Thomas Cole (Phần 3)

Trong phần cuối cùng của loạt bài về Thomas Cole – một trong những nghệ sĩ phong cảnh vĩ đại nhất của Mỹ – chúng ta sẽ tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu còn lại của ông. Các bức tranh thể hiện những quan sát thực tế hơn về cảnh quan nước Mỹ như bức Khung cảnh từ Núi Holyoke, Northampton, Massachusetts sau một cơn bão, đậm tính ngụ ngôn tôn giáo như Hành trình cuộc đời, thể hiện một thực hành khác của Thomas Cole là kiến trúc trong Giấc mơ của kiến trúc sư, và cả thái độ cam chịu nhất định lúc cuối đời trước sự thuần hoá của con người với thiên nhiên trong Buổi dã ngoại.

  • “… ý niệm thơ ca của một chủ đề có thể không phức tạp, bởi vì nó mang tính tự phát; nhưng tưởng tượng những gì có thể hoá thân trong ánh sáng, và bóng tối, và màu sắc – những gì hoàn toàn mang tính hình ảnh – là lao động trí óc mang tính tích luỹ.
  • Mặc dù cảnh trí nước Mỹ thường rất đẹp, chúng ta vẫn cảm thấy một mong muốn những giao thoa như bám vào cảnh trí ở Cựu giới. Thiên nhiên giản đơn là không đủ. Chúng ta muốn sự bận tâm, sự kiện, và hành động của con người để kết xuất đầy đủ hiệu ứng của phong cảnh.
  • Đối tượng [của nghệ thuật] nên thuần khiết và cao cả…, giảng dạy một bài học ấn tượng, minh hoạ một cảnh quan trọng – tạo ra một hiệu ứng đạo đức, tôn giáo, hay thi vị trong tâm trí.
  • Bạn chưa thấy ư? – tôi thấy rồi – rằng tôi không bao giờ thành công trong việc vẽ lại các khung cảnh, dù đẹp tới mức nào, ngay lập tức sau khi quay về từ ấy. Tôi phải đợi để có thể vẽ được một tấm màn phủ lên những chi tiết tầm thường, những phần thừa, và do vậy để lại những chi tiết vĩ đại, dù là cái đẹp hay cái trác tuyệt, thống trị tâm trí.
  • Không có gì khiến tôi phản đối hơn là hình ảnh những vùng đất la liệt cây nằm phủ phục, những gốc cây cháy đen hay biến dạng. Con người tiến bộ cướp đi vẻ đẹp tự nhiên của khu rừng. Và, than ôi, anh ta không thay thế được nó bằng cái đẹp của Nghệ thuật.

1836: Khung cảnh từ Núi Holyoke, Northampton, Massachusetts sau một cơn bão

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ

Bức Khung cảnh từ Núi Holyoke, Northampton, Massachusetts sau một cơn bão (View from Mount Holyoke, Northampton, Massachusetts, after a Thunderstorm) thường được gọi là Khúc móng ngựa (The Oxbow), bức tranh cho thấy hai khía cạnh rất khác nhau của phong cảnh nước Mỹ. Ở cánh trái của bức tranh, bầu trời dày đặc mây xám treo lơ lửng trên cánh rừng tươi xanh; còn ở cánh phải, sông Connecticut uốn khúc nhẹ nhàng qua những cánh đồng canh tác dưới bầu trời trong xanh. 

