Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)

Trích dịch Proust was a Neuroscientist – Jonah Lehrer (2007), bởi Út Quyên

Chuỗi bài dịch mang tên “Paul Cézanne – Quá trình của sự thấy” sẽ giúp ta hiểu sâu hơn về quan điểm và thực hành nghệ thuật của Cézanne, để hiểu hơn nhận xét của tác giả Jonah Lehrer khi phát biểu rằng: “Nghệ thuật của Cezanne phơi bày quá trình của sự thấy.”
Bài viết được chia làm 7 phần:
– Phần 1: Về Cézanne và Quá trình của Sự thấy
– Phần 2: Sự ra đời của Nhiếp ảnh (1)
– Phần 3: Sự ra đời của Nhiếp ảnh (2)
– Phần 4: Giới hạn của Ánh sáng (1)
– Phần 5: Giới hạn của Ánh sáng (2)
– Phần 6: Cézanne và Zola
– Phần 7: Tấm toan trống

Phần 7: Tấm toan trống

Khi Cezanne càng già đi, các bức tranh của ông ngày càng được lấp đầy bởi những khoảng toan trống, cái mà ông hùng hồn gọi tên là nonfinito. Trước đó không một ai từng làm điều này. Bức tranh rõ ràng là chưa hoàn chỉnh. Làm thế nào nó có thể là nghệ thuật? Nhưng Cezanne không hề nao núng trước những lời chỉ trích nhắm vào mình. Ông biết rằng các bức tranh của mình chỉ trống theo đúng nghĩa đen. Sự không hoàn thiện của chúng chính là một phép ẩn dụ cho quá trình nhìn. Trong những bức tranh còn dang dở này, Cezanne đang cố gắng hình dung bộ não sẽ hoàn thiện cái gì cho ông. Kết quả là, sự nhập nhằng của ông cực kỳ có chủ ý, sự mơ hồ của ông được dự đoán dựa trên sự chính xác. Nếu Cezanne muốn chúng ta lấp đầy những khoảng trống của ông, thì ông phải xác định khoảng trống này một cách chính xác.

Tác phẩm Mont Sainte Victoire (Tạm dịch: Núi Sainte Victoire), màu nước bởi Cézanne, 1900

Chẳng hạn, hãy xem các bức tranh màu nước ở Mont Sainte-Victoire của Cezanne. Trong những năm cuối đời, Cezanne đi bộ mỗi sáng đến đỉnh Les Lauves, nơi có thể bao quát cả vùng đồng bằng Provence. Ông sẽ vẽ dưới bóng râm của một cây đoan. Từ đó, Cezanne cho biết, ông có thể nhìn thấy những hình thái ẩn giấu của vùng đất, cách con sông và những vườn nho được sắp xếp trong những mặt phẳng chồng lên nhau. Hậu cảnh luôn là núi, những khối đá lởm chởm đó dường như nối vùng đất khô cằn với bầu trời vô tận.

Cezanne, tất nhiên, không quan tâm đến những bức chân dung phong cảnh theo nghĩa đen. Trong những mô tả của mình về thung lũng, Cezanne chỉ muốn vẽ những yếu tố thiết yếu, bộ xương cần thiết của hình thức. Và vì vậy ông tóm lược dòng sông trong một dải màu xanh lam. Những lùm cây hạt dẻ trở nên một mảng xanh buồn tẻ, thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi một nhát cọ nâu đen phảng phất. Và sau đó là núi. Cezanne thường cô đặc khối lượng báo trước của Đỉnh Sainte-Victoire thành một vệt sơn loãng, kéo khắp bầu trời trống rỗng. Đường xám mỏng manh này – hình bóng mờ của ngọn núi – hoàn toàn bị bao quanh bởi khoảng rỗng. Đó là một vết xước mỏng manh đỡ cả một khoảng không miên man.

Thế nhưng ngọn núi không biến mất. Nó ở đó, một sự hiện diện không thể thay đổi và kiên quyết. Trí óc dễ dàng phát minh ra hình khối mà màu sơn của Cezanne chỉ ra thảng hoặc. Mặc dù ngọn núi gần như vô hình theo nghĩa đen – Cezanne chỉ ngụ ý về sự hiện diện của nó – trọng lực lờ mờ của nó đã neo giữ bức tranh. Chúng ta không biết nơi nào bức tranh kết thúc và nơi nào ta bắt đầu.

