Alexander Rodchenko (Phần 1)

Trước khi chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa trở thành thứ nghệ thuật chính thức của nước Nga dưới thời Stalin, đất nước này đã có một khoảng thời gian huy hoàng với thứ nghệ thuật cấp tiến hơn bất cứ đất nước châu Âu nào khác cùng thời. Chủ nghĩa Tối thượng và chủ nghĩa Kiến tạo đã góp phần lớn vào việc định nghĩa ra bản chất của chủ nghĩa Hiện đại là hội hoạ, điêu khắc, thiết kế đồ hoạ, và nhiếp ảnh. Những ngôn ngữ trừu tượng hình học cực đoan đã được sử dụng triệt để trước cả De Stijl của Hà Lan và Bauhaus của Đức. Những thiết kế kiến trúc hoàn toàn hướng tới tương lai cũng đã xuất hiện. Vị lai Nga thậm chí có thể đã phát triển độc lập với Vị lai Ý. Alexander Rodchenko là một người đã bắt đầu như một nhà duy mỹ truyền thống nhưng nhanh chóng trải qua thời kỳ làm việc với truyền thống của Vị lai lẫn Siêu việt, cuối cùng trở thành một nhà sáng lập chủ nghĩa Kiến tạo. Trong loạt bài hai phần, chúng ta tìm hiểu về nghệ sĩ – nhà thiết kế đầy tài năng này.

  • Chúng tôi có những thị kiến về một thế giới, ngành công nghiệp, công nghệ, và khoa học mới. Trong cùng một lúc, chúng tôi phát minh và thay đổi thế giới xung quanh mình. Chúng tôi cho phép những khái niệm mới về cái đẹp và tái định nghĩa chính nghệ thuật.
  • Để có thể giáo dục con người về một khao khát mới, những đồ vật quen thuộc hàng ngày cần phải được đưa ra trước anh ta với những góc nhìn không ngờ tới và trong những tình huống không ngờ tới. Những đồ vật mới cần phải được miêu tả từ các khía cạnh khác nhau để có thể cung cấp một ấn tượng hoàn thiện về chúng.

Tóm lược về Alexander Rodchenko

Alexander Rodchenko có lẽ là nghệ sĩ tiền tiến quan trọng bậc nhất đã đem nghệ thuật của mình phục vụ cuộc cách mạng chính trị. Về mặt này, sự nghiệp của ông là một hình mẫu về sự đụng độ giữa nghệ thuật hiện đại và chính trị cấp tiến. Rodchenko đã bắt đầu sự nghiệp như một hoạ sĩ tương đối truyền thống, nhưng cuộc chạm trán với các nghệ sĩ vị lai Nga đã thúc đẩy ông trở thành một trong những người sáng lập có sức ảnh hưởng của phong trào Kiến tạo. Thêm nữa, sự tận tâm của ông đối với Cách mạng Nga sau đó đã khích lệ ông từ bỏ hoàn toàn đầu tiên là hội họa và sau đó là mỹ thuật, và thay vào đó dùng kỹ năng của mình để phục vụ ngành công nghiệp và chính quyền – ông thiết kế mọi thứ, từ quảng cáo đến bìa sách. 

Rodchenko sinh ngày 05/12/1891 tại St. Petersburg, Nga và mất 03/12/1956 tại Moscow. Một nhà thiết kế, một hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia, và điêu khắc gia, hoạt động từ giữa những năm 1910 tới khi qua đời.

Công trình cả đời của Rodchenko là thử nghiệm không ngừng nghỉ với một loạt các phương tiện đa dạng đến phi thường, từ hội họa và điêu khắc đến thiết kế đồ họa và nhiếp ảnh. Tuy nhiên, giai đoạn sau đó trong sự nghiệp của mình, các chính sách ngày càng mang tính đàn áp các nghệ sĩ hiện đại ở Nga đã khiến ông quay trở lại với hội họa.

