Du hành ngược về tuổi thơ qua ‘NĂM MƯỜI’, tựa game mô phỏng làng nghề làm đồ chơi truyền thống Việt (Phần 1)
Sau một mùa Trung Thu 2021 bị ngăn sông cấm chợ do ảnh hưởng của Covid -19, dường như chúng ta dần quay về hoài niệm nhiều hơn về những giá trị truyền thống. Chưa bao giờ khao khát được trải nghiệm cảm giác cầm chiếc lồng đèn trên tay lại nhiều như thế với những người trẻ như chúng mình, trong đó có cả bạn trẻ Lâm Huỳnh Quốc Tuấn, tác giả của dự án game mobile “NĂM MƯỜI” mà chúng ta sắp tìm hiểu.
“NĂM MƯỜI” là game mobile kể về câu chuyện làng nghề làm đồ chơi truyền thống của Việt Nam, về những con người giàu tình cảm, chất phác, không ngừng say sưa giữ hồn, giữ lửa cho những nghề truyền thống của ông cha. Qua đây, người chơi sẽ sắm vai vào nhân vật Tít, một cậu bé cá tính, hiếu động, ham khám phá, đặc biệt là với những món đồ chơi truyền thống, để tạo ra món đồ chơi của chính mình.
“NĂM MƯỜI” cũng là đồ án tốt nghiệp của Tuấn. Sau khi kết thúc 4 năm học tập tại Khoa Thiết kế và Mỹ thuật Trường Đại học Văn Lang, Tuấn bày tỏ nguyện vọng sẽ trở thành một 2D Game Artist trong tương lai.
Điều gì từ những làng nghề làm đồ chơi truyền thống Việt đã thôi thúc Tuấn tìm hiểu và ứng dụng vào đồ án tốt nghiệp của mình? Và chàng trai trẻ đã khai thác góc nhìn này ra sao trong dự án “NĂM MƯỜI“? Cùng chúng mình trò chuyện với Tuấn ngay sau đây nhé!
Chào Tuấn. Vì sao bạn chọn cái tên “NĂM MƯỜI” cho đồ án tốt nghiệp của mình?
Vì game được lấy cảm hứng từ những món đồ chơi tuổi thơ, nên tiêu chí đầu tiên khi chọn tên của mình là phải tìm một cái tên sao cho chỉ cần đọc lên sẽ gợi nhớ ngay về tuổi thơ. Khi ấy cái tên “NĂM MƯỜI” xuất hiện ngay trong đầu của mình, vì đó là trò chơi mà hẳn bất cứ đứa trẻ Việt Nam nào cũng từng chơi qua.
Thông qua trò chơi trốn tìm ấy, mình muốn gửi gắm vào đó hành trình của những người trẻ đi tìm kiếm lại những nét văn hoá của đồ chơi dân gian Việt Nam – những thứ tưởng chừng như đơn giản, thô sơ nhưng lại chứa đựng rất nhiều sự sáng độc đáo.
Với mình, “NĂM MƯỜI” chính là tấm vé để người chơi có dịp trở về với tuổi thơ của chính họ, quay về với thuở tuổi lên 5, lên 10, để được trải nghiệm lại những món đồ chơi mà trong thời buổi hiện đại bây giờ, một trong số đó chỉ còn là kỷ niệm (không còn xuất hiện hoặc ít xuất hiện trên thị trường nên khó tìm mua). Bên cạnh đó “NĂM MƯỜI” còn là dịp để người chơi quay lại với đời sống khắn khít cộng đồng, đậm tình làng nghĩa xóm của người Việt (thứ tình cảm mà hiện nay người ta đã không còn mấy mặn mòi do nhịp sống bận rộn hối hả).
Câu chuyện trong dự án “NĂM MƯỜI” được bạn lấy cảm hứng từ đâu?
Trong quá trình nghiên cứu dự án, mình nhận thấy đồ chơi truyền thống thực sự là một mảnh đất thú vị với tính độc đáo trong hình thức, ý nghĩa trong câu chuyện mà nó gửi gắm qua từng món đồ chơi … nhưng chưa có nhiều dự án làm về nó.
Trong những năm gần đây, dẫu có lúc từng bị cạnh tranh khốc liệt bởi đồ chơi hiện đại, có lúc tưởng chừng như không còn trụ nổi, thì đồ chơi truyền thống lại dần tìm lại được chỗ đứng cho riêng mình.
