5 nhân vật mắc bệnh tâm lý gây ám ảnh nhất trong vài thập kỷ qua

Dù sắm vai chính diện hay phản diện, những nhân vật có mang trong mình căn bệnh tâm lý ám ảnh luôn có một sức hút đối với khán giả. Những nhân vật này luôn được các nhà làm phim chú trọng vào việc khắc họa chi tiết hành động, biểu hiện, tính cách và lời nói. Qua đó, khán giả được dịp khám phá về thế giới hay nhân sinh quan đầy lạ lẫm, thường khó có thể trải nghiệm trong cuộc sống thường ngày.

Dưới đây, hãy cùng iDesign phân tích 5 nhân vật với căn bệnh tâm lý tiêu biểu trong nền điện ảnh hiện đại: 

1. No Country for Old Men (2007)

Nhân vật: Anton Chigurh (Javier Bardem)

Anton Chigurh là một trong những hình mẫu về kẻ chống đối xã hội chân thực nhất trên màn ảnh

Với thủ pháp kể chuyện trần thuật, sử dụng nhiều góc nhìn khác nhau, hầu như những bộ phim của anh em nhà Coen đều mang lại cảm giác dồn dập, khiến khán giả như phải đối diện với những đợt sóng không ngừng nghỉ của các sự kiện và bất ngờ tiếp nối. Đối với No Country for Old Men, cách kể chuyện này đã góp phần khiến diễn xuất của Javier Bardem trở nên thăng hoa, khiến nhân vật của anh trở thành một trong những hình mẫu về kẻ chống đối xã hội chân thực nhất trên màn ảnh.

Màn hóa thân ấn tượng của Javier Bardem trong No Country for Old Men

Khán giả chẳng hề biết gì về câu chuyện đằng sau, quá khứ hay sở thích của anh ta, nhưng tên sát nhân Anton Chigurh, người chỉ tập trung vào việc lấy lại số tiền 2 triệu đô, thể hiện mình rõ rệt qua loạt hành động và lời nói mỗi khi anh ta xuất hiện. Bằng thói quen cho người ta “dự đoán” về mặt của đồng xu để quyết định số phận mình, ta có thể thấy rõ nội tâm nhân vật là sự giằng xé và không ổn định giữa tự nhiên và sắp đặt, hiền hòa và bạo lực, hay là một cách anh ta sử dụng để lấp vào lương tâm trống rỗng của mình.

Anton Chigurh cho thấy sự tàn nhẫn, nhanh chóng và quyết liệt trong hành động giết người

Giống như loài cá mập hung dữ trong Jaws, Anton Chigurh cho thấy sự tàn nhẫn, nhanh chóng và quyết liệt trong từng hành động giết người của mình. Hắn ta như một mối hiểm họa không bao giờ dừng lại và không thể đoán biết trước. Sự xuất sắc của nhân vật máu lạnh này được xem là yếu tố quan trọng nhất khiến bộ phim No Country for Old Men sau đó giành được giải Best Picture tại Oscar.

2. The Dark Knight (2008)

Nhân vật: Joker (Heath Ledger)

Một gã hề chống đối xã hội, cuồng sát và tâm thần phân liệt nói không với sự đồng cảm

“Một gã hề chống đối xã hội, cuồng sát và tâm thần phân liệt nói không với sự đồng cảm,” đây là những gì Heath Ledger đã miêu tả về nhân vật Joker. Đối với vai diễn hoàn chỉnh cuối cùng này, Heath Ledger đã xuất sắc giành về cho mình nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có cả Oscar. Dựa vào những gì đã thể hiện trên màn ảnh, số đông khán giả và nhà phê bình đều thấy công sức và tâm huyết mà chàng diễn viên đoản mệnh đã đặt vào.

Khán giả mãi còn ghi sâu trong tâm trí từng cử chỉ nhếch mép, cười gằn, liếc mắt hay mím môi của Joker

Chính anh đã tự nhốt mình trong phòng khách sạn nhiều tuần liền, cố gắng cho thấy một cách hoàn hảo nhất về giọng nói, điệu cười và cả những gì diễn ra trong tâm trí nhân vật Joker. Ngay cả lớp hóa trang và những thước phim mà Joker gửi đi trong phim cũng là do chính Ledger thực hiện. Từng hành vi nhỏ nhặt thể hiện qua diễn xuất của anh khiến cho sự xuất hiện của Joker khiến khán giả đợi chờ, tạo nhịp điệu và điểm nhấn cho câu chuyện phim. Khán giả mãi còn ghi sâu trong tâm trí từng cử chỉ nhếch mép, cười gằn, liếc mắt hay mím môi của Joker. Đặc biệt, chẳng thể nào bỏ qua cảnh vỗ tay “ứng tác” đầy thách thức của anh trong phim. 

“Một anh hùng lớn luôn cần một phản diện lớn”

“Một anh hùng lớn luôn cần một phản diện lớn”. Năm 2008, The Dark Knight của đạo diễn kỳ tài Christopher Nolan đã khiến người hâm mộ rung động vì một Batman trầm tư, quyết đoán ngang tài ngang sức với một Joker cuồng loạn và đầy thủ đoạn. Gã hề của thành phố Gotham qua sự hóa thân của Heath Ledger đã trở thành nhân vật kinh điển của điện ảnh thế giới.

3. A Clockwork Orange (1971)

Nhân vật: Alex DeLarge (Malcolm McDowell)

Màn hóa thân xuất sắc của Malcolm McDowell trong “A Clockwork Orange”

Được khai thác như một nhân vật phản anh hùng kiểu mẫu, Alex DeLarge (Alex The Large – Alex To bự theo như cách mà cậu tự gọi mình) có xu hướng thích thú với những hành động tội phạm như hiếp dâm, bạo lực và cướp bóc. Điểm “bình thường” duy nhất ở cậu thiếu niên này là niềm yêu thích dành cho những bản nhạc kinh điển của Beethoven. 

Alex DeLarge được khai thác như một nhân vật phản anh hùng kiểu mẫu

Malcolm McDowell, ở tuổi 27 vào thời điểm hóa thân vào nhân vật này, đã cho Alex một vẻ bề ngoài trông “thơ ngây” và có nét cuốn hút, dù rằng nó đối nghịch hoàn toàn với sự yêu thích một cách bệnh hoạn dành cho những hành vi tội lỗi của cậu. Có lẽ, nhiều khán giả đã có cái nhìn hoàn toàn khác về bản nhạc Singin’ in the Rain sau khi xem xong bộ phim.

Alex bắt đầu quá trình chuyển hóa khi trải qua cuộc thử nghiệm áp dụng kỹ thuật Ludovico

Tuy nhiên, tài năng của đạo diễn và Malcolm McDowell dường như không dừng lại ở đó, nhân vật chính bắt đầu quá trình chuyển hóa khi phải trải qua cuộc thử nghiệm áp dụng kỹ thuật Ludovico. Từ đó, chàng trai bắt đầu có những thái độ kỳ lạ đối với mọi loại hình tội phạm như tình dục, bạo lực và cả sở thích trước đây. Từ một nhân vật nguy hiểm đối với xã hội, Alex, còn có biệt danh khác là “người kể chuyện khiêm nhường”, bỗng trở thành một thực thể lửng lơ giữa xã hội rộng lớn. Tự do về thể xác nhưng bị cầm tù tâm trí; cười to, khóc òa, thét gào hay khó chịu đều chỉ thể hiện sự trống rỗng tột cùng bên trong tâm hồn cậu.

Alex DeLarge là một trong những nhân vật kỳ dị và đáng sợ nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới

Đã nhiều năm trôi qua, Alex DeLarge vẫn luôn được xếp vào một trong những nhân vật kỳ dị và đáng sợ nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới.

4. The Silence of the Lambs (1991)

Nhân vật: Hannibal Lecter (Anthony Hopkins)

Nhân vật Hannibal Lecter của ngài Anthony Hopkins là một hình ảnh tham chiếu kiểu mẫu trong lòng khán giả đại chúng

Hình ảnh đầu tiên nào nảy ra trong trí bạn khi nhắc đến tên Hannibal Lecter? Điểm đặc biệt của nhân vật này là dù được hóa thân bởi nhiều diễn viên, trong đó có cả Mads Mikkelsen trong loạt phim truyền hình cùng tên của kênh NBC, nhưng ngài Anthony Hopkins đã trở thành một hình ảnh tham chiếu kiểu mẫu trong lòng khán giả đại chúng. 

Tài năng diễn xuất của ngài Anthony Hopkins vượt khỏi yếu tố thời lượng giới hạn của phim

Dù chỉ xuất hiện không đến một phần ba thời lượng trong bộ phim kinh điển The Silence of the Lambs, Hannibal Lecter, một kẻ giết người tàn độc với vẻ ngoài lịch thiệp và đôi mắt sâu tinh anh như muốn nuốt chửng con mồi, đã đem về cho ngài Hopkins giải thưởng Oscar danh giá. Điều này cho thấy tài năng diễn xuất của ông vượt qua khỏi yếu tố thời lượng giới hạn của phim. Ngoài ra, sự ấn tượng của nhân vật này còn được nâng cao qua cách mà nhà làm phim thực hiện cấu trúc câu chuyện. Ở mỗi hồi, cao trào với sự xuất hiện của kẻ giết người Lecter khiến mạch truyện ngày càng được tăng tiến, tạo nên sự hồi hộp và gợi ý nhiều bí mật đến với khán giả.

Hannibal Lecter là một nhân vật “ác mộng” đối với những con mồi mà hắn nhắm đến

Với vốn kiến thức sâu rộng hiếm có, chỉ số IQ cao ngất, cách hành xử lịch thiệp cùng khẩu vị tinh tế, Hannibal Lecter tuy vậy lại là một kẻ tâm thần ám ảnh với việc ăn thịt người. Điều này xuất phát bởi những ký ức đau đớn mà hắn phải chịu đựng khi còn là một cậu bé. Nhiều nhà nghiên cứu đã sử dụng cụm từ “thái nhân cách” dành cho nhân vật này, bởi những biểu hiện của hắn được khắc họa qua loạt tiểu thuyết và phim ảnh cho thấy tâm lý và hành vi vô cùng phức tạp. Hannibal Lecter, không còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắn là một nhân vật “ác mộng” đối với những con mồi mà hắn nhắm đến.

5. The Wolf of Wall Street (2013)

Nhân vật: Jordan Belfort

Sự hóa thân của tài tử Leonardo DiCaprio khiến nhân vật này có một vẻ ngoài hấp dẫn hơn bao giờ hết

Thật lạ lùng khi chàng nhân vật chính vô cùng bảnh trai Jordan Belfort của một bộ phim tiểu sử hài kịch như The Wolf of Wall Street lại xuất hiện trong danh sách này. Kể về những chiêu trò của giới cổ cồn trắng trong việc tham nhũng và gian lận tại phố Wall, bộ phim của đạo diễn kỳ cựu Martin Scorsese phơi bày tất cả những tệ nạn như mại dâm, ma túy và hành vi suy đồi đạo đức của một bộ phận trí thức cao trong xã hội. Chính những ham muốn quá độ đến ám ảnh của nhân vật chính và nhóm bạn của anh ta cho thấy sự lệch lạc về tâm lý của một con người trong xã hội đề cao vật chất và tính sở hữu.

Jordan Belfort khởi đầu với hai bàn tay trắng và gia nhập thế giới thượng lưu với chiêu trò tài chính

Jordan Belfort, một nhà môi giới chứng khoán trẻ tuổi ở phố Wall, khởi đầu với hai bàn tay trắng và từng bước gia nhập vào thế giới thượng lưu bằng những chiêu trò tài chính của mình. Sự hóa thân của nam tài tử Leonardo DiCaprio khiến nhân vật này có một vẻ ngoài chuẩn chỉnh, hấp dẫn và sáng láng hơn bao giờ hết. Bên trong anh ta, với tất cả lòng ham muốn quá độ dành cho tiền bạc, vật chất và tình dục, dẫn dắt anh đến với loạt hành vi suy đồi đạo đức như mại dâm, thuốc phiện và lừa đảo. 

Khi trở nên thành công, Belfort bắt đầu đắm chìm vào những bữa tiệc thâu đêm để thỏa mãn dục vọng

Khi trở nên thành công và trải nghiệm cuộc sống siêu sang của giới thượng lưu, nhân vật này đắm chìm vào những bữa tiệc thâu đêm để thỏa mãn dục vọng. Đời sống nội tâm thiếu hụt dẫn đến sự khao khát vô hạn những yếu tố vật chất bên ngoài, dễ dàng đạt được bằng tiền bạc hay sự dối trá. Chính điều này khiến Jordan Belfort dù đã giàu lại càng muốn giàu hơn, muốn có thể kiếm nhiều tiền một cách nhanh chóng hơn, muốn chiếm được thể xác của những cô gái nóng bỏng dễ dàng hơn, muốn sống trong lời ca tụng và tán dương của mọi người. Đây được cho là chi tiết đắt giá trong việc xây dựng và phát triển nhân vật, một yếu tố chứng tỏ tài năng vượt bậc của đạo diễn Martin Scorsese trong The Wolf of Wall Street.

Bài viết: Gấu Trúc
Nguồn tham khảo: IMDb, tasteofcinema.

Cùng tác giả

#Tag

a clockwork orange ám ảnh gấu trúc hội chứng tâm lý joker nghệ thuật no country for old men phim phim điện ảnh sự im lặng của bầy cừu the wolf of wall street tua phim điện ảnh

iDesign Must-try

Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Có thật là ta sắp tiến tới một thời đại không gian-thời gian mới, nơi những sản phẩm của ta sẽ hoàn toàn mang tính chân thực, đưa người xem…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Tìm hiểu chi tiết hơn về các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ trong khuôn khổ triển lãm Nghệ thuật Kỹ thuật số nổi bật của thời đại…
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
“Tất cả chúng ta đều mong đợi xem việc áp dụng công nghệ hiện tại trong nghệ thuật sẽ mở ra những cánh cửa nào. Dù tương lai có ra…
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Sự xuất hiện của công nghệ số trong quá trình sáng tạo nghệ thuật chưa bao giờ mạnh mẽ như lúc này. Nhưng, tận dụng hay loại bỏ, đâu mới…