‘Từ từ’, dự án thiết kế trang mạng về Tiếng Việt của Vi Trương: ‘Mình chỉ mới biết từ a đến ă’
Mặc dù là freelance designer (nhà thiết kế tự do), nhưng Vi Trương từ lâu đã dành tình cảm đặc biệt cho ngôn ngữ dân tộc. Và rồi, một chút cơ duyên cộng với vốn kiến thức tích lũy về ngôn ngữ từ lâu, Vi quyết định lựa chọn đề tài thiết kế web/app tra từ điển làm đồ án tốt nghiệp của mình. Dự án “Từ từ” cứ thế được hoàn thành trong ròng rã 4 tháng.
“Từ từ” là trang mạng tra cứu từ ngữ và cung cấp kiến thức tiếng Việt trực tuyến. Dự án này phôi nén từ mong cầu gìn giữ và phát huy sự giàu đẹp tiếng Việt, cũng như niềm yêu thích của Vi đối với ngôn ngữ dân tộc.
Tại sao bạn chọn chủ đề này cho đồ án tốt nghiệp của mình? Nguồn cảm hứng nào đã tạo ra “Từ từ”?
Với mình, tiếng Việt thân yêu vẫn luôn giàu đẹp và cần được giữ gìn. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế thì với sự giao lưu giữa các ngôn ngữ, các nền văn hóa khác nhau, việc bảo tồn và phát triển tiếng nói dân tộc vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó, mình vốn có hứng thú tìm hiểu về các vấn đề trong tiếng Việt như: nguồn gốc của từ, từ địa phương, cách dùng từ, chơi chữ,… Dù không nghiên cứu chuyên sâu. Và rồi, mình quyết định thách thức bản thân: Làm thế nào xây dựng một nền tảng vừa đảm bảo nội dung, vừa thỏa mãn hình thức, quan trọng là công năng sử dụng và tính khả thi của sản phẩm.
Trước khi chốt đơn được đề tài “Từ từ”, mình đã phải trải qua 3 vòng duyệt đề tài cùng giáo viên hướng dẫn, mãi mà chưa ưng được cái nào. Cô hay bảo tụi mình không cần tìm các đề tài quá vĩ mô, hãy nhìn vào các vấn đề gần gũi trong cuộc sống để tìm cảm hứng. Mình bắt đầu quan sát cuộc sống của mình, nhận ra trong giao tiếp nói/viết hằng ngày, bạn bè xung quanh gặp rất nhiều vấn đề về tiếng Việt như bí từ khi nói, không hiểu nghĩa từ, sai chính tả, diễn đạt không rõ ý,… Bên cạnh đó trên Facebook, mình theo dõi các trang về tiếng Việt và nhận thấy có tương tác tốt, mọi người rất hứng thú. Từ đó mình mới suy nghĩ: nếu các bạn trẻ được tiếp cận nhiều hơn với kiến thức tiếng Việt hoặc có một nền tảng tập trung nội dung về tiếng Việt thì không nhiều cũng ít sẽ giúp mọi người nâng cao nhận thức về ngôn ngữ mẹ đẻ.
Vì sao bạn lại chọn phong cách thị giác này? Đây có phải phong cách yêu thích của bạn?
Mình chọn phong cách modern vintage (cũ nhưng vẫn giữ nét hiện đại) và minimal (tối giản) vì 2 lý do:
- Đây là một đề tài có khối lượng chữ lớn, nên việc lựa chọn phong cách tối giản là một giải pháp cần thiết nhằm tránh gây rối mắt và khó hiểu cho người dùng.
- Với đối tượng sử dụng chính là giới trẻ, phong cách thiết kế của đề tài cần có sự hiện đại để tạo gần gũi, thu hút. Bên cạnh đó, kết hợp với một chút hơi hướng hoài niệm theo xu hướng hiện nay cũng để thể hiện tinh thần của đề tài: từ từ tìm lại những giá trị và ý nghĩa vốn có của tiếng Việt.
Đây cũng là phong cách mình thường ứng dụng trong thiết kế lẫn cuộc sống.
Điều thú vị của quá trình tìm hiểu là phần khảo sát, kết quả gần 100% người được khảo sát có quan tâm đến các vấn đề của tiếng Việt, bằng một cách nào đó nó khiến mình cảm thấy vui và thêm hào hứng.
