Các bộ phim Hollywood đã chinh phục khán giả bằng màu sắc như thế nào? (Phần 2)
Có rất nhiều cách để tạo nên những yếu tố mang tính biểu tượng trong phim, và sử dụng nhiều dạng bảng màu khác nhau có lẽ là một trong những phương pháp hiệu quả nhất.
Ngay cả khi khán giả dường như không nhận thức được tính biểu tượng này, họ cũng có thể cảm nhận nó từ sâu trong tiềm thức. Chúng ta sẽ lướt qua một số ví dụ về sự kết nối giữa ý tưởng và bối cảnh với việc sử dụng bảng màu của các nhà làm phim.
1. Màu sắc bất thường
Việc sử dụng màu sắc bất thường trong phim khiến một nhân vật, chi tiết, hay khoảnh khắc quan trọng trở nên khác biệt so với phần còn lại của bộ phim. Một ví dụ cho việc này là màu xanh dương của Amélie và màu đỏ trong The Sixth Sense.
Sự bất thường được xem là một dụng ý của đạo diễn nhằm làm lệch hướng bảng màu mà bộ phim đã gieo vào tiềm thức người xem. Sự “bẻ lái” này tạo nên một bước ngoặt cả về cảm xúc lẫn thị giác, tạo hiệu quả bất ngờ, khó chịu và tạo nên “vấn đề” ở những khoảnh khắc cao trào của một bộ phim.
Ấn tượng này thường không được khán giả “chỉ mặt đặt tên” một cách rõ ràng, nhưng nó gây cảm giác mạnh nơi khán giả. Từ đó, một biểu tượng trong phim được hình thành.
2. Bảng màu liên kết
Những màu sắc liên kết trong phim gợi nhắc đến việc một màu chủ đạo chuyên dùng thể hiện cho bối cảnh hoặc nhân vật trong phim, từ đó tạo hiệu ứng hình ảnh kết nối với mạch cảm xúc của câu chuyện kể.
Ở một trong những bộ phim xuất sắc nhất của mình, The Dark Knight, đạo diễn Christopher Nolan đã cho thấy những bảng màu đặc thù với các nhân vật chính của mình. Đối lập với một Batman với gam màu đen và xám đậm là một gã hề Joker luôn khoác lên mình những phụ kiện tím và xanh lá. Xung đột giữa họ thể hiện rõ ràng qua sự đối lập về tông màu tối và sáng – tương đồng với những nỗ lực bảo vệ thành phố của Batman và đống hỗn độn vui đùa mà Joker cố tình gây nên.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến tác phẩm The Godfather của đạo diễn Francis Ford Coppola. Việc sử dụng tông màu cam gắn liền với những cái chết diễn ra bất ngờ và đột ngột trong phim – một yếu tố đặc trưng của những bộ phim với đề tài tội phạm và bạo lực. Các nhà làm phim mô tả bạo lực bằng sự trần trụi và có phần xấu xí. Trong thế giới đó, những mảng tối kết hợp với các sắc độ u ám và tông màu cam thêm phần nhấn mạnh về sự bạo lực, tù túng và kém an toàn.
3. Bảng màu chuyển tiếp
Bảng màu chuyển tiếp thường được sử dụng khi nhà làm phim dụng ý về sự thay đổi trong câu chuyện phim. Đây có thể là một bước chuyển đổi trong phần mood and tone, giữa các thể loại phim khác nhau hay chính ở bên trong hay ngoài các nhân vật.
Sự chuyển đổi của nhân vật biểu tượng Luke Skywalker có thể kể đến như là một ví dụ tiêu biểu cho bảng màu chuyển tiếp. Ở phần đầu câu chuyện, anh ta được khắc họa bằng tông màu tươi sáng như gắn liền với một anh chàng lớn lên tại một trang trại và đứng về phía chính diện của Thần lực. Nhưng một khi trải qua sự huấn luyện của Jedi, và biết được sự thật về nguồn gốc của mình, tông màu khắc họa Luke trở thành đen tối và huyền bí. Điều này thể hiện sự trưởng thành, cũng như hàm ý về sự kết nối nguy hiểm với phe phản diện của anh chàng.
Bộ phim hoạt hình Up cũng được sử dụng thủ thuật này để cho thấy sự thay đổi trong cấu trúc câu chuyện. Pixar đã khiến khán giả xúc động khi khắc họa một Carl, đầy tươi vui và màu sắc trong quãng thời gian hạnh phúc với người vợ Ellie; trở nên già nua, thiếu sức sống với những gam màu u ám khi chỉ còn lại một mình. Hiện thực buồn bã càng được nhấn mạnh bằng cách sử dụng hiệu ứng bóng đổ với bảng màu xám.
Những sự đổi thay của màu sắc trong một bộ phim có thể không thường được khán giả chú ý đến trong khi theo dõi bộ phim. Nhưng tiềm thức của họ nhận ra điều đó, và vì vậy, màu sắc trở thành một yếu tố quan trọng cấu thành nên phần hình ảnh, khiến khán giả “cảm nhận” chứ không đơn giản chỉ là “nhìn thấy”.
Tổng hợp và biên tập: Gau Truc.
Nguồn tham khảo: Studiobinder, Wiki, Canva.