Trong quá trình xem những video phóng sự để tìm tư liệu, mình thực sự xúc động khi thấy niềm đam mê, tình yêu của những cô chú nghệ nhân làng nghề, dẫu gặp nhiều khó khăn nhưng bằng tất cả nhiệt huyết, cô chú vẫn cần cù ngày ngày tìm cách cải tiến chúng để hợp thị hiếu, để những món đồ chơi của gia đình mình làm ra có chỗ đứng trên thị trường. Đó cũng là một trong những lý do khiến mình muốn thực hiện “NĂM MƯỜI” – một dự án game kể chuyện làng nghề, về những con người Việt Nam giàu tình cảm, chất phác và giữ hồn giữ lửa cho nghề truyền thống của ông cha.
Quá trình research (nghiên cứu) đã diễn ra như thế nào? Bạn đi tìm các chất liệu cho dự án của mình ra sao?
Thực sự mà nói, “NĂM MƯỜI” là một phần câu chuyện tuổi thơ của chính bản thân mình. Ban đầu khi research về “NĂM MƯỜI“, do tình hình dịch bệnh, đi lại cũng khó khăn nên mình hầu như không có bất cứ nguồn tư liệu thực tế nào ngoài trải nghiệm tuổi thơ của chính mình qua các món đồ chơi trung thu, đồ chơi bằng đất sét, đồ chơi làm từ lá dừa,…
Lúc ấy trong đầu mình chỉ nghĩ về chiếc lồng đèn dán bằng giấy mà lúc bé ba mẹ từng làm cho mình đi chơi trung thu ở trường, cùng chiếc lồng đèn xe lon được dì dượng 4 làm cho khi mình đã lớn hơn một tí nữa (dĩ nhiên là hoàn toàn độc lạ và không đụng hàng với bất cứ bạn bè nào trong lớp) … Hai món đồ chơi này cũng là hai món được mình đưa vào trong game để làm demo cho game.
Và mình lấy chúng làm nền tảng để tiến hành research qua internet, mình tìm những bài báo trong và ngoài nước, bài nghiên cứu và cả tin tức thời sự nữa. (Mình hơi bất ngờ khi phát hiện ra có một số món đồ chơi cổ của Việt Nam đến nay vẫn được trưng bày ở các bảo tàng nước ngoài như Pháp, Mỹ, Trocadero,…). Sau đó, mình cũng được sự hỗ trợ tư liệu từ một người bạn do bạn ấy có dịp đi trải nghiệm thực tế và ghi hình lại từ những năm trước, lúc dịch chưa xuất hiện ở Việt Nam.
Sau khi nghiên cứu kĩ về đồ chơi Việt Nam, mình bắt đầu xây dựng sườn cho đồ án tốt nghiệp, nghiên cứu về cách các nước bạn truyền tải thông điệp văn hoá của nước họ vào các sản phẩm game (rõ ràng thấy được ở hai quốc gia Nhật Bản và Trung Quốc). Và khi nhìn lại thì Việt Nam cũng từng có một tựa game đã làm rất thành công điều này chính là “HÀNG RONG“ do VNG phát hành. Từ đó khiến mình vững tin hơn trong việc chốt ý tưởng cho đồ án và tiến hành thực hiện quá trình xây dựng game với hình thức là mô phỏng kinh doanh; và mình cũng mượn gameplay (lối chơi) của “HÀNG RONG” để làm một phần của gameplay chính, với mong muốn truyền tải rõ hơn về quy trình trao đổi, mua bán của làng nghề.
Các element (thành tố) mà Tuấn sử dụng cũng hết sức quen thuộc với thế hệ 9X miền Nam Việt Nam. Bạn bắt đầu quan tâm và quan sát các chi tiết ấy từ khi nào? Và bạn mong muốn “NĂM MƯỜI” thể hiện được giá trị gì qua các artwork trong game?
Mình may mắn được lớn lên trong gia đình làm nông, nên đời sống tinh thần tuổi thơ của mình khá phong phú. Hầu như lúc nhỏ mình toàn chơi “đồ chơi nhà làm” thôi chứ ba mẹ ít mua đồ chơi nhựa cho mình chơi lắm *cười*. Lúc ấy đôi khi cũng tự ti chớ, vì bạn bè có đồ chơi đẹp mà mình không có. Nhưng dần lớn lên, mình lại thầm biết ơn vì những điều đó đã cho mình vốn sống, mình không những được chơi mà còn học được cách làm ra chúng nữa.
