/Tách Lớp/ Loạt tác phẩm ‘Nymphéas’ kể ta nghe điều gì về hội họa của Monet
“Khi thực hiện những bức vẽ ngoài trời, hãy cố gắng quên đi các cảnh vật mà bạn nhìn thấy trước mắt… Chỉ cần nghĩ rằng, đó là một hình vuông nhỏ màu xanh, một vệt bút màu vàng rồi tô điểm cho nó giống như những gì hình dung về màu sắc và hình dạng, chúng sẽ tạo ra một ấn tượng ‘ngây thơ’ của chính bạn về cảnh tượng trước mắt ấy.”
Nhìn những bức tranh của Monet, bạn có muốn một lần tạo nên chúng. Nếu đang kiếm tìm sự mơ mộng ấy, thì lời chia sẻ phía trên chính là vài gợi ý nho nhỏ mà danh họa người Pháp tâm tình về cách ông “chớp lấy” thiên nhiên và vẻ đẹp của ánh sáng. Monet góp nhặt cảnh quan mỗi ngày xung quanh ông, đặt để hoàn hảo trong các sáng tác của mình và biến chúng thành những khoảnh khắc tuyệt vời mà tạo hóa yêu chiều cho đôi mắt họa sĩ người Pháp.
Trong 30 năm cuối của cuộc đời (1896-1926), Monet bị ảnh hưởng nhiều bởi hình ảnh bông hoa súng trong nghệ thuật. Không chỉ là một bức tranh đơn lẻ, ông đã tạo nên loạt sáng tác đồ sộ khoảng 250 bức tranh sơn dầu khác nhau đủ loại kích cỡ, từ nhỏ xinh để bàn cho đến bức lớn có thể chiếm hết cả một bức tường.
Monet biến “Nymphéas” trở thành hình ảnh biểu tượng cho nghệ thuật của riêng mình và Trường phái Ấn tượng nói chung. Ở đó ông khám phá thêm những nhận thức đặc biệt về màu sắc mà vô hình còn mở ra một thời kỳ mới cho nghệ thuật hiện đại sau này.
(Nymphéas trong tiếng Pháp là hoa súng, đây cũng là tên riêng mà Monet gọi cho loạt tranh của mình. )
Câu chuyện khởi nguồn cho những bông súng trong nghệ thuật của Monet
“Đột nhiên, tôi chợt nhận ra rằng cái ao trong khu vườn của mình thực sự kỳ diệu. Tôi lấy ngay bảng màu vẽ và kể từ thời điểm đó, tôi bị say đắm trong không gian mê hoặc này.” – Claude Monet.
Monet là người cực kì yêu thích công việc làm vườn và quan sát thiên nhiên. Trong một chuyến tàu qua ngôi làng Giverny cổ kính cách Paris khoảng 50 dặm về phía tây, Monet đã bị vẻ đẹp của nơi này ấn tượng ngay lập tức. Năm 1883, ông cùng gia đình đã chuyển về Giverny và thuê một căn nhà tại đây sinh sống.
Sau đó 7 năm, Monet đã mua lại ngôi nhà này và hai mẫu đất bên cạnh. Ông xây dựng một khu vườn tráng lệ với hàng cây liễu và diên vĩ. Điểm nhấn nổi bật là một cái ao được rẽ nhánh từ dòng nước của sông Epte, trên đó thả nổi những bông hoa súng được họa sĩ người Pháp nhập khẩu đặc biệt từ Ai Cập và Nam Mỹ. Ngoài ra, nó còn có một cây cầu “Nhật” hình vòm bắc ngang qua một phần hẹp của khu vườn nước.
Sở dĩ, Monet chăm chút khu vườn cẩn thận như vậy, bởi, đây là nơi hoàn hảo để ông có thể vẽ thiên nhiên theo cách mà mình nghĩ, chủ động không gian theo ý mình muốn – tràn đầy sức sống và màu sắc rực rỡ phản chiếu ánh sáng đang thay đổi. Việc đặt thêm những bông hoa súng vào nơi này với họa sĩ người Pháp là cách ông tạo “niềm vui cho đôi mắt” lúc thảnh thơi, cũng như góp phần xây dựng họa tiết đặc biệt cho những bức tranh của mình.
Vậy có gì đặc biệt trong loạt tranh Nymphéas?
Bố cục kì lạ
Claude Monet bắt đầu vẽ loạt tranh Nymphéas của mình vào năm 1896, ông mô tả đây là dạng “phong cảnh nước” và nghiên cứu các loài thủy sinh. Với tính chất siêu thực của bố cục, Nymphéas khiến mắt người xem có xu hướng di chuyển khắp khung cảnh (trái phải, lên xuống) để tìm kiếm một nơi ổn định và neo đậu thị giác.
