Chủ nghĩa Lãng mạn (Phần 3): Các tác phẩm nổi bật

Trong phần cuối của loạt bài về chủ nghĩa Lãng mạn, ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của chủ nghĩa, sắp xếp theo trình tự thời gian. Các tác phẩm này thể hiện những chủ đề đa dạng, bao gồm những chủ đề truyền thống như tranh lịch sử và tranh phong cảnh.

Bên cạnh đó, Lãng mạn cũng bắt đầu khai thác những chủ đề mới lạ phi truyền thống như khung cảnh tưởng tượng về giấc mơ hay chân dung tưởng tượng của một người phụ nữ do đó là vô danh. Tất cả đều phản ảnh góc nhìn và cảm xúc cá nhân chủ quan, theo những cách khác nhau.

1781: Ác mộng của Henry Fuseli

Sơn dầu trên vải – Viện Nghệ thuật Detroit

Bức tranh Ác mộng (The Nightmare) kỳ lạ và ma quái của Fuseli mô tả một người phụ nữ tuyệt sắc, sõng soài trên trường kỷ với một con quỷ đực nhỏ đầy lông (biểu tượng cho cơn ác mộng hay bóng đè) đang ngồi trên người nàng, nhìn chằm chằm vào người xem một cách đầy đe dọa. Một con ngựa hoặc lừa huyền bí màu đen với đôi mắt trắng và lỗ mũi loe rộng xuất hiện sau lưng nàng, đi vào khung cảnh qua tấm rèm màu đỏ găng. Chúng ta dường như đang xem xét các tác động và nội dung của giấc mơ của người phụ nữ cùng một lúc.

Khung cảnh kinh hoàng của Fuseli là cảnh đầu tiên thuộc thể loại này vào giữa Kỷ Lý trí, và Fuseli đã trở thành kiểu như là một nhân vật mang tính chuyển tiếp. Trong khi vẫn thấm nhuần nhiều nguyên lý giống như những người theo trường phái Tân cổ điển (hãy chú ý đến mô tả lý tưởng hóa về người phụ nữ), Fuseli cũng có ý định khám phá những khoảng tối của tâm lý con người khi mà hầu hết mọi người khác đều quan tâm đến các khám phá khoa học về thế giới khách quan. Khi được trưng bày vào năm 1782 tại triển lãm Học viện Hoàng gia ở London, bức tranh đã khiến người tới xem kinh ngạc và sợ hãi. Không giống như những bức tranh vẫn quen thuộc với công chúng, chủ đề của Fuseli không được vẽ từ lịch sử hay kinh thánh, cũng không chứa đựng bất kỳ mục đích đạo đức nào. Chủ đề mới này rồi sẽ có tác động rộng rãi trong thế giới nghệ thuật. Mặc dù người phụ nữ được tắm mình trong ánh sáng rực rỡ, sáng tác của Fuseli cho rằng ánh sáng không thể xuyên qua những cõi tối tăm hơn của tâm trí con người.

Mối quan hệ giữa con lừa/ngựa cái, con quỷ đực và người phụ nữ vẫn mang tính gợi ý và không tường tận, làm tăng hiệu ứng đáng sợ. Sự kết hợp giữa kinh dị, tình dục và cái chết của Fuseli đã bảo đảm sự nổi tiếng của tác phẩm như một ví dụ điển hình về kinh dị Gothic, điều này đã truyền cảm hứng cho các nhà văn như Mary Shelley và Edgar Allan Poe.

