/Tách Lớp/ Vì sao ‘The Last Day of Pompeii’ là kiệt tác đáng xem nhất của nghệ thuật Nga

Một tác phẩm hội họa giá trị không chỉ mang đến những bảng màu, nét bút độc đáo làm khán giả phải trầm trồ, kinh ngạc. Chúng còn là bản ghi dấu xuyên thời gian theo từng cung bậc cảm xúc để con người chìm đắm vào dòng suy ngẫm mà người họa sĩ kiến tạo trong đó. Và “The Last Day of Pompeii” là tuyệt tác khiến chúng ta phải lắng người kinh sợ trước sự giận dữ của Mẹ Thiên Nhiên.

“The Last Day of Pompeii” (tạm dịch: Ngày cuối của Pompeii) là bức tranh sử thi của Karl Bryullov, được ông vẽ trong 3 năm từ 1830 đến 1833 dưới sự đặt hàng của nhà từ thiện người Nga – Anatoly Demidov. Tác phẩm mô tả lại sự kiện nổi tiếng của nhân loại diễn ra vào khoảng năm 79 Sau Công Nguyên, khi núi lửa Vesuvius phun trào nhấn chìm thành phố Pompeii xa hoa lúc đó và người dân vào trong biển lửa nham thạch.

Một cảnh tượng hỗn loạn bao phủ toàn bộ tác phẩm, chúng sinh gào thét trước sự phán quyết đau đớn. Từ trên gương mặt của những người dân ta có thể nghe thấy tiếng cầu cứu trong vô vọng, gạch đá đổ vỡ, các công trình kiến trúc bị phá hủy và nước mắt lầm than không thành dòng khi đấng tạo hóa ban lời khải huyền. Hoảng sợ, lo lắng, chấp nhận, ngây dại, trăng trối, trốn chạy – đó là những gì chúng ta thấy được trong tuyệt tác của Bryullov.

Nhà khảo cổ học người Ý, Pietro Ercole Visconti đã không ngớt lời ca ngợi bức tranh: “‘The Last Day of Pompeii’ giống như một biểu tượng rực lửa. Ở thời đại này, chúng ta không thể hình dung đầy đủ về những gì đã xảy ra tại Pompeii cách đây ngàn năm. Di chỉ khảo cổ gợi lại khung cảnh hoang tàn đổ nát và cho ta phần nào dự đoán về những điều đã diễn ra. Nhưng hãy nhìn kiệt tác này xem, một khung cảnh như đặt chúng ta vào bối cảnh của thời điểm ấy, để nếm trải cảm giác hoang mang, tim đập loạn nhịp bởi sự đáng sợ tột cùng… Có thể nói mọi vẻ đẹp nghệ thuật tinh tế nhất của Bryullov thời điểm này đã được ông truyền đạt hết trong bức tranh.”

Không chỉ vậy, Nhà văn Nikolai Gogol đã viết bài báo về bức tranh trong đó ông gọi “The Last Day of Pompeii” là một trong những hiện tượng sáng nhất của thế kỷ 19 và là “sự hồi sinh tươi đẹp của hội họa, vốn đã trong trạng thái ngủ mê thời gian dài ở Nga”. Tại Salon Paris 1834, bức tranh của Bryullov còn vượt mặt “Femmes d’Alger dans leur Appartement” (1834) (tạm dịch: Những người phụ nữ của Algiers trong căn hộ của họ) của Danh họa Pháp Eugène Delacroix – người tiên phong của trường phái Lãng Mạn, để giành giải vàng năm đó.

Cơn mưa lời khen dành cho “The Last Day of Pompeii” biến bức tranh trở thành tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của Nga gây được sự chú ý mạnh mẽ ở nước ngoài và đưa danh tiếng Bryullov vang rộng khắp quốc tế. Vậy ẩn sau kiệt tác này có những điều gì đặc biệt? Cùng chúng mình khám phá trong số Tách Lớp ngày hôm nay.

The Last Day of Pompeii (1830-1833) – Karl Bryullov
Kích thước: 456.5 cm × 651 cm, Chất liệu: sơn dầu.
Hiện đang trưng bày tại: Bảo tàng Quốc gia Nga.

Bối cảnh lịch sử

Trước khi “The Last Day of Pompeii” ra đời, hay cụ thể hơn vào khoảng thế kỷ 18, nền nghệ thuật Nga lúc này đang lâm giai đoạn khủng hoảng trầm trọng. Sa Hoàng Peter đại đế qua đời năm 1725, kéo theo những bất ổn về mặt chính trị và văn hóa xảy ra.

