Minh họa ‘Vũ Trụ Cò Bay’ của Phương Mỹ Chi: Cái khó ở chỗ điều tiết sự tham lam khi khai thác chất liệu 

Ngày 18/09 vừa qua, ca sĩ Phương Mỹ Chi chính thức công bố album mới mang tên “Vũ Trụ Cò Bay”, đánh dấu chặng đường 10 năm ca hát của mình, đồng thời mở ra một vũ trụ âm nhạc mới, khi kế thừa những âm sắc thuộc dòng nhạc dân ca khắp mọi miền Việt Nam và bolero, kết hợp với giai điệu, câu từ và hòa âm phối khí mang hơi hướng hiện đại.

“Vũ Trụ Cò Bay” là chuỗi gồm 10 bài hát với câu chuyện được lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ Văn từ lớp 1 đến lớp 12. Dưới góc nhìn của một GenZ, album sẽ như một cuốn sách giáo khoa nghiên cứu về các vùng đất của thế giới “Vũ Trụ Cò Bay”. Trong đó, mỗi tác phẩm gắn liền với một biểu tượng đặc trưng. 

Đảm đương phần “nhìn” cho “Vũ Trụ Cò Bay”, mà cụ thể là hình ảnh minh họa, Nguyễn Hoàng Đình Điệp đã khéo léo khai thác và đan cài nhiều chất liệu văn hóa dân gian Việt Nam vào trong các minh họa. Không phải là mảnh đất hình chữ S quen thuộc, bản đồ “Cò Bay” do Đình Điệp thực hiện vẫn khiến khán giả Việt cảm thấy thân thuộc khi mỗi vùng đất gắn liền với từng ca khúc trong album đều đặc sệt chất Việt, hồn Việt, bảo chứng bằng những danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc, phương tiện lao động, sinh hoạt, giải trí… vô cùng gần gũi với nhiều thế hệ người Việt Nam.

Cùng chúng mình trò chuyện với Điệp để hiểu hơn về ý tứ của các nhân tố được Điệp sử dụng trong dự án này nhé!

Các trang thông tin và liên hệ

Facebook | Behance

Chào Điệp! Dự án “Vũ Trụ Cò Bay” đã tìm đến bạn như thế nào?

Sau khi hợp tác qua dự án âm nhạc đầu tiên – “Vũ Trụ Có Anh”, Ben Phạm đã liên hệ với mình để làm dự án tiếp theo. Vì rất quý Ben Phạm cũng như Phương Mỹ Chi nên mình đã nhận lời tham gia dự án này.

Bạn có thể giới thiệu một chút về tinh thần của album khi nhận brief từ phía ca sĩ Phương Mỹ Chi? Phương Mỹ Chi mong muốn phần “nhìn” của “Vũ Trụ Cò Bay” trông ra sao?

Mình làm việc chủ yếu với Ben Phạm về tinh thần chung của dự án. Phía Phương Mỹ Chi và Ben Phạm chỉ đưa ra yêu cầu tạo nên một bản đồ Vũ trụ cò bay mang hơi thở của Việt Nam nhưng vẫn phải trẻ trung, năng động, phù hợp với độ tuổi của Phương Mỹ Chi, không bị quá già hay buồn.

Bạn có được nghe trước 9 ca khúc trước khi bắt tay vào thực hiện dự án không? Sau khi nghe qua album, trong trí tưởng tượng của Điệp, “Vũ Trụ Cò Bay” sẽ thế nào?

Mình đã được dịp nghe qua demo các ca khúc trong album trước khi bắt tay vào thực hiện tấm bản đồ “Cò Bay”. Cảm nhận đầu tiên sau khi nghe có lẽ là hình ảnh về một thế giới thơ mộng và thân thuộc.

Thơ mộng ở lời bài hát và thân thuộc ở giai điệu, nhạc cụ dân gian của Việt Nam.

Bạn có thể chia sẻ một chút về quá trình research lên ý tưởng cho phần Illustration (hình ảnh minh họa) của “Vũ Trụ Cò Bay”? Bạn đã bắt đầu từ đâu?

Bắt đầu từ yêu cầu chính, mình đã triển khai nhiều dáng cò bay rồi chọn ra một dáng phù hợp với yêu cầu, từ đó lên sketch (phác họa) chi tiết cho mảnh đất hình Con Cò.

Trong quá trình sketch, mình có tham khảo qua tài liệu vốn cổ của Việt Nam và ứng dụng vào trong phần minh họa. Ngoài ra, mình cũng nghe được một vài âm thanh của nhạc cụ truyền thống nên đã hỏi ekip làm nhạc của Phương Mỹ Chi các loại nhạc cụ dân tộc chính được sử dụng để cho vào phần minh họa, nhằm đảm bảo phần nhìn được nhất quán với album nhạc.

Dưới dáng dấp của một con cò, bản đồ “Vũ Trụ Cò Bay” hiện lên với địa hình đặc trưng của Việt Nam như hình ảnh núi non, ruộng bậc thang, Vịnh Hạ Long,… Điệp có gặp khó khăn nào trong quá trình triển khai bản đồ này không? Và bạn đã xử lý như thế nào?