Một bức tranh quan trọng trong sự nghiệp của Cole, và được cho là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, bức Khúc móng ngựa được sáng tác vào thời điểm Cole vô cùng bận rộn với chuỗi tranh Tiến trình Đế chế (The Course of Empire). Nhà bảo trợ Luman Reed của ông đã khuyên rằng ông nên tạm nghỉ làm việc với chuỗi tranh ấy một thời gian bởi Cole có vẻ có dấu hiệu trầm cảm, và trở về với thể loại hội họa phong cảnh Lãng mạn mà ông yêu thích hơn cả. Trong khi Tiến trình Đế chế đóng vai trò như một lời cảnh báo rõ ràng về số phận của nền văn minh, thì bức tranh này thể hiện một tuyên bố phức tạp hơn mặc dù vẫn mang tính luận chiến, về hướng đi tiềm năng của xã hội Mỹ. Phong cảnh chưa bị khai hoang ở bên trái vừa đe dọa vừa cuốn hút, trong khi vùng đất canh tác ở bên phải thể hiện hình ảnh an toàn lập lờ, được tăng thêm phần phức tạp bởi sự hiện diện của những đường vạch như các vết sẹo trong rừng ở những ngọn đồi xa xăm: dấu hiệu của việc khai thác đất đai hung hãn quá mức. Những dấu vết đó liệu có tạo thành thông điệp chữ hay không đã gây ra nhiều tranh cãi, với một số học giả tin rằng những đường vạch ấy được sắp đặt ngụ ý tạo ra chữ “Noah” trong tiếng Hebrew, và từ góc nhìn từ trên không của Chúa, sẽ đọc thành “Shaddai” hay “Đấng toàn năng”. Nếu cách đọc đó được chấp nhận, thì phong cảnh mà xét cho cùng, cho thấy một vùng đồng bằng ngập nước, tượng trưng cho sự ngạo mạn của xã hội loài người đang chờ đợi sức mạnh thanh tẩy của phán xét thiêng liêng. 

Cole cá nhân hóa tác phẩm này bằng cách mô tả bản thân ở trung tâm bức tranh. Từ giữa hai vách đá nhìn ngược lại hướng người xem, thân hình nhỏ bé của người nghệ sĩ lưu giữ phong cảnh trên bức vẽ của ông trước khi nó mất đi, và có lẽ, mời gọi sự đánh giá của chính chúng ta về cảnh tượng. Yếu tố cá nhân này phản ánh cảm giác kết nối cảm xúc của Cole với tác phẩm, hiện là một trong những ví dụ điển hình nhất của tranh phong cảnh Bắc Mỹ giữa thế kỷ 19.

1840: Hành trình cuộc đời: Tuổi trẻ 

Tranh sơn dầu trên toan – Viện Munson-Williams-Proctor, Utica, New York, Mỹ

Tác phẩm Hành trình cuộc đời: Tuổi trẻ (The Voyage of Life: Youth) cho thấy một chàng trai trẻ đang chèo thuyền xuôi dòng sông rợp bóng cây; trên bờ sông bên trái có một thiên thần hộ mệnh trông chừng anh ta, bảo vệ anh ta trong chuyến hành trình của mình. Đây là bức thứ hai trong loạt bốn bức tranh được Cole hoàn thành vào năm 1842 mô tả các giai đoạn khác nhau trong hành trình ngụ ngôn của con người suốt cuộc đời. Ba bức còn lại đại diện cho thời thơ ấu, tuổi trưởng thành, và tuổi già, với các yếu tố bố cục và mô-típ như con thuyền, dòng sông, và thiên thần lặp lại xuyên suốt. Bốn giai đoạn của cuộc đời con người được phản ánh trong sự chuyển mùa qua các bức tranh, thiên nhiên như một tấm gương phản chiếu tình trạng cảm xúc của con người, theo phong cách Lãng mạn tinh túy. 

Chuỗi tác phẩm Hành trình cuộc đời được chủ ngân hàng Samuel Ward đặt hàng, với thông điệp nhắc nhở người xem về định hướng cuộc đời để đảm bảo một nơi an nghỉ trong cõi vĩnh hằng. Khi làm như vậy, những tác phẩm này đã khai thác được tâm trạng văn hóa ở Mỹ trong những năm 1840 là vào thời kỳ phục hưng tôn giáo mạnh mẽ. Cùng lúc, có thể đọc ‘hành trình của cuộc đời’ như một câu chuyện ngụ ngôn về sự tiến bộ của nền văn minh Mỹ mà bấy giờ đang ở giai đoạn phát triển đầy hứa hẹn nhưng không chắc chắn. Phong cách sáng tác ở đây minh họa cách tiếp cận của Cole trong việc kết hợp các phong cảnh gồ ghề kiểu Mỹ với các họa tiết và kỹ thuật vay mượn từ tranh phong cảnh châu Âu theo cả hai phong cách Tân cổ điển và Lãng mạn.

