Dự án nhận diện thương hiệu cho nhà hàng burger NGOẶM: ‘Việc pha trộn, quan trọng nhất là vẫn giữ được DNA của brand.’

Ẩm thực Việt Nam từ xưa đến nay vẫn luôn là một bản hòa âm của văn hóa, là sự phối kết hương vị giữa các vùng miền, khiến bất cứ ai từng sống trên mảnh đất hình chữ S này đi xa cũng đều nhớ nhung khó tả.

Không nằm ngoài bản hòa âm đặc sắc ấy, NGOẶM – nhà hàng burger hiện tọa lạc tại vùng đất phố cổ Hà Nội là nơi ẩm thực từ mọi miền gặp gỡ, chào hỏi và hòa quyện. Tại NGOẶM, món ăn là thử nghiệm – mỗi món ăn là một khái niệm và có một loạt các điều kỳ quặc để thể hiện.

Vậy làm thế nào để lột tả hết thảy sự kỳ quặc nhưng vẫn thể hiện được những ẩn ý từ câu chuyện của thương hiệu? Đó chính là điều mà những người làm branding phải đi tìm lời giải. Liên hệ với Cohe, một studio có trụ sở tại Hà Nội, với phương châm thiết kế tập trung vào câu chuyện và cảm xúc đằng sau mỗi dự án, cũng là đơn vị phụ trách nhiệm vụ khó nhằn này, chúng mình đã được khai mở rất nhiều góc nhìn thú vị từ dự án.

Ngay sau đây, hãy cùng chúng mình trò chuyện với Cohe, để bóc tách từng lát cắt nhỏ trong câu chuyện thương hiệu từ nhà hàng burger NGOẶM nhé!

Website | Facebook | Instagram

Một vài không gian trong nhà hàng NGOẶM

Chào Cohe. Nếu dùng 3 từ để mô tả về Cohe, bạn sẽ dùng những từ nào?

“Khiêm tốn – Thật thà – Dũng cảm” (cười)

Cohe Studio

Khiêm tốn: Không tự mãn với bản thân và những gì đã làm.

Thật thà: Trung thực với khách hàng và cho họ thấy bức tranh thực tế.

Dũng cảm: Thích thì làm, không ngại sai & không ngại sửa.

Cơ duyên nào để Cohe tiếp cận đến dự án NGOẶM?

Cơ duyên đầu tiên có lẽ là lời mách từ một vài người bạn rằng “Có bên này làm burger hay lắm, mà chỉ bán online thôi, anh đã thử chưa?” Cả team còn chưa ai kịp thử thì đã thấy có người liên hệ Fanpage của Cohe và muốn xây dựng branding cho NGOẶM. 

Được biết thì các bạn ấy được một người bạn thân thiết của Cohe giới thiệu, nên bọn mình cũng cảm thấy rất may mắn vì điều này. 

Sau khi được nghe chia sẻ của hai founder trong buổi gặp mặt đầu tiên, chúng mình đã thấy đây là một project cực kỳ thú vị. Như một “tục lệ” của Cohe, sau đó, NGOẶM có buổi “ra mắt” bằng một bữa burger + tráng miệng “5 sao” tại chính văn phòng của Cohe, được phục vụ bởi chính hai founder dễ thương. 

“Trăm nghe không bằng một đớp”, sau bữa ăn hôm đó thì cả team đều thống nhất rằng “giờ việc của mình là phải làm cho tất cả mọi người biết thế nào là The Best Burger in Town – Bánh mì kẹp thịt ngon nhất tại thủ đô”.

Sau khi tiếp nhận dự án, những hình dung đầu tiên của Cohe về bộ nhận diện của NGOẶM là gì? 

Thường thì Cohe có một bản survey (khảo sát) để gửi cho khách hàng trả lời. Nhưng với một dự án đặc biệt như NGOẶM, chúng mình đã có một buổi phỏng vấn riêng rất chi tiết với hai founder để chắc chắn rằng sẽ không có chi tiết nào bị bỏ sót. Khối lượng thông tin sau buổi họp đó thực sự rất nhiều bởi vô số những câu chuyện đằng sau việc hình thành NGOẶM cũng như tính cách của hai founder. Tuy nhiên, nếu để tóm lại thì ấn tượng đầu tiên về NGOẶM là:

– Điên có 1 0 2

– Yêu Hà Nội cực kỳ

– Rất hiểu những món ăn của mình

– Thử nghiệm, thử nghiệm, thử nghiệm 

Cohe có thể chia sẻ một chút về quá trình thực hiện dự án NGOẶM? Từ khâu nhận brief đến khi sản phẩm được hoàn thiện. Đâu là công đoạn các bạn mất nhiều thời gian và công sức nhất?

