Lả Bay La - Vietnam of an old acquaintance: ngắm nhìn phiên bản Việt Nam rất riêng của Thong Dinh
Cái tên “Lả Bay La” bắt nguồn từ tiếng ru ngủ của Mẹ – ý chỉ về những điều rất nhỏ nhưng giá trị tinh thần vô cùng lớn. Và…tiếng rao đó, mình nghĩ nó mới là Việt Nam, rất đầu tiên của mỗi người Việt. Nhắc về tiếng rao, như nhắc về một người quen mà ai cũng nhớ tên – nhưng với mỗi người, lại có một âm hưởng và trường kỷ niệm khác nhau.
Đôi khi có những điều rất nhỏ nhặt như một điệu ru văng vẳng, một hình ảnh thân thương, một khúc đồng dao quen thuộc,… cũng đủ để gợi lên dáng hình quê hương xứ sở. Mỗi người lại có một phiên bản quê hương riêng trong tâm trí và với Thong Dinh – designer đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam dưới góc nhìn của một người trẻ cùng những trải nghiệm rất cá nhân ẩn hiện đầy trìu mến và đa chiều trong dự án triển lãm nghệ thuật nhỏ xinh Lả Bay La – Vietnam of an old acquaintance.
Bay từ, là từ cửa phủ
Bay ra là ra cánh đồng
Thông qua những câu chuyện của một người quen cũ được kể bằng hình ảnh, Lả Bay La tập trung khắc hoạ về những vật thể, văn hoá quen thuộc của những làng nghề cổ truyền, loại hình nghệ thật lâu đời đến những món đồ chơi thưở thơ ấu,… với diện mạo thân thiện, hợp thời và dễ tiếp cận hơn. Cùng lắng nghe tâm tình của Thong Dinh để hiểu hơn về Lả Bay La – Vietnam of an old acquaintance nhé!
Thong Dinh có thể chia sẻ về lý do thực hiện dự án Lả Bay La – Vietnam of an old acquaintance.
Mình thực hiện Lả Bay La như một dự án khép lại hành trình năm đầu tiên của Mỗi Ngày Một Art. Với mình, đó là cuộc hành trình ý nghĩa, nên mình muốn khép lại nó bằng một giá trị ý nghĩa cho cộng đồng. Trong một năm đó, quá trình ‘lớn lên’ của mình song hành cùng với cả Vietnamme – một tổ chức về văn hoá Việt Nam. Vậy nên, có lẽ việc làm về văn hoá đã là điều gì đó luôn thôi thúc trong mình.
Với mình, Việt Nam và văn hoá Quê hương luôn có nhiều giá trị vô cùng tích cực khiến người khác khi nghe sẽ mỉm cười.
Thong Dinh
AN NGHÊ
“Đây là nhân vật mang lại bình an. Vậy nên mình mong tác phẩm mang đến bình an đến tất cả mọi người.”TAM CANH
“Chà, thức khuya đến bước quên cả giờ là có thật. Thôi thì, làm việc ngày nhưng đôi khi thức khuya để trò chuyện, để sống hen. Mình cảm giác rõ trong ngày đôi khi chúng ta ít được sống đúng với việc sống lắm.”
Định nghĩa Việt Nam của một người quen cũ, vậy người quen cũ này là ai? Có phải là chính bạn?
Ý tưởng ban đầu của mình về Lả Bay La đến khi mình tự hỏi về góc nhìn của một người đã xa quê từ lâu, về chính văn hoá quê hương hay là những hoài niệm. Mình có nhiều người bạn đang đi du học xa nhà và ở mùa Covid đầu tiên, có rất nhiều câu hỏi, băn khoăn và trắc trở cho họ ở nơi xa quê ấy. Khi ý tưởng về Lả Bay La chưa hình thành chính thức, mình đã có dịp trò chuyện cùng một vài người bạn xa nhà và thấy cảm động lắm vì dù xa quê đã lâu, họ vẫn nhớ như in các kỉ niệm, văn hoá nơi đây, lại còn chăm cập nhật nữa chứ. Mình thấy các ký ức và suy nghĩ của họ về Việt Nam thật sự không đại trà, mà có tính cá nhân rất cao, như thể họ tự kể ra những gì họ thấy tận mắt, thay vì một dòng suy nghĩ vu vơ được nghe từ đâu đó. Vậy í.
