Những bật mí đằng sau các khung hình đầy duy mĩ trong ‘Thiếu Niên Và Chim Diệc’
“Thiếu Niên Và Chim Diệc” là kết quả 7 năm lao động miệt mài, tỉ mẩn của 60 họa sĩ hoạt hình, với tốc độ hoàn thành trung bình chỉ 1 phút mỗi tháng để tạo nên từng khung hình đầy tinh tế, khiến tác phẩm trở thành một trong những bộ phim Nhật Bản đắt nhất từng được thực hiện.
Ngày 15.12 vừa qua, cộng đồng hâm mộ Ghibli Việt Nam đã tỏ ra vô cùng phấn khởi khi được tận mắt chiêm ngưỡng những thước phim đẹp như mơ trong “Thiếu Niên Và Chim Diệc” (tựa tiếng Anh: The boy and the Heron), một sản phẩm của “bố già” Hayao Miyazaki, đánh dấu lần đầu tiên một phim Ghibli được phát hành thương mại rộng rãi tại các rạp Việt Nam.
Với sự trở lại lần này, một lần nữa, Miyazaki tiếp tục dẫn dắt người xem khám phá những thế giới kỳ diệu khó đoán do ông tạo ra. Và dù mang đến cho khán giả một câu chuyện hoàn toàn mới, nhưng trong suốt trải nghiệm xem phim, fan hâm mộ chân chính của Ghibli và Miyazaki đã nhiều lần hoài tưởng lại các tác phẩm đình đám trước đó như “Vùng Đất Linh Hồn”, “Lâu Đài Bay Của Howl”, “Mộ Đom Đóm”, v.v …. qua tính mỹ thuật, các nét vẽ và bối cảnh quen thuộc.
Có chăng, “Thiếu Niên Và Chim Diệc” là một sự tri ân sâu sắc cho các tác phẩm cũ trong sự nghiệp của Miyazaki Hayao tại studio danh tiếng này?!
Bộ phim xoay quanh câu chuyện bi thảm đầy ám ảnh nhưng đẹp đẽ đến nghẹt thở về Mahito, một cậu bé 12 tuổi đang đấu tranh để phải đối mặt với cái chết của mẹ mình.
Giám đốc điều hành Ghibli – Junichi Nishioka nói rằng đó là một câu chuyện cá nhân của Miyazaki. ‘“The Wind Rises’ được lấy cảm hứng từ những ngày đầu ông làm họa sĩ hoạt hình. Nhưng với ‘The Boy and the Heron’ (tựa tiếng Việt: Thiếu Niên và Chim Diệc), Miyazaki muốn quay trở lại thời thơ ấu của mình xa hơn nữa.”
Quả thực, trong cảnh mở đầu phim – Mahito chạy tới bệnh viện của mẹ mình sau cuộc không kích của Mỹ vào Tokyo – chi tiết này được lấy cảm hứng từ trải nghiệm trưởng thành của Miyazaki trong Thế chiến thứ hai. Trong đó, ngọn lửa là ẩn dụ của nhiều ý niệm mà Miyazaki muốn thể hiện: một ngọn lửa biểu cảm của sự điên cuồng, nỗi sợ hãi và hoảng loạn, giống như một cơn ác mộng hiện lên trong cuộc sống.
Honda, người phụ trách hoạt ảnh cho cảnh quay, cho biết: “Miyazaki muốn tạo ra một bức tranh nghiêm túc và u ám hơn. Có rất nhiều yếu tố trong đó: lửa, khói, những người ở hậu cảnh. Chúng tôi muốn nó có vẻ ngoài như celluloid, và một kết thúc sakuga” (Trong đó, “celluloid” chỉ một loại nhựa tổng hợp để làm các cuộn phim và “sakuga” là thuật ngữ anime để chỉ một cảnh có chất lượng cao hơn đáng kể so với những cảnh khác). “Việc này rất tốn công sức, thời gian và chi phí!”, anh nói thêm.
“Thiếu Niên Và Chim Diệc” là kết quả 7 năm lao động miệt mài, tỉ mẩn của 60 họa sĩ hoạt hình, với tốc độ hoàn thành trung bình chỉ 1 phút mỗi tháng để tạo nên từng khung hình đầy tinh tế, khiến tác phẩm trở thành một trong những bộ phim Nhật Bản đắt nhất từng được thực hiện.
Những con số đáng kinh ngạc này đến từ quyết định táo bạo không tìm kiếm nguồn tài trợ bên ngoài, nghĩa là Miyazaki không phải tuân theo thời hạn nào cả. “Vì vậy, thực tế là bạn đang xem một bộ phim độc lập” Nishioka nói. “Chúng tôi không phải hoàn thành bộ phim vào một ngày nào cụ thể, vì chúng tôi không có bất kỳ cam kết phát hành nào. Đó thực sự là ý tưởng của Suzuki. Anh ấy muốn xem Miyazaki có thể tạo ra loại phim nào mà không bị hạn chế về thời gian.”
Trước khi ra mắt tại Nhật Bản, “Thiếu Niên Và Chim Diệc” đã gây xôn xao với công chúng khi không hé lộ bất cứ một trailer hay tài liệu quảng bá nào, ngoại trừ poster vẽ tay hình chú chim diệc. Cho đến khi khán giả Nhật Bản ngồi trên ghế rạp chiếu phim và ánh đèn mờ dần, họ vẫn không biết mình sắp xem gì. Tuy nhiên, điều này không hề làm giảm cơn sốt của bộ phim khi nó liên tục duy trì vị trí đứng đầu phòng vé.
Bộ phim hiện đang được công chiếu rộng rãi tại các cụm rạp trên toàn quốc. Ngoài những thông điệp ý nghĩa về nhân sinh quan mà bộ phim mang lại, hãy đến và đắm chìm vào từng chuyển động tinh tế trong các khung hình duy mỹ mà “bố già” Hayao Miyazaki gửi gắm nhé!
Tổng hợp và biên tập: May
Nguồn tham khảo
- 1. bbc - https://www.bbc.com/culture/article/20231208-the-boy-and-the-heron-inside-the-dark-heart-of-studio-ghibils-latest-animated-masterpiece
- 2. Báo Mới - https://baomoi.com/phim-ghibli-lan-dau-tien-duoc-chieu-thuong-mai-tai-viet-nam-c47813135.epi
- 3. Báo Mới - https://baomoi/thieu-nien-va-chim-diec-tac-pham-moi-nhat-cua-ghibli-se-ra-rap-viet-uAMVgsrYprCk.html