Một cách hình dung đơn giản là tìm điểm bắt đầu và kết thúc, từ đó xác định kiến trúc của quang cảnh. Nhưng với loạt tranh này, người xem rất khó tìm ra nó vì chúng thiếu đi một yếu tố quan trọng đó là đường chân trời. Trong tranh hay hình ảnh, đặc biệt là tranh phong cảnh, đường chân trời định hướng thị giác người xem và xác định các mối quan hệ không gian trong bố cục.
Nhưng Monet đã loại bỏ yếu tố này đi trong Nymphéas, thứ định hình không gian và chiều sâu bây giờ là những bông hoa súng rải rác, chiếm toàn bộ khung cảnh từ mép bên này sang mép kia kia. Điều này dẫn đến hình ảnh được miêu tả có “tính phẳng” nhiều hơn, từ đó làm giảm mức độ cảnh như một chủ thể tự nhiên, tiến gần đến cảm giác trừu tượng.
Thêm vào đó, điểm nhìn hướng thẳng xuống mặt nước tạo nên hai yếu tố chính xuyên suốt trong loạt tranh là: sự phản chiếu của bầu trời và vành đĩa tròn của lá. Chúng đem đến một nét bí ẩn khó đoán, gợi trí tưởng tượng và tính tò mò từ phía người xem.
Hiệu ứng thị giác trong màu sắc
Vì bố cục được Monet chủ ý xây dựng để làm giảm bớt đi tính ba chiều, vậy nên, thứ quyết định cảm quan không gian bây giờ là ánh sáng và đó cũng chính là mục tiêu nghiên cứu cuối cùng trong hội họa của ông. Monet miêu tả Nymphéas là những “ảo ảnh về một tổng thể vô tận”, nơi những bông hoa súng thể hiện theo một phong cách mới lạ và trên hết vẫn đặt cảm xúc người xem chìm đắm trong đó.
Danh họa người Pháp tạo ra các vùng màu lớn phổ quát chủ yếu của: màu xanh lục định hình về cảm giác lá, màu tím + màu xanh lam mang đến cảm giác của nước phản chiếu ánh sáng tự nhiên, màu xanh lam đậm tạo ra bóng của vật thể, màu vàng + cam + đỏ biểu hiện những bông hoa tỏa sáng dưới ánh sáng mặt trời.
Tiến sâu hơn một chút, nhìn theo tổng quan thời kì này, chúng ta có thể thấy 3 giai đoạn thể hiện nghệ thuật khác nhau của Claude Monet với chủ đề hoa súng:
- Từ 1896 – 1908: Những bức tranh có kích thước nhỏ và tập trung nhiều vào yếu tố chi tiết.
- Từ 1914 – 1920: Đây là giai đoạn sau khi người vợ thứ hai Alice mất vào năm 1911. Monet thực hiện một số thay đổi cơ bản, đầu tiên là kích cỡ khung tranh đã tăng lên đáng kể. Ông cũng thay đổi bảng màu của mình và sử dụng những đốm màu rực rỡ để gợi sắc cho những bông hoa.
- Từ 1920 – 1926: Thời điểm mà Monet bị đục thủy tinh thể nặng, khiến thị lực của ông suy giảm trầm trọng. Những nét vẽ bị ảnh hưởng nhất định, bảng màu ít chi tiết đi và tính “mờ ảo” nhiều hơn.
Tuy nhiên đặc trưng về bút pháp lỏng của Trường phái Ấn tượng vẫn giữ nguyên giá trị, những lớp màu đa sắc hòa trộn tô điểm cho sự ngẫu hứng. Một chút hình dung nhẹ nhàng để chúng ta có thể tưởng tượng ra cách Monet sử dụng màu sắc ra sao với ví dụ trong bức “Nymphéas” – 1906:
Trắng Chì được tìm thấy trong hầu hết các bức tranh của Monet vì độ sáng ấm của nó. Ông đã kết hợp Trắng Chì với các màu khác để điều chỉnh tông sắc, cũng như sử dụng nó cho việc tạo kết cấu, độ dày trên bề mặt của các tác phẩm hay xây dựng các lớp cảnh. Bằng cách kết hợp Ultramarine và Xanh Coban của Pháp với các màu khác trong bảng màu của mình, Monet xây dựng được một loạt các sắc thái khác nhau cho màu xanh lam. Tiêu biểu như độ chuyển màu của mặt nước phản chiếu bầu trời.
