Đạt Đỗ và bộ chữ Việt - ‘Mình lấy chất liệu như thế nào, thể hiện điều đó ra sao?’

“Tới hiện tại mình vẫn không nhận bản thân là nhà thiết kế con chữ, mình chỉ tự nhận là người truyền cảm hứng dựa trên các câu chuyện về văn hóa, đời sống!” – Đạt Đỗ trải lòng.

Đỗ Trọng Đạt – nhà thiết kế đồ hoạ làm việc tại Sài Gòn, anh được mọi người biết đến thông qua các dự án thiết kế nhận dạng thương hiệu, thiết kế chữ. Với nhiều năm kinh nghiệm thực tế, hiện anh đang là giám đốc nghệ thuật, người hướng dẫn, nhà thiết kế sáng tạo ở các công ty có tiếng như Bracom Agency, DAS – Design Anthropology School. Công việc của anh là định hướng thiết kế, giảng dạy cho các bạn trẻ đang theo đuổi lĩnh vực thiết kế đồ họa. Thời gian rảnh rỗi anh cũng hay tham gia hỗ trợ những workshop tại trường, xem triển lãm, học tiếng Anh hay tự làm những vlog chia sẻ về thiết kế sáng tạo trên mạng xã hội.

Kênh chia sẻ kiến thức đồ họa của anh Đạt Đỗ năm 2021.

Gần đây, Đạt Đỗ vừa hoàn thành thể nghiệm dự án 5 bộ chữ mang chất liệu Việt. Mỗi bộ chữ của anh truyền đạt nên một nội dung, cảm hứng nghệ thuật riêng biệt, mang đứa con tinh thần của mình đến với mọi người. 

1. Chạm ngõ ‘thiết kế chữ’ qua dự án triển lãm

YẾN là một trong những bộ chữ đầu tiên tạo động lực giúp anh theo đuổi con đường thiết kế con chữ (display typeface) điều mà chưa từng làm trước đó, anh đã tạo ra bộ chữ phục vụ cho triển lãm Vẽ Về Hát Bội năm 2018. Sự tình cờ này làm anh cảm thấy hứng thú đan xen với những áp lực hơn bao giờ hết. 

“Thực ra trước đây Đạt chỉ là nhà thiết kế nhận dạng thương hiệu, không nghĩ mình sẽ thích thiết kế chữ như hiện tại. Thì lúc mình nhận được mời tham gia dự án Vẽ Vời Hát Bội. Một ý tưởng nảy ra trong đầu mang tính thử thách cho bản thân, mình nghĩ tại sao không tạo ra một bộ chữ nghệ thuật dành cho dự án này.” – Đạt Đỗ chia sẻ

Sắc (/), huyền (\), hỏi (?), ngã (~) và nặng (.) xuất phát từ niềm cảm hứng chữ Quốc Ngữ ở Việt nam, những nét đặc biệt từ việc kết hợp giữa chữ Latinh với các thanh điệu. Bằng cách tạo ra một diện mạo mới cho bộ chữ này không mất đi nét “Việt”. Hình tròn (mặt trời) – hình vuông (mặt đất) tượng trưng cho bánh chưng, bánh giầy Việt Nam là hình tượng tạo nên bộ chữ…

Một vài hình ảnh trích từ bộ chữ YẾN.

2. Sự trẻ trung trong bộ ‘KÉN’ khai thác từ loài côn trùng

Sau bộ chữ YẾN, Đạt Đỗ tiếp tục cho ra bộ chữ mang tên KÉN. Bắt gặp từ những hình ảnh đời sống thường ngày, KÉN là một bộ chữ miêu tả về cái kén của con nhộng ngọ nguậy, nhún nhảy, búng mình trong chiếc vỏ bọc của nó, những hình dáng đó làm anh liên tưởng đến chữ u, o, i khi làm dự án. Dự án này làm anh không ‘suy nghĩ nhiều’, với anh nó vui nhộn, phá cách và trẻ trung hơn trong từng nét chữ.

Cái tên của KÉN cũng bắt đầu từ vần ‘EN’. “Thú thật đây cũng là sự sắp đặt mà ngẫu nhiên: KÉN có cái tên giống như cái kén của con nhộng, có vần điệu với YẾN trước đó.” – Đạt Đỗ hào hứng nói thêm. 

Một vài hình ảnh trích từ bộ chữ KÉN.