Khi Sa Hoàng còn tại vị, ông đặt hội họa – kiến trúc làm nền móng quan trọng để kiến thiết đất nước với thời kì hoàng kim Petrine. Ông tạo điều kiện cho các nghệ sĩ của Nga được tu nghiệp kỹ năng tại nhiều học viện danh giá bên ngoài lãnh thổ. Xây dựng sự sáng tạo của nghệ thuật hiện đại bằng cách du nhập tư tưởng các nước châu âu và kết hợp với truyền thống của Nga, thay thế những quy tắc lỗi thời bằng tư duy cấp tiến.

Tuy nhiên, sau năm 1725 mọi thức quay ngoắt 180 độ, nghệ thuật Nga trượt dốc dài phần vì mất đi người định hướng, thêm vào đó là những hỗn loạn chính trị xảy ra. Phải đến 1762 đất nước mới có một người cai trị duy nhất, lúc này là Catherine Đại Đế (1762-1796). Nghệ thuật bây giờ không còn là kim chỉ nam định hướng đất nước, hội họa bước vào giai đoạn “nhàm chán” khi thiếu đi sức sống vốn có. Giờ đây, chúng chỉ đóng vai trò phụ cho kiến trúc, dừng lại ở tác phẩm trang trí, tranh tường và nghệ thuật chân dung.


Câu chuyện xây dựng nên “The Last Day of Pompeii”

Cơn khát nghệ thuật nung nấu trong mỗi người họa sĩ. Dù vẫn có sự du nhập nhất định nhưng so với thời kì Petrine, hội họa đã thụt lùi về sự sôi động trông thấy, nhiều người đã chủ động sang các nước châu âu để khai mở kỹ năng cũng như tìm lối thoát cho sáng tạo, trong số đó có Karl Bryullov.

Ngày 16/8/1822, ông cùng người anh trai, kiến trúc sư Alexander Brullovs rời Petersburg và thực hiện một chuyến đi sang nước ngoài – đầu tiên là đến Đức, sau đó vào năm 1823, hai người chuyển đến Ý và họ định cư thời gian dài ở Rome. Vào thời điểm đó, một chủ đề đang rất được quan tâm là việc khai quật tàn tích các thành phố cổ đại Pompeii và Herculaneum. Mặc dù các cuộc khám phá đầu tiên về Pompeii đã bắt đầu vào năm 1748, nhưng tại châu Âu, nghệ thuật góp phần quan trọng để sự kiện này vẫn thu hút công chúng tới thế kỷ 19.

Một số tác phẩm nổi bật trước đó có thể kể đến như: Vở opera L’ultimo giorno di Pompei (Ngày cuối cùng của Pompeii) của Pacini năm 1827 với thiết kế bối cảnh của Alessandro Sanquirico cho sự phun trào Núi lửa Vesuvius, Bức “Sự hủy diệt của Pompeii và Herculaneum” của John Martin năm 1822,…

Thiết kế bối cảnh của Alessandro Sanquirico.

Năm 1824, anh trai Alexander đã đến Naples (nơi có di tích Pompeii) để khảo sát địa hình và nghiên cứu kiến trúc tổng thể. Đến năm 1827, Karl mới lên đường từ Rome qua đây và bắt đầu thực hiện vẽ “The Last Day of Pompeii”.

Bức tranh được chia làm 2 giai đoạn:

  • Từ 1827-1830 bao gồm các công việc chuẩn bị: Ông nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu lịch sử liên quan đến vụ phun trào của Vesuvius (Đặc biệt là những lời kể của nhân chứng thoát khỏi sự kiện, nhà văn La Mã cổ đại Pliny the Younger). Định hình bố cục từ thực địa, cảnh quan kiến trúc và tìm nhân vật để vẽ phác thảo các bản nhỏ chi tiết.
  • Từ 1830-1833 ông bắt đầu vẽ sơn dầu bức tranh khổ lớn.

Bố cục tổng thể

Nhìn theo toàn bộ khung hình, “The Last Day of Pompeii” mang đậm dấu ấn của nghệ thuật cổ điển. Lật ngược thời gian ngay trước khi bắt tay vào thực hiện bức tranh, từ năm 1825-1827, Bryullov đã vẽ lại một bản sao “Trường học Athens” của Raphael theo đơn đặt hàng bởi đại sứ quán Nga ở Rome. Chính nhờ công việc này cho ông cách hình dung và kinh nghiệm sắp đặt với bố cục nhiều nhân vật.

