“Isle of Dogs” và lý do khiến đây là bộ phim mang tính chính trị nhất của Wes Anderson
Tác phẩm gần đây nhất – “Isle of Dogs” không nghi ngờ gì chính là bộ phim mang tính chính trị nhất đến nay của Wes Anderson. Đây thật sự là một bước trưởng thành, đánh dấu cho sự nghiệp làm phim và kể chuyện của vị đạo diễn đặc biệt này.
Dù mang dáng vẻ của hài kịch, phim của ông đều chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa. Vị đạo diễn đáng kính này cố ý tập trung vào những bi kịch cá nhân, các chi tiết vụn vặt của cuộc sống hàng ngày và những điều dễ khiến người ta bị tự ái – từ đó dẫn đến hiệu ứng hài kịch vô cùng hay ho.
Lấy bối cảnh là thế giới phản địa đàng ở Nhật Bản trong 20 năm nữa, số lượng loài chó đạt mức đỉnh điểm ở thành phố hư cấu Megasaki trong khi dịch cúm chó đe dọa lây nhiễm đến loài người. Ngài thị trưởng độc tài Kobayashi tuyên bố đày ải toàn bộ bầy chó đến Đảo Rác. Còn cháu của ngài thị trưởng – Atari lại quyết tâm đi tìm người bạn thân nhất, cũng là cựu vệ sĩ riêng của mình là chú chó Spots. Cậu du hành đến Đảo Rác để tạo nên một chuyến phiêu lưu huyền thoại quyết định số phận của loài chó mãi mãi.
Từ những thông điệp vô cùng đúng thời điểm cho đến cách kể chuyện tinh tế, đây là những lý do vì sao bạn phải xem bộ phim này!
1. Vì chó
Sẽ không có chuyện nên tranh cãi xem Chó hay Mèo tốt hơn nhưng bạn hãy nhớ trong đầu rằng chỉ có một loài được giữ danh hiệu “bạn thân của loài người”. Hay như Bill Murray – một trong các diễn viên lồng tiếng cho những con chó trong phim đã hùng hồn nói: “Tôi nghĩ chó là loài vật nuôi đến từ thiên đường. Chúng ở đây để giải phóng con người bằng cách trông nhà.”
Dù bạn nghĩ gì với câu hỏi cũ rích vừa rồi thì có một điều không thể nghi ngờ rằng bộ phim hoạt hình này đã xây dựng thành công một tương lai phản địa đàng, mô tả được những sắc thái của cả người và chó một cách vô cùng thông minh và dí dỏm. “Isle of Dogs” như một cách để thể hiện lòng quý mến đối với người bạn thân của loài người. Và đây là cách Anderson giải thích lý do khiến ông phôi thai nên ý tưởng này:
“Chúng tôi muốn làm thứ gì đó thật tương lai. Chúng tôi muốn một bầy chó nơi mọi con chó đều là con đầu đàn. Chúng tôi muốn sống trên một hòn đảo rác. Bối cảnh Nhật Bản phải hoàn toàn mang cái chất của điện ảnh Nhật. Chúng tôi yêu Nhật bản và muốn làm điều gì đó thật sự mang nét cảm hứng từ phim Nhật, vì vậy chúng tôi đi đến quyết định trộn nét Nhật ấy vào một bộ phim toàn chó.”
Thêm vào đó, nhiều người đã phát hiện ra thông điệp bí mật nằm trong cái tên “Isle of Dogs”. Đó là “Isle of” được phát âm gần giống với “I love” và như vậy tên phim thật chất khi đọc lên sẽ là “I love Dogs”.
2. Vì sự tôn kính của đạo diễn dành cho nền điện ảnh Nhật
Như cái cách mà “Kill Bill” trở thành một tuyệt tác của đạo diễn Tarantino, cách mà “Lost In Translation” trở thành điểm nhấn trong sự nghiệp của đạo diễn Sofia Coppola, có gì đó khiến các đạo diễn người Mỹ rất trân quý nền điện ảnh Nhật Bản bằng cách tạo ra các tác phẩm cá nhân để cao tình yêu sâu đậm của họ đối với Nhật Bản. Điều này giúp đẩy họ đến giới hạn và ghi dấu vào lịch sử điện ảnh nói chung và cá nhân nói riêng.
Anderson đã bộc lộ tình cảm của ông bằng cách tạo “Isle of Dogs” đầy chất Nhật, đặc biệt nhất là mang đậm dấu ấn của bậc thầy làm phim Akira Kurosawa.
“Bộ phim nhắc nhiều đến nhiều nhà làm phim Nhật Bản và văn hóa Nhật, nhưng Kurosawa chính là người ảnh hưởng nhiều nhất đến phim.” – Anderson giải thích.
Phim cũng có tham khảo phong cách làm phim của đạo diễn Hayao Miyazaki từ Studio Ghibli và truyền thống làm phim phiêu lưu huyền ảo của ông, cũng như các tham khảo nghệ thuật đối với những bản in khắc gỗ Nhật ở thế kỉ 19 của nghệ sĩ Hiroshige và Hokusai.