Những thành tựu

  • Nghệ thuật và tư tưởng của Rodchenko phát triển cực kỳ nhanh chóng trong những năm 1910. Ông bắt đầu như một người duy mỹ và được truyền cảm hứng bởi các nghệ sĩ Art Nouveau như Aubrey Beardsley. Sau đó, ông trở thành một nghệ sĩ Vị lai, tiêu hoá tác phẩm của Vladimir Tatlin và trường phái Tối thượng của Kazimir Malevich. Cho đến cuối cuối thập kỷ này, ông đã là người tiên phong trong Chủ nghĩa Kiến tạo. Công cuộc dò xét đầy tính thử nghiệm về các yếu tố của nghệ thuật tượng hình và điêu khắc này đã sản sinh các tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn trừu tượng mà phân tách các thành phần của mỗi hình ảnh – đường nét, hình thức, không gian, màu sắc, bề mặt, kết cấu và cấu trúc vật lý của tác phẩm. Chủ nghĩa Kiến ​​tạo khuyến khích sự chú tâm mới vào các khía cạnh hữu hình và vật chất của nghệ thuật, và tinh thần thử nghiệm của nó được khuyến khích bởi niềm tin rằng nghệ thuật phải phù hợp với những chuyển biến cách mạng đang diễn ra trong nền chính trị và xã hội Nga.
  • Lòng tận tâm của Rodchenko đối với các giá trị của Cách mạng đã thúc đẩy ông từ bỏ hội họa vào năm 1921. Ông tiếp nhận một cái nhìn công năng hơn về nghệ thuật và nghệ sĩ, và ông bắt đầu cộng tác với nhà thơ Vladimir Mayakovsky trong một loạt chiến dịch quảng cáo. Sản phẩm của hai người bọn họ không chỉ đưa thiết kế hiện đại vào quảng cáo của Nga mà còn là nỗ lực quảng bá các giá trị của cuộc Cách mạng cùng với các sản phẩm được quảng bá. Sự kết hợp cụ thể của thiết kế hiện đại, chính trị và thương mại này thỉnh thoảng vẫn truyền cảm hứng cho các nhà quảng cáo ở phương Tây kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ.
Dobrolet – áp phích quảng cáo dành cho một hãng hàng không của nhà nước Nga. 1923
  • Nhiếp ảnh đóng vai trò quan trọng đối với Rodchenko trong những năm 1920 trong nỗ lực tìm kiếm phương tiện mới phù hợp hơn với mục tiêu phục vụ cách mạng của ông. Đầu tiên ông xem nó như một nguồn hình ảnh có sẵn, sử dụng nó trong những dàn dựng hình ảnh và văn bản, nhưng sau đó ông bắt đầu tự chụp ảnh và phát triển một thẩm mỹ riêng với các góc máy khác thường, bố cục cắt xén đột ngột, và sự tương phản sáng tối rõ nét. Tác phẩm của ông trong cả cắt ghép ảnh và nhiếp ảnh cuối cùng đã đem đến đóng góp quan trọng cho nền nhiếp ảnh châu Âu trong những năm 1920.

Tiểu sử của Alexander Rodchenko

Thời thơ ấu

Alexander Rodchenko sinh ra ở Saint Petersburg, Nga, trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động. Cha của ông, Mikhail Rodchenko, là quản lý đạo cụ nhà hát và mẹ ông, Olga, là thợ giặt. Địa vị xã hội của gia đình không tạo nhiều cơ hội cho cậu bé Alexander đầy tài năng phát triển giáo dục nghệ thuật. Đến nay chúng ta vẫn còn chưa rõ những gì Rodchenko có thể đã học được khi còn nhỏ. Gia đình chuyển đến thành phố Kazan vào năm 1905. Hai năm sau, người cha Mikhail qua đời, nhưng gia đình vẫn có thể dành một phần ngân sách hiếm hoi cho Alexander đi học.

Đào tạo ban đầu

Rodchenko đăng ký vào Trường Nghệ thuật Kazan, nơi ông học từ năm 1910 đến năm 1914 dưới thời Nikolai Feshin và Georgii Medvedev. Chàng nghệ sĩ trẻ nhanh chóng tiếp thu những nguyên tắc cơ bản của quá trình đào tạo học thuật và nhận được nhiều lời khen ngợi từ những người hướng dẫn của mình. Năm 1914, ông gặp một người bạn học tên Varvara Stepanova. Họ đã trở thành bạn đời và những đối tác nghệ thuật của nhau.

Vợ chồng Rodchenko và Stepanova, cặp đôi quyền lực nhất của nghệ thuật Nga đầu thế kỷ 20

Kazan dần trở nên quá hạn hẹp và ngột ngạt đối với tầm nhìn dần phát triển của Rodchenko. Ông và Stepanova chuyển tới Moscow vào năm 1915 để được tiếp xúc nhiều hơn với chủ nghĩa hiện đại mới ra đời của Nga, và rồi định cư lâu dài ở đó vào năm 1916. Rodchenko theo học tại Viện Stroganov, nơi ông học vẽ, hội họa và lịch sử nghệ thuật.