Các bức tranh Hành trình của cuộc sống nổi tiếng đến mức chúng trở thành nguyên nhân gây ra tranh chấp giữa Cole, người muốn trưng bày chúng trước công chúng, và nhà bảo trợ của ông là Samuel Ward, người muốn giữ chúng cho bộ sưu tập cá nhân của riêng mình, thậm chí từ chối bán các bức tranh lại cho người nghệ sĩ. Cuối cùng, Cole đã tạo ra phiên bản thứ hai cho chuỗi tranh khi đến thăm châu Âu vào năm 1842. Về mặt cá nhân, ông đã chuyển sang Giáo hội Giám nhiệm vào năm 1941, và những bức tranh này là ví dụ điển hình nhất về tác phẩm ngụ ngôn tôn giáo mà ông đã sản xuất trong những năm cuối đời. Vị trí và ý nghĩa của chúng trong tổng thể tác phẩm của ông đã được William Cullen Bryant tóm tắt trong bài điếu văn tại đám tang của Cole. với mô tả rằng chúng “có thiết kế đơn giản và ít phức tạp hơn Tiến trình Đế chế, nhưng lại giàu trí tưởng tượng hơn. Ý niệm của chuỗi tranh là một bài thơ hoàn hảo.

1840: Giấc mơ của kiến trúc sư

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Toledo, Toledo, Ohio, Mỹ

Như tiêu đề Giấc mơ của kiến trúc sư (The Architect’s Dream) nêu lên, điểm tập trung của bức tranh là người kiến trúc sư trẻ tuổi đang tựa mình vào chồng sách ở tiền cảnh, trên đỉnh một cây cột cổ điển. Được chạm khắc trên cột là dòng chữ “T. Cole vẽ, cho vòm I. Town, 1840” (Painted by T. Cole, For I. Town Arch, 1840), cho thấy tác phẩm được tạo ra cho kiến trúc sư và kỹ sư nổi tiếng người Mỹ Ithiel Town. Phần còn lại của bức tranh được lấp đầy bởi các di tích kiến trúc vĩ đại, bao gồm một mái hiên với dãy cột kiểu Hy-La cổ đại to lớn, một kim tự tháp bị sương mù bao phủ ở hậu cảnh, và một nhà thờ trung cổ ở bên trái.

Tác phẩm này đại diện cho một sự chuyển đổi về phong cách của Cole, trong đó cảnh quan thiên nhiên không phải là trọng tâm chính. Thay vì tôn vinh lịch sử kiến trúc, Cole giới thiệu nhân vật chính trẻ tuổi – có lẽ dựa trên Town – ngưỡng mộ những công trình vĩ đại trong quá khứ, ngầm gợi ý rằng nhà nước Hoa Kỳ, với sự giúp đỡ của những người tiên phong như Town, có thể kế thừa và xây dựng truyền thống văn hóa mà những tác phẩm đó thể hiện. Thảo luận về khía cạnh này của bức tranh, nhà sử học nghệ thuật Matthew Baigell nói rằng “kiến trúc sư, giống như nghệ sĩ, đã hoàn thành chức năng của mình trong xã hội bằng cách gợi nhớ những thành tựu cao nhất trong quá khứ như một cách để hướng dẫn xã hội vượt qua hiện tại và tương lai. Quan điểm như vậy gợi ý một cách giải thích cụ thể về khái niệm Vận mệnh hiển nhiên: rằng Mỹ có thể trở thành La Mã mới, một phiên bản cải tiến của nền văn minh châu Âu – chứ không phải là miền đất hứa cho một vài người được chọn – một nền văn minh mới tách biệt và khác biệt với châu Âu.

