Khám phá thơ Việt thời 4.0 qua dự án ‘Thơ Việt thời áo trắng’ của Đặng Hải Đăng

​​​​​​​Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật, bom rơi kính vỡ đi rồi

Ung dung buồng lái ta ngồi,

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa, như ùa vào buồng lái

Có lẽ đây là một trong những vần thơ còn in lại sâu đậm nhất trong tâm trí của mình sau nhiều năm rời khỏi ghế nhà trường trung học. Và thành thật mà nói, dù yêu thích những vần thơ cũ, nhưng cũng chẳng mấy khi mình chịu lục tìm những quyển sách trung học để ngâm, để ngẫm lại các vần thơ. Có lẽ là vì chúng ta đã và đang sống trong một thời đại mà văn hóa thị giác đang chiếm ưu thế hơn cả. Những cách thể hiện cũ cũng đã không còn đủ thu hút. Nhưng hôm nay, mình rất hào hứng vì có thể ngân nga những vần thơ quen thuộc ấy qua một cách tiếp cận khác rất mới, mà cũng rất theo kịp thời đại thông qua Thơ Việt thời áo trắng, một dự án cá nhân do Đặng Hải Đăng, một designer đang sống và làm việc tại TP.HCM thực hiện.

Với mục tiêu làm sống lại những vần thơ một thời là ký ức của tất cả chúng ta, Hải Đăng đã cho ra đời dự án này thông qua các artwork khác nhau, với rất nhiều phong cách diễn đạt. Ngoài ra, để tăng cảm hứng cho người trải nghiệm thơ ca trong thời đại 4.0, cũng như thách thức khả năng chuyên môn của mình, Hải Đăng đã gói trọn các con chữ và hình ảnh trong một tỉ lệ duy nhất 1:1.

Hôm nay hãy cùng chúng mình trò chuyện với Đăng để tìm hiểu nhiều hơn về dự án này nhé!

Behance | Facebook

Chào Đăng! Điều gì đã khiến thơ Việt va đập vào ý tưởng của Đăng? Có câu chuyện nào thú vị đằng sau cơ duyên này không nhỉ?

Thật ra có hai lý do chính để mình cho ra đời dự án này. 

Trước giờ bản thân mình luôn ấp ủ làm những dự án cá nhân có liên quan đến những giá trị tốt đẹp của Việt Nam. Cá nhân mình lại thấy văn học Việt Nam nói chung và thơ Việt nói riêng là một trong những loại hình phơi bày rất nhiều các giá trị tốt đẹp này. Với các bài thơ được học lúc còn ngồi trên ghế nhà trường thì cõ lẽ đa số chúng ta ai cũng đã một lần đọc qua, cho nên Thơ Việt thời áo trắng ra đời nhằm làm sống lại một lần nữa những vần thơ này trong tâm trí mọi người nhưng với một giao diện mới mẻ hơn. Mình cũng hy vọng dự án này phần nào giúp những bạn học sinh trung học sẽ có thêm nguồn cảm hứng để học và nhớ thơ được lâu hơn.

Bên cạnh đó, dự án này ra đời trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng, nên mình muốn làm một thứ gì đó tích cực, bổ ích và khiến người xem thoải mái hơn trong khi rất nhiều thông tin tiêu cực đang xuất hiện trên mạng xã hội. Lúc đó, mình đã quyết định post lần lượt những bài thơ này trên facebook cá nhân. Rất vui là các bạn rất hưởng ứng và yêu thích nó.

Nguồn cảm hứng dạt dào về hình ảnh đã thôi thúc bạn thực hiện dự án Thơ Việt này hay chính những vần thơ quen thuộc đã giúp bạn tuôn tràn ra ý tưởng về hình ảnh?

Những hình ảnh mình sử dụng thường bắt nguồn từ những vần thơ cũng như giá trị nội dung của cả bài thơ đó. Mặc dù mình đã cố gắng hết sức để thể hiện giá trị bài thơ thông qua các hình ảnh này, nhưng do một số bài thơ có nhiều tầng nghĩa nên có thể một số hình ảnh sẽ hơi trừu tượng, làm cho người xem hơi khó hiểu hoặc một số hình ảnh không lột tả được hết nội dung mà tác giả bài thơ truyền tải, điều này mình cũng mong các bạn xem dự án sẽ thông cảm.

Đăng đã lựa chọn các bài thơ (trong dự án Thơ Việt thời áo trắng) dựa trên những tiêu chí nào?

Mình chọn những bài thơ nổi bật đã được học trong chương trình Ngữ Văn từ THCS đến THPT – những bài thơ mà theo mình khi nhắc đến cái tên là các bạn cũng ít nhiều có ấn tượng với nó. Bản thân mình cũng cảm thấy hơi thiếu khi không để các bài thơ ở bậc tiểu học xuất hiện, nhưng mình nhớ không lầm thì qua các đợt cải cách sách giáo khoa tiểu học, các bài thơ được học sẽ có sự khác nhau nên mình vẫn muốn làm một thứ gì đó chung cho tất cả mọi người.

Các phong cách thiết kế của dự án này là gì? Vì sao bạn lại lựa chọn phong cách thiết kế này cho các vần thơ trong dự án?