Ở Moscow, Rodchenko chịu ảnh hưởng bởi những nhân vật chủ chốt của phong trào tiên phong Nga, đó là Vladimir Tatlin và Kazimir Malevich. Ông vẽ bức vẽ trừu tượng đầu tiên của mình vào năm 1915 – một bức vẽ gợi nhớ đến các tác phẩm theo trường phái Tối thượng của Malevich. Nhưng không chỉ có nền nghệ thuật tiên phong mới ảnh hưởng đến ông. Thông qua sự quen biết với những nhà tư tưởng tự do như David Burliuk và Vasily Kamensky, Rodchenko thấy mình ở ngay nơi trung tâm của cuộc Cách mạng Bolshevik năm 1917.

Một ví dụ về tranh trừu tượng, vẽ với com-pa, của Rodchenko vào năm 1915

Rodchenko tham gia vào sự nghiệp của Bolshevik cả về mặt tư tưởng và thẩm mỹ. Là một thanh niên thuộc tầng lớp lao động, ông đã tận mắt chứng kiến những bất công xã hội của nước Nga thời Sa hoàng. Rodchenko tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh của nghệ thuật như một động lực của sự chuyển đổi xã hội, như được trình bày chi tiết trong nhiều bức thư và nhật ký của ông mà chỉ gần đây mới được dịch sang tiếng Anh. Rodchenko chấp nhận nét thẩm mỹ mới nổi của Chủ nghĩa kiến ​​tạo Nga và trở thành một thành viên hàng đầu của nhóm.

Ngay trong chặng đầu sự nghiệp, Rodchenko đã thể hiện tài năng nghệ thuật và sự tìm tòi đổi mới. Từ 1917 đến 1918, ông chủ yếu thử nghiệm các bố cục hình học phẳng. Sau đó, vào năm 1919, ông đã tạo ra một loạt các bức tranh Đen trên đen (Black on Black), thứ có thể được coi như phản hồi tới Hình vuông Đen (Black Square) (1915) của Malevich, hoặc thậm chí là Trắng trên trắng (White on White) (1918) – thứ mà Malevich coi là chặng tối hậu và hoàn thiện của nghệ thuật và của Tối thượng thông qua “sự chuyển hoá tới cái không của hình thức“. 

Trong khi tác phẩm của Malevich dường như báo trước sự diệt vong của hội họa, nó cũng quảng bá một chủ nghĩa tâm linh mà Rodchenko đã bác bỏ. Các bức tranh Đen trên đen cũng được giảm thiểu về hình thức theo cách tương tự dù không cực đoan bằng như trong Hình vuông đen. Nhưng, thay cho bất cứ hàm ý tâm linh nào, chúng nhấn mạnh những đặc tính của chất liệu trong việc vẽ tranh.

Một bức trong loạt Đen trên đen của Rodchenko

Trong những năm đầu của Cộng hòa Xô Viết, Rodchenko, cùng với người bạn và đồng nghiệp của mình là Wassily Kandinsky, đã tích cực tham gia vào cuộc cải cách của chính phủ đối với các bộ sưu tập và giáo dục nghệ thuật. Năm 1917, ông trở thành thư ký của Liên minh Nghệ sĩ – Họa sĩ Chuyên nghiệp (Professional Union of Artist-Painters), gia nhập Izo (Otdel Izobrazitel’nykh Iskusstv hay Bộ phận Nghệ thuật Thị giác), với tư cách là một trong những quan chức chủ trì vào năm sau đó.

Năm 1920, ông được bổ nhiệm làm giám đốc của Cục Bảo tàng và Quỹ Mua bán (Museum Bureau and Purchasing Fund), một cơ quan mới được thành lập phụ trách các bộ sưu tập nghệ thuật đồ sộ do những người theo Bolshevik chuyển từ các cung điện của người giàu sang khu vực công cộng. Trong nhiệm kỳ của mình, Rodchenko đã mua lại 1.926 tác phẩm nghệ thuật hiện đại và đương đại của 415 nghệ sĩ và thành lập 30 bảo tàng công cộng ở các tỉnh của Nga.