Khó khăn ở đây là Việt Nam có quá nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, mình thì tham lam muốn bỏ vào hết trong bản đồ, nhưng không thể vì sẽ làm rối về mặt thị giác, nên đã giản lược lại nhưng vẫn phải đảm bảo tổng thể vẫn tạo ra được hình ảnh “Con Cò”.

Khó khăn thứ hai là việc đặt để các biểu tượng (tượng trưng cho 9 bài hát) ở những nơi phù hợp với vị trí địa lý trong nội dung của bài hát, như bài Bóng Phù Hoa (trong tác phẩm: Người con gái Nam Xương) là chiếc đèn dầu ở vùng nước thẳm … hay bài Chiếc Thuyền Ngoài Sa (trong tác phẩm: Chiếc thuyền ngoài xa) là một chiếc thuyền nằm trên “cát” ,…Việc đặt để từng biểu tượng thành một bố cục hợp lý cũng là một bài toán khó.

Lúc này, điều mình cần làm là kiểm tra lại nội dung bài hát với ekip của ca sĩ, nghiên cứu thêm về nội dung các tác phẩm mà nhạc sĩ lấy cảm hứng [vì mình cũng không giỏi văn lắm (cười)] rồi sketch bố cục cho thật hợp lý.

“Vũ Trụ Cò Bay” là góc nhìn của một người trẻ suy ngẫm về các tác phẩm văn học trong sách giáo khoa trung học phổ thông. Trong đó, mỗi tác phẩm gắn liền với một biểu tượng đặc trưng. Tuy nhiên, cũng có một vài biểu tượng ẩn dụ mới (chưa từng xuất hiện trước đó) như Chiếc đèn dầu trong Bóng Phù Hoa hay Hoa lê trong Người Con Gái Nằm Nghe Biển Hát. Bạn có thể giải thích về các hình tượng này?

Thật ra các hình tượng này là từ phía ekip của Phương Mỹ Chi yêu cầu, nhưng trong quá trình vẽ, mình cũng nghiên cứu lại nội dung chính của các tác phẩm văn học để hiểu rõ hơn.

Như về hình tượng Chiếc đèn dầu là ẩn ý cho câu chuyện cái bóng của nàng Vũ Nương in trên vách tường qua ánh đèn dầu chính là chi tiết tạo nên thắt nút và mâu thuẫn.

Hay hình ảnh Hoa lê lấy cảm hứng từ hình tượng chị Võ Thị Sáu: Khi bị áp giải từ nhà ngục đến trường bắn, chị Sáu đã dừng lại bên một cây lêkima đang ra hoa, đưa tay ngắt một nhành hoa tươi và cài lên mái tóc.

Điệp có thể chia sẻ thêm về bảng màu mà bạn sử dụng trong “Vũ Trụ Cò Bay”? Chúng đại diện cho những đặc trưng nào của Việt Nam?

Mình sử dụng tone xanh lá cho tấm bản đồ vì đây là màu hợp mệnh của Phương Mỹ Chi  – mệnh Mộc.

Tone xanh lá kết hợp với màu hồng (dựa theo tone màu của một đầm sen) cũng là một cảm hứng khác mang tinh thần Việt.

Ngoài ra, mình cũng kết hợp thêm màu tím than cũng như các màu mang hơi hướng trầm lại, tạo cảm giác đượm buồn và hoài cổ, vì album ngoài những bài tươi sáng, thì vẫn còn những bài hát mang hơi hướng cổ phong, mộng mị.

Mất bao lâu để bạn hoàn thiện phần Illustration của mình?

Mình mất hơn một tháng để vừa nghiên cứu và hoàn thành phần minh họa này.

Cảm nhận của bạn sau khi thực hiện dự án này?

Mình cảm thấy đây là một dự án mà cả một ekip đều rất trau chuốt, đầu tư tâm huyết để cùng nhau tạo nên một sản phẩm hoàn thiện phần nghe lẫn cả phần nhìn.

Cùng iDesign và Đình Điệp dành vài phút thư giãn với những giai điệu du dương trong “Vũ Trụ Cò bay” của Phương Mỹ Chi ngay bên dưới nhé?! (Nhấp vào Xem trên Youtube bên góc trái để nghe tất cả các bài hát trong album)

Thực hiện: May

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh do nhân vật cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

Album âm nhạc idesign signature illustration may Nguyễn Hoàng Đình Điệp Phương Mỹ Chi Vũ Trụ Cò Bay

iDesign Must-try

Chú mèo trong ‘khu vườn chữa lành’ của zzoya
Chú mèo trong ‘khu vườn chữa lành’ của zzoya
Bắt đầu với suy nghĩ vẽ ra những điều mình thích, zzoya đã dần lan tỏa một nguồn năng lượng đáng yêu đến những khán giả của mình. Có thể…
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…