1794:  Thiên Chúa từ Châu Âu một lời tiên tri bản B của William Blake

In nổi dùng khắc acid, tô màu bằng tay – Thư viện Đại học Glasgow, Glasgow Scotland

Thiên Chúa (The Ancient of Days – đây là tên của Chúa trong Sách Daniel) là tranh minh hoạ đầu sách (frontispiece – nằm ở vị trí đối diện với trang tiêu đề) của cuốn Châu Âu một lời tiên tri (1794) của Blake, bao gồm 18 bản khắc. Hình ảnh này mô tả Urizen, một nhân vật thần thoại được nhà thơ tạo ra lần đầu tiên vào năm 1793 để đại diện cho quy luật của lý trí và luật pháp. Hình ảnh này chịu ảnh hưởng bởi hình ảnh của Chúa theo mô tả trong Sách Châm ngôn như một người “cố định la bàn lên trên bề mặt trái đất”. Được diễn họa là một ông già với bộ râu và mái tóc bạc trắng ở trong một quả cầu được chiếu sáng, bao quanh bởi một vòng tròn mây, Urizen cúi người, tay trái mở rộng chiếc la bàn vàng bên trên vùng bóng tối bên dưới, tạo ra và chứa đựng vũ trụ. Blake kết hợp giải phẫu học cổ điển với một bố cục táo bạo và tràn đầy năng lượng để gợi lên thiên kiến về đấng sáng tạo thần thánh.

Blake lảng tránh Cơ đốc giáo truyền thống và thay vào đó cảm thấy trí tưởng tượng mới là “thân thể của Chúa”. Những bài thơ và hình ảnh rất nguyên bản và thường bí ẩn của ông đều nhằm truyền đạt những linh ảnh huyền bí mà bản thân thường trải qua. Châu Âu một lời tiên tri phản ánh sự thất vọng của ông đối với Cách mạng Pháp, mà ông cảm thấy không mang lại tự do thực sự mà đem lại một thế giới đầy đau khổ như được phản ánh ở Anh và Pháp vào những năm 1790. Ít được biết đến trong suốt cuộc đời của ông, các tác phẩm của Blake đã được khám phá lại bởi những người Tiền-Raphael vào cuối thế kỷ 19, và khi nhiều nghệ sĩ tiếp tục tìm kiếm lại về ông trong thế kỷ 20, ông đã trở thành một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất trong số các nghệ sĩ Lãng mạn.

1804: Bonaparte đến thăm bệnh nhân dịch hạch ở Jaffa của Antoine Jean Gros

Sơn dầu trên vải – Louvre, Paris France

Bức tranh Bonaparte đến thăm bệnh nhân dịch hạch ở Jaffa (Bonaparte Visits the Plague Stricken in Jaffa) này mô tả Napoléon Đệ Nhất, khi chưa trở thành Hoàng đế, đến thăm những người lính ốm yếu năm 1799 tại Jaffa, Syria, vào cuối Chiến dịch Ai Cập của ông. Quân đội của ông đã cướp phá thành phố một cách dữ dội nhưng sau đó đã bị tấn công bởi một đợt bùng phát bệnh dịch. Gros tạo ra một hoạt cảnh ấn tượng của ánh sáng và bóng đổ với Napoléon ở trung tâm, như thể trên một sân khấu. Ông đứng trước một hành lang có mái vòm kiểu Moorish và chạm vào vết loét của một trong những người lính của mình, trong khi sĩ quan tham mưu của ông bịt mũi khỏi mùi hôi thối. Ở phía trước, những người đàn ông ốm yếu và hấp hối, nhiều người khỏa thân, đau đớn trên mặt đất trong bóng tối. Một người đàn ông Syria ở bên trái, cùng với người hầu của anh ta, người mang một cái sọt bánh mì, đưa bánh mì cho người bệnh, và hai người đàn ông phía sau họ khiêng một người đàn ông ra trên cáng.

Trong khi người thầy của Gros là Jaques Louis David cũng đã khắc họa Napoléon trong tất cả vinh quang huyền thoại của ông, Gros, cùng với một số học sinh khác của David, đã đưa sự năng động mang tính Baroque vào các tác phẩm của họ để tạo ra hiệu ứng ấn tượng hơn chủ nghĩa Tân cổ điển của David. Sự miêu tả đau khổ và cái chết của Gros, kết hợp với chủ nghĩa anh hùng và lòng yêu nước trong một hoạt cảnh kỳ lạ đã trở thành dấu ấn của nhiều bức tranh Lãng mạn.

