Paul Cézanne - Quá trình của Sự thấy (Phần 6)

Trích dịch Proust was a Neuroscientist – Jonah Lehrer (2007), bởi Út Quyên

Chuỗi bài dịch mang tên “Paul Cézanne – Quá trình của sự thấy” sẽ giúp ta hiểu sâu hơn về quan điểm và thực hành nghệ thuật của Cézanne, để hiểu hơn nhận xét của tác giả Jonah Lehrer khi phát biểu rằng: “Nghệ thuật của Cezanne phơi bày quá trình của sự thấy.”
Bài viết được chia làm 7 phần:
– Phần 1: Về Cézanne và Quá trình của Sự thấy
– Phần 2: Sự ra đời của Nhiếp ảnh (1)
– Phần 3: Sự ra đời của Nhiếp ảnh (2)
– Phần 4: Giới hạn của Ánh sáng (1)
– Phần 5: Giới hạn của Ánh sáng (2)
– Phần 6: Cézanne và Zola
– Phần 7: Tấm toan trống

PHẦN 6: Giới hạn của Ánh sáng (2)

Đó là năm 1858. Cezanne mới mười tám. Người bạn thân nhất của cậu, Emile Zola, vừa rời đi Paris, bỏ cậu ở lại Aix-en-Provence. Zola vẫn luôn quyết trở thành nhà văn, nhưng Cezanne, theo yêu cầu của người cha độc đoán, đang bận thi trượt trường luật. Zola đã rất tức giận với Cezanne. “Hội họa chỉ là một ý thích thoáng qua của cậu thôi sao?” anh tức giận hỏi. “Một trò tiêu khiển, thứ để buôn chuyện thôi có phải không? Nếu đúng như vậy thì tớ hiểu cách cư xử của cậu: cậu đã đúng khi không gây sự với gia đình. Nhưng nếu vẽ tranh là nghề của cậu, thì cậu thật khó hiểu với tớ, một nhân sư, một kẻ bất khả và mơ hồ.” Ngay mùa hè năm sau, Cezanne trốn đến Paris. Cậu đã quyết định trở thành nghệ sĩ. Cuộc sống ở thành phố thật khó khăn. Cezanne cô đơn và nghèo khó. Nói cậu là một gã bohemian vẫn là quá đề cao. Vào ban ngày, Cezanne lẻn vào bảo tàng Louvre, cậu kiên nhẫn sao chép các tác phẩm của Titian và Rubens. Vào ban đêm, người ta tụ tập ở quán bar địa phương say sưa tranh luận về chính trị và nghệ thuật.

Tác phẩm Les Joueurs de Cartes (Tạm dịch: Những người Chơi bài), tranh sơn dầu thực hiện bởi Cézanne, 1890-1895

Cezanne cảm thấy mình như một kẻ thất bại. Những thử nghiệm về trừu tượng đầu tiên của cậu đã bị bác bỏ vì những sai lầm ngẫu nhiên, tác phẩm nhu nhược của một nhà hiện thực bất tài. Cậu chở những bức tranh của mình đi khắp thành phố trên một chiếc xe cút kít, nhưng không một phòng tranh nào chấp nhận chúng. Niềm an ủi duy nhất của Cezanne nằm ở bầu không khí văn hóa chung: thế giới nghệ thuật ngột ngạt của Paris cuối cùng cũng bắt đầu thay đổi. Baudelaire đã bắt đầu tấn công Ingres. Manet đang nghiên cứu Velazquez. Những bức tranh gan góc của Gustave Courbet – câu thần chú của ông là “Hãy để ta thành thực, ngay cả khi ta xấu xí” – đang dần nhận được sự trân trọng.

Đến năm 1863, tất cả “sự xấu xí” mới này không thể bị dập tắt được nữa. Đơn giản là nó có quá nhiều. Do đó, Hoàng đế Napoleon III đã quyết định trưng bày những bức tranh bị Học viện Mỹ thuật từ chối đưa vào triển lãm nghệ thuật hàng năm của họ. Chính trong phòng trưng bày này – Salon của những thứ Bị chối từ — Cezanne lần đầu tiên bắt gặp Le Dejeuner sur I’Herbe (Bữa trưa trên bãi cỏ) (hình dưới) của Manet, một bức tranh tai tiếng về một người phụ nữ khỏa thân trong công viên nhưng dường như không biết là mình đang trần truồng.

Cezanne bị mê hoặc. Ông bắt đầu một loạt các bức tranh mô phỏng lại chuyến dã ngoại khiêu dâm của Manet. Không giống như Manet đã vẽ người phụ nữ với cảm giác mỉa mai, Cezanne tự chèn mình vào trong tác phẩm. Bộ râu xồm xoàm và cái đầu hói bộc lộ chính ông. Cũng chính những nhà phê bình vốn khinh thường Manet giờ trở nên tàn nhẫn với Cezanne. “Công chúng khinh bỉ loại nghệ thuật này”, một người bình luận. “Ông Cezanne tạo ấn tượng như một người điên vẽ trong cơn mê sảng. Ông ta phải ngừng vẽ.”

