/Tách Lớp/ Sức hút kì lạ từ ‘Những đứa trẻ ngây dại’ của Joaquin Sorolla
Khi Tây Ban Nha còn chưa bàn tán nhiều về cái tên Pablo Picasso, những người yêu nghệ thuật ở xứ sở đấu bò luôn truyền tai nhau về các tác phẩm của Joaquin Sorolla – Tượng đài hội họa những năm đầu thế kỷ 20. Đặt vẻ đẹp ánh sáng tự nhiên làm trung tâm của câu chuyện, ông cho ra đời những bảng màu táo bạo và lôi cuốn để người đời biết rằng sẽ chẳng một ai khác làm nên điều tuyệt vời như cách Joaquin thể hiện.
Nghệ thuật của Sorolla là những hình ảnh thị giác hấp dẫn, miêu tả khung cảnh hiện thực bằng nét vẽ ấn tượng, thế giới ấy đầy ắp niềm cảm hứng. Trong chùm tranh danh họa thực hiện khi ở vùng biển Valencia, người ta cảm nhận được tinh thần rực rỡ của mùa hè với những đợt sóng cuộn trào mang năng lượng mạnh mẽ. Một bầu không khí náo nhiệt theo từng vệt màu ngẫu hứng của người nghệ sĩ và rồi hình ảnh khiến đôi mắt chúng ta phải ấn tượng hơn cả là bóng dáng các cô bé – cậu bé vui đùa ngây dại trong vạt nắng lấp lánh của miền biển.
Lấy tác phẩm “Valencia Beach in the Morning Light” (tạm dịch: Vùng biển Valencia trong nắng mai) làm trung tâm, trong bài viết lần này, chúng mình sẽ cùng tìm hiểu điều gì ở những đứa trẻ đã biến hình ảnh của chúng thành một tín hiệu rong ruổi suốt hành trình dài trong sự nghiệp của họa sĩ Joaquin Sorolla.
Rất vui được gặp lại các bạn trong chuyên mục Tách Lớp trên iDesign.
/Tách Lớp/ là loạt bài chúng mình cùng nhau trò chuyện về các tác phẩm hội họa nổi tiếng và tìm hiểu xem điều gì khiến chúng được yêu thích đến vậy.
Với những người hâm mộ Sorolla, hình ảnh trẻ thơ với nhiều sắc cảm đã quá quen thuộc khi nhắc tới các tác phẩm của ông. Một phần lôi cuốn bởi nét đẹp trong trẻo và gương mặt rạng rỡ từ những đứa trẻ, thời gian đầu của sự nghiệp khi mới theo học tại Rome, Ý, Sorolla đã thực hiện một vài bức tranh có hình ảnh chủ đề như vậy. “Italian girl with flowers“- 1886 là một ví dụ điển hình, đây cũng là tác phẩm mở đầu cho chùm sáng tác về những người người bạn nhỏ của ông. Một cô bé hiền dịu cầm trên tay đóa hoa, cô âu yếm chúng tựa giấc mơ thuần khiết được thể hiện qua tay bút mềm mại.
Tuy nhiên, đây được xem là những nghiên cứu đầu của Sorolla để phát triển phong cách hội họa, những phác thảo nhanh và chú trọng đến khung hình nhằm xây dựng tính bố cục và nắm bắt tinh thần của nhân vật. Bên cạnh đó, ông là người áp dụng rất nhiều kiến thức nhiếp ảnh trong việc vẽ, với “Italian girl with flowers” có lẽ là một thử nghiệm nhỏ để ứng dụng hiệu ứng góc máy cận vào hội họa.
Thời điểm đánh dấu độ chín trong sự nghiệp của Sorolla là sau năm 1896, khi ông dần thoát khỏi lối vẽ của các bậc thầy Tây Ban Nha mà ông theo đuổi như Diego Velázquez hay Francisco Goya. Nếu trước đó, Sorolla chú trọng đến những mảng tối và độ tương phản cao, thì lúc này, những tác phẩm của ông hoàn toàn là bộ mặt khác: tươi sáng, tích cực và tràn ngập hy vọng.
Chuyến thăm đến vùng biển Valencia đã góp phần xây dựng nên tính mới lạ này, hàng loạt tác phẩm lấy cảm hứng từ nơi đây ra đời và “Valencia Beach in the Morning Light” là một trong số những bức tranh tạo nên dấu ấn đặc biệt của ông trong nghệ thuật.
Theo ngôn ngữ nhiếp ảnh, bức tranh là góc máy tầm trung có đường chân trời ở vị trí nửa trên bố cục. Các nhân vật chính sắp đặt ở khu vực tiền cảnh được nhóm lại với những đứa trẻ đang nô đùa dưới ánh mắt quan sát của hai người phụ nữ. Cánh buồm khổng lồ dương trong gió phía xa trên những chiếc thuyền đánh cá tạo nên quang cảnh quy mô rộng cho toàn bộ bức tranh. Thêm vào đó, hình ảnh đám trẻ tắm biển ở trung cảnh và đường bờ cát chạy dọc dẫn mắt chúng ta theo chiều sâu tiến vào tác phẩm.
Bên cạnh bố cục cân đối có đủ cảnh xa-gần, thì hiệu ứng “phản chiếu nhân đôi” của hình ảnh nhân vật trên mặt cát ướt là điểm gây thu hút đặc biệt cho thị giác. Các cậu bé “không một mảnh vải” được miêu tả với độ bóng thu hút đặc trưng trong phong cách của Sorolla khi khắc họa chúng vui chơi trong làn nước. Gam màu tươi sáng của sắc cam ánh trên nền lam tạo ra độ rung màu từ yếu tố tương phản khiến toàn bộ nhân vật sáng lên lấp lánh.