Việc sử dụng màu sắc và ánh sáng làm nổi bật cử chỉ của Napoléon, nhằm truyền đạt tính cách cao quý của ông bên cạnh việc ví ông với Chúa Kitô với khả năng chữa lành bệnh tật. Napoléon đã đặt mua bức tranh với hy vọng sẽ làm lắng xuống những tin đồn rằng ông đã ra lệnh đầu độc năm mươi nạn nhân bệnh dịch hạch. Tác phẩm được trưng bày tại Salon de Paris năm 1804, sự xuất hiện của nó diễn ra giữa lúc Napoléon tuyên bố mình là hoàng đế và lễ đăng quang của ông.

1814: Mùng ba tháng năm 1808 của Francisco Goya

Sơn dầu trên vải – Museo del Prado, Madrid Spain

Tác phẩm đột phá Mùng ba tháng năm 1808 (The Third of May 1808) này mô tả việc hành quyết công khai một số người Tây Ban Nha bởi quân đội của Napoléon. Ở bên trái, được chiếu sáng áp vào ngọn đồi, một người đàn ông mặc áo sơ mi trắng dang hai tay khi anh ta quỳ xuống và đối mặt với đội xử bắn. Một số người đàn ông vây quanh anh ta với nét mặt và ngôn ngữ cơ thể thể hiện sự xáo trộn cảm xúc. Một số người chết nằm trên mặt đất bên cạnh họ và, ở bên phải của họ, một nhóm người, tất cả đều áp mặt vào tay, biết rằng họ sẽ là người tiếp theo. Ở bên phải, đội bắn ngắm súng trường, tạo thành một khối duy nhất vô diện. Một chiếc đèn lồng hình vuông lớn ở giữa hai nhóm, phân chia khung cảnh giữa những kẻ hành quyết mờ ám và những nạn nhân.

Bức tranh dựa trên các mô típ tôn giáo truyền thống, khi người đàn ông mặc áo sơ mi trắng trông giống như một nhân vật tựa như Chúa Kitô, cánh tay của anh ta mở rộng theo hình chữ thập, và cận cảnh bàn tay của anh ta cho thấy một dấu vết trong lòng bàn tay phải giống như dấu thánh (những dấu giống những vết thương trên cơ thể của chúa Giê-su khi người bị đóng đinh trên giá chữ thập). Tuy nhiên, bức tranh là một cuộc cách mạng trong cách xử lý không khoa trương, độ phẳng của phối cảnh và những chất màu mờ gần như lấm chấm của nó. Ngoài ra, việc nó miêu tả một sự kiện đương đại được trải qua bởi những cá nhân bình thường đã đi ngược lại các chuẩn mực học thuật vốn ưa thích các câu chuyện đặc trưng vượt thời gian của Tân Cổ điển. Goya có ý định vừa chứng kiến ​​vừa tưởng nhớ cuộc kháng chiến của Tây Ban Nha với quân đội của Napoléon trong Chiến tranh Bán đảo 1808-1814, một cuộc chiến được đánh dấu bằng sự tàn khốc tột độ. Đường chân trời và bầu trời tối tăm của bức tranh phản ánh cho thấy thời điểm sáng sớm là lúc các vụ hành quyết diễn ra, nhưng cũng truyền tải một cảm giác về bóng tối đang áp đảo.

Nhà sử học nghệ thuật Kenneth Clark đã mô tả nó là “bức tranh vĩ đại đầu tiên có thể được gọi là mang tính cách mạng theo mọi nghĩa của từ này, trong phong cách, chủ đề và chủ ý.” Bức tranh mang tính cách mạng của Goya rồi đã là công cụ thúc đẩy sự miêu tả bộc trực của Chủ nghĩa Hiện thực về cuộc sống hàng ngày, về những tuyên bố của Picasso chống lại sự khủng khiếp của chiến tranh và sự thăm dò của những người theo chủ nghĩa Siêu thực về chủ đề như mơ.