NGOẶM có đủ các yếu tố của một khách hàng “mơ ước” với Cohe. Biết rõ mình muốn gì, có đam mê mãnh liệt về văn hoá và ẩm thực, có câu chuyện hấp dẫn và quan trọng nhất là có sản phẩm tốt. Đó vừa là điều kiện nhưng cũng là áp lực khá nặng với Cohe để chúng mình tạo ra một nhận diện hình ảnh xứng đáng với những tâm huyết của NGOẶM. 

“Một thiết kế tốt sẽ không dừng lại phía sau màn hình, mà tinh thần của dự án phải được giữ xuyên suốt từ khâu research (nghiên cứu) đến quá trình lên format sản phẩm, sản xuất & ứng dụng ra thực tế.” 

Cohe Studio

Đối với NGOẶM, tốn nhiều công sức nhất có lẽ là công đoạn áp dụng nhận diện và các ấn phẩm in. Các item packaging (sản phẩm bao bì) đã nhiều, vừa phải đáp ứng tốt các chức năng sử dụng, lại phải có thêm những chi tiết phá cách vừa đủ “hâm” để truyền tải được tinh thần của NGOẶM. Rất may là hai bên khá hợp nhau nên những ý tưởng phần lớn đều được hiện thực hoá. Chỉ là nó tốn khá nhiều thời gian cho việc in thử, dựng prototype (các mẫu ban đầu được tạo ra trong quá trình thiết kế để thử nghiệm, dùng thử trước khi sản xuất ra sản phẩm hoàn thiện cuối cùng), trong khi deadline thì … :(

Việc sử dụng các thành tố mang nhiều phong cách khác nhau cộng với việc phối trộn nhiều màu sắc trong các thiết kế của NGOẶM có lẽ là ý đồ mà Cohe muốn đặt để vào cho câu chuyện thương hiệu. Các bạn có thể chia sẻ một chút về khía cạnh này?

Ý tưởng về việc pha trộn nhiều phong cách và màu sắc thực ra đã hình thành rất rõ từ những buổi gặp đầu tiên giữa Cohe và NGOẶM. Bị ngợp bởi những câu chuyện và ý tưởng có phần “điên rồ” của NGOẶM nên team thiết kế đều thống nhất với nhau rằng: NGOẶM phải tạo được ấn tượng là một sự pha trộn giữa Văn hoá và Ẩm thực Hà Nội.

Founder/Chef (Tú) của NGOẶM đã gắn bó với những món ăn Việt từ nhỏ, nhưng lại chịu ảnh hưởng từ ẩm thực phương Tây khi có thời gian sống ở nước ngoài. Sự ngưỡng mộ ẩm thực Việt càng thôi thúc Tú muốn đem những tinh tuý này đến với bạn bè quốc tế, nên việc phối trộn các nguyên liệu trong món ăn của NGOẶM là điều tất yếu. 

Những món ăn của Ngoặm đều có twist riêng, đều được remix (phối lại) nên bạn sẽ không tìm thấy ở đâu khác. Trong buổi gặp đầu tiên với Tú, Cohe đã mường tượng ra mô típ Ransom Letters – kiểu chữ cắt ghép từ các tờ báo của những kẻ bắt cóc hay thấy trên phim – sẽ rất hợp với NGOẶM bởi tính ngẫu nhiên và nghịch ngợm của nó.

Là “trai phố cổ” nên Tú còn yêu cả những chi tiết rất Hà Nội, một trong số đó là chiếc Cờ hội. Cờ hội thực ra đã là nhận diện của NGOẶM từ trước khi đến với Cohe, nên chúng mình thực sự muốn tích hợp cờ hội, branding của NGOẶM một cách tối đa. Tất cả những yếu tố đó may sao lại rất ăn khớp với nhau, nên Cohe cảm thấy rất may mắn vì khách hàng của mình đã đem đến những câu chuyện nhiều màu sắc như vậy.

Vì sao Cohe chọn phong cách Eclectic (chiết trung) cho dự án NGOẶM? Việc kết hợp cái cũ và mới nếu không khéo sẽ “tạo ra một mớ hỗn độn”. Cohe có thể chia sẻ quan điểm của mình về khía cạnh này. Các bạn đã áp dụng nó như thế nào vào trong dự án?

