Dự án Rebranding Bát Tràng Museum: ‘Mờ Nờ cảm thấy tự hào và như được sống cùng thời với bác Thắng khi truy tìm và hiểu về bác’
Bát Tràng Museum là bảo tàng tư nhân đầu tiên được chính phủ cho phép trong làng Bát Tràng, do Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Vũ Đức Thắng sáng lập. Ban đầu được đặt tên là “Hồn Đất Việt”, bảo tàng này thể hiện di sản đáng kinh ngạc của ông – một Nghệ nhân nổi tiếng với việc tạo ra 12 chiếc giày gốm cực kỳ chân thực, đạt kỷ lục Guinness vào năm 2013. Tài năng nghệ thuật của Nghệ nhân Vũ Đức Thắng bao gồm một bộ sưu tập các tác phẩm hiện đại với hai kỹ thuật đặc biệt: men gốm chuyển màu và kỹ thuật điêu khắc ba chiều tinh xảo. Những phương pháp này thể hiện sự thành thạo và sáng tạo của ông trong nghệ thuật gốm.
Trong lần làm mới diện mạo gần đây của mình, Bát Tràng Museum đã tìm đến M – N Associates (Mờ Nờ) để tạo nên một hệ thống nhận diện hiện đại và bền vững hơn, trong khi vẫn bảo tồn di sản vốn có.
Quá trình nghiên cứu quy trình kỹ nghệ độc đáo và phong cách riêng của bác Vũ Thắng để ứng dụng trong bộ nhận diện mới của Bát Tràng Museum đã được thực thi như thế nào? Vì sao Mờ Nờ chọn bộ Typeface là tâm điểm chính của cả bộ brand? Tất cả sẽ được team M – N Associates chia sẻ ngay bên dưới!
Các trang thông tin và liên hệ
Trong dự án Rebranding dự án Bát Tràng Museum, Mờ Nờ đã đảm đương những hạng mục thiết kế nào?
Mờ Nờ đã phụ trách dự án từ ban đầu, bao gồm công tác thu thập dữ liệu, phỏng vấn câu chuyện, hệ thống dữ liệu hiện trạng của bảo tàng, cho đến việc phát triển ý tưởng, lên chiến lược cho thương hiệu, concept thiết kế font chữ riêng và phát triển toàn bộ các hệ thống điểm chạm brand của bảo tàng.
Do là một bảo tàng tư nhân, nên công tác thu thập cũng gặp nhiều trở ngại, nhưng nhờ sự hậu thuẫn từ gia đình bác nghệ nhân nên việc hoàn thành dự án cũng phần nào đỡ gánh nặng.
Điều gì đã kết nối Mờ Nờ với dự án đặc biệt này?
Mờ Nờ vốn rất thích các dự án mang tính văn hoá cùng nhiều tư liệu lịch sử đa sắc. Khi vừa được bảo tàng liên hệ để rebrand, bên mình đã đồng ý ngay và bay ra Hà Nội liền để khảo sát.
Cá nhân thì Mờ Nờ rất mê craftmanship (nghệ thuật làm thủ công) truyền thống, các loại hình văn hóa cổ truyền của Việt Nam và mong muốn được cùng cộng tác xây dựng thương hiệu mới theo quy chuẩn quốc tế hơn để nối tiếp lịch sử, truyền thống và văn hóa cho các thế hệ sau.
Tìm đến Mờ Nờ, Bát Tràng Museum mong muốn bộ nhận diện mình trông như thế nào? Lúc này, Mờ Nờ nhận thấy đâu là những chất liệu tốt để có thể khai thác? Và “cái khó” ở dự án này là gì?
Bát Tràng Museum mong muốn một hệ thống nhận diện nhìn quốc tế như MoMa, như The Met hay ICA Boston, một hệ thống nhận diện mà cùng với nó, tôn lên các tác phẩm của bác Thắng và có một sự mạch lạc trong việc chuẩn hóa thông tin (đang rất nhiều) của bảo tàng.
Từ yêu cầu đó đó, Mờ Nờ đã áp dụng vào hệ thống branding mới.
Cái khó nhất là thuyết phục được một hệ thống tinh gọn, bỏ đi cách dùng logo symbol cũ, đưa trung tâm mới của bộ brand là một bộ font.
Mờ Nờ có thể chia sẻ nhiều hơn về bộ Typeface team đã thiết kế? Ý tưởng cho kiểu chữ này được lấy cảm hứng từ đâu? Các element trong bộ Typeface đại diện cho những ý nghĩa nào?
Letterform design (Thiết kế hình dạng chữ) của nghệ nhân Vũ Thắng tụi mình hướng theo dạng Gothic sans-serif, tiêu biểu như Franklin Gothic, vừa có âm hưởng tương đồng với các thiết kế tác phẩm của bác Thắng (bình, chậu, thống, giày gốm…) đều to, cao và có độ cong dày. Hướng thiết kế Typeface này rất thích hợp với việc display content (hiển thị nội dung) nhiều và dài như các dạng nội dung chương trình của bảo tàng.