1814: Người cung phi vĩ đại của Jean-Auguste-Dominique Ingres

Sơn dầu trên vải – Louvre, Paris France

Bức tranh Người cung phi vĩ đại (La Grande Odalisque) này vẽ một người khỏa thân nằm nghiêng, là thành viên của hậu cung, tay cầm một chiếc quạt lông vũ, giữa những tấm vải dệt xa hoa. Tóc của nàng được quấn trong một chiếc khăn xếp, và một cái điếu ống đặt dưới chân. Nàng quay đầu qua vai để liếc nhìn người xem.

Ingres là một trong những họa sĩ Tân cổ điển được biết đến nhiều nhất, và trong khi ông tiếp tục bảo vệ phong cách này, tác phẩm trên phản ánh khuynh hướng Lãng mạn. Hình ảnh gợi nhớ lại Nàng Venus của Urbino (Vernus of Urbino) của Titan (1528) và lặp lại tư thế của Chân dung quý bà Récamier (Portrait of Madame Récamier) của Jacque-Louis David (1809), nhưng ảnh hưởng của trường phái Kiểu cách cũng rõ ràng trong các biến dạng giải phẫu của nhân vật. Đầu của cô ấy hơi quá nhỏ, và cánh tay của cô ấy dường như không có cùng chiều dài. Khi tác phẩm được trưng bày tại Salon 1819, những biến dạng này đã khiến các nhà phê bình cho rằng cô không có xương, không có cấu trúc và quá nhiều đốt sống.

Tác phẩm là một ví dụ nổi tiếng về phong cách chủ nghĩa phương Đông. Bằng cách đặt mẫu khỏa thân châu Âu trong bối cảnh hậu cung Trung Đông, đối tượng được khai thác theo cách ngoại lai và gợi dục công khai. Các học giả sau đó đã đề xuất rằng vì người phụ nữ là thê thiếp trong hậu cung của quốc vương, nên sự biến dạng của hình dáng cô ấy mang tính tượng trưng, ​​nhằm truyền tải ánh nhìn khiêu gợi của quốc vương về hình dáng của cô. Do đó, tác phẩm chỉ ra con đường dẫn đến sự nhấn mạnh của Chủ nghĩa Lãng mạn vào việc miêu tả chủ thể một cách chủ quan hơn là khách quan hoặc theo một tiêu chuẩn lý tưởng hóa về cái đẹp. Việc Ingres sử dụng màu sắc và cách làm phẳng hình thù nhân vật của ông sẽ là những ví dụ quan trọng cho các nghệ sĩ thế kỷ 20 như Picasso và Matisse, những người cũng tránh các lý tưởng cổ điển trong việc thể hiện cá nhân của họ.

1818: Kẻ lang thang phía trên biển sương mù của Caspar David Friedrich

Sơn dầu trên vải – Kunsthalle Hamburg, Hamburg German

Trong bức tranh Kẻ lang thang phía trên biển sương mù (Der Wanderer über dem Nebelmeer) này, một người đàn ông quý tộc bước ra trên một mỏm đá khi anh ta đang quan sát cảnh quan trước mặt, quay lưng về phía người xem. Vượt lên khỏi những đám mây sương mù cuộn xoáy, thấp thoáng những đỉnh núi đá cao, một đỉnh núi hùng vĩ ở bên trái, và một khối đá ở bên phải lấp đầy đường chân trời. Nhiều phong cảnh của Friedrich mô tả một nhân vật đơn độc trong một khung cảnh choáng ngợp, đại diện cho một anh hùng Byronic (một loại nhân vật hư cấu – một kẻ nổi loạn ủ rũ, nhiều nỗi niềm, thường bị ám ảnh bởi một bí mật đen tối từ quá khứ của mình), bao quát và vượt lên trên quang cảnh.