Màu đỏ thẫm xuất hiện như một điểm nhấn để làm nổi bật tính rực rỡ trong tác phẩm. Ở đây có thể thấy, Monet đã pha rối đỏ thẫm với đỏ son để tạo độ quyện sắc tự nhiên. Cũng có thể ông tạo màu rối ngay trên cọ vẽ và đặt trực tiếp lên mặt tranh. Monet đã sử dụng Viridian trộn với các sắc tố khác nhau, bao gồm một dạng tổng hợp của sắc tố khoáng chất Xanh Malachite, để tạo ra một loạt các màu sắc trong thảm thực vật. Bên cạnh đó, ông thường sử dụng Viridian với Vàng để mô tả những chiếc lá ngập nắng của hoa súng.
Nguồn ảnh: Art Institvte Chicago.
Giá trị hình tượng
Dù là một loạt tranh phong cảnh nhưng nhiều nhà phê bình coi Nymphéas của Monet như khởi đầu cho con đường hướng tới sự trừu tượng, mang lại cảm giác mơ mộng, xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật phi khách quan và nghệ thuật thể hiện một chủ đề nhất định.
Nguồn ảnh: Wikipedia.
Những màu sắc thể hiện sự tương tác với nhau, tạo kết cấu bề mặt, giống như nhiều bức tranh trước đây – khi hiệu ứng ánh sáng quan trọng hơn là xác định chủ đề và Nymphéas tiếp tục củng cố cho tinh thần đó của họa sĩ người Pháp. Monet đã tạo ra một khung cảnh “thiền định” yên bình để thể hiện 2 mặt trong nghệ thuật của ông. Một là truyền tải sự cấp bách của hiện tại, lưu giữ thời điểm thoáng qua không bao giờ có thể lấy lại hay có thể lặp lại. Hai là sự khao khát tìm kiếm vẻ đẹp, biến chúng thành di sản lâu dài của nghệ thuật.
Chùm sáng tác về hoa súng, đặc biệt là cách sử dụng màu sắc đã mở lối tiên phong, tạo tiền đề cho của các họa sĩ và phong trào nghệ thuật tiếp theo như: Paul Cezanne với Chủ nghĩa Hậu ấn tượng. Henri Matisse học hỏi Monet, trở thành một trong những nghệ sĩ đầu tiên của Chủ nghĩa Biểu hiện.
Các tác phẩm Nymphéas cuối đời của Monet phản ánh một hình thức trừu tượng thông qua việc đơn giản hóa bố cục và giảm bớt các yếu tố không cần thiết để tập trung vào màu sắc sống động thuần túy. Chúng tạo nên làn sóng cho hội họa ở Mỹ với Chủ nghĩa Biểu hiện – Trừu tượng là nguồn cảm hứng đặc biệt của danh họa nổi tiếng Jackson Pollock.
Biên tập: Hoàng
/Tách lớp/ là loạt bài chúng mình cùng trò chuyện về các tác phẩm hội họa nổi tiếng và tìm hiểu xem điều gì khiến chúng được yêu thích đến vậy.
Nguồn tham khảo
- 1. wikipedia - https://wikipedia.org/
- 2. victorian era - http://victorian-era.org/
- 3. medium - http://medium.com/
- 4. claude-monet - http://claude-monet.com/
- 5. monetpaintings - http://monetpaintings.org/
- 6. art institvte chicago - https://www.artic.edu/
- 7. cmonetgallery - https://www.cmonetgallery.com/
- 8. visual arts cork - https://visual-arts-cork.com/
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Câu chuyện đằng sau tuyệt tác “Luncheon of the Boating Party” của Renoir (P1)
- 2. Câu chuyện đằng sau tuyệt tác “Luncheon of the Boating Party” của Renoir (P2)
- 3. Nàng thơ tóc đỏ Elizabeth Siddal cùng bi kịch có thực phía sau bức tranh ‘Ophelia’ ám ảnh
- 4. /Tách Lớp/ Sự yên tĩnh bí ẩn trong Nighthawks của Edward Hopper
- 5. /Tách Lớp/ Điều gì đã diễn ra trong Las Meninas của Diego Velázquez
- 6. /Tách Lớp/ Wanderer above the Sea of Fog - Chọn sự tĩnh lặng để hiểu rõ bản thân
- 7. Cách đọc tranh thời Phục Hưng
- 8. /Tách Lớp/ Say đắm trong điệu Valse du dương của “Dance at le Moulin de la Galette”
- 9. /Tách Lớp/ Hip, Hip, Hurrah! - Khúc ngân vang từ xứ Skagen
- 10. /Tách Lớp/ Điều gì khiến ta trót yêu màu nắng Sewing the Sail của Joaquin Sorolla