/Tách Lớp/ The Convalescent - Ánh nắng yên ả cho mầm xanh hy vọng

Ở những đứa trẻ có một nguồn năng lượng vô cùng mạnh mẽ mà đôi khi người lớn chúng ta phải nể phục điều ấy.

Không giống như điện ảnh, nơi những thông điệp được lan tỏa nhờ việc xây dựng kịch bản, diễn xuất và kỹ thuật dàn dựng khéo léo đến từ đội ngũ biên kịch cùng các đạo diễn, khiến những bộ phim dễ dàng chạm đến phần đông cảm xúc của người xem. Với hội họa, nó lại mang đến một hình thái hoàn toàn khác, chúng có phần trừu tượng và tính chiêm nghiệm nhiều hơn. Chỉ một hình ảnh để gói gọn toàn bộ ý tưởng truyền tải, vẻ đẹp của ngôn ngữ hội họa được hun đúc từ sắc màu, cách sắp đặt, bút lực và trên tất cả là những tâm tưởng của người họa sĩ sau quá trình dài xây đắp và mơ mộng đến nó.

Có lẽ cũng vì tâm thức mạnh mẽ ấy mà nhiều tác phẩm hội họa đã trở thành hình ảnh biểu tượng vượt thời gian đến mãi sau này: Mona Lisa của Leonardo da Vinci, The Creation of Adam trên trần nhà nguyện Sistine của Michelangelo, The Persistence of Memory (Sự dai dẳng của ký ức) của Salvador Dalí, vân vân và mây mây….

Trong số Tách Lớp lần này, chúng mình sẽ đến với một bức tranh mang nhiều nét hiện đại với đầy ắp niềm cảm hứng và suy tư riêng của tác giả. Có thể không nổi danh khắp thế giới như những cái tên kể trên, nhưng với riêng khu vực Bắc Âu, đặc biệt là quốc gia Phần Lan, bức tranh được xem là kiệt tác mà ai ai cũng biết và những du khách khi đến đây phải một lần chiêm ngưỡng.

Tác phẩm mang tựa đề The Convalescent (tạm dịch: Phục Hồi) của nữ họa sĩ người Phần Lan – Helene Schjerfbeck.

The Convalescent (1888), Helene Schjerfbeck
Kích thước: 107×92 cm

Helene Schjerfbeck (1862 – 1946) là một trong số những họa sĩ được yêu mến bậc nhất tại Phần Lan, tên tuổi của bà phổ biến tới nỗi đã trở thành chủ đề xuất hiện trong một vài cuốn tiểu thuyết, bộ phim hay trong một vở Opera ở đất nước này. Thậm chí một quán cà phê lấy tên ‘Helene Schjerfbeck‘ trên biển hiệu để thể hiện tình cảm của họ đối với nữ họa sĩ.

Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, Helene có hơn 1000 tác phẩm chủ yếu theo trường phái hiện thực, ấn tượng và một số bức vẽ biểu hiện ở những năm tháng cuối đời. Tuy nhiên tác phẩm có dấu mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp và trở thành kiệt tác biểu tượng của bà là The Convalescent, được thực hiện trong chuyến du lịch đến vùng St Ives ở Cornwall, Anh.

Bức tranh miêu tả một cô gái nhỏ 6 tuổi, với mái tóc bù xù, ngả người về phía trước trên một chiếc ghế đan bằng liễu gai, quanh người được quấn hờ trong một tấm chắn. Cô bé đang chăm chú nâng niu một nhành cây non trên tay. Trên mặt bàn là một chiếc cốc sứ và phía sau là những cuốn sách xếp chồng lên nhau trên các kệ.

The Convalescent mang âm hưởng của trường phái ấn tượng kết hợp yếu tố hiện thực, khi bức tranh hoàn thành, nó đã được đưa đến Pháp tại Paris Salon với tiêu đề “Première verdure” (tạm dịch: Mầm xanh đầu tiên) và được đón nhận đông đảo ở đây, đi cùng là một giải đồng năm 1888. Sau đó Bảo tàng Ateneum Phần Lan đã mua lại bức tranh cùng năm và nó trở thành tác phẩm được tham quan nhiều nhất cho đến ngày nay.