Erica Dorn – Nhà thiết kế đồ họa của phim giải thích:
“Thế giới trong ‘Isle of Dogs’ là một kiểu hiện thực thay thế. Nhìn nó giống và có cảm giác như Nhật, nhưng là một phiên bản mang chút huyền ảo và chút ‘Anderson’.”
3. Vì đây là bộ phim có bối cảnh chính trị nhưng lại vô cùng dí dỏm
Có rất nhiều vấn đề được đề cập đến trong “Isle of Dogs”. Phụ thuộc vào việc bạn muốn hiểu sâu đến bao nhiêu, bộ phim sẽ mở ra bấy nhiêu hướng để bạn tìm. Ở bề mặt của vấn đề, nghệ sĩ storyboard Jay Clarke tóm tắt rằng:
“Không cần biết phần hình ảnh đang mô tả điều gì, trọng tâm là câu chuyện phiêu lưu của cậu bé và chú chó.” Đây chính là hình thái chân thật nhất của tình yêu và lòng trung thành, cũng chính là thông điệp chính của bộ phim.
Nhưng trên cả thông điệp đó, bộ phim cũng là câu chuyện về những kẻ yếm thế trong xã hội khi được ví với những chú chó và cách chính phủ tạo nên các tin tức tuyên truyền thất thiệt để cách ly các nhóm yếm thế này khỏi xã hội, dẫn đến nạn phân biệt và bóc lột. Ngoài việc gợi nhớ đến các vấn đề như việc tổng thống Trump cùng các nhà tư bản bác bỏ việc nóng lên toàn cầu thì bộ phim còn gợi nhớ đến cuộc diệt chủng Holocaust kinh hoàng, việc trục xuất người Do Thái trong quá khứ, vấn đề nhập cư cũng như các mâu thuẫn trong chế độ độc tài và dân chủ.
Trên hết, Anderson giải thích tại họp báo phim rằng:
“Chúng tôi biết rằng có những thứ liên quan đến chính trị xảy ra trong phim. Chính trị là điểm khơi mào nên cốt truyện và là biến cố xảy ra xuyên suốt phim, nhưng đó là sự tưởng tượng của chúng tôi về chính trị nơi thành phố hư cấu Megasaki. Vì chúng tôi đã làm việc với bộ phim trong một khoảng thời gian dài, thế giới trong phim bắt đầu thay đổi dần và chúng tôi thấy nó rất phù hợp với giai đoạn hiện tại, nên có thể sẽ có những đoạn nhỏ trong phim được lấy cảm hứng từ đời thực.”
4. Vì bộ phim đẩy cách làm phim đi đến tận cùng của sáng tạo
Chi tiết chịu khó nhất của phim chính là công đoạn quay stop-motion. Nếu các bộ phim stop-motion khác đều cố để chuyển động và hiệu ứng chân thật nhất thì một trong những điều Wes Anderson muốn chính là ai nhìn vào cũng phải nhận ra “Isle of Dogs” là phim stop-motion. Nghĩa là lửa sẽ được làm từ giấy, mây là bông và khói được ghép từ nhiều miếng ni lông sắp đặt. Tình yêu của Wes Anderson đối với các set thiết kế thật tại hiện trường một lần nữa được đẩy đến giới hạn tận cùng, từng yếu tố đều được tạo dựng 3D thay cho hậu kỳ làm bằng CGI. Mà với một bộ phim kịch tính như “Isle of Dogs”, khó có thể tối giản các chi tiết hiệu ứng thế nên người xem không khỏi há hốc với cách Anderson hình tượng hóa mọi thứ.
Một phần của phim được vẽ 2D bằng tay (chủ yếu là những đoạn màn hình ti vi) thay cho stop-motion. Bên cạnh việc cho phép các nhà làm phim tự do hơn trong việc thể hiện, hình ảnh vẽ tay được lấy cảm hứng từ cách vẽ anime của Nhật đã thêm thắt một cách kể chuyện và kết cấu hình ảnh vô cùng xuất sắc cho phim.
Cách tiếp cận ngôn ngữ vô cùng bất tiện cũng là một điểm sáng tạo kỳ cục và độc đáo của Wes Anderson. Mở đầu phim khán giả đã được cảnh báo rằng khi các nhân vật người Nhật vẫn nói tiếng Nhật thì tiếng sủa của các chú chó sẽ được dịch thành tiếng Anh. Và thay vì để phụ đề cho các nhân vật nói tiếng Nhật, “Isle of Dog” dùng một nhân vật là thông dịch viên cho các cảnh phát tin tức trên truyền hình. Ngoài những phân đoạn có thông dịch viên, người xem hoàn toàn lạc lõng với tiếng Nhật như cái cách bầy chó không hiểu tiếng người và thật sự trở thành một nhân vật trong phim.
5. Vì Wes Anderson đang ở thời kỳ đỉnh cao
Người ta thường nói rằng phong cách phim của Wes Anderson rất dễ nhận thấy. Nhưng chính vì lẽ đó mà ông phải không ngừng sáng tạo để thoát khỏi chính mình. Đến nay, “Isle of Dogs” chính là bộ phim khó nhằn nhất và cũng là tốt nhất của ông. Thế nên chẳng có lý do gì để bỏ qua bộ phim đỉnh cao này của Wes Anderson đúng không?
Nguồn: highsnobiety
Ban biên tập iDesign