Tác phẩm Le Déjeuner sur l’herbe (Tạm dịch: Bữa trưa trên Bãi cỏ), tranh sơn dầu bởi Édouard Manet, 1863

Hai mươi năm sau, mọi thứ đã thay đổi. Hoàng đế đã ra đi, bị đánh bại trên chiến trường Pháp-Phổ. Claude Monet, người trốn khỏi Paris để tránh nghĩa vụ quân sự, đã nhìn thấy những bức tranh màu nước trừu tượng mang tính tiên tri của J.M.W. Turner khi ở London. Ông trở lại Pháp với nguồn cảm hứng mới. Đến năm 1885, chủ nghĩa ấn tượng của Monet đã trở thành một trào lưu tiên phong thực sự. Những họa sĩ của ánh sáng mờ ảo giờ đây đã có salon của riêng họ.

Những năm tháng này cũng rất tử tế với Zola. Tiểu thuyết Rougon-Macquart của ông đã biến ông thành minh tinh trong giới văn học, tự tin gây tranh cãi. Ông là người sáng lập đáng tự hào của chủ nghĩa tự nhiên, một trường phái văn học mới với mong muốn viết “tiểu thuyết khoa học”. Tiểu thuyết gia, Zola tuyên bố, theo đúng nghĩa đen phải trở thành một nhà khoa học, “sử dụng phương pháp thực nghiệm trong nghiên cứu về con người của họ.”

Hào hứng trước thành công của bản thân, Zola quyết định viết một cuốn sách về một họa sĩ. Gọi nó là L’Oeuvre (Kiệt tác) vì ông nói rằng ông không thể nghĩ ra điều gì tốt hơn. Theo yêu cầu của phương pháp do chính mình đặt ra, Zola xây dựng cuốn tiểu thuyết của mình dựa trên một câu chuyện ăn cắp từ đời thực. Cuộc đời bị ông đánh cắp lần này thuộc về người bạn thân nhất của ông. Sau khi cuốn tiểu thuyết được xuất bản, vào mùa xuân năm 1886, Cezanne và Zola không bao giờ nói chuyện với nhau nữa.

Nhân vật chính của Kiệt tác là Claude Lantier. Giống như Cezanne, anh ta là một gã Provence có râu và hói đầu, một họa sĩ có những bức tranh quá kỳ lạ để trưng bày. Zola thậm chí còn biến những tai ương thành đúng đắn: cả Claude và Paul đều mắc bệnh nan y về mắt, bị cha mình chế giễu và phải buôn tranh để kiếm ăn ở tiệm tạp hóa gần nhà. Trong khi Claude là một nghệ sĩ chật vật điển hình, thì người bạn thân nhất của anh, nhà văn Pierre Sandoz, đã đạt được danh tiếng lớn lao trong văn chương, khi viết một loạt hai mươi tiểu thuyết ghi lại “chân lý về nhân loại trong thế giới thu nhỏ”.

Bìa cuốn sách L’Oeuvre (Tạm dịch: Kiệt tác), tác phẩm tiểu thuyết dài tập bởi Émile Zola, 1885-86

Nhưng sự xúc phạm thực sự là khi Zola mô tả tác phẩm của Claude. Những bức họa trừu tượng của anh, Zola viết, chẳng là gì ngoài “hoạt động tinh thần cuồng dại… bi kịch khủng khiếp của tâm trí tàn phá chính nó.” Tiểu thuyết của Sandoz, ngược lại, “mô tả con người như anh ta thực sự là.” Chúng là một thứ “văn chương mới cho kỷ nguyên khoa học đang tới.”

Rõ ràng là Zola đã phản bội những người bạn theo trường phái ấn tượng của ông. Monet, Pissarro và nhà thơ tượng trưng Stephane Mallarme đã tổ chức các cuộc họp để tố cáo cuốn sách. “Kẻ thù của chúng tôi,” Monet viết cho Zola, “sẽ sử dụng cuốn sách của anh để đập chúng tôi là những kẻ vô tri.” Nhưng Zola không quan tâm. Ông đã quay lưng với trừu tượng. Nếu những bức tranh của Cezanne lấy sự chủ quan của chúng ta làm chủ đề, thì tiểu thuyết của Zola lại quyết tâm biến con người thành một đối tượng khác. Nghệ sĩ, Zola nói, phải “biến mất, và chỉ đơn giản là thể hiện những gì anh ta đã thấy. Sự can thiệp dịu dàng của nhà văn làm suy yếu một cuốn tiểu thuyết và đưa một yếu tố kỳ lạ vào dữ kiện làm mất đi giá trị khoa học của chúng.”