Vậy điều gì đã tạo nên sức hút khó tả ở The Convalescent của Helene Schjerfbeck?


Hình ảnh gần gũi với ánh sáng chan hòa

Không khó để nhận ra bức tranh là một ánh mắt khoảnh khắc của Helene đối với cô bé 6 tuổi. Góc nhìn cận cảnh xây dựng xoay quanh một nhân vật là hướng tiếp cận quen thuộc trong các phẩm theo trường phái ấn tượng.

The Convalescent có phối cảnh khá đơn giản trong không gian với 2 lớp cảnh, phần kệ sách và phía sau được Helene miêu tả bằng tông màu tối với một chút ánh sáng phản xạ trong căn phòng cùng những nét gợi hình đơn giản để làm phần nền tăng độ tập trung cho nhân vật chính.

Điểm gây được hấp dẫn nhất của không gian này đến từ hướng sáng hắt 2 bên (trái và phải) cùng nguồn sáng êm dịu tạo nên tổng thể hài hòa và yên bình, khiến toàn bộ khung cảnh trong bức tranh trở nên gần gũi. Không những vậy, nó còn góp phần xây dựng chiều sâu cho tác phẩm của Helene.

Với nguồn sáng trực tiếp đến từ không gian cận cảnh, mọi chi tiết ở lớp cảnh này đều tô điểm một cách lung linh và tươi tắn. Ánh nắng trải khắp trên những đường đan liễu gai của ghế, nếp gấp vải, đôi má ửng hồng của em bé, điểm lên chiếc lá non và lấp lánh của bình thủy tinh bên phải. Cùng với đó là cách miêu tả tỉ mỉ để thấy rõ độ tương phản đối lập giữa hai lớp cảnh nhằm kích thích thị giác người xem.

Ngoài ra, chi tiết góc cửa sổ nhỏ xuất hiện ở lớp cảnh phụ cũng là một cách xử lí khéo léo của Helene. Nó khơi gợi rất nhiều điều cho khán giả, không chỉ làm tăng tính thuyết phục về cường độ sáng của căn phòng mà còn tạo nên khoảng nghỉ cho mắt và giúp người xem hình dung thêm về một lớp cảnh xa bên ngoài.

Bên cạnh đó, The Convalescent còn có hòa sắc cực kì ấm áp và gần gũi, bút pháp đa dạng của Helene cho chúng ta thấy bà xử lí không gian và vật thể tinh tế như thế nào. Với lớp cảnh phụ như khung cửa sổ hay kệ sách, bà gợi hình chúng một cách nhẹ nhàng, đơn giản. Trong khi đó chiếc bàn, ghế liễu gai và hình khối cơ thể lại có bút pháp mạnh mẽ, dứt khoát và sắc nét. Còn đối với khuôn mặt cô bé, bà sử dụng ngòi bút thả lỏng, mềm mại để miêu tả biểu cảm hồn nhiên, trong sáng cùng mái tóc phất bay của em.

Bảng màu trong The Convalescent.

Một khung cảnh nhưng kể hai câu chuyện

Bằng những kỹ thuật điêu luyện của mình, Helene đã tạo nên một bức tranh với chủ đề mà bà cực kì ưu thích, đó là trẻ thơ. Những cô bé, cậu bé vô tư với thế giới riêng của chúng đã không ít lần xuất hiện trong các sáng tác của bà, có thể kể đến như: Dancing Shoes (1882), A Boy Feeding his Younger Sister (1881), View of St Ives (1887),…

Dancing Shoes (1882)

Riêng ở The Convalescent, đó là câu chuyện tình cảm yêu mến vô cùng của Helene với người bạn nhỏ 6 tuổi mới khỏi ốm và cô bé luôn luôn rạng rỡ, vui vẻ và hoạt bát mỗi khi được gặp nữ họa sĩ. Hình ảnh trong bức tranh không chỉ ghi dấu cho cảm xúc trong trẻo ấy, mà với Helene, bà đã nhìn thấy câu chuyện của chính mình của nhiều năm trước.

