/Tách Lớp/ Hanna Pauli đã cho chúng ta biết ánh nắng vùng Bắc Âu xinh đẹp như thế nào

/Tách Lớp/ là loạt bài chúng mình cùng nhau trò chuyện về các tác phẩm hội họa nổi tiếng và tìm hiểu xem điều gì khiến chúng được yêu thích đến vậy.

Tất cả những gì thơ mộng và tinh tế nhất đã được Hanna Pauli đặt hết trong từng nét vẽ của bức tranh này.

Hãy thử tưởng tượng… Buổi sáng mùa thu khi bạn thức giấc, vươn vai thật dài để xua đi chiêm bao đã chiếm lấy mình cả đêm qua. Uể oải những bước chân đến bên cửa sổ rồi vén lớp rèm che đón cái nắng rực rỡ nhưng chẳng hề gắt gỏng. Một làn gió thổi nhẹ qua với không khí man mát vô cùng dễ chịu, bạn đưa ánh mắt nhìn xung quanh rồi chợt nhận ra, ngay trước sân nhà là một bữa sáng nhẹ nhàng trong vạt nắng thơ mộng và đầy chất trữ tình. Liệu bạn có yêu cái khoảnh khắc đó?

Chút bay bổng và lãng đãng ấy có làm mọi người chưa kịp bắt nhịp làm quen, nhưng nó là cách khoan khoái nhất để chúng mình cùng nhau bước vào khung cảnh của một trong những tác phẩm xuất sắc nhất thế kỷ 19 vùng Bắc Âu và cũng là tuyệt phẩm để đời của nữ họa sĩ người Thụy Điển – Hanna Pauli (1864 – 1940), bức tranh với tựa đề Breakfast -Time (Frukostdags) (Tạm dich: Giờ ăn sáng).

Breakfast – Time (1887) – 91 x 87cm – Hanna Pauli

Miên man một chút để bắt đầu hành trình, có thể nói bữa ăn sáng là một trong những nét văn hóa tiêu biểu đại diện cho mỗi quốc gia, đặc biệt là ở các nước phương tây, khi nó là nơi đầu tiên mọi người trong gia đình gặp mặt nhau vào mỗi ngày mới và cũng là bữa ăn quan trọng để cung cấp dinh dưỡng và năng lượng cho một ngày dài phía trước.

Chính vì thế, chủ đề này đã rất quen thuộc trong các tác phẩm nghệ thuật và xuất hiện từ lâu đời, có thể kể đến như: The Story of Nastagio Degli Onesti III (1482 – 83) của Sandro Botticelli, Breakfast in the Garden (1883) của Giuseppe De Nittis, The Open Air Breakfast (1888) của William Merritt Chase hay At Breakfast (1898) của Laurits Andersen Ring.

Breakfast in the Garden (Tạm dịch: Ăn sáng trong vườn ) (1883) – Giuseppe De Nittis

Tuy nhiên Breakfast – Time của Hanna Pauli lại đem đến cho chúng ta một cảm giác hoàn toàn đặc biệt và mới lạ. Bức tranh miêu tả cô hầu gái đang bê bình trà đến bên bàn ăn để chuẩn bị cho bữa sáng, khung cảnh ấy mang một nguồn năng lượng mạnh mẽ với cảm xúc bất chợt để người xem không khỏi mải mê với không gian mà nữ họa sĩ người Thụy Điển miêu tả.

Trong cuộc khảo sát tại Bảo tàng Quốc gia Thụy Điển nơi trưng bày bức tranh, những du khách đã không khỏi trầm trồ và thốt lên: “Chúng tôi thực sự cảm nhận được rằng Hanna Pauli đang mời mọi người vào bàn ăn, những chiếc ghế kia chờ đợi chúng tôi và cảm giác ấm trà nặng nghiêng như thế nào khi ai đó nhấc nó lên.”

Vậy điều gì đã tạo nên sức thuyết phục khó tả như vậy trong Breakfast – time?