Phong cách của Zola không tồn tại được bao lâu. Những cuốn tiểu thuyết khoa học tự xưng của ông, với niềm tin ngây thơ vào tính di truyền và thuyết định mệnh sinh học, đã lỗi thời một cách vô duyên. Tác phẩm của ông không phải là “bách khoa toàn thư bất hủ về chân lý của con người” như ông mong đợi. Như Oscar Wilde đã tuyên bố, “Zola ngồi xuống để cho chúng ta một bức tranh về Đế chế thứ hai. Giờ ai còn quan tâm đến Đế chế thứ hai? Nó đã lỗi thời. Cuộc sống trôi qua nhanh hơn Chủ nghĩa hiện thực.” Tệ hơn nữa, nghệ thuật tiên phong mà Zola phản bội trong Kiệt tác giờ đã lên ngôi. Phong trào của ông đã bị chủ nghĩa hậu ấn tượng soán vị. Đến năm 1900, Zola buộc phải thừa nhận rằng ông đã đánh giá sai nghệ thuật trừu tượng của Cezanne. “Tôi hiểu rõ hơn về bức tranh của anh ấy,” Zola thú nhận, “điều này đã lẩn tránh tôi trong một thời gian dài vì tôi nghĩ nó bị phóng đại, nhưng thực ra nó chân thành và chân thực đến không ngờ”.

Cuối cùng, không phải cuốn Kiệt tác đã chia rẽ Cezanne và Zola. Zola chưa bao giờ xin lỗi, nhưng cũng đúng là: chẳng lời xin lỗi nào có thể hàn gắn những rạn nứt trong triết lý của họ. Họ là hai người bạn thời thơ ấu đã đi đến những kết luận trái ngược nhau về bản chất của hiện thực. Nếu Zola cố gắng thoát ra khỏi bản thân trong nghệ thuật của chính mình – thay vào đó chạy trốn vào địa hạt băng lãnh của sự thực khoa học – thì Cezanne đã tìm kiếm hiện thực bằng cách phiêu lưu vào bên trong bản thân mình. Ông biết rằng tâm trí tạo ra thế giới, cũng giống như họa sĩ tạo ra bức tranh.

Với tiết lộ đáng kinh ngạc đó, Cezanne đã phát minh ra nghệ thuật hiện đại. Những bức tranh của ông đã được cố tình làm mới; ông đã phá vỡ quy luật hội họa để tiết lộ quy luật của sự thấy. Nếu ông bỏ qua một số chi tiết, thì đó chỉ là để cho chúng ta thấy những gì chúng ta sẽ thêm vào. Tất nhiên, trong vài thập kỷ nữa, Paris sẽ tràn ngập một thế hệ họa sĩ hiện đại mới, những người thích phá luật hơn nữa. Các nhà lập thể, dẫn đầu bởi Pablo Picasso và Georges Braque, sẽ lấy kỹ thuật của Cezanne làm kết luận phi lý cho nó. (Picasso từng tuyên bố rằng Cezanne và Buffalo Bill là hai người có ảnh hưởng lớn nhất đời ông.) Và mặc dù các nhà lập thể thích đùa về việc tiên đoán những sự thật kỳ lạ của vật lý lượng tử, không một họa sĩ nào khác hiểu trí óc con người như Cezanne. Những tác phẩm trừu tượng của ông hiển lộ giải phẫu của con người.

(Còn tiếp)

Ảnh bìa: Artplas
Người dịch: Út Quyên
Nguồn: Proust was a Neuroscientist – Jonah Lehrer (2007)

Cùng tác giả

#Tag

Artplas émile zola hội họa nghệ thuật paul cezanne Series Nghệ thuật và ?

iDesign Must-try

/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Chủ nghĩa Khu vực Mĩ (American Regionalism) (Phần 3)
Chủ nghĩa Khu vực Mĩ (American Regionalism) (Phần 3)
Trong phần cuối của loạt bài về chủ nghĩa Khu vực Mĩ, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu bao gồm Gothic Mĩ, Các hoạt động…
Chủ nghĩa Khu vực Mĩ (American Regionalism) (Phần 2)
Chủ nghĩa Khu vực Mĩ (American Regionalism) (Phần 2)
Trong phần thứ hai của loạt bài về chủ nghĩa Khu vực Mĩ, chúng ta tiếp tục tìm hiểu về những sự khởi đầu của trào lưu: nhà phê bình…
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Tìm hiểu chi tiết hơn về các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ trong khuôn khổ triển lãm Nghệ thuật Kỹ thuật số nổi bật của thời đại…