Thời kỳ Trưởng thành

Trong khi tổ chức các viện bảo tàng cấp tỉnh, Rodchenko đã đào tạo các nghệ sĩ phục vụ nhà nước Cộng sản tại Xưởng nghệ thuật Kỹ thuật Cao cấp. Ông dạy học trò cùng những nguyên tắc đã hình thành diễn ngôn nghệ thuật của riêng ông; ông bác bỏ sự tái hiện phi hiện thực như một hình thức lỗi thời bị cản trở bởi những vấn đề thị giác tư bản, tố cáo hội họa là một thể loại thị giác độc đoán, và ưu tiên thiết kế – thứ thách thức quan niệm về tác phẩm nghệ thuật như một món hàng độc nhất. Rodchenko thậm chí còn quảng bá một cách triệt để hơn ý tưởng về một nghệ sĩ với tư cách là một kỹ sư, một lực lượng sáng tạo chủ chốt phục vụ quần chúng.

Năm 1921, Rodchenko tham gia phong trào chủ nghĩa Sản xuất (Productivism), gồm một nhóm các nghệ sĩ có ý tưởng lồng ghép các hình thức nghệ thuật vào cuộc sống hàng ngày của người dân. Là một thành viên của nhóm, Rodchenko đã thiết kế các đồ vật tiện dụng đáng chú ý, bao gồm đồ nội thất, các vật dụng gia đình khác nhau và các mẫu dệt. Quan trọng hơn, ông đã tham gia vào việc đưa các hình thức Chủ nghĩa Kiến tạo vào những tuyên truyền bằng thị giác hàng loạt của những người theo Bolshevik. 

Áp phích Sách quảng cáo cho Nhà xuất bản Lengiz làm năm 1924, là sản phẩm thiết kế truyền thông khiến Rodchenko trở nên nổi tiếng nhất và nhận được nhiều sự tán dương nhất từ những nhà bảo trợ thuộc về chính phủ Xô viết.

Các áp phích của ông, chẳng hạn như Sách (Books) (1924), đã trở thành một biểu tượng của nhà nước Xô Viết sơ khai và sự nhiệt thành nghệ thuật của nó. Những tác phẩm này vẫn được coi là một đỉnh cao của thiết kế đồ họa hiện đại ngày nay.

Những ý tưởng của Wassily Kandinsky có thể đã có ảnh hưởng quan trọng đối với Rodchenko trong những năm đầu của Liên Xô, vì hai người có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nhưng trong khi Kandinsky quan tâm đến khả năng biểu đạt của nghệ thuật, Rodchenko ngày càng quan tâm đến tiềm năng của nó như một phòng thí nghiệm cho việc thiết kế và xây dựng. Sự khác biệt này thể hiện ở việc ông quan tâm đến đường nét như một thành phần quan trọng của hội họa. Tuy nhiên, những tuyên bố cuối cùng của ông trong hội họa quay trở lại vấn đề màu sắc; vào năm 1921, ông trưng bày bộ ba đột phá Màu đỏ thuần khiết, Màu vàng thuần khiết, Màu xanh dương thuần khiết (Pure Red Color, Pure Yellow Color, Pure Blue Color) (1921) bao gồm các tấm đơn sắc thuần túy của những màu đó.

Tác phẩm Màu đỏ thuần khiết, Màu vàng thuần khiết, Màu xanh dương thuần khiết (Pure Red Color, Pure Yellow Color, Pure Blue Color

Năm 1921, Rodchenko quyết định nghỉ vẽ tranh, mặc dù chỉ là tạm thời. Thay vào đó, ông tập trung vào việc tạo ra các mô hình ba chiều của các đối tượng thiết kế, bản phác thảo kiến ​​trúc và nhiếp ảnh. Ông cũng tạo ra thiết kế dàn dựng cho phim và kịch, thiết kế đồ nội thất và quần áo. Từ năm 1923 đến năm 1925, ông cộng tác với nhà thơ tiên phong vĩ đại Vladimir Mayakovsky, minh họa một số sách và tạp chí của ông cho các nhà văn Xô Viết tiến bộ như LEF NOVYI LEF.

Hai số đầu tiên của tạp chí LEF (ЛЕФ) hay Lề trái của nghệ thuật (Left Front of the Arts Левый фронт искусств”) – xuất bản từ 1923 đến 1925, và sau đó trở thành NOVYI LEF hay NEW LEF tức là “LEF mới” – xuất bản từ 1927 – 1929

Chính nhờ nhiếp ảnh mà Rodchenko gặt hái được nhiều thành công nhất trong những năm 1920. Được làm phóng viên cho một số tờ báo và tạp chí của Liên Xô, những bức ảnh của ông đã được triển lãm khắp nơi trên thế giới. Ông được mọi người khen ngợi vì những tác phẩm đầy tính tiên phong và cách tiếp cận thử nghiệm để lấy nét và độ tương phản trong các bức ảnh của mình.

Người phụ nữ và máy ảnh Leica (Eugenia Lemberg) (1934) của Rodchenko. Một điển hình cho góc nhìn nhiếp ảnh mang tính trừu tượng làm nên danh tiếng cho ông.

Những năm cuối đời và cái chết

Đến giữa những năm 1930, Rodchenko không còn được sự ủng hộ của Đảng Cộng sản. Hệ tư tưởng bằng thị hình ảnh của chế độ này đã hoàn toàn biến đổi khi Joseph Stalin lên nắm quyền. Phong cách thẩm mỹ tiên phong có tinh thần tự do giờ đây đã bị nhà nước tích cực trấn áp. Rodchenko và vợ của ông đã may mắn sống sót sau cuộc Đại thanh trừng của Stalin càn quét Liên Xô và thủ tiêu nhiều cá nhân nổi tiếng vào thời điểm Cách mạng Bolshevik. Với việc Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa trở thành loại nghệ thuật chính thức của Liên Xô, các bức tranh và thiết kế của Rodchenko đã bị chính quyền lên án công khai với quy chụp là “chủ nghĩa hình thức”.

Vì vậy, Rodchenko chuyển sang nhiếp ảnh báo chí. Những bức ảnh của ông đã thể hiện kỷ nguyên của chủ nghĩa Stalin tối cao bằng cách mô tả các cuộc diễu hành xa hoa, các chủ trương công nghiệp to lớn và sự chuyển đổi mang tính quyết định trong nông nghiệp. Đương nhiên, Rodchenko rõ ràng bị cấm chụp những người bị giết đầy khủng khiếp của quá trình hiện đại hóa sâu rộng này. Trong những năm 1940, ông trở lại với hội họa, thực hiện một số sáng tác theo trường phái biểu hiện trừu tượng mạnh mẽ. Tuy nhiên, những người cùng thời với ông không bao giờ thấy được những tác phẩm này vì chúng công khai thể hiện mâu thuẫn với thẩm mỹ đã được chính quyền công nhận. Ông tiếp tục làm việc như một nhiếp ảnh gia trong suốt những năm cầm quyền của Stalin, cho đến khi ông qua đời năm 1956.

Một trong những bức ảnh chụp Kênh đào Biển Trắng được in trong tạp chí tuyên truyền Xây dựng USSR của Stalin, số 12, 1933. Toàn bộ số tạp chí này được thiết kế và sử dụng ảnh chụp của Rodchenko. Bức ảnh ghi lại hình ảnh những công nhân Xô viết đang xây dựng con kênh nằm giữa biển Trắng và biển Baltic

Di sản của Alexander Rodchenko

Là một nhân vật chủ chốt của phong trào chủ nghĩa hiện đại Nga, nghệ thuật của Alexander Rodchenko đã giúp xác định lại ba thể loại hình ảnh chính của chủ nghĩa hiện đại: hội họa, nhiếp ảnh, và thiết kế đồ họa. Trong các bức tranh của mình, người nghệ sĩ đã khám phá và mở rộng thêm vốn từ vựng cần thiết của một bố cục trừu tượng. Hàng loạt bức tranh đơn sắc thuần túy trừu tượng của ông đã có ảnh hưởng đến các nghệ sĩ như Ad Reinhardt và những nghệ sĩ theo chủ nghĩa tối giản của những năm 1960. Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, ông đã thiết lập các mô hình bố cục chưa từng có tiền lệ, theo nhiều cách góp phần định nghĩa ra toàn bộ khái niệm của nghệ thuật nhiếp ảnh hiện đại. Sự tham gia của Rodchenko vào chính quyền Bolshevik càng khiến giới cánh tả của những người tiên phong ở Mỹ thêm trân trọng nghệ thuật của ông.

Cùng tác giả

#Tag

Alexander Rodchenko Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…