Trong khi Friedrich thực hiện các bản phác thảo ngoài trời ở vùng núi Sachsen và Bohemia để chuẩn bị cho bức tranh này, phong cảnh về cơ bản là một bức tranh tưởng tượng, một tổng hợp của các góc nhìn cụ thể. Vị trí của cá nhân trong thế giới tự nhiên là một chủ đề thường gặp của các họa sĩ thời kỳ Lãng mạn. Ở đây, cá nhân người lang thang trên đỉnh vách núi chiêm ngưỡng thế giới trước mặt dường như gợi ý sự làm chủ phong cảnh, nhưng đồng thời, hình dáng đó có vẻ nhỏ bé và tầm thường so với khung cảnh hùng vĩ của núi và bầu trời trải dài trước mặt anh ta. Friedrich là một bậc thầy trong việc trình bày sự thăng hoa của tự nhiên trong sự vô biên vô tận và sự khắc nghiệt của nó. Khi chiêm nghiệm, thế giới, trong màn sương mù của nó, cuối cùng vẫn không thể biết trước được.

1818-1819: Chiếc bè của tàu Medusa của Jean-Auguste-Dominique Ingres

Sơn dầu trên vải – Louvre, Paris Pháp

Trong Chiếc bè của tàu Medusa (Le Radeau de la Méduse), Géricault mô tả những người sống sót tuyệt vọng của một vụ đắm tàu ​​sau nhiều tuần lênh đênh trên biển trên một chiếc bè bị sóng xô dập, dưới một bầu trời bão tố. Ở phía mũi của chiếc bè, một người đàn ông da đen đang vẫy chiếc áo sơ mi, cố gắng ra hiệu dừng lại cho một con tàu gần như không nhìn thấy ở đường chân trời, trong khi những người khác phía sau cố gắng giơ cánh tay lên phía trước với hy vọng được cứu. Ở tiền cảnh là một người đàn ông lớn tuổi thất thần ôm thi hài khỏa thân của đứa con trai đã chết, thi thể của một người đàn ông bị nửa ở trên bè nửa chìm trong nước, và ở phía xa bên trái là một phần xác chết, bị cắt đứt ở thắt lưng.

Khung cảnh mô tả những người sống sót sau vụ đắm tàu ​​Medusa, một khinh hạm của Hải quân Hoàng gia Pháp được gửi đến thuộc địa Senegal vào năm 1816. Con tàu mắc cạn trên một bãi cát và bắt đầu chìm, nhưng không có đủ thuyền cứu sinh. Một số người sống sót đã đóng một chiếc bè tạm bợ để đến được bờ biển châu Phi, nhưng họ nhanh chóng bị mất tích trên biển. Nhiều người đã chết, và những người khác dùng đến bạo lực và ăn thịt đồng loại. Người nghệ sĩ đã thực hiện nhiều tháng nghiên cứu, phỏng vấn và phác thảo những người sống sót, mổ xẻ tử thi trong xưởng vẽ của mình và tuyển bạn bè làm người mẫu, bao gồm cả họa sĩ Delacroix.

Việc Géricault sử dụng ánh sáng và bóng tối cũng như tổ chức cảnh dọc theo hai đường chéo tạo ra một tầm nhìn ấn tượng và mãnh liệt. Bắt đầu với những thi thể ở phía dưới bên trái, người xem dõi theo ánh mắt và cử chỉ của cư dân trên bè đối với một người đàn ông, gánh trên vai những người bạn đồng hành của anh ta, đang vẫy một tấm vải – một dấu hiệu của hy vọng. Từ những bóng đổ bên dưới cánh buồm, người ta đi theo một đường chéo khác về phía dưới bên phải để thấy một xác chết, được che phủ một phần, trượt khỏi bè xuống biển. Bố cục này, cùng với bầu trời hùng vĩ và bão tố nói lên thị hiếu của người theo chủ nghĩa Lãng mạn đối với sự khủng khiếp và hùng vĩ.