Cá nhân mình cũng có sự yêu thích đối với các món đồ handmade. Trong quá trình học 4 năm đại học, có cơ hội thì mình đều đưa các sản phẩm thủ công vào các đồ án, nên đồ án tốt nghiệp của mình cũng vậy, chỉ khác là mình số hoá nó một tí để dễ tiếp cận với người trẻ hơn thôi.
Và vì đời sống ở quê, bà con láng giềng cũng rất là khắn khít với nhau nên mình học được cách mọi người quan tâm nhau, quan sát được cách mọi người sinh hoạt trong đời sống hằng ngày, hay từng cách bày trí những đồ vật trong nhà, để từ đó làm chất liệu cho game.
Như đã chia sẻ, với mong muốn “NĂM MƯỜI” là một tấm vé để người chơi có dịp trở về tuổi thơ, để tìm gặp và có cơ hội lưu lại những nét đẹp trong đời sống sinh hoạt và văn hoá làm đồ chơi truyền thống; nên qua game, bên cạnh việc tái hiện lại những hình ảnh quen thuộc mang tính gợi nhớ như chợ, bến xe, hay cách bày trí nội thất trong nhà,… mình còn đưa vào đó trải nghiệm về quy trình sản xuất và trao đổi mua bán của làng nghề, cũng như tính năng Workshop để người chơi có thể nắm được tương đối về cách làm cũng như nguyên liệu làm nên những món đồ chơi đó.
Ngoài ra, mình định hướng “NĂM MƯỜI” là một sản phẩm mang tính cách nhẹ nhàng, tình cảm, nên cách thể hiện gameplay trong trailer được mình xây dựng cũng không mang nhiều yếu tố kịch tính, để người chơi có những trải nghiệm thư giản, thoải mái khi chơi game. Phần nhạc nền mình dùng được mượn từ game “Stardew Valley”, cũng với mục đích góp phần truyền tải không khí này.
Tất cả các yếu tố trên kết hợp với nhau nhằm truyền tải mong muốn của bản thân mình ngay từ đầu là ít nhiều kích thích được niềm đam mê của người trẻ đối với đồ chơi truyền thống Việt Nam nói riêng, và một phần nào đó văn hoá của Việt Nam nói chung.
Được biết cảm hứng câu chuyện trong “NĂM MƯỜI” đã được Tuấn ấp ủ từ mùa Trung Thu bị ngăn sông cắm chợ năm trước. Lúc đó, Tuấn đã có kế hoạch cụ thể nào cho ý tưởng này hay chưa, hay cơ hội làm đồ án tốt nghiệp này mới khiến bạn lục lọi lại những ý tưởng dang dở của mình trước đó?
“NĂM MƯỜI” thực sự là một dự án dài, vì ngay từ giai đoạn Trung Thu năm 2021 mình đã bắt đầu lên kế hoạch cho nó rồi. Kẻ từ đó, mỗi ngày mình góp nhặt một ít để hoàn thiện hơn. Cho đến giai đoạn chính thức bước vào đồ án tốt nghiệp, từ những phần nội dung mình tích góp được trong suốt thời gian dài cũng như góp ý tận tâm của các giáo viên hướng dẫn, mình bắt đầu tiến hành xây dựng “NĂM MƯỜI” về mặt hình ảnh và hoàn thiện nó.
(Còn tiếp)
Thực hiện: May
Thiết kế: Uyên Nguyễn
Hình ảnh do nhân vật cung cấp
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Calligrapher Đào Huy Hoàng: “Mình chẳng có gì ngoài kiên nhẫn cả”
- 2. Hậu trường Việt Sử Kiêu Hùng - góc nhìn cận cảnh về nghề lồng tiếng
- 3. Illustrator Đốm: Đem lại ấm áp cho người khác bằng tranh vẽ
- 4. Triển lãm “Vẽ về hát bội” - cánh cửa giao thoa văn hoá giữa hai thế hệ
- 5. Illustrator Kỳ Huỳnh: Dùng lý trí để tư duy sáng tạo
- 6. VR ở Việt Nam: Không khó về kỹ thuật mà là con người
- 7. Vietnam Geographical Indications - Hành trang đưa nông nghiệp Việt bước ra thế giới
- 8. Dạo quanh một vòng triển lãm tốt nghiệp tại Đại học Văn Lang
- 9. Có gì ở triển lãm tốt nghiệp tại đại học Mĩ Thuật (TP.HCM)?
- 10. Dự án “THỊ ƠI”: Trào phúng cùng những cô Thị thích đùa