Bức tranh này cũng phản ánh sở thích của chính Cole mà ông thỉnh thoảng thực hành là kiến trúc: năm 1938, ông tham gia một cuộc thi thiết kế Ohio Statehouse ở Columbus, và ông đã tạo ra những bản phác thảo và kế hoạch tương tự trong suốt cuộc đời mình. Theo nghĩa này, tác phẩm, giống như những bức chân dung thời kỳ đầu, thể hiện một yếu tố trong quá trình thực hành sáng tạo của Thomas Cole mà đôi khi bị lãng quên vì tầm quan trọng trung tâm vẫn luôn dành cho các tác phẩm phong cảnh.

1846: Đi dã ngoại 

Tranh sơn dầu trên toan – Bảo tàng Brooklyn, Brooklyn, New York, Mỹ

Bức tranh này mô tả một khung cảnh bình dị của hoạt động giải trí ngoài trời được tổ chức dưới một tán cây. Ở bên trái, một nhóm người đang ngồi lắng nghe một người đàn ông chơi ghi-ta. Những nhóm khác, ít người hơn, dường như tách ra từ nhóm trung tâm và ngồi trên chăn ăn uống và nói chuyện. Trên mặt hồ phía sau, một chiếc thuyền đang chèo vào bờ.

Được vẽ trong những năm cuối đời của họa sĩ, tác phẩm này là một trong số nhiều tác phẩm do Cole tạo ra mà thể hiện một khía cạnh rất khác của phong cảnh nước Mỹ so với những vùng hoang vu hoang vắng được ông khám phá trước đó: phong cảnh hoang dã đã được thuần hóa thành một địa điểm dã ngoại. Theo nghĩa nào đó, điều này dường như ngụ ý một sự tôn vinh nghiêm túc về sự tương tác hài hòa giữa hoạt động của con người và môi trường tự nhiên; khung cảnh có nét gì đó giống phong cảnh Arcadian được mô tả trong hội hoạ Tân cổ điển thế kỷ 16. Đồng thời, các đặc điểm như gốc cây bị chặt ở phía trước gợi ý một thái độ mỉa mai hoặc cam chịu hơn đối với sự hiện diện của loài người giữa vùng hoang dã. Chắc chắn, khái niệm về cái Trác tuyệt không còn được truyền tải nữa và tác phẩm có phẩm chất tường thuật, sắp đặt hơn so với các tác phẩm phong cảnh trước đây của Cole.

Là một người cảm thấy rằng “nghệ thuật, theo đúng nghĩa của nó, trên thực tế, là sự bắt chước thấp kém của con người đối với quyền năng sáng tạo của Đấng Toàn năng“, Cole hẳn đã phải vật lộn để chấp nhận sự tiến bộ của xã hội Mỹ đã tạo ra loại trật tự này. Thật vậy, có thể chính cảm giác về sự đánh mất vùng hoang dã thân yêu không thể tránh khỏi đã thu hút ông đi sâu hơn vào đức tin của mình trong những năm trước khi qua đời.

Nguyên bản tiếng Anh do Jessica DiPalma tổng hợp và viết, Greg Thomas hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Nhã Văn dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Thomas Cole

iDesign Must-try

Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler, một trong những người có đóng góp lớn vào lịch sử nghệ thuật nói chung và nước Mĩ hậu chiến nói riêng, đã tiên phong khởi xưởng hội…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko, tác giả của nhiều bức tranh trong danh sách những tác phẩm đắt nhất thế giới, đã phát triển phong cách đặc trưng của mình vào cuối những…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Liệu Mark Rothko là một thiên tài hay là một kẻ lừa đảo? Đây là câu hỏi mà các nhà sử học nghệ thuật và những người mê nghệ thuật…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
“Chúng ta bắt đầu với màu sắc”, đó là lời tuyên bố nổi tiếng của Rothko vào năm 1936 lúc ông viết một cuốn sách so sánh nghệ thuật của…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman đã để lại số tiểu luận, thảo luận, ý tưởng cũng nhiều và quan trọng như những tác phẩm nghệ thuật tiến bộ và khác biệt của ông.…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Nói rằng “Một hoạ sĩ là một biên đạo không gian”, Barnett Newman phát minh ra cái mà ông gọi là “zip”, một dải màu chạy dọc. Và như thế,…