Với mục đích phê phán sâu sắc hệ thống chính trị và xã hội bằng cách miêu tả những hậu quả bi thảm và nỗi đau khổ của những thành phần bên lề xã hội, bức tranh là một ví dụ tiên phong của nghệ thuật phản kháng. Nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng của thế kỷ 19 Jules Michelet (người đã ấn định thuật ngữ “Phục hưng”) đã đưa ra một cái nhìn rộng hơn về chủ đề của Géricault, gợi ý rằng “toàn bộ xã hội của chúng ta đang ở trên chiếc bè của tàu Medusa.”

1821: Chiếc xe kéo cỏ khô của John Constable

Dầu trên vải – Phòng trưng bày Quốc gia, London, Anh

Phong cảnh nông thôn trong Chiếc xe kéo cỏ khô (The Hay Wain) mô tả một chiếc xe kéo cỏ khô, một loại xe kéo, được kéo bởi ba con ngựa băng qua sông. Ở phía tả ngạn, một ngôi nhà nhỏ, được gọi là Willy Lott’s Cottage dành cho nông dân tá điền sống ở đó, nằm phía sau cối xay gió Flatford, thuộc sở hữu của cha Constable. Constable biết rất rõ về khu vực này của vùng nông thôn Suffolk và nói, “Tốt nhất tôi nên vẽ những nơi chốn của riêng mình, tranh vẽ chỉ là một từ khác để chỉ cảm xúc.” Ông đã thực hiện vô số bản phác thảo ngoài trời trong đó ông tiến hành các quan sát cận khoa học về thời tiết và hiệu ứng của ánh sáng.

Trong phong cảnh của Constable, con người không đứng lại và quan sát thiên nhiên mà thay vào đó là một phần gần gũi của thiên nhiên, giống như cây cối và chim chóc. Hình thể đang điều khiển chiếc xe kéo không nằm ngoài quy mô với môi trường của anh ấy. Constable miêu tả sự hòa hợp với thiên nhiên mà rất nhiều nhà thơ lãng mạn đã tuyên bố.

Constable ít được ca ngợi ở quê nhà Anh Quốc vì ông không chịu đi theo con đường học thuật truyền thống và nhất quyết theo đuổi thể loại thấp kém nhất: tranh phong cảnh. Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa lãng mạn của Pháp đã đón nhận ông một cách nhiệt tình sau khi nhìn thấy tác phẩm này ở Salon Paris năm 1824. Khả năng nắm bắt cách bầu không khí thoáng qua quyết định cách chúng ta nhìn phong cảnh của ông đã truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ như Eugène Delacroix. Mặc dù Chiếc xe kéo cỏ khô có thể không được đồng hương đón nhận nồng nhiệt vào thời điểm đó, nhưng vào năm 2005, bức tranh được bình chọn là bức tranh phổ biến thứ hai ở Anh.

1830: Tự do dẫn lối nhân dân của Eugène Delacroix

Sơn dầu trên vải – Louvre, Paris Pháp

Bức tranh Tự do dẫn lối nhân dân (La Liberté guidant le peuple) nổi tiếng và có ảnh hưởng này mô tả cuộc nổi dậy ở Paris vào tháng 7 năm 1830. Tuy nhiên, Delacroix không trình bày một sự kiện có thực mà là một câu chuyện ngụ ngôn về cuộc cách mạng. Một người phụ nữ ngực trần, đại diện cho ý tưởng về Tự do, đội mũ Phrygian (hay còn được gọi là mũ tự do), một tay cầm lưỡi lê và tay kia giương cao lá cờ ba màu, khuyến khích đám đông nổi loạn tiến tới con đường chiến thắng của họ. Trong khi hình dáng của cô và chiếc váy phủ lên cơ thể gợi lên lý tưởng cổ điển Hy Lạp, Delacroix lại thêm lông vào dưới cánh tay cô gái, gợi ý về một con người thực chứ không chỉ là một lý tưởng.