Bố cục thị giác

Breakfast – time có nét vẽ mềm mại nhiều lớp và bút pháp phong phú với tông màu ấm áp chủ đạo. Bố cục của bức tranh cũng mang đến nhiều vẻ khác thường khi chiếc bàn ăn được đặt ở khu vực cận cảnh và chiếm phần lớn diện tích lớn trong toàn bộ khung hình.

Có thể thấy, đây là không gian được Hanna Pauli kì công sắp xếp và chuẩn bị từ trước. Với góc nhìn hơi hướng xuống để đặt đường chân trời ở khoảng 1/3 nửa trên bức tranh, đem đến cho người xem cảm giác Breakfast – time là cú bắt khoảnh khắc ở vùng cận mắt của Trường phái Ấn Tượng. Hàng ghế trống theo hình cánh cung và cô hầu gái chìm trong bóng râm làm cho phối cảnh của bức tranh cực kì bắt mắt.

Vì nhân vật chính là chiếc bàn ăn nên khu vực hậu cảnh được Hanna xử lí theo kỹ thuật En plein Air, phác họa bầu khí quyển ở xa và không quá chi tiết để khơi gợi rặng cây bị che khuất bởi mây mù, vừa làm phần nền để tập trung thị giác người xem cho độ chi tiết ở chiếc bàn.

Vạt nắng dài cũng được tác giả khéo léo lựa chọn khi nó trải rộng qua các lớp cảnh, bắt đầu từ phần vải rủ của chiếc bàn, qua mặt đất và cái ghế, lên trên mặt bàn, điểm một chút trên tạp dề cô hầu gái và kết thúc ở khoảng nắng rộng phía xa. Hướng vạt nắng đúng theo tuyến tính thị giác người xem, có trục chéo trái của bức tranh tạo nên chiều sâu và góc hút cho toàn bộ khung cảnh.


Khoảng nắng ban mai trong vắt và Những đồ vật lấp lánh

Nhắc đến vùng nắng rực rỡ không thể không nhắc đến cách xử lí ánh sáng điêu luyện của Hanna Pauli. Bản thân khu vực Bắc Âu nằm trong vùng ôn đới lục địa lạnh đã được thiên nhiên ưu ái cho những khoảng nắng xinh đẹp và trong ngần đến thơ mộng. Điều này chúng ta đã từng được thấy Kroyer miêu tả nó ra sao trong Hip, Hip, Hurrah!

Nhưng với Breakfast – Time, bà biến hóa nó theo một cách tinh tế hơn, so với Kroyer, ánh nắng của Hanna Pauli có phần rực rỡ và ‘tinh nghịch’. Những khoảng nắng không chỉ trắng lóa mà ở đó còn là hòa sắc tán xạ của những đồ vật xung quanh. Từ đó tạo nên độ linh hoạt và hấp dẫn thị giác với người xem.

Bảng màu trong Breakfast-Time

Phía trên mặt bàn, bà cũng sắp xếp những đồ vật có tính ‘gương’ cao như bình cafe làm bằng bạc, lọ đựng và những chiếc ly bằng thủy tinh cùng với đó là nhiều chén sứ để tận dụng nguồn sáng phản chiếu, biến những đồ vật trở nên lấp lánh. Ngoài ra bà cũng thêm vào đó là những đồ vật nổi bật có màu sắc nguyên gốc: bình đựng màu lục (xanh Yellowish), cốc màu lam (Ultra marine) và bông hoa đỏ (đỏ Garnet) để khu vực mặt bàn không bị nhàm chán và làm điểm nhấn tăng tính thu hút cho toàn bộ bức tranh.

Bên cạnh đó, phần tán cây phía trên tưởng chừng như không liên quan nhưng nó là cách Hanna xây dựng mạch logic để người xem thấy được sự liên kết với những đốm nắng trên mặt bàn hay dưới đất, thêm phần thuyết phục cho không gian ba chiều.