Ngôn ngữ là một thứ phức tạp, vậy có gì phức tạp trong quá trình xây dựng hệ thống trải nghiệm của “Từ từ” không?
Nếu ví kiến thức tiếng Việt như bảng chữ cái thì hiểu biết của mình chắc chỉ được từ a đến ă thôi.
Vi Trương
Điều phức tạp nhất trong quá trình thực hiện là phân chia các mục của trang web sao cho hợp lý, đơn giản, dễ hiểu, vì ngôn ngữ có quá nhiều khía cạnh và vấn đề. Lúc đó đầu mình cứ như mớ bòng bong, thấy bất lực không biết làm sao luôn, vì chia kiểu gì vẫn thấy không ổn, hoặc quá nhiều, quá ít, lúc lại quá phức tạp, khi lại quá bình thường. Nhưng mà từ nghiên cứu những nền tảng đã có trước, nghe hướng dẫn của giáo viên và góp ý của bạn bè thì mọi thứ dần đỡ rối hơn.
Mình may mắn nhận được rất nhiều góp ý và động viên từ người xung quanh. Bên cạnh đó, một số thiết kế thành phần trên 3 trang con được 3 người bạn hỗ trợ. Lúc đó chỉ còn khoảng 7 ngày nữa là nộp bài, mình cũng như laptop sắp nổ tung luôn huhu. Còn lại mình ‘bao show’ gần hết, vì thật ra lúc đó những người bạn của mình cũng đang phải làm đồ án tốt nghiệp.
Kỉ niệm đáng nhớ nhất chắc có lẽ là đêm trước khi bảo vệ mình thức render clip, ngủ được 2 tiếng, sáng hôm sau vật vờ như một bóng ma luôn :(((
Mặc dù đề tài thuộc về thiết kế web/app nhưng phần tâm đắc nhất lại là bé mascot Rùa Tutu. Vì bài mình đã nặng phần chữ rồi nên mình muốn tạo ra một linh vật dễ thương một chút để lồng ghép vào, vừa thân thiện với người dùng, vừa tăng phần sinh động.
Bạn có ý định phát triển nào dành cho đồ án “Từ từ” không? Bạn nhận thấy có những tiềm năng gì từ đồ án?
Từ lúc kết thúc tốt nghiệp kết giờ thì “Từ từ” chỉ là một dự án cá nhân trong quá trình học tập, và được đăng lên Behance thôi. Mình cũng có nghĩ trong đầu về việc xây dựng và phát triển “Từ từ”, có thể ban đầu là ở những nền tảng mạng xã hội để chia sẻ kiến thức về tiếng Việt cho người trẻ thôi. Nhưng dù là trên mạng xã hội hay hiện thực hóa website “Từ từ” thì mình đều cần thêm người đồng hành, mà hiện tại mình chưa tìm được ai hết huhu.
Tiềm năng của nó nằm ở việc là một nền tảng cung cấp những kiến thức vốn gần gũi nhưng lại mới lạ, nội dung hấp dẫn, giao diện bắt mắt, có nhiều hoạt động tương tác thú vị cho người dùng.
Nếu bạn cảm thấy hứng thú và muốn tìm hiểu chi tiết về đồ án, liên hệ và kết nối với Vi qua:
Thực hiện: May
Thiết kế: Uyên Nguyễn
Hình ảnh do nhân vật cung cấp
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. [Student Project] The Girl Lost in The Dream: Giấc mơ dũng cảm của một đứa trẻ
- 2. Tái hiện Nhật Bản phá cách qua Xplore Newsletter
- 3. WAY channel - Truyền hình cho giới trẻ pha trộn văn hoá tuồng
- 4. Dạo quanh một vòng triển lãm tốt nghiệp tại Đại học Văn Lang
- 5. Có gì ở triển lãm tốt nghiệp tại đại học Mĩ Thuật (TP.HCM)?
- 6. Đồ án tốt nghiệp về hộp mì gói dành giải thưởng thiết kế
- 7. “Nhà Cổ” - Tình câm, tình thầm khi nào thì nói?
- 8. Bộ nhận diện “Tiếp sức mùa thi” của trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh
- 9. Ghé thăm triển lãm đồ án tốt nghiệp GRADSHOW 2018 của trường đại học Tôn Đức Thắng
- 10. Ghé thăm triển lãm tốt nghiệp của trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh