Đắm chìm trong những bức ảnh thể hiện tình yêu đại dương của nghệ sĩ Rachael Talibart

“Hydra” – nhiếp ảnh gia Rachael Talibart

Ở Việt Nam, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã dùng hình ảnh sóng biển và đại dương bao la để thể hiện những trăn trở và băn khoăn về tình yêu của mình trong bài thơ “Sóng”. Tương tự, tận nơi bờ biển miền nam nước Anh, nữ nghệ sĩ Rachael Talibart cũng say mê thể hiện tình yêu ấy, nhưng là ở một hình thức hoàn toàn khác.

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể.”

“Nyx” – nhiếp ảnh gia Rachael Talibart

Ngày 7/2/2016, cơn bão Imogen được thông tin sẽ tiến vào khắp bờ biển miền Nam nước Anh. Trong khi chính quyền địa phương không ngừng cảnh báo về sự nguy hiểm của sự kiện thiên nhiên bất thường, Rachael Talibart lại có phản ứng phần nào khác biệt. Cô chuẩn bị máy ảnh, bộ ống kính cùng các thiết bị điện tử để đến vùng biển Newhaven, phía đông Sussex và bắt đầu công việc của mình.

Chân dung nhiếp ảnh gia Rachael Talibart

Rachael Talibart đã tìm thấy nguồn cảm hứng mới như thế. Là một nhiếp ảnh gia, cô cảm thấy thích thú khi ghi lại khoảnh khắc đặc biệt của những con sóng vỗ trên bề mặt đại dương bao la. Bằng cách không ngừng quan sát, ghi chép và thử nghiệm cũng như thường xuyên trở lại các địa điểm quen thuộc, cô dần nắm rõ về các vị trí, góc độ và cả điều kiện tự nhiên phù hợp để có được bức ảnh mà mình mong muốn. Quá trình chụp ảnh thường bắt đầu từ trước khi mặt trời lên và kết thúc khi biển hoàn toàn lặn sóng hay trời tối hẳn. Việc dành cả ngày ở biển đối với cô là hết sức bình thường.

“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ.”

“Kraken” – nhiếp ảnh gia Rachael Talibart

Ít ai biết rằng trong suốt mùa đông dài dằng dặc, cô đã chờ đợi sự hòa hợp đặc biệt giữa điều kiện tự nhiên, thời tiết cũng biểu đồ ngọn sóng và gió. Một cách lặng lẽ, cô kiên nhẫn để được thấy hình ảnh cuộn trào dữ dội của những con sóng trong lòng biển khơi, hay một mặt biển gầm gừ không ngừng bởi muôn ngàn cơn gió lốc. Những khoảnh khắc đầy ấn tượng ấy được xem là khởi đầu của Sirens, một quyển sách ảnh ghi lại từng khoảnh khắc “dữ dội” và “dịu êm” của biển cả mênh mông.

“Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên?”

Ảnh bìa của quyển sách ảnh “Sirens” – nhiếp ảnh gia Rachael Talibart

Đối với Talibart, đại dương không đơn thuần là một nơi chốn, một thứ thuộc về tự nhiên, mà là niềm đam mê vô hạn mà cô muốn dành cả đời để nghiên cứu và tận hưởng. “Sinh ra và lớn lên ở nơi miền biển, đại dương đối với tôi là cả tuổi thơ và cả cuộc đời mình” cô bộc bạch một cách chân thành. “Tôi dành hàng giờ đi dạo trên boong tàu chỉ để đắm chìm trong dòng suy tưởng về những sinh vật huyền bí luôn ẩn mình đâu đó trong lòng biển khơi.”

“Persephone” – nhiếp ảnh gia Rachael Talibart

Không lạ gì khi cô có một tình yêu đặc biệt dành cho câu chuyện về những vị thần và sinh vật biển. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến sử thi nổi tiếng Odyssey của Homer. Chính bài thơ này đã tạo nên nguồn cảm hứng lớn lao khiến cô bắt tay vào thực hiện quyển sách ảnh Sirens.

“Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau.”

“Oceanus” – nhiếp ảnh gia Rachael Talibart

Siren vốn là tên gọi dành cho những sinh vật nửa người nửa chim có vẻ ngoài vô cùng xinh đẹp và quyến rũ trong thần thoại Hy Lạp. Tương truyền rằng, với giọng nói mê hoặc và âm nhạc du dương, chúng làm say đắm trái tim của nhiều thủy thủ và khiến tàu bị đắm hoặc trôi nổi vào một hòn đảo hoang vắng.

“Jormungandr” – nhiếp ảnh gia Rachael Talibart

Bên cạnh đó, nữ nhiếp ảnh gia cũng đặt những cái tên liên quan đến những sinh vật biển trong thần thoại cho những bức ảnh của mình. Hydra, một con rồng có bảy hoặc chín đầu, là tên của một bức ảnh về những cuộn sóng dữ dội cuộn trào trong cơn bão. Hoặc Kraken, một quái vật biển Na Uy, cho thấy sự tương đồng với mặt biển đầy bọt sóng sục sôi trắng xóa. Hay như Mishipeshu Roars, vốn là một con báo dưới nước trong thần thoại của người Mỹ bản địa, lại để diễn tả về những cột sóng dâng cao trong cơn bão, trông như bộ móng vuốt sắc nhọn đang chĩa thẳng lên bầu trời mây đen vần vũ.

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức.”

“Mishipeshu Roars” – nhiếp ảnh gia Rachael Talibart

“Tôi luôn thích diễn tả những sự kiện và sự vật bình thường trong đời sống theo cách khác đi, hoặc hàm chứa một thứ ý nghĩa khác thường, đến nỗi khiến người ta phải cảm thấy bất ngờ và kinh ngạc.” Bằng việc tinh chỉnh để tốc độ màn trập máy ảnh cực kỳ nhanh, nữ nhiếp ảnh gia có thể ghi lại những trạng thái hiếm thấy của những con sóng mà khi đó, nó dường như trở thành một sinh vật có linh hồn riêng biệt. Ban đầu, sinh vật ấy đánh lừa ta với vẻ ngoài lắng đọng và yên ả, nhưng khi thời điểm đến, chầm chậm, nó trút bỏ vẻ ngại ngần và e dè, cho thấy sự trần trụi, thẳng thừng và gai góc, mạnh mẽ và khát khao, hữu hình và vô hạn.

“Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh – một phương.”

“Ceto” – nhiếp ảnh gia Rachael Talibart

Ở một góc độ khác, những bức ảnh của Talibart cho thấy có mặt của những công trình được xây dựng bởi con người như một bức tường chắn sóng, một ngọn hải đăng cô quạnh giữa không gian rộng lớn, một chiếc phà chòng chành giữa biển khơi; chỉ để nhấn mạnh vào đặc tính dữ dội và không khoan nhượng của đại dương trong cơn bão. Tất cả những điều ấy, được ghi lại qua góc nhìn chân thực của Talibart, như muốn nhắc nhở ta về sự bất toàn và hữu hạn của đời sống con người.

“Goliath” – nhiếp ảnh gia Rachael Talibart

“Tôi luôn cảm thấy choáng ngợp trước nguồn năng lượng lớn lao đến từ đại dương. Cả sự vô hạn và không thể đoán định của nó. Vì vậy, qua thời gian, tôi rèn luyện bản thân để có thể nhìn vào máy ảnh bằng mắt trái và nhìn con sóng đang đến bằng mắt phải, chỉ để đảm bảo rằng mình có đủ tỉnh táo để hành động chính xác trong những thời khắc quyết định,” cô chia sẻ.

“Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vàn cách trở.”

“Charybdis” – nhiếp ảnh gia Rachael Talibart

Số lượng nhiếp ảnh gia tại bờ biển Newhaven vào những dịp có sóng lớn đã tăng lên kể từ khi quyển sách ảnh của Sirens của Talibart trở nên nổi tiếng. “Một vài người thậm chí đã luôn tự hào và khoe khoang về thái độ bất chấp nguy hiểm để lao đến bờ biển vào những ngày bão tố. Điều đó thực sự vô trách nhiệm,” cô thẳng thừng chia sẻ. “Trong quá trình làm việc, tôi đã luôn dùng ống kính với tiêu cự dài, ví dụ như 70-200mm để đảm bảo mình luôn thuộc vùng an toàn. Bằng cách tập luyện kỹ thuật và óc thẩm mỹ, chúng ta hoàn toàn có được những bức ảnh như mong muốn mà không phải lao mình vào nguy hiểm, hoặc tệ hơn, là khuyến khích người khác làm điều đó.”

“Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa.”

“Niobe” – nhiếp ảnh gia Rachael Talibart

Sự kiên nhẫn và nhiệt huyết của Talibart đã khiến quyển sách ảnh Sirens được đưa vào danh sách rút gọn của giải thưởng Sony World Photography Awards năm 2018. Niềm đam mê dành cho đại dương của nữ nhiếp ảnh gia tài năng, qua năm tháng, lại càng trở nên đậm sâu và gắn bó. “Trong suốt những cơn bão mà tôi đã trải qua trong quá trình thực hiện Sirens, đại dương đã cho thấy được nét đẹp kỳ vĩ đến tuyệt trần. Những khoảnh khắc hiếm hoi mà quý giá vô ngần ấy khiến tôi cảm thấy mình nhỏ nhoi và bất lực trước chúng. Nhưng cũng nhờ vậy, tôi đã rút ra được rất nhiều điều cho bản thân, và vô cùng vui mừng khi những bức ảnh của mình đã truyền cảm hứng đến một ai đó,” cô vui mừng cho biết.

“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Ðể ngàn năm còn vỗ.”

Bài viết: Gấu Trúc

Nguồn tham khảo: https://rachaeltalibart.com/

Cùng tác giả

#Tag

con sóng gấu trúc nghệ thuật nhiếp ảnh nhiếp ảnh du lịch nhiếp ảnh gia nhiếp ảnh tự nhiên sóng thiên nhiên vẻ đẹp nghệ thuật vẻ đẹp tự nhiên đại dương

iDesign Must-try

Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính (Phần 7)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính (Phần 7)
Phần 7: Vấn đề và đề xuất Cần phải thực hiện thêm một bước nữa. Mặc dù hai phương pháp tiếp cận toàn cảnh có mức độ thịnh hành mạnh…
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính (Phần 6)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính (Phần 6)
Triển lãm như một hộp công cụ chẩn đoán tích cực tìm kiếm các mối quan hệ, kết hợp và chia cắt giữa các thực tế khác nhau: giữa các…
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 5)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 5)
Những so sánh này đưa chúng ta đi qua và đến tận các góc cạnh hiện tại của câu trả lời có độ phủ rộng thứ hai về những gì…
Những tác phẩm sắp đặt hoành tráng của Henrique Oliveira khám phá bản chất kỳ lạ của kiến ​​trúc
Những tác phẩm sắp đặt hoành tráng của Henrique Oliveira khám phá bản chất kỳ lạ của kiến ​​trúc
Nổi lên từ sàn nhà, ô cửa hay đồ nội thất, các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của nghệ sĩ Henrique Oliveira là thông điệp đáng chú ý về…
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 4)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 4)
Nghệ thuật đương đại chính thức cộng hưởng với sự tự tin sống động và sự bế tắc dễ chịu đi kèm với nó, tự coi mình là phong cách…
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính (Phần 3)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính (Phần 3)
“Nghệ thuật không có lịch sử – chỉ có một hiện tại tiếp diễn… Cái hiện tại không ngừng của nghệ thuật! Velázquez, Goya, Manet đều nằm trong một dòng,…