Cái tên LẢ BAY LA, bắt nguồn từ tiếng ru ngủ của Mẹ – ý chỉ về những điều rất nhỏ nhưng giá trị tinh thần vô cùng lớn. Và … tiếng rao đó, mình nghĩ nó mới là Việt Nam, rất đầu tiên của mỗi người Việt. Nhắc về tiếng rao, như nhắc về một người quen mà ai cũng nhớ tên, nhưng với mỗi người, lại có một âm hưởng và trường kỷ niệm khác nhau.
CÒ LẢ
“Câu hát này khiến mình nhớ đến những ngày cấp một, đưa võng cho em trai và nghe bà ru từng nhịp hát. Mình nhớ ngày đó, bà còn thu âm một đoạn vào chiếc điện thoại cũ và phát đi phát lại mỗi khi bà mệt”HÁT BỘI
“Nếu các bạn tưởng Hát Bội là mang mặt nạ thì hông nhen, các nhân vật Hát Bội vẽ mặt và vẽ mặt thật sự là một điều rất lạ và “cool” đối với mình ở thời điểm đó.”
Lả Bay La – Vietnam of an old acquaintance có đến 12 poster cho 12 điều về Việt Nam, tại sao là con số 12 mà không phải con số nào khác? Những điều đưa vào dự án được bạn chọn lựa như thế nào và tại sao? Những lựa chọn này được quyết định hoàn toàn bởi cá nhân hay của những ‘người quen cũ’ khác?
Có nhiều bạn đoán rằng 12 tức là về 12 tháng hoặc 12 con giáp và nhiều giá trị khác. Nhưng với mình, mình nghĩ đến con số 12 là để có một kết thúc thật xinh xắn cho feed Instagram và cũng như có số lượng artwork vừa đủ dầy thôi.
Những câu chuyện mình đưa vào Lả Bay La – Vietnam of an old acquaintance đến từ mình và đến từ việc gán bản thân mình vào vài người bạn ở phương xa (với góc nhìn đối với Việt Nam, thường là trong kỉ niệm, tin tức và truyền miệng).
Những sự chọn lựa của mình đến từ mắt, tai và giá trị kỉ niệm như ô cửa, tiếng ru, đồ chơi, tục ngữ. Ví như tiếng ru, mình muốn giá trị đó đối với mỗi người đều có tính chân thật và tạo dựng một kỉ niệm nào đó trong họ. Lúc thực hiện các artwork, mình mong muốn mang góc nhìn của mình kể cho người xem, nhưng cũng không quên hỏi họ rằng, họ cảm giác như thế nào.
Ngày ấy lúc thực hiện (trên nền tảng Facebook), với mỗi artwork, mình sẽ gửi người xem một đoạn (hoặc một bài) nhạc mà mình cảm giác nó tạo nên cảm xúc rõ nhất với mình về khung cảnh ấy. Theo mình, âm nhạc và hình ảnh luôn cùng nhau xuất hiện khi nói về một artwork cụ thể nào đó.
Quá trình thực hiện dự án Lả Bay La – Vietnam of an old acquaintance trải qua những giai đoạn nào?
Mình ấp ủ những suy nghĩ cho dự án này ở giai đoạn tháng 2/2020. Viết ra giấy về cách thực hiện và idea (ý tưởng) phù hợp. Lúc đó, mọi thứ còn tương đối mơ hồ lắm. Nhưng cũng hay là đợt đó mình có làm việc ở Taste Studio, một studio thiết kế mình học tập. Ở đấy mình được học một số kỹ thuật thiết kế mới và với mình, đó là một trong những nền tảng cho quá trình phát triển Lả Bay La về sau.
Đến mùa dịch, khi mọi người đang giãn cách xã hội, mình đã có cơ hội để đào sâu và suy nghĩ nhiều hơn về Lả Bay La, lúc ấy là tháng 3. Khoảng không gian cá nhân này vô cùng quan trọng và nó thúc đẩy mình chăm chỉ hơn với công việc sáng tác. Mình sketch (phác thảo) chủ yếu trên giấy với bút chì, sau đó sẽ phát triển và hoàn thiện sản phẩm trên máy tính. Một quá trình trôi qua và Lả Bay La hoàn thiện. Quá trình ấy tương đối gọn gàng và may mắn là mình đã hoàn thành được.