Đối chiếu qua “Ngày cuối của Pompeii”, ta có thể thấy một vài nét tương đồng được áp dụng trong cách dàn trải toàn bộ nhân vật theo chiều ngang nằm ở 1/2 bên dưới bức tranh. Cùng với đó là chia thành những nhóm nhỏ có khối lớn tam giác đan xen tạo nên tuyến tính cho lớp không gian, song song là kể diễn biến câu chuyện bằng loạt hành động riêng lẻ phân định từng khu vực. Ngoài ra, cách xây dựng hình tượng các nhân vật cũng gợi nhiều đến Nghệ thuật Tân Cổ Điển với các hình khối cơ thể rắn chắc được tạo hình đơn giản hóa một cách mạnh mẽ.

Tuy nhiên, sự hấp dẫn về mặt bố cục không chỉ đến từ lớp cảnh gần mô tả chi tiết cuộc tháo chạy điên loạn, mà nó còn đến từ các lớp cảnh phía sau góp phần bổ sung cho mạch chuyện chính như: Công trình phá hủy, Bức tượng đổ sụp, đàn ngựa tháo xích, cát bụi rợp trời,… Góc nhìn chính diện đưa ta đến tận cùng chân trời nơi biển lửa rực cháy và dễ dàng nhận ra Bruyllov đóng khung hình cho bối cảnh này ở khoảng cách chừng 5m so với dòng người kia.


Ánh sáng và màu sắc

Nếu bố cục mang đến cho người xem nhiều về cảm giác của Nghệ thuật Tân cổ điển, thì ánh sáng và màu sắc được Bryullov mang cảm hứng nhiều từ Chủ nghĩa Lãng Mạn. Sử dụng kỹ thuật Chiaroscuro trứ danh những đã được biến tấu đi đôi chút. Nghệ sĩ người Nga sử dụng hai nguồn ánh sáng khác nhau: ánh sáng đỏ ấn tượng từ núi lửa và ánh sáng vàng sáng chói từ tia sét, chúng làm tăng thêm cảm xúc kịch tính cho bức tranh. Những màu sắc tươi sáng và sâu sắc này cũng vượt ra khỏi khuôn khổ của truyền thống cổ điển.

“Sét bùng lên với ánh vàng và gam màu lạnh, biến những người dân trở thành bức tượng cẩm thạch sống động. Những đám mây bụi đen rợp trời trong tro tàn hủy diệt, dòng dung nham như máu bao trùm lên mọi vật, ngọn núi lửa nhấn chìm thành phố trong tang thương.” 

Màu chủ đạo trong bức tranh là đỏ thẫm và đây không phải là màu sắc tươi vui để gợi đến sự sống. Bryullov đã sử dụng sự tương phản màu sắc và ánh sáng để kết nối các nhóm người một cách khéo léo. Vùng màu sắc tươi sáng nhất được đặt ở trung tâm và lan đều đến các lớp cảnh theo cung Oval, cách xử lý mang đậm dấu ấn nghệ thuật “xứ sở mì ống” mà nhiều họa sĩ đương thời lúc đó đã gọi Bryullov là người sáng lập ra “thể loại Ý” trong hội họa Nga.

Bên cạnh đó, cách đi sáng này mang đến hiệu quả thị giác cực kì bắt mắt. Phần cận cảnh luôn lôi kéo mắt người xem, nên tác giả tạo ra những khoảng đan xen sáng tối nhằm thể hiện kỹ thuật tả khối cơ thể, xây dựng các mảng màu đối lập từ đó khơi gợi chi tiết. Lớp cảnh trung được miêu tả sáng nhất để tạo khoảng mắt ấn tượng nếu người xem nhìn bức tranh từ góc độ xa. Phần hậu cảnh có độ tối bao trùm với tác dụng làm nền cho 2 lớp cảnh phía trước nổi bật, cũng như xây dựng tính ba chiều trong toàn bộ không gian.

Bảng phối màu mang đến hiệu ứng tuyệt đẹp với 3 sắc chính: Đỏ – Đen – Vàng, cùng với đó là những gam sắc bổ sung đa dạng của lam, cam rực, nâu và lục. 

Giá trị quan trọng với nghệ thuật Nga

E.A.Baratynsky, nhà thơ lớn của Nga thế kỷ 19 đã từng viết một câu cách ngôn nổi tiếng khi bức tranh của Bryullov ra đời: “Ngày cuối cùng của Pompei đã trở thành ngày tái sinh của nghệ thuật Nga!”

The Last Day of Pompeii là tác phẩm tổng hòa tuyệt đẹp của Chủ nghĩa lãng mạn và Tân Cổ Điển trong nghệ thuật Nga bao gồm tính kịch, tính hiện thực hòa quyện với lý tưởng sâu sắc, kết hợp của vẻ đẹp thiên nhiên và tình yêu lịch sử. Khi bức tranh hoàn thành, nó đã tạo nên làn sóng khổng lồ ở Ý vì sự hoành tráng thể hiện trong đó và nhắc đến tác phẩm nghệ thuật miêu tả về sự kiện Pompeii, không ai nghĩ đến tác phẩm khác ngoài bức tranh của Bruyllov.

Với bản thân nghệ sĩ người Nga, nó là cách để ông miêu tả về một xã hội thu nhỏ. Khi cái chết cận kề bản chất con người sẽ lộ diện rõ nhất ra bên ngoài. Người dũng cảm đương đầu bảo vệ dân chúng, kẻ hèn nhát tháo chạy lo cho bản thân, người nhân từ ra tay giúp đỡ mọi người vượt qua hoạn nạn, kẻ yếu kém chờ đợi số phận an bài.

Năm 1834, bức tranh được chuyển về Nga trong sự hân hoan của công chúng. Ngay lập tức nó là chủ đề bàn tán của giới nghệ thuật trong nước, hàng loạt các tác phẩm ra đời lấy cảm hứng từ kiệt tác của Bryullov: Alexander Pushkin với bài thơ “Vesuvius phun trào”, Nhà văn Edward Bulwer-Lytton viết cuốn tiểu thuyết cùng tên “Ngày cuối cùng của Pompeii”,….

Không chỉ vậy, bức tranh còn thổi bùng lên ngọn lửa hội họa đang cháy âm ỉ trong nước Nga suốt bấy lâu, nghệ thuật của ông gián tiếp ảnh hưởng lên thế hệ họa sĩ tiếp theo của đất nước này với những: Ivan Kramskoi, Isaac Levitan, Valentin Aleksandrovich Serov, Ivan Shishkin,…


Hình tượng đáng nhớ nhất trong bức tranh

Tượng chúa đổ gục trên bầu trời sấm chớp, báo hiệu ngày diệt vong đã đến và không còn bàn tay che chở của ngài bảo vệ con dân.

Biên tập: Hoàng

Cùng tác giả

#Tag

Hoàng Hội họa sử thi Karl Bryullov Nghệ thuật Nga phân tích tranh Tách lớp thế kỷ 19 The Last Day of Pompeii

iDesign Must-try

Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
“Mình sẽ luôn chọn tết cổ truyền, bởi môi trường sống và các giá trị mình được truyền lại từ nhỏ.” – Lời tâm tình của Lổn Nương về những…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Tháng đầu tiên của năm 2022 các độc giả iDesign có gì mới không nhỉ? Riêng chúng mình thì có loạt điểm tin nghệ thuật nổi bật diễn ra trên…
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Bằng ngôn ngữ sáng tạo độc đáo của bản thân, Trung Bảo đang dần xóa nhoà ranh giới giữa âm nhạc và nghệ thuật thị giác, biến hai loại hình…
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Tọa lạc tại Jakarta, Indonesia, Mineral Cafe là không gian cafe cung cấp các dịch vụ về thức uống và đồ ăn tự chế biến với phương châm mang đến…
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Michelangelo được biết đến là nghệ sĩ nổi tiếng và đa tài của thế kỷ 16, ông là bậc thầy nghệ thuật với các kiệt tác điêu khắc vượt thời…
PLEXUS - Từ sợi chỉ mong manh đến nghệ thuật mê hoặc thị giác
PLEXUS - Từ sợi chỉ mong manh đến nghệ thuật mê hoặc thị giác
60 dặm tương đương gần 100 km, quãng đường đủ xa cho ta một chuyến hành trình liên tỉnh đáng nhớ. Nhưng con số đó cũng liên quan mật thiết…