Các chi tiết đương đại và biểu tượng chính trị khác có thể được tìm thấy trong sự hoạ chân dung của các tầng lớp khác nhau trong xã hội Paris. Một cậu bé đội mũ nồi của học sinh mang một túi đạn trên vai và các khẩu súng lục kỵ binh, một công nhân nhà máy khua gươm và mặc quần dài thủy thủ với tạp dề, và một người đàn ông mặc áo ghi lê và đội mũ chóp của xã hội thành thị thời thượng có lẽ là một chân dung tự họa của Delacroix. Người đàn ông bị thương quỳ dưới chân Tự do và nhìn lên Tự do là một công nhân lâm thời người Paris. Mỗi chi tiết trong hình ảnh đều mang ý nghĩa chính trị, như chiếc mũ nồi với hình ảnh một người theo chủ nghĩa bảo hoàng trắng (white royalist) và một dải ruy băng đỏ biểu thị phe tự do, và một chiếc khăn tay Cholet, biểu tượng của một nhà lãnh đạo Bảo hoàng, được sử dụng để buộc một khẩu súng lục vào bụng một người đàn ông. Hậu cảnh bên phải tương đối trống trải, và mặc dù các tháp của Nhà thờ Đức Bà đặt bối cảnh ở Paris, các phần của cảnh quan đô thị hoàn toàn là do tưởng tượng.

Delacroix nói về tác phẩm, “Tôi đã đảm nhiệm một chủ đề hiện đại, một chướng ngại vật, và mặc dù tôi có thể không chiến đấu cho đất nước của mình, nhưng ít nhất tôi sẽ vẽ cho người.” Đã chứng kiến ​​sự kiện này, ông mô tả, “Ba ngày giữa tiếng súng và lửa đạn, giao tranh ở khắp nơi. Một người tản bộ đơn giản như tôi cũng có nguy cơ chặn được một viên đạn như những anh hùng ngẫu hứng tiến tới kẻ thù với những mảnh sắt gắn cố định trên cán chổi. ” Delacroix đã sử dụng cách sắp xếp kim tự tháp động, sự tương phản giữa ánh sáng và bóng đổ, và màu sắc để tạo ra một cảnh tượng với sự kịch tích đầy xáo động, làm nổi bật chủ nghĩa anh hùng, cái chết và đau khổ, những chủ đề tinh túy của phong trào Lãng mạn. Chủ nghĩa phóng túng của Delacroix, tầm nhìn cá nhân, và việc từ chối các chuẩn mực học thuật – những dấu hiệu nổi bật của thái độ Lãng mạn – đã khiến ông trở thành hình mẫu cho nhiều nghệ sĩ hiện đại.

1836: Nhìn từ núi Holyoke, Northampton, Massachusetts, sau một cơn giông bão của Thomas Cole

Sơn dầu trên vải – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York

Tác giả người Mỹ Thomas Cole mô tả quang cảnh sông Connecticut uốn lượn nhìn từ núi Holyoke ở Massachusetts trong bức Nhìn từ núi Holyoke, Northampton, Massachusetts, sau một cơn giông bão (View from Mount Holyoke, Northampton, Massachusetts, after a Thunderstorm). Một mỏm đất có nhiều cây cối rậm rạp nhìn ra một vùng đồng bằng bằng phẳng được in dấu bởi những cánh đồng canh tác, nơi con sông rộng uốn khúc trong một thời gian dài và hình thành một đoạn uốn khúc ở dòng chảy của nó, và những ngọn đồi nhô lên ở hậu cảnh. Đường chéo được tạo ra bởi mỏm đất chia khung cảnh thành hai hình tam giác, đặt vùng hoang dã đầy bão tố và xanh tươi ở bên trái liền kề với vùng đồng bằng đầy nắng và canh tác ở bên phải. Ở phía dưới bên phải, một nhân vật duy nhất, chính là người nghệ sĩ, được khắc họa khi đang làm việc. Như vậy, Cole khắc họa người nghệ sĩ trong sự hòa hợp với thiên nhiên.