Lúc mình đăng poster về dự án, mình chỉ mới hoàn thiện 40% các tác phẩm thôi, thật vui là đến lúc triển lãm diễn ra mình đã kịp hoàn thiện. Đợt đó mình có kể cho anh Đỗ Trọng Đạt nghe một chút về dự án, nhờ vậy được anh Đạt tạo cơ hội cho sử dụng phông chữ ĐỀN – cũng là phông chữ chính của dự án.
Thong Dinh đã sử dụng kỹ thuật, phong cách, màu sắc,… như thế nào để thực hiện Lả Bay La – Vietnam of an old acquaintance ? Vì sao lại chọn nó?
Về Lả Bay La, mình đã được luyện tập và thử nghiệm kĩ thuật mới, đó chính là line art (nghệ thuật sử dụng đường nét làm yếu tố chính). Ở thời điểm đó, mình gần như rất mới với line art, Lả Bay La là dự án đầu tiên mình trải nghiệm và hết mình luyện tập nó. Nhờ vậy mà sau này line art trở thành một người bạn đồng hành rất dài trên quãng đường thiết kế của mình.
Tại sao lại chọn line art cho Lả Bay La ư? Có lẽ lý do lớn nhất là mình muốn được luyện tập nhiều hơn cho bộ môn này. Một phần nữa, line art với mình lúc bấy giờ là thứ nói được, thực hiện hoá nhiều nhất về những gì mình nghĩ. Màu sắc thông thường mình chọn dựa trên câu chuyện, đa số các màu mình chọn đều rất pop, nổi bật và phối màu cũng thế.
Những nét đặc trưng nào trong ngôn ngữ thiết kế của Lả Bay La – Vietnam of an old acquaintance được đưa vào dự án?
Xuyên suốt quá trình phát triển Lả Bay La, mình chủ yếu tập trung về hai thành phần chính của thiết kế – main figure & ground (chính – phụ). Mình sử dụng monoline (đường nét đơn, tinh sạch) với bố cục cân xứng 2 bên (symmetrical). Vì vậy negative space (không gian âm hay khoảng trống trong thiết kế) ở phía sau gần như bị vô hiệu hoá. Thành thử phần ground (nền) của mình hiện tại chính là background của figure – phần thiết kế phía sau của nhân vật chính.
Mình chọn phần background đó, các element (yếu tố) đều rất kĩ lưỡng nhằm lột tả câu chuyện về nhân vật mình muốn kể đến. Phần figure ở trên là các nhân vật chính của thiết kế, các nhân vật được mình chọn đa số là các linh, động vật. Trong những câu chuyện dân gian và truyền thống của Việt Nam, các linh vật, động vật này luôn mang một màu sắc và câu chuyện cụ thể.
Việc dùng figure và background như thế sẽ giúp tổng thể của câu chuyện có nội dung rõ ràng, đồng thời có một điểm neo với nhau giữa các artwork của exhibition (buổi triển lãm).
CHÚT CHÍT
“Chuột là một kẻ dễ cưng vì hình dáng chút xíu của nó (nhưng đôi khi không mấy dễ thương khi đơn vị đo lường là gang tay).”LẠC ĐÌNH
“Ngộ hen, nhớ về chim Lạc, nhắc về chim Lạc, đôi khi ta lại đang nhắc về một điều gì đó, có quê hương mình trong đó, và tiếng Việt Nam thấp thỏm trong tim.”
Thong Dinh có dự định tiếp tục phát triển những dự án Lả Bay La – Vietnam of an old acquaintance với nhiều điều thú vị hơn nữa không?
Mình có ấp ủ một số dự án trong hành trình sắp tới, có lẽ chưa kể trước được nhưng mình rất muốn vào tháng 9 này sẽ có một dự án mới được ra mắt. Về Mỗi Ngày Một Art, mình dự định sẽ thực hiện dự án này, mùa thứ 2, vào khoảng cuối tháng 7 này mà thôi. Nên mọi người cùng trông chờ với mình nhé. Be back really soon! (Trở lại sớm thôi)
YÊN PHỤNG
“Thật sự Phụng của Việt Nam mang một màu sắc khác, cảm giác khác – cảm giác dễ chịu, không quá xa hoa, gần gũi. “Ngày xuân Long Phụng sum vầy”, có lẽ câu hát này sẽ diễn tả rõ nhất cảm xúc đó. Mình mong các bạn có một cuộc sống an yên.”CHUỒN CHUỒN TRE
“Đây là tên gọi của món đồ chơi mà mình từng nâng niu thuở bé. Món đồ chơi mà dù mỗi đứa một con, cũng tụm lại cả hội chơi với nhau cho được.”