Khi còn nhỏ, Helene là một đứa trẻ không có sức khỏe tốt. Năm 4 tuổi bà bị ngã cầu thang dẫn đến gãy xương hông, nó đã để lại di chứng đến suốt cuộc đời của Helene với dáng đi khập khiễng. Nhưng cũng chính khoảng thời gian dưỡng bệnh này, cha của Helene đã đưa cho bà một chiếc bút và vài tờ giấy, để rồi nữ họa sĩ người Phần Lan tìm thấy niềm đam mê lớn nhất của mình.

“Khi bạn cho một đứa trẻ cây bút chì, bạn đã cho nó cả một thế giới.” 

Helene thổ lộ.

Nếu Helene năm xưa với cây bút chì say mê trong thế giới sáng tạo bởi những hình vẽ thì cô bé vùng St Ives cầm trên tay nhành cây non cùng đôi mắt long lanh và tràn đầy âu yếm. Khi nhìn thấy khoảnh khắc ấn tượng ấy, Helene đã không khỏi xúc động để khắc họa lại niềm đam mê non nớt nhưng đầy đặc biệt. Nó không chỉ đến với riêng bà hay cô bé kia, kí ức nhỏ xinh này có lẽ là cung bậc cảm xúc của tất cả chúng ta đã từng chạm đến một lần trong cuộc đời.


Năng lượng tinh thần tỏa ra mạnh mẽ từ bức tranh

Song hành cùng câu chuyện hồi tưởng về những cảm xúc thời thơ ấu, The Convalescent còn mang trong đó ánh nắng hy vọng với những điều tích cực. Nghệ thuật của Helene như một liều thuốc ngọt ngào chữa lành những tâm hồn đang lạc nhịp.

Khung cảnh cô bé mới khỏi ốm chăm chú nâng niu trên tay nhành cây non là hình ảnh ẩn dụ thật sự tuyệt vời mà nghệ sĩ người Phần Lan đã tinh tế sắp đặt.

Một biểu trưng cho nguồn sức sống mạnh mẽ, luôn vận hành và phát triển không ngừng dù cho thử thách có quật ngã. Hôm nay có thể là những điều khó khăn nhưng tương lai thì vẫn ở phía trước, cô bé sẽ mau khỏe để vui đùa cùng đám bạn và mầm non kia sẽ mau lớn để trổ lá khắp trời.

Ngắm bức tranh, bất giác mình chợt nhớ đến một câu nói của ca sĩ Hà Anh Tuấn: “Trong các bệnh nhân thì trẻ con là bệnh nhân lí tưởng nhất vì không bao giờ sợ. Người lớn đầy dãy sợ hãi… chúng ta đầy dãy sợ hãi… Nhưng trẻ con không bao giờ sợ, năng lượng sống, tinh thần sống mãnh liệt nhất là ở đó.”

Biên tập: Hoàng

Cùng tác giả

#Tag

Helene Schjerfbeck Hoàng nghệ thuật phần lan phân tích tranh Tách lớp The Convalescent trường phái ấn tượng trường phái hiện thực

iDesign Must-try

Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
“Mình sẽ luôn chọn tết cổ truyền, bởi môi trường sống và các giá trị mình được truyền lại từ nhỏ.” – Lời tâm tình của Lổn Nương về những…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Tháng đầu tiên của năm 2022 các độc giả iDesign có gì mới không nhỉ? Riêng chúng mình thì có loạt điểm tin nghệ thuật nổi bật diễn ra trên…
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Bằng ngôn ngữ sáng tạo độc đáo của bản thân, Trung Bảo đang dần xóa nhoà ranh giới giữa âm nhạc và nghệ thuật thị giác, biến hai loại hình…
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Tọa lạc tại Jakarta, Indonesia, Mineral Cafe là không gian cafe cung cấp các dịch vụ về thức uống và đồ ăn tự chế biến với phương châm mang đến…
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Michelangelo được biết đến là nghệ sĩ nổi tiếng và đa tài của thế kỷ 16, ông là bậc thầy nghệ thuật với các kiệt tác điêu khắc vượt thời…
PLEXUS - Từ sợi chỉ mong manh đến nghệ thuật mê hoặc thị giác
PLEXUS - Từ sợi chỉ mong manh đến nghệ thuật mê hoặc thị giác
60 dặm tương đương gần 100 km, quãng đường đủ xa cho ta một chuyến hành trình liên tỉnh đáng nhớ. Nhưng con số đó cũng liên quan mật thiết…