Thomas Cole là một trong những họa sĩ quan trọng và có ảnh hưởng nhất trong số các họa sĩ của Hudson Valley School. Trong khi đi du lịch ở châu Âu từ năm 1829-1832, nghệ sĩ đã tìm kiếm khung cảnh này từ Bốn mươi bản khắc axit được thực hiện với camera lucida ở Bắc Mỹ vào năm 1827 và 1828 (Forty Etchings Made with the Camera Lucida in North America in 1827 and 1828) của Basil Hall. Với mong muốn phản đối lời chỉ trích của Hall về việc người Mỹ thờ ơ với cảnh quan quê hương của họ, Cole hướng tới khắc họa sự độc đáo của cảnh quan Hoa Kỳ như “một sự kết hợp của cái đẹp như tranh vẽ, cái tuyệt luân, và sự tráng lệ.” Khái niệm Lãng mạn này đã tìm thấy lối đi của nó vào các mô tả cảnh quan Hoa Kỳ trong tương lai bởi các họa sĩ và nhiếp ảnh gia khác, bao gồm cả Ansel Adams.

1840: Con tàu nô lệ của J.M.W. Turner

Sơn dầu trên vải – Bảo tàng Mỹ thuật, Boston Massachusetts

Bức tranh Con tàu nô lệ (The Slave Ship) này mô tả một cảnh biển – đại dương với một vòng xoáy những con sóng hỗn loạn bên dưới bầu trời bão tố được thắp sáng với màu đỏ và vàng như thể đang bốc cháy. Ở phía chân trời, một con tàu với cánh buồm căng ra dường như đang lao thẳng vào vùng nước tối hung dữ. Hình dạng con người bị cùm xích, một số được nhìn thoáng qua, nằm rải rác ở phía trước như những mảnh vụn, khi cá mập và các loài cá khác vây quanh và áp sát những người đang bơi.

Turner vẽ hình ảnh này sau khi đọc cuốn Lịch sử và việc bãi bỏ buôn bán nô lệ (1808) của Thomas Clarkson, kể lại việc thuyền trưởng của con tàu nô lệ Zong đã ra lệnh ném 133 nô lệ khỏi tàu để anh ta có thể thu tiền bảo hiểm cho hàng hóa là con người của mình. Là một người theo chủ nghĩa bãi nô nhiệt thành, Turner hy vọng rằng tác phẩm này sẽ truyền cảm hứng cho Hoàng tử Albert làm nhiều hơn nữa để chống lại chế độ nô lệ trên toàn cầu.

Turner đã nắm bắt được khái niệm “tuyệt luân” của triết gia Edmond Burke, cảm giác mà người ta cảm nhận được trước sự hùng vĩ và sức mạnh vượt trội của thiên nhiên. Trong hình ảnh này, hình ảnh con người, và thậm chí cả con tàu ở đường chân trời, rất nhỏ, và sự nhấn mạnh vào mặt nước và bầu trời truyền tải sự choáng ngợp của con người. Màu đỏ như máu của bầu trời và những mái đen của những con sóng truyền tải cường độ mãnh liệt của cảm xúc ở thế giới tự nhiên cùng tia sáng thẳng đứng từ mặt trời chia đại dương làm đôi hiện lên gần như là một viễn tượng khải huyền, sự hiện diện của một đối chứng thần thánh . Những nét vẽ nhanh của Turner tạo ra cảm giác điên cuồng và hỗn loạn, chế ngự những hình dáng con người đang vật lộn khó nhìn thấy. Tác phẩm của ông ảnh hưởng đến việc miêu tả thiên nhiên của chủ nghĩa Lãng mạn như một cuộc đấu tranh đầy kịch tính và hỗn loạn.

Người dịch: Quang Khải

Cùng tác giả

#Tag

Antoine Jean Gros chủ nghĩa lãng mạn Francisco Goya henry fuseli Hương Mi Lê Lê Hương Mi romanticism Series Lịch sử thiết kế đồ họa william blake

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…