TÒ HE
“Nhớ ngày trước, mình lầm tưởng Tò He là kẹo. Bạn thì sao, đã bao giờ chơi Tò He chưa? Và có từng lầm tưởng Tò He là đồ ăn chưa đó?”QUỐC CA
“Chắc các bạn sẽ không nhẩm được bài hát với artwork này đâu hen. Nhưng nhắc đến Quốc Ca, việc một chút nhạc vang lên trong tâm trí, là có thật, nhỉ?”
SEN
“Trong đầm gì đẹp bằng Sen? Lá xanh bông trắng lại chen nhuỵ vàng”KHUNG CỬA
“Các bạn có từng lớn lên cùng khung cửa chưa? Có mối tình nào qua những thanh sắt nhỏ ấy bao giờ?”
Việt Nam trong Lả Bay La hiện lên thật nhiều thân thuộc, bạn có thể bắt gặp hoài trong trí nhớ hay bật cười với những điều nho nhỏ vẫn luôn tiếp diễn ở hiện tại: từ chuồn chuồn tre thăng bằng trong mọi hoàn cảnh, tiếng hò ru cò bay lả la đến nhịp Quốc ca vang dội và hào hùng,… Nhưng Việt Nam cũng hiện lên thật khác với nhiều câu chuyện, nhiều trải nghiệm mà chỉ ông des chánh* Thong Dinh mới đủ cảm xúc và khả năng để kể về.
Với những đường nét mạch lạc và tinh sạch, hình tượng liên kết và giàu sức gợi cùng cách kết hợp màu nổi bật, tươi mới, phiên bản Việt Nam trong Lả Bay La rất chân thực và trìu mến, đủ thân thương đến mức điệu ru hò ngày bé ngân lên nhè nhẹ nhưng cũng lại rất mới để những ai ngắm nhìn cũng trầm trồ và tò mò. Đó là một Việt Nam của tất cả chúng ta, của những người đã trót thương mến mảnh đất này ngay khoảng khắc lọt lòng. Nhưng đó cũng là một Việt Nam đầy những xúc cảm sâu kín và độc nhất của riêng mỗi des chánh Thong Dinh mà thôi.
“Mình chỉ đơn giản là mong muốn sẻ chia câu chuyện của bản thân, để rồi may mắn có thể được nghe các bạn cùng chia sẻ lại. Nhé! Được không?” – Thong Dinh.
Ghé thăm ông des chánh Thong Dinh tại Behance, Mỗi ngày một art và Nhà làm vườn để thưởng thức các tác phẩm thú vị khác nhé!
*des chánh: có nghĩa là designer chính, đây danh xưng hài hước mà Thong Dinh tự dành cho chính mình
Thực hiện: Y.ink
Nguồn: Thong Dinh
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Calligrapher Đào Huy Hoàng: “Mình chẳng có gì ngoài kiên nhẫn cả”
- 2. Hậu trường Việt Sử Kiêu Hùng - góc nhìn cận cảnh về nghề lồng tiếng
- 3. Illustrator Đốm: Đem lại ấm áp cho người khác bằng tranh vẽ
- 4. Triển lãm “Vẽ về hát bội” - cánh cửa giao thoa văn hoá giữa hai thế hệ
- 5. Illustrator Kỳ Huỳnh: Dùng lý trí để tư duy sáng tạo
- 6. VR ở Việt Nam: Không khó về kỹ thuật mà là con người
- 7. Vietnam Geographical Indications - Hành trang đưa nông nghiệp Việt bước ra thế giới
- 8. Dạo quanh một vòng triển lãm tốt nghiệp tại Đại học Văn Lang
- 9. Có gì ở triển lãm tốt nghiệp tại đại học Mĩ Thuật (TP.HCM)?
- 10. Dự án “THỊ ƠI”: Trào phúng cùng những cô Thị thích đùa