Việc Cezanne giữ tấm toan trống – quyết định để cho sự trống trải xuyên qua – là phát minh cấp tiến nhất của ông. Không giống như phong cách hàn lâm, tôn thờ sự rõ ràng và họa tiết trang trí lên trên hết, chủ đề của các bức tranh theo trường phái hậu ấn tượng của Cezanne là sự mơ hồ của chính chúng. Với sự nhập nhằng có tính toán giữa vật thể và phi vật thể, các bức tranh nonfinito của Cezanne đặt câu hỏi về bản chất của hình khối. Phong cảnh không hoàn chỉnh của ông là bằng chứng rằng ngay cả khi không có cảm giác – tấm toan để trống – chúng ta vẫn có thể thấy. Ngọn núi vẫn ở đó.

Tác phẩm “Landscape at Auvers” (Tạm dịch: Phong cảnh Auvers), màu nước bởi Cézanne, 1905

Khi Cezanne bắt đầu nghiên cứu của ông về tấm toan trống, khoa học chưa có cách nào giải thích tại sao các bức tranh lại có vẻ ít khoảng trống hơn so với thực tế. Chính sự tồn tại của phong cách nonfinito của Cezanne, thực tế là bộ não không thể tìm thấy ý nghĩa trong hư không, dường như bác bỏ bất kỳ lý thuyết nào về tâm trí cái lược giản thị giác của chúng ta thành các pixel ánh sáng.

Các nhà tâm lý học Gestalt đầu thế kỷ 20 là những nhà khoa học đầu tiên đối mặt với những ảo ảnh về hình khối mà Cezanne đã vận dụng một cách hùng hồn. Gestalt nghĩa đen là “hình khối”, và đó là điều mà các nhà tâm lý học Gestalt quan tâm. Được thành lập bởi Carl Stumpf, Kurt Koffka, Wolfgang Kohler và Max Wertheimer vào đầu thế kỷ XX, phong trào Gestalt của Đức bắt đầu từ chối tâm lý học giản lược thời đó, vốn vẫn còn say mê với các lý thuyết của Wilhelm Wundt và của các nhà tâm sinh lý học đồng nghiệp của ông. Wundt đã lập luận rằng nhận thức thị giác cuối cùng có thể giản lược tới tận các giác quan nguyên tố của nó. Tâm trí, giống như một tấm gương, phản chiếu ánh sáng.

Nhưng tâm trí không phải là một tấm gương. Các nhà tâm lý học Gestalt bắt đầu chứng minh rằng quá trình nhìn sẽ thay đổi thế giới mà chúng ta quan sát. Giống như Immanuel Kant, tiền nhân cho triết học của họ, họ lập luận rằng phần lớn những gì được cho là ở ngoài kia – trong cảm giác của chúng ta về thế giới bên ngoài – thật ra đến từ đây, từ bên trong tâm trí. (“Trí tưởng tượng,” Kant viết, “là một thành phần cần thiết của bản thân nhận thức.”) Để làm bằng chứng cho lý thuyết của họ về nhận thức, những người theo thuyết Gestalt đã sử dụng ảo ảnh quang học. Chúng gồm có từ ảo giác về chuyển động rõ ràng trong một bộ phim (phim thực chất là tập hợp các hình ảnh tĩnh được chuyển tiếp hai mươi bốn lần một giây) đến các hình vẽ dường như dao động giữa hai hình khối khác nhau (ví dụ cổ điển là chiếc bình cũng có thể được xem như bóng silhouette của hai khuôn mặt). Theo các nhà tâm lý học Gestalt, những ảo ảnh hàng ngày này là bằng chứng cho thấy mọi thứ chúng ta thấy đều là ảo ảnh. Hình khối được quy định từ trên xuống. Không giống như những người theo học thuyết Wundt, bắt đầu với những mảnh vỡ cảm giác của chúng ta, những người theo thuyết Gestalt bắt đầu với thực tế khi chúng ta thực sự trải nghiệm nó.

Tác phẩm “Mont Saint Victoire by the Lauvers” (Tạm dịch: Núi Sainte Victoire nhìn từ phía Lauvers), màu nước bởi Cézanne, 1904

Các nghiên cứu khoa học thần kinh hiện đại về vỏ não thị giác đã xác nhận trực giác của Cezanne và các nhà tâm lý học Gestalt: trải nghiệm thị giác vượt qua cảm giác thị giác. Ngọn núi của Cezanne mọc lên từ bức tranh trống rỗng bởi vì bộ não, trong một nỗ lực trơ trẽn hòng hiểu được bức tranh, đã lấp đầy các chi tiết của nó. Đây là một bản năng cần thiết. Nếu tâm trí không áp đặt chính nó vào con mắt, thì thị giác của chúng ta sẽ đầy khoảng trống. Chẳng hạn, vì không có tế bào hình nón nhạy cảm với ánh sáng nơi dây thần kinh thị giác kết nối với võng mạc, mỗi chúng ta có một điểm mù theo nghĩa đen ở trung tâm của trường thị giác. Nhưng chúng ta lại bị mù về điểm mù của chính mình: não bộ của chúng ta không ngừng ghi nhận một thế giới liền mạch.