“Để có ánh phản chiếu và độ chi tiết như vậy đòi hỏi rất cao về mặt kỹ thuật. Nhưng Hanna Pauli đã làm điều đó rất tự nhiên và bạn có thể ngắm bức tranh này hàng giờ để nhận ra những nét tinh tế mới.”

Lời nhận định của nhà phê bình Hoakley.

Nghệ thuật Pháp ảnh hưởng rất nhiều đến Hanna Pauli

Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống, cha của bà, ông Abraham Hirsch là một nhạc công nổi tiếng ở Thụy Điển, vậy nên Hanna Pauli đã được tiếp xúc với nghệ thuật từ nhỏ và khi lớn bà quyết định theo con đường hội họa. Từng theo học tại Học viện Nghệ Thuật Hoàng Gia Thụy Điển rồi sau đó là Salon Paris (1887), chính thời điểm ở Pháp đã cho bà rất nhiều kiến thức mới và sau đó ảnh hưởng đến các tác phẩm sau này.

Breakfast-time đánh dấu bước chuyển mình đáng kể trên con đường hội họa của Hanna Pauli, nó mang âm hưởng Juste Milieu đang lên ngôi thời đó ở Pháp. Bức tranh có độ cân bằng giữa truyền thống và hiện đại, Chủ nghĩa Ấn Tượng nhưng phản phất bóng dáng của tính Hiện Thực. Nó hội tụ cả yếu tố phong cảnh, chân dung và tĩnh vật khiến tác phẩm cuốn hút theo từng nét vẽ.

Nhưng trên tất cả, Breakfast – time là một bức tranh về sự ấm cúng của gia đình, dù chẳng hề có bóng dáng ai trong nhà Hirsch nhưng hình ảnh cô hầu gái đang chuẩn bị đồ ăn cùng hàng ghế trống trên thềm nắng đón đợi mọi người đủ để ta cảm nhận tình cảm của Hanna với các thành viên còn lại là nhiều như nào và bà yêu khoảnh khắc này ra sao.

Một chi tiết nhỏ bạn có thể để ý, từ đầu bài viết mình luôn gọi bà là Hanna Pauli nhưng trên bức tranh lại kí Hanna Hirsch. Breakfast – time được vẽ thời điểm bà chưa lập gia đình và chỉ vài ngày sau khi hoàn thành, bà đã lên xe hoa với danh họa nổi tiếng Georg Pauli.

Biên tập: Hoàng

Cùng tác giả

#Tag

bắc âu Breakfast-Time hanna pauli Hoàng Nắng phân tích tranh Tách lớp trường phái ấn tượng trường phái hiện thực

iDesign Must-try

Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
“Mình sẽ luôn chọn tết cổ truyền, bởi môi trường sống và các giá trị mình được truyền lại từ nhỏ.” – Lời tâm tình của Lổn Nương về những…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Tháng đầu tiên của năm 2022 các độc giả iDesign có gì mới không nhỉ? Riêng chúng mình thì có loạt điểm tin nghệ thuật nổi bật diễn ra trên…
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Bằng ngôn ngữ sáng tạo độc đáo của bản thân, Trung Bảo đang dần xóa nhoà ranh giới giữa âm nhạc và nghệ thuật thị giác, biến hai loại hình…
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Tọa lạc tại Jakarta, Indonesia, Mineral Cafe là không gian cafe cung cấp các dịch vụ về thức uống và đồ ăn tự chế biến với phương châm mang đến…
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Michelangelo được biết đến là nghệ sĩ nổi tiếng và đa tài của thế kỷ 16, ông là bậc thầy nghệ thuật với các kiệt tác điêu khắc vượt thời…
PLEXUS - Từ sợi chỉ mong manh đến nghệ thuật mê hoặc thị giác
PLEXUS - Từ sợi chỉ mong manh đến nghệ thuật mê hoặc thị giác
60 dặm tương đương gần 100 km, quãng đường đủ xa cho ta một chuyến hành trình liên tỉnh đáng nhớ. Nhưng con số đó cũng liên quan mật thiết…