Mình không cố định một phong cách nào cả, một số bài thơ thì mình làm theo milimalism, một số thì 3D, abstract hoặc biến tấu typography, v.v…

Nói về cách lựa chọn thì mình cảm thấy phong cách nào có thể sử dụng hiệu quả cho bài thơ đó thì mình đưa vào thôi. Ví dụ với bài “Sóng”, mình thấy có thể áp dụng việc biến tấu tiêu đề để thể hiện được “con sóng” của bài thơ, hay bài “Ngắm trăng” có thể ứng dụng việc dựng 3D vào để thể hiện cảnh trong tù của Bác, nhưng dù là sử dụng phong cách gì thì mình vẫn muốn trình bày nội dung bài thơ một cách rõ ràng nhất, dễ đọc nhất để người xem có thể đọc bài thơ một cách thoải mái nhất.

Điều gì khiến Đăng quyết định thử nghiệm nhiều phong cách trong một dự án đến thế? Có dụng ý gì từ việc kết hợp này không?

Thật ra nếu nói về một dự án thì tính đồng bộ là rất quan trọng, tuy nhiên riêng với dự án này thì mình chỉ muốn sử dụng logo làm dấu hiệu nhận diện, còn về phong cách thì mình muốn sử dụng đa dạng vì mỗi bài lại có một nét riêng, và cá nhân mình nghĩ việc người xem lướt rất nhiều bài thơ như vậy ở các phong cách khác nhau sẽ giúp họ sẽ đỡ bị nhàm chán hơn.

Logo nhận diện cho dự án “Thơ Việt thời áo trắng” của Hải Đăng

Tại sao bạn lại chọn tỉ lệ 1:1 để đóng khung câu chữ và hình ảnh trong dự án này?

Mình chọn tỉ lệ này cũng có 2 lý do:

Thứ nhất là mình muốn đặt thử thách bản thân, liệu trong một giới hạn với tỉ lệ như vậy mình sẽ thể hiện được những gì, xử lý bố cục và hình ảnh ra sao đối với các bài thơ có độ dài ngắn khác nhau. Tất nhiên là với việc giới hạn như vậy thì cũng gây cho mình không ít những hạn chế trong việc thể hiện ý tưởng, nhưng mình vẫn rất vui vì cuối cùng đã hoàn thành được dự án theo đề bài của chính mình.

Thứ hai là theo cảm nhận cá nhân mình, tỉ lệ 1:1 là một trong những tỉ lệ tốt để bức ảnh hiển thị trên các trang mạng xã hội vì nó không bị mất chi tiết khi xuất hiện trên newsfeed, làm cho người xem có được cái nhìn toàn diện nhất về bức hình dù họ không nhấp vào.

Có kỷ niệm nào thú vị trong quá trình thực hiện và công bố dự án mà bạn muốn chia sẻ không?

Nói về kỷ niệm thú vị thì chắc là không có nhưng bù lại niềm vui mình nhận được từ dự án này rất nhiều, nhất là sự quan tâm từ mọi người đối với dự án, dù mình biết dự án này còn rất nhiều thiếu sót nhưng những sự quan tâm này sẽ là một nguồn khích lệ rất lớn cho mình thực hiện các dự án tiếp theo.

Đăng có thể bật mí một chút với các độc giả của iDesign các kế hoạch sắp tới của bạn?

Trước mắt mình sẽ cố gắng trau dồi và học hỏi nhiều thêm nữa vì mình thấy kỹ năng thiết kế của mình vẫn chưa được hoàn thiện và còn nhiều hạn chế. Mình cũng chưa có kế hoạch cụ thể cho các dự án tiếp theo vì mình cũng đang bận nhiều việc cá nhân, tuy nhiên nếu có thể, mình vẫn mong muốn làm một dự án gì đó có liên quan đến Việt Nam vì thật sự đất nước chúng ta có rất nhiều nguồn cảm hứng để làm chất liệu thiết kế.

Cảm ơn Đăng và chúc bạn sớm có thêm nhiều dự án thật “Wao” nữa trong tương lai liên quan đến chất liệu Việt!

Xem đầy đủ các tác phẩm của Hải Đăng qua Behance của bạn ấy nhé!

Bài viết: May

Hình ảnh do nhân vật cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

idesign signature may thơ Thơ Việt Thơ Việt thời áo trắng

iDesign Must-try

Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman đã để lại số tiểu luận, thảo luận, ý tưởng cũng nhiều và quan trọng như những tác phẩm nghệ thuật tiến bộ và khác biệt của ông.…
Maybe bạn nên .. Đi! Tháng 05/2024
Maybe bạn nên .. Đi! Tháng 05/2024
/Maybe bạn nên … Đi/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ 1. Triển lãm ‘Người Phá Rào,…
Đất 3 Miền: Tựa game pixel mô phỏng đặc trưng trong văn hóa Sài Gòn của Cam Hoa
Đất 3 Miền: Tựa game pixel mô phỏng đặc trưng trong văn hóa Sài Gòn của Cam Hoa
Quan tâm đến các chủ đề về văn hóa Việt Nam và dành sự yêu thích đặc biệt cho các phong cách liên quan đến sự hoài cổ như: Vaporwave,…
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 04/2024
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 04/2024
/Maybe bạn nên … Đi/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ 1. Triển lãm ‘Hoạ Chiêu…
Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) là nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển và giao hàng lớn nhất và hàng đầu tại Việt Nam. GHTK đóng vai trò quan trọng…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Vincent Van Gogh
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Vincent Van Gogh
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…