Khả năng nhận biết các giác quan chưa hoàn thiện của chúng ta là kết quả của quá trình giải phẫu vỏ não của con người. Vỏ não thị giác được chia thành các khu vực riêng biệt, được đánh số gọn gàng từ 1 đến 5. Nếu bạn theo dõi tiếng vọng của ánh sáng từ vùng não V1, khu vực thần kinh nơi thông tin từ võng mạc đầu tiên xuất hiện dưới dạng một tập hợp các đường, tới V5, bạn có thể thấy được cảnh thị giác có được sự sáng tạo vô thức của nó. Thực tế liên tục được tinh chỉnh, cho đến khi cảm giác ban đầu – bức tranh không hoàn chỉnh đó – bị sự chủ quan của chúng ta nuốt chửng.

Khu vực đầu tiên trong vỏ não thị giác nơi các tế bào thần kinh phản ứng với cả ảnh ảo và ảnh thực là V2. Tại đây, phần trên cùng của tâm trí bắt đầu thay đổi các cấp độ thị giác thấp hơn. Kết quả là, chúng ta bắt đầu nhìn thấy một ngọn núi từ một đường mảnh màu đen. Kể từ thời điểm này, chúng ta không thể tách biệt những phát minh tinh thần của chính chúng ta với những gì thực sự tồn tại. Các tế bào thần kinh giống hệt nhau phản ứng khi chúng ta thực sự nhìn thấy một ngọn núi và khi chúng ta chỉ tưởng tượng một ngọn núi. Không có cái gọi là nhận thức vô nhiễm.

Sau khi được xử lý nhanh chóng bởi các vùng khác của vỏ não thị giác – màu sắc và chuyển động giờ đây được tích hợp vào hình ảnh – dữ liệu sẽ chảy vào thùy thái dương trung gian (còn được gọi là V5), một khu vực trong não nơi tạo ra nhận thức có ý thức. Ở khu vực gần phía sau đầu, các tập hợp con của tế bào trước tiên phản ứng với các kích thích phức tạp, chẳng hạn như bức tranh Cezanne vẽ một ngọn núi, hoặc một ngọn núi thực. Khi các tế bào thần kinh cụ thể này sáng lên, tất cả quá trình xử lý hình ảnh cuối cùng cũng hoàn tất. Cảm giác bây giờ đã sẵn sàng cho ý thức.

Và bởi vì các tế bào thần kinh trong vỏ não thái dương có những biểu hiện rất cụ thể, những tổn thương nhỏ trong vùng não này có thể xóa bỏ toàn bộ phạm trù hình khối. Hội chứng này được gọi là chứng thiếu hụt thị giác-đối tượng. Một số nạn nhân của hội chứng này có thể không nhận thức được quả táo, hoặc khuôn mặt, hoặc các bức tranh hậu ấn tượng. Ngay cả khi nạn nhân duy trì nhận thức về các yếu tố khác nhau của đối tượng, họ không thể liên kết các mảnh đó thành một sự tái hiện nhất quán. Vấn đề là thế giới hình khối của chúng ta chỉ tồn tại ở giai đoạn cuối của quá trình xử lý thần kinh, trong các nếp gấp sọ khác xa với ánh sáng trung thực của thế giới bên ngoài.

Hơn nữa, các dây thần kinh đi vào ý thức lại bị chính ý thức điều chỉnh. Một khi vỏ não trước nghĩ rằng nó đã nhìn thấy một ngọn núi, nó bắt đầu điều chỉnh đầu vào của chính nó, tưởng tượng ra một hình dạng trong tấm toan trống. (Để diễn giải Paul Simon, “Một người đàn ông nhìn thấy những gì anh ta muốn thấy, và không quan tâm đến những thứ còn lại.”) Thực tế, trong nhân giáp bên (LGN), dây thần kinh dày kết nối nhãn cầu với não, số sợi chiếu từ vỏ não đến mắt nhiều hơn mười lần so với từ mắt đến vỏ não. Chúng ta khiến cho đôi mắt của chính mình nói dối. Như William James đã viết trong Chủ nghĩa thực dụng: “Một cảm giác giống như một khách hàng đã đưa vụ việc của mình cho luật sư và sau đó thụ động lắng nghe trong phiên tòa về bất cứ điều gì liên quan đến công việc anh ta mà luật sư thấy là hợp lý nhất để đưa ra.”

Tác phẩm “La Barque hoặc The Lake of Annecy” (Tạm dịch: Hồ nước tại Annecy), màu nước bởi Cézanne, 1900

Đạo lý từ tất cả những bài học giải phẫu này là gì?