3. Nét văn hóa ‘không lẫn vào đâu’ ở bộ chữ ‘ĐỀN’

Khác hẳn với bộ YẾN, KÉN trước đó, ĐỀN được thổi hồn bởi những cái bệ/chậu lư hương, thắp hương, thậm chí là những hoa văn in trên cột tại những ngôi chùa. Anh muốn mang tính tôn giáo vào câu chuyện dành cho bộ chữ ĐỀN lần này. Từ những quan sát khá thú vị, lạ lẫm trong mắt, anh nghĩ mình có thể tạo ra một bộ chữ nhìn vuông vức, nghiêm túc thể hiện được tinh thần vốn có.  

Trong cuộc trò chuyện liên quan về việc: Bộ chữ ĐỀN có có những yếu tố biểu cảm như Hỷ, Nộ, ÁI, Ố được lồng ghép một cách rất riêng biệt, thế nhưng một số vấn đề làm người xem thắc mắc, liệu nó có giống với văn hóa Nhật hay không?

Đạt Đỗ trả lời: “Câu hỏi rất hay đáng để suy nghĩ và cũng rất khó để mà giải thích hết. Theo cá nhân anh, nền văn hóa châu Á nói chung, văn hóa Việt Nam – Nhật Bản nói riêng có những nét tương đồng, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Ví dụ chữ Nhật Bản thì mang nét tượng hình hay những ngôi chùa ở đó có tín ngưỡng tôn giáo có tính chất khác hơn. Cái mà anh nghĩ mình làm tốt nhất là cố gắng tìm ra cái đúng trong nét văn hóa của chúng ta, và sáng tạo một cách phù hợp. Đó là quá trình tổng hợp, tìm hiểu và đã nói chuyện với những người ở ngôi chùa đó để có thể hiểu rõ!”

Một vài hình ảnh trích từ bộ chữ ĐỀN.

Ở Việt Nam có rất nhiều nét văn hóa truyền thống nhưng chưa phát triển, bên cạnh việc tìm hiểu, Đạt Đỗ không ngừng cố gắng trau dồi những kiến thức về văn hóa, anh muốn làm nó đúng trước, rồi đẹp sau. Nói về việc anh có sợ khi bản thân bị chỉ trích khi làm lệch lạc văn hóa Việt hay không? Câu trả lời dõng dạc từ anh là không. Anh thấy có sai, nhận được góp ý từ cộng đồng chung thì mình mới có cái nhìn nhận đúng về văn hóa Việt Nam.

4. Hoa văn cửa sổ thể hiện ở bộ chữ ‘BÉN’

BÉN sinh ra từ những hoa văn chiếc cửa sổ tại những ngôi nhà thời xưa, đó cũng là kỷ niệm ô cửa anh từng ở với người bà. Với BÉN, anh có sự ‘tính toán’ nhiều hơn vì 3 bộ chữ trước nét nó khá dày, tương phản cao. Nên lần này anh muốn là nét mỏng, mỏng như đường kẻ. “Chữ của Bén lấy chất liệu từ những thanh sắt hàn gắn đan xen nhau. Kèm theo những bông hoa bằng sắt được hàn lên khung cửa, mình ứng dụng hoạ tiết đó để làm ra bộ chữ tạo điểm nhấn cho người xem.” – Anh nói về BÉN.

Tác phẩm BÉN được anh Đạt mở ra cuộc thử nghiệm bán thử trên các nền tảng nghệ thuật sáng tạo, đó là thị trường anh ứng dụng. Và sau lần đầu bán những tác phẩm trên nền tảng, anh nhận khá nhiều phản hồi tích cực cùng đơn mua từ các nhà thiết kế sáng tạo quốc tế. “Không ngờ những tác phẩm của mình được đón nhận đến vậy, chỉ nghĩ đây là những bộ chữ với góc nhìn kỳ lạ của mình, khó sử dụng.” – Đạt Đỗ ngạc nhiên. 

Một trong những tính ứng dụng khác ở BÉN là triển lãm Nảy mầm mùa 2. Nảy mầm là dự án của anh Nguyễn Trần Trung Tiến với mong muốn giúp mọi người nhận ra việc biết yêu thiên nhiên, cây cối, quan tâm đến môi trường nhiều hơn. Đạt Đỗ kể lại: Mình là nhà thiết kế nhận dạng thương hiệu vì vậy điều kiện tiên quyết khi thiết kế đó là phải tạo khác biệt và có tính nhận diện cao. Vì thế bộ chữ BÉN được ra đời, tạo một tính nhận dạng riêng cho triển lãm Nảy mầm.”

Một vài hình ảnh trích từ bộ chữ BÉN.

5. Mềm mại, uyển chuyển từng nét chữ trong ‘VÉN’

Bộ VÉN là đứa em út trong ‘ngôi nhà chữ’ của Đạt Đỗ. Đây là dự án cuối cùng của anh trong 5 bộ chữ, VÉN thật sự khác hoàn toàn với các anh, chị trước đó. Tinh thần được thể hiện vẫn là chất liệu văn hóa Việt thông qua hình tượng chiếc áo dài. Các thanh dấu trong tiếng Việt được anh mô tả thông qua nón lá, còn chữ VÉN thừa hưởng những nét mềm mại, uyển chuyển của một tà áo.

Bộ chữ này được ra đời trong khoảng thời gian có những vấn đề về chiếm dụng văn hóa. Đạt Đỗ muốn Vén gợi nhớ về hình ảnh tà áo dài, tôn vinh nét văn hóa Việt trong mắt người xem. “Anh có kỳ vọng rằng VÉN sẽ được các bạn sinh viên áp dụng cho các bài đồ án hoặc triển lãm nghệ thuật” – Đạt Đỗ chia sẻ thêm.

Một vài hình ảnh trích từ bộ chữ VÉN

Mỗi dự án của anh Đạt Đỗ là một câu chuyện rất đặc biệt. Song, anh luôn tìm ra tính ứng dụng cho từng bộ chữ. Đó là quá trình ‘tôi luyện’ trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Nhờ công việc đi dạy, định hướng thiết kế mà anh Đạt ngày càng làm ra các dự án chất lượng, sáng tạo, đóng góp một phần tôn vinh vẻ đẹp Việt.

Các bộ chữ được anh Đỗ Trọng Đạt chia sẻ miễn phí cho người Việt và thương mại dành cho người nước ngoài, bạn có thể tải bộ chữ tại đây. Bạn cũng có thể xem thêm dự án của tác giả Đạt Đỗ.

Ghi chú: Bài viết của mình được thực hiện trong khoảng thời gian năm 2022 với những trải nghiệm cá nhân cũng như chia sẻ từ nhân vật. Vì vậy đây là thông tin chỉ đúng trong thời điểm hiện tại, rất vui vì được chia sẻ bài viết này với quý độc giả của iDesign.

Thực hiện: Lê Quan Thuận

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh: Đỗ Trọng Đạt

Cùng tác giả

#Tag

cảm hứng chất liệu Việt chữ viết design display typeface Lê Quan Thuận LQT sáng tạo thiết kế chữ typeface typography văn hóa Đạt Đỗ đồ họa

iDesign Must-try

Đất 3 Miền: Tựa game pixel mô phỏng đặc trưng trong văn hóa Sài Gòn của Cam Hoa
Đất 3 Miền: Tựa game pixel mô phỏng đặc trưng trong văn hóa Sài Gòn của Cam Hoa
Quan tâm đến các chủ đề về văn hóa Việt Nam và dành sự yêu thích đặc biệt cho các phong cách liên quan đến sự hoài cổ như: Vaporwave,…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Đã bao giờ bạn tự hỏi? Là công dân của một nước, điều gì khiến bạn ghi nhớ nhất và tự hào nhất về quốc gia mình, về dân tộc…
Dự báo các xu hướng trong ngành thiết kế đồ họa năm 2024
Dự báo các xu hướng trong ngành thiết kế đồ họa năm 2024
Bài viết được thực hiện bởi Tom May, đăng tải trên Creative Boom, dịch bởi May Thế giới thiết kế đồ họa không ngừng phát triển với những xu hướng…
Phudu - bộ phông miễn phí lấy cảm hứng từ biển quảng cáo viết tay của người Việt xưa
Phudu - bộ phông miễn phí lấy cảm hứng từ biển quảng cáo viết tay của người Việt xưa
Phudu là một kiểu chữ không chân truyền thống, lấy cảm hứng từ các biển quảng cáo viết tay của người Việt ngày xưa, do Dương Trần (Graphic & Type…
Những tác phẩm chạm khắc trái cây siêu thực của Yuni Yoshida
Những tác phẩm chạm khắc trái cây siêu thực của Yuni Yoshida
Dưới bàn tay của Yuni Yoshida, các loại trái cây quen thuộc trở thành những tác phẩm nghệ thuật siêu thực và trừu tượng. Giám đốc nghệ thuật người Nhật…