dream”, chị muốn truyền tải thông điệp gì đến người xem?

Có lẽ mình muốn tìm lại sự kết nối trong gia đình. Vì khi lớn lên, nhìn thấy trong gia đình mình, cả trong gia đình những người bạn của mình, cái khoảng cách về thế hệ khiến cho cha mẹ và con cái nhiều khi không tìm được tiếng nói chung. Có những mâu thuẫn nó tạo thành những tổn thương mà nhiều khi phải mất hàng chục năm để chữa lành. 

Khoảng cách thế hệ xuất hiện ở khắp mọi nơi, khắp mọi các nền văn hóa. Mọi người đều có nỗi trăn trở như vậy, mọi người đều có tình yêu với gia đình nhưng ai cũng đều có dấu chấm hỏi là giữa tôi và thế giới cũng như giữa tôi và gia đình nó có mối liên hệ như thế nào? Khi lớn lên, mình luôn muốn tìm thấy cái tôi, tìm thấy vị trí của mình trong thế giới này. Nhưng mà càng lớn hơn nữa mình mới nhận thấy là có những phần của cha mẹ nó nằm trong mình mà mình không hề để ý, không hề nhìn tới, nhiều khi không trân trọng nữa.

Khi làm bộ phim này mình cũng muốn khai thác các góc nhìn khác nhau của các nhân vật. Cái chính là để tìm tiếng nói chung, làm sao để hiểu, để chấp nhận nhau. Có lẽ đó là ý chính mà mình muốn truyền tải trong phim.

(Còn tiếp)

Thực hiện: May

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh do nhân vật cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

idesign signature Mai Vũ may Spring Roll Dream stop motion

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…