/Tách Lớp/ Điều gì ở ‘The School of Athens’ khiến đôi mắt chúng ta say đắm

Một bức tranh dành riêng cho triết học, nơi những vĩ nhân sống ở nhiều khoảng thời gian khác nhau nhưng tất cả đã tề tựu về đây để chỉ lối cho chúng ta đến con đường tri thức.

Bạn đã bao giờ bị một bức tranh hớp hồn ngay từ cái nhìn đầu tiên, nghiền ngẫm nó đầy say mê để rồi chỉ cần nhắc lại đến tựa đề thôi cũng đủ làm bạn hình dung ngay đến những hình ảnh tuyệt vời ấy. Đó là cảm giác của mình với bức bích họa nổi tiếng “The School of Athens” của danh họa người Ý – Raphael Sanzio da Urbino.

Với vô số chi tiết xuất hiện và các bậc vĩ nhân nổi tiếng, bức tranh không chỉ tạo nên một cái nhìn choáng ngợp về mặt thị giác, mà ở đó còn là đúc kết tri thức, tinh thần triết học và hệ thống những tư tưởng nền móng của thời kì Hy Lạp cổ đại. Trong trí tưởng tượng của Raphael, đây là một cộng đồng lý tưởng, trong đó những trí tuệ khác nhau từ toàn bộ thế giới cổ điển về đây dưới một mái nhà duy nhất để chia sẻ ý tưởng, trao đổi và khai sáng.

The School of Athens, 1509-1511, Raphael Sanzio da Urbino.
Kích thước: 500 x 770 cm

Hình ảnh đối lập xây dựng hệ thống tư duy trong tác phẩm

The School of Athens được thực hiện vào những năm đầu thế kỉ 16, thời điểm mà Nghệ Thuật Phục Hưng ở Ý phát triển giai đoạn cao trào với tiền đề là các nghiên cứu nghệ thuật được xây dựng từ những công trình của Leonardo da Vinci, Masaccio, Sandro Botticelli,…. Đây là thời kỳ phát triển đỉnh cao bởi các phương tiện biểu đạt đa dạng và nhiều tiến bộ khác nhau trong kỹ thuật hội họa. Raphael nắm rõ điều này và đã kế thừa chúng để tạo nên bức bích họa nổi tiếng khi ông mới 25 tuổi.

Về cơ bản, bức tranh mô tả một cuộc tranh luận xuyên suốt nhiều năm trong triết học cổ điển phương Tây giữa Thế giới Duy TâmThế giới Duy Vật, đại diện cho 2 Trường phái này là AristotlePlato được đặt ở trung tâm của bức tranh.

Các nhân vật nổi tiếng xuất hiện trong bức tranh
Plato (trái) và Aristotle (phải)

Để nhấn mạnh sự đối lập giữa hai luồng tư duy này, Raphael đã khéo léo sử dụng hình ảnh tương phản để xây dựng nên hai con người. Plato theo Chủ nghĩa Duy Tâm với ngoại hình lớn tuổi, mái tóc hoa râm, mặc trên người trang phục giản dị với Chiton đơn sắc màu đỏ và đôi chân trần. Trong khi đó, Aristotle trẻ tuổi hơn, ông diện bộ đồ sang trọng của Chiton màu xanh và đường họa tiết dây vàng, đôi chân mang dép thanh lịch.

Không chỉ vậy, hành động đôi tay của họ cũng cho thấy sự trái ngược, khi một người chỉ tay lên trời mang hàm nghĩa kiến thức do bẩm sinh, còn người kia lại xấp tay xuống đất hướng về phía trước để nói về tri thức phải xuất phát từ trải nghiệm và bằng chứng cụ thể. Bên tay trái mỗi người cầm một cuốn sách khác nhau, Plato là “Timaeus” – nghiên cứu về thế giới vật chất và con người. Còn trên tay Aristotle là cuốn sách nổi tiếng về đạo đức Nicomachean Ethics.

Ngoài hai nhân vật trung tâm của bức tranh, những học giả và các chi tiết xung quanh cũng củng cố thêm cho điều này.

Ở góc bên trái phía dưới là hình ảnh Pythagoras đang ghi chép kiến thức, ngoài là một nhà toán học, vật lý lỗi lạc ông còn biết đến là người theo chủ nghĩa luân hồi (linh hồn là bất tử và sẽ chuyển từ cơ thể này sang cơ thể khác sau khi qua đời). Ở đây có thể hiểu rằng Pythagoras theo phía Plato.

Bên phía đối diện góc phải, ta có hình ảnh nhà toán học Hy Lạp Euclid, cha đẻ của hình học đang giảng giải cho các học sinh của ông. Euclid là người đề cao tính chính xác, mọi định lí đưa ra phải có căn nguyên và thực tiễn rõ ràng. Đó là lý do vì sao Raphael để Euclid chung nhóm với Aristotle.

Thần Apollo (Trái) và Thần Minerva (Phải)

Một chi tiết khác cũng tạo thêm tính đối lập là 2 bức tượng trên cao đối xứng. Bên Plato là tượng Apollo, còn bên Aristotle là tượng Minerva. Apollo với cây đàn lia trên tay, đây là vị thần của ánh sáng, âm nhạc, thi ca, văn học. Còn Minerva là nữ thần của trí tuệ và công lý.


Những hiệu ứng thị giác mà Raphael sắp đặt

Để tạo nên câu chuyện hình ảnh hấp dẫn, bên cạnh nội dung ý nghĩa mà nó mang lại còn phải đầu tư kĩ lưỡng về mặt hình ảnh và yếu tố này đã được danh họa người Ý dày công xây dựng tỉ mỉ. Nét đặc trưng tiêu biểu của hội họa thời Phục Hưng là miêu tả không gian với phối cảnh tuyến tính. Ở The School of Athens đó là phối cảnh một điểm tự với góc hút ở trung tâm tác phẩm nơi hiện diện hai nhân vật chính.

Ngoài ra việc dàn trải hình ảnh theo chiều ngang với toàn bộ nhân vật nằm ở nửa dưới bức tranh tạo ra khoảng không lớn bên trên, đây vừa là quãng nghỉ thị giác vừa là chi tiết để xây dựng không gian, thời gian cho bối cảnh. Cánh vòng cung của kiến trúc mảng tường hợp cùng mái vòm đồng dạng trong bức tranh tạo nên hiệu ứng liền mạch xuyên suốt từ thực tế vào cảnh ảo.

Điểm đặc biệt là ngôi trường Athens không mang nét kiến trúc đặc trưng của Hy Lạp cổ đại là nhiều cột trụ và mái tam giác. Ở đây chúng được thiết kế theo phong cách La Mã, cụ thể những mái vòm này lấy cảm hứng từ công trình Vương cung thánh đường Maxentius và Constantine ở Rome.

Song song với kiến trúc thu hút là kỹ thuật hội họa bắt mắt của Raphael, kế thừa từ hai kỹ thuật trứ danh SfumatoChiaroscuro, ông nâng cấp và phát triển để tạo nên một kỹ thuật mới mang tên Unione, có độ mờ sắc tinh tế nhưng không bị bạc màu mà vẫn tạo nên độ chênh sáng tối vừa đủ không quá gắt.

Độ đa dạng của màu sắc xuất phát từ trang phục góp phần xây dựng tính linh hoạt thị giác trong bức tranh, tạo ra các điểm nhảy của mắt, kích thích di chuyển vùng nhìn khắp toàn cảnh rộng. Không những vậy, đó còn là chi tiết để khái quát một phần nhân vật: Plato với trang phục màu đỏ-tím tượng trưng cho không khí và lửa – Aristotle với trang phục màu xanh-nâu tượng trưng cho nước và đất – Heraclitus có trang phục màu ‘tím nhờ’ đại diện cho sự trầm lắng và suy ngẫm.

Bảng màu chính trong The School of Athens

Hiểu rõ nguyên lí ánh sáng từ nguồn cụ thể, ta có thể thấy các nhân vật của Raphael được xây dựng cẩn thận từ khối cơ thể, nét mặt, cử chỉ cho đến trang phục và các dáng tư thế. Tất cả họ nếu đặt riêng mỗi người một không gian, hoàn toàn có thể tạo thành một tác phẩm khác biệt, nhưng nhờ mạch chuyện trải đều và không gian liên kết bởi những nhóm nhân vật. Raphael đã xây dựng được tính nhất quán và thu hút cho toàn bộ khung cảnh trong ngôi trường Athens, đặt người xem vào diễn biến một cuộc tranh tranh luận sôi nổi.


Tinh thần triết học bên trong ‘The School of Athens’

Là một trong 4 tác phẩm tại Điện Tông Tòa Vatican do Giáo Hoàng Julius II ủy quyền Raphael thực hiện. Bốn bức tranh đại diện cho 4 nhánh kiến thức khác nhau cùng với The School of Athens (Triết học) còn có Disputation of the Holy Sacrament (Thần học), The Parnassus (Thơ ca) và Cardinal and Theological Virtues (Luật pháp). Chủ đề chung toàn bộ căn phòng là sự tổng hòa của tư duy thế tục và ý niệm tâm linh giữa cái hiện hữu và điều vô hình.

Trong căn phòng, 2 bức tranh về Triết Học và Thần Học được đặt đối xứng với nhau đầy chủ ý, một nơi được bắt nguồn từ Chúa còn một nơi được xây dựng bởi Con Người. Nhắc đến triết học, chúng ta vẫn nghĩ đến những điều khó hiểu và mơ hồ nhưng bản chất thật của “môn học xoắn não” này là định hình lối tư duy và xây dựng thế giới quan con người.

Ở “Ngôi trường Athens” những luồng tư duy, kiến thức đan xen sóng đôi với nhau để mở ra thế giới đa chiều và góc nhìn khai sáng. Nơi không phân chia thứ bậc trong tư tưởng, một sinh viên (Aristotle) được quyền tranh luận thẳng thắn với chính thầy giáo (Plato) để tìm ra chân lí đích thực của cuộc sống.

Biên tập: Hoàng

Cùng tác giả

#Tag

Hoàng Nghệ Thuật Ý phân tích tranh raphael Tách lớp Thế kỉ 16 The School of Athens thời kì phục hưng

iDesign Must-try

Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
“Mình sẽ luôn chọn tết cổ truyền, bởi môi trường sống và các giá trị mình được truyền lại từ nhỏ.” – Lời tâm tình của Lổn Nương về những…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Tháng đầu tiên của năm 2022 các độc giả iDesign có gì mới không nhỉ? Riêng chúng mình thì có loạt điểm tin nghệ thuật nổi bật diễn ra trên…
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Bằng ngôn ngữ sáng tạo độc đáo của bản thân, Trung Bảo đang dần xóa nhoà ranh giới giữa âm nhạc và nghệ thuật thị giác, biến hai loại hình…
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Tọa lạc tại Jakarta, Indonesia, Mineral Cafe là không gian cafe cung cấp các dịch vụ về thức uống và đồ ăn tự chế biến với phương châm mang đến…
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Michelangelo được biết đến là nghệ sĩ nổi tiếng và đa tài của thế kỷ 16, ông là bậc thầy nghệ thuật với các kiệt tác điêu khắc vượt thời…
PLEXUS - Từ sợi chỉ mong manh đến nghệ thuật mê hoặc thị giác
PLEXUS - Từ sợi chỉ mong manh đến nghệ thuật mê hoặc thị giác
60 dặm tương đương gần 100 km, quãng đường đủ xa cho ta một chuyến hành trình liên tỉnh đáng nhớ. Nhưng con số đó cũng liên quan mật thiết…