Mọi thứ đều đến rất tự nhiên ở dự án này. Sau những buổi gặp với NGOẶM, mặc dù trong team ai cũng hào hứng vì được truyền cảm hứng, nhưng bọn mình vẫn phải đi theo những quy trình làm việc như tất cả các dự án khác. Trước khi bắt tay vào thiết kế, bao giờ bọn mình cũng phải research để làm ra một bản định hướng hình ảnh, dựa vào những thông tin khách cung cấp. Trong quá trình phân tích, Eclectic là một trong những keyword mà bọn mình đều thống nhất là mang tính “NGOẶM” nhất, còn thực ra lúc đó không nghĩ sẽ chọn nó như một phong cách thiết kế cụ thể.

Việc kết hợp cũ và mới thì vừa dễ mà cũng vừa khó. Dễ vì văn hoá “remix” ở thời điểm hiện tại đã quá phổ biến ở tất cả các lĩnh vực nghệ thuật, từ thời trang đến kiến trúc. Các thương hiệu luôn có nhu cầu làm mới mình, và những cảm hứng thì lại quá nhiều và dễ tiếp cận. Cái khó ở chỗ, nếu quá “tham” mà không chọn lọc các yếu tố đó thì thương hiệu sẽ đánh mất bản sắc của mình. Việc pha trộn, quan trọng nhất là phải có cơ sở, dựa trên một cái khung vững chắc để vẫn giữ được DNA của brand.

Trong trường hợp của NGOẶM thì việc này lại khá đơn giản, vì hai founder của NGOẶM biết mình muốn gì và có tình yêu thực sự với những thứ đó. Việc pha trộn cũ và mới đã nằm sẵn trong con người và sản phẩm của NGOẶM, và việc của Cohe chỉ là visualize (hình dung) thành sản phẩm.

Nếu nhìn qua những thiết kế của bọn mình thì chỉ thấy được 50% thôi, bạn phải trực tiếp đến thưởng thức món ăn tại quán, ngồi trong không gian đó (được VG Design thiết kế) thì mới cảm nhận được cái “mớ hỗn độn” đáng yêu của NGOẶM.

Xuyên suốt quá trình thực hiện dự án, Cohe có gặp những khó khăn nào trong việc bám sát tinh thần và giá trị cốt lõi mà thương hiệu muốn gửi gắm? Làm thế nào để tìm được tiếng nói chung giữa thương hiệu và studio? Có câu chuyện thú vị nào trong giai đoạn này không?

 “NGOẶM không giống bất cứ khách hàng nào Cohe đã từng làm việc cùng, vì thế nên đôi lúc bọn mình cũng phải tự hỏi là ‘liệu thiết kế này đã đủ đặc biệt chưa? đủ dở hơi chưa?'”

COHE STUDIO

Những khó khăn, dù to hay nhỏ thì project nào cũng gặp, nhưng khi đã “về đích” thì bọn mình thực sự cũng không còn nhớ rõ nữa.

Với Cohe thì việc giao tiếp với khách hàng và chủ động kết bạn, tạo ra sự thoải mái giữa hai bên giúp cho quá trình làm việc dễ chịu hơn với tất cả. Cả Cohe và NGOẶM đều mong muốn sản phẩm cuối cùng phải thật “thoả mãn” nên luôn support nhau đưa ra ý tưởng và giúp nhau không bị chệch hướng.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ chắc là lúc Cohe gửi bài thuyết trình lần đầu cho NGOẶM. Những câu feedback đầu tiên bọn mình nhận được từ hai founder là: “Con lạy các cụ/Em hơi thất vọng/Em đi chết đây” cùng hàng loạt sticker đập bàn đập ghế. Lúc đấy cả team design lạnh hết sống lưng, mặt đần thối. Thấy một lúc không có động tĩnh gì thì câu tiếp theo mới là… Đẹp quá!!! 

Khổ thân cái kiếp designer, lưng đã gù, mắt đã mờ lại còn bị trêu!!! 

Xem đầy đủ các hình ảnh của dự án tại Behance nhé!

Thực hiện: May

Hình ảnh do nhân vật cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

branding Cohe studio F&B idesign signature may NGOẶM

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 03/2023
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 03/2023
/Maybe bạn nên … Đi/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ 1. Triển lãm ‘Alice ở…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Rembrandt 
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Rembrandt 
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Với niềm say mê đặc biệt dành cho nghệ thuật và tình yêu thiên nhiên ngay từ thuở bé, Tomoaki Murayama, một nghệ sĩ Nhật Bản đã tạo nên vô…