Không chỉ vậy, hiệu ứng ánh sáng phản chiếu bề mặt này còn giúp Sorolla xây dựng ánh sáng có độ hiệu quả hiển thị cao cho màu nắng bắt mắt. Đôi khi chúng còn được “phóng đại sắc tố” so với giá trị thực nhằm mang đến các cảm quan không gian của môi trường xung quanh. Một số tác phẩm khác cùng giai đoạn này cũng được Sorolla xử lí với kỹ thuật tương tự như: Sad Inheritance (1899), The Wounded Foot (1909), Boys on the Beach (1910),…
Với những tác phẩm thực hiện ngoài trời theo phong cách En Plain Air như này, Sorolla cực kì yêu thích bảng màu tươi sáng của: Hồng phấn, Đỏ – Cam – Vàng Cadmium, Vàng Orche, Xanh lá cây Chrome, Viridian, Xanh Prussian, Xanh coban, Ultramarine, Trắng Chì và đặc biệt là Tím Coban. Sắc tím này hầu như xuất hiện trong toàn bộ các tác phẩm suốt sự nghiệp của ông. Ở “Valencia Beach in the Morning Light” nó là thành tố chính khi ông miêu tả màu bầu trời cũng như phần tối bóng đổ phản chiếu in hằn trên mặt cát.
Sorolla từng viết trong cuốn nhật kí rằng “Với tất cả những gì vượt trội của nó, phong trào ấn tượng hiện đại đã cho chúng ta một khám phá tuyệt vời, chính là màu tím. Đây có lẽ là khám phá duy nhất có tầm quan trọng trong thế giới nghệ thuật kể từ sau khi Velazquez tạo nên ảo ảnh trong các tác phẩm của ông.”
Chi tiết đặc biệt tiếp theo là bút pháp riêng biệt của Joaquin, một thứ tự do bay bổng đầy ngẫu hứng. Luân phiên sử dụng những nét cọ rộng với nét cọ nhỏ trong sáng tác, nhưng hầu hết trong các tác phẩm ông ưa chuộng nét cọ rộng hơn và giống như những người theo trường phái ấn tượng ở Pháp và Mỹ, Sorolla thường dùng sơn dày lên bức vẽ của mình.
Mỗi một đối tượng sẽ được xử lí theo kỹ thuật khác nhau, đối chiếu sang “Valencia Beach in the Morning Light” ta có thể thấy, với phần sóng biển ông điều chỉnh nét vẽ mạnh và dứt khoát, lộ rõ vệt bút với màu sắc pha rối hòa vào nhau. Bằng cách này, danh họa người Tây Ban Nha tạo nên hiệu ứng chuyển động của hình ảnh dòng nước đang cuộn chảy cùng với đó là sức sống mang năng lượng dồi dào.
Tiếp đến là hình ảnh những cậu bé với cách đặc tả trái ngược hoàn toàn, vẫn là những nét bút lỏng nhưng độ chuyển sắc cực kì êm ái và mềm mại để xây dựng nên cấu trúc rõ ràng của bộ khung cơ thể. Không những vậy, chính sự “vuốt ve” này là yếu tố chính đem đến cảm nhận thị giác “bóng trơn” như đã nói ở trên.
Vậy có phải hình ảnh những đứa trẻ chỉ cuốn hút ông về mặt thị giác?
Tuổi thơ của Sorolla không trọn vẹn như những đứa trẻ khác, năm lên 2 tuổi ông cùng người em gái của mình đã thiếu vắng tình thương cha mẹ bởi dịch bệnh ập đến cướp đi sinh mạng của họ. Những chất chứa cảm xúc được ông tìm đến hình ảnh những đứa trẻ để giãi bày thương nhớ.
Chúng hiện lên với vẻ đẹp trong trẻo và luôn ngập tràn sức sống, không chỉ là cách để ông thể hiện tài năng hội họa, nắm bắt tinh thần và những khoảnh khắc chớp mắt luôn xoay chuyển nhanh chóng khi các cô – cậu bé vui đùa tinh nghịch đầy hồn nhiên. Ở đó còn là cảm giác bình dị, an yên đến khó tả mang đến hoài niệm quá khứ và cả tình yêu đong đầy. Hình ảnh trẻ thơ gợi cho Sorolla rất nhiều cung bậc sắc thái, tạo cho ông những giai điệu đồng âm để nguồn cảm hứng thêm phần thăng hoa.
Biên tập: Hoàng
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Câu chuyện đằng sau tuyệt tác “Luncheon of the Boating Party” của Renoir (P1)
- 2. Câu chuyện đằng sau tuyệt tác “Luncheon of the Boating Party” của Renoir (P2)
- 3. Nàng thơ tóc đỏ Elizabeth Siddal cùng bi kịch có thực phía sau bức tranh ‘Ophelia’ ám ảnh
- 4. /Tách Lớp/ Sự yên tĩnh bí ẩn trong Nighthawks của Edward Hopper
- 5. /Tách Lớp/ Điều gì đã diễn ra trong Las Meninas của Diego Velázquez
- 6. /Tách Lớp/ Wanderer above the Sea of Fog - Chọn sự tĩnh lặng để hiểu rõ bản thân
- 7. Cách đọc tranh thời Phục Hưng
- 8. /Tách Lớp/ Say đắm trong điệu Valse du dương của “Dance at le Moulin de la Galette”
- 9. /Tách Lớp/ Hip, Hip, Hurrah! - Khúc ngân vang từ xứ Skagen
- 10. /Tách Lớp/ Điều gì khiến ta trót yêu màu nắng Sewing the Sail của Joaquin Sorolla