Tâm trí không phải là một chiếc máy ảnh.

Như Cezanne hiểu, nhìn tức là tưởng tượng. Vấn đề là không có cách nào để định lượng những gì chúng ta nghĩ rằng chúng ta thấy. Mỗi người trong chúng ta đều bị nhốt trong thị giác đặc biệt của riêng mình. Nếu chúng ta loại bỏ sự tự nhận thức của mình khỏi thế giới, nếu chúng ta nhìn bằng sự trung thực vô tư của nhãn cầu, thì chúng ta sẽ chẳng thấy gì ngoài những điểm sáng lẻ loi, lấp lánh trong một không gian phi hình khối. Sẽ không có núi. Tấm toan chỉ đơn giản là trống trơn. Phong trào hậu ấn tượng do Cezanne khởi xướng là phong cách đầu tiên biến tính chủ quan không trung thực của chúng ta trở thành chủ đề của nó. Những bức tranh của ông là những lời chỉ trích về tranh: chúng gây chú ý đến sự không-thực-tế của chính chúng. Một bức tranh của Cezanne thừa nhận rằng phong cảnh được tạo nên từ khoảng rỗng, và rằng bát trái cây là một tập hợp các nét cọ. Mọi thứ đã được uốn cong để phù hợp với tấm toan. Không gian ba chiều bị là phẳng thành hai, ánh sáng thay bằng sơn, toàn bộ khung cảnh đều được bố cục một cách có chủ đích. Nghệ thuật, Cezanne nhắc nhở chúng ta, được bao quanh bởi những kỹ xảo.

Sự thật gây sốc là thị giác cũng giống như nghệ thuật. Những gì chúng ta thấy là không có thật. Nó đã được uốn cong để phù hợp với tấm toan của chúng ta, đó là bộ não. Khi chúng ta mở mắt ra, chúng ta bước vào một thế giới ảo ảnh, một khung cảnh bị phá vỡ bởi võng mạc và được tái tạo nơi vỏ não. Giống như một họa sĩ diễn giải một bức tranh, chúng ta diễn giải giác quan của mình. Nhưng cho dù bản đồ thần kinh của chúng ta có chính xác đến đâu, chúng cũng sẽ không bao giờ giải quyết được câu hỏi chúng ta thực sự thấy gì, vì thị giác là một hiện tượng riêng tư. Trải nghiệm thị giác vượt qua các pixel của võng mạc và các đường mỏng manh của vỏ não thị giác.

Chính nghệ thuật, chứ không phải khoa học, là phương tiện mà chúng ta thể hiện những gì chúng ta nhìn thấy bên trong. Bức tranh, về mặt này, gần với hiện thực nhất. Đó là thứ giúp chúng ta đến gần nhất với trải nghiệm. Khi chúng ta nhìn chằm chằm vào những quả táo của Cezanne, chúng ta đang ở trong đầu ông. Bằng cách cố gắng thể hiện những tái hiện tinh thần của chính mình, Cezanne đã cho thấy nghệ thuật làm thế nào để vượt qua huyền thoại của chủ nghĩa hiện thực. Như Rainer Maria Rilke đã viết, “Cezanne đã làm cho trái cây thật đến mức hoàn toàn không thể ăn được nữa, đó là cách mọi thứ trông thế nào và trở nên thật ra sao, đơn giản là không thể bị phá hủy trong sự cứng đầu của chúng.” Những quả táo đã trở thành những gì chúng vẫn luôn là: một bức tranh được tạo ra bởi trí óc, một tầm nhìn trừu tượng đến mức có vẻ như thực.

(Hết)

Ảnh bìa: Artplas
Người dịch: Út Quyên
Nguồn: Proust was a Neuroscientist – Jonah Lehrer (2007)

Cùng tác giả

#Tag

Artplas hội họa Kiến thức nghệ thuật Series Nghệ thuật và ?

iDesign Must-try

/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Chủ nghĩa Khu vực Mĩ (American Regionalism) (Phần 3)
Chủ nghĩa Khu vực Mĩ (American Regionalism) (Phần 3)
Trong phần cuối của loạt bài về chủ nghĩa Khu vực Mĩ, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu bao gồm Gothic Mĩ, Các hoạt động…
Chủ nghĩa Khu vực Mĩ (American Regionalism) (Phần 2)
Chủ nghĩa Khu vực Mĩ (American Regionalism) (Phần 2)
Trong phần thứ hai của loạt bài về chủ nghĩa Khu vực Mĩ, chúng ta tiếp tục tìm hiểu về những sự khởi đầu của trào lưu: nhà phê bình…
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Tìm hiểu chi tiết hơn về các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ trong khuôn khổ triển lãm Nghệ thuật Kỹ thuật số nổi bật của thời đại…