Bạn Gydient đã cùng với anh Duy — N thiết kế và engineer, hiện thực hóa ý tưởng qua bộ Typeface MN Vũ Thắng.
Ngoài ra, bộ dấu tiếng Việt cũng là một điểm nhấn đặc trưng. Khi nghiên cứu kỹ thuật của bác Thắng, nổi tiếng với kỹ thuật đắp nổi tạo hình gốm, thì Mờ Nờ thấy bộ dụng cụ được bác sử dụng rất tương phản với các tác phẩm khổng lồ, nên bọn mình muốn đưa nó vào làm bộ dấu bổ trợ. Mặc dù mang lại sự tương phản, nhưng bộ dấu cũng hài hòa lạ lùng trong bộ Typeface MN Vũ Thắng đặc biệt này.
Hệ thống hình họa thương hiệu cũng được Mờ Nờ thiết kế đa dạng nhưng vô cùng đơn giản, bổ trợ tối đa cho việc tập trung hoàn toàn vào tác phẩm của Nghệ nhân Vũ Đức Thắng. Mờ Nờ đã ứng dụng phong cách thiết kế Silhouette như thế nào để đạt được hiệu quả?
Tụi mình bắt đầu với 15 tác phẩm tiêu biểu được bảo vệ của bảo tàng, nhưng cũng là một dynamic visual system (tạm dịch: hệ thống thị giác năng động) mở cho các hình Silhouette bổ trợ cho các tác phẩm khác.
Cách kéo dài để tạo ra các khung canvas trôi theo dòng timeline, như một cách khắc họa cho tính bền vững của bảo tàng và kết nối với cách xây dựng bằng gạch rất đặc trưng của làng Bát Tràng.
Tinh giản, hiện đại là cảm giác bộ nhận diện mang đến cho người xem. Vì sao team chọn hướng đi này cho dự án?
Vì các tác phẩm khá phức tạp, đa dạng hình thù do kỹ thuật đắp nổi của bác Thắng cùng với cách pha trộn men đổi màu rất riêng, nên hệ thống nhận diện từ đầu đã được Mờ Nờ xác định là một hệ thống subtle (tinh tế), tinh giản và hiện đại, nhằm tôn lên nội dung đa dạng và tác phẩm của bảo tàng mà không được tranh chấp hay làm lu mờ nhân vật chính. Ngoài ra, hướng đi này cũng đảm bảo các yếu tố thừa hưởng và có tính bền vững theo thời gian.
Có kỷ niệm nào đáng nhớ team muốn chia sẻ với các độc giả của iDesign?
Dự án có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đáng nhớ nhất là khi bắt đầu xây dựng website và hệ thống lưu trữ tác phẩm, cần chụp hình lại, team mình cũng không ngờ có những tác phẩm khổng lồ, to cao hơn 2m, phải 4-5 người khiêng mới có thể đem vào trong shooting set được. Mà mùa đấy còn lại là một mùa nồm cực nóng ngoài Hà Nội, nên việc trơn trượt khi bưng bê các tác phẩm thật sự là một nỗi ám ảnh.
Team cảm thấy như thế nào sau khi trở thành một phần trong việc bảo tồn di sản của NNND Vũ Đức Thắng và Bát Tràng Museum của ông?
Chúng mình cảm thấy tự hào, khi truy tìm và hiểu về bác Thắng, cảm thấy như được sống lại cùng thời với bác và được xem quá trình kiến tạo ra các dự án của bác Thắng. Dự án này team Mờ Nờ mình làm với một sự tri ân đặc biệt.
Thực hiện: May
Thiết kế: Uyên Nguyễn
Hình ảnh do M – N Associates cung cấp
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Calligrapher Đào Huy Hoàng: “Mình chẳng có gì ngoài kiên nhẫn cả”
- 2. Hậu trường Việt Sử Kiêu Hùng - góc nhìn cận cảnh về nghề lồng tiếng
- 3. Illustrator Đốm: Đem lại ấm áp cho người khác bằng tranh vẽ
- 4. Triển lãm “Vẽ về hát bội” - cánh cửa giao thoa văn hoá giữa hai thế hệ
- 5. Illustrator Kỳ Huỳnh: Dùng lý trí để tư duy sáng tạo
- 6. VR ở Việt Nam: Không khó về kỹ thuật mà là con người
- 7. Vietnam Geographical Indications - Hành trang đưa nông nghiệp Việt bước ra thế giới
- 8. Dạo quanh một vòng triển lãm tốt nghiệp tại Đại học Văn Lang
- 9. Có gì ở triển lãm tốt nghiệp tại đại học Mĩ Thuật (TP.HCM)?
- 10. Dự án “THỊ ƠI”: Trào phúng cùng những cô Thị thích đùa