Kim Chi, kiến trúc sư mở thương hiệu thời trang: Không cần phải đi đường thẳng để đến đích
Những năm gần đây đánh dấu sự lên ngôi của các thương hiệu thời trang nội địa, và một thế hệ những nhà thiết kế hay nhà kinh doanh năng động, mang những background phong phú. Lê Kim Chi là một bạn trẻ như vậy, với xuất phát điểm từ ngành kiến trúc. Liệu những đường nét cứng cáp hay tư duy kĩ thuật của bộ môn kiến trúc có thể hòa hợp với vải vóc mềm mại của thời trang không? Hãy cùng iDesign trò chuyện cùng Kim Chi.
Lê Kim Chi
Sinh năm 1995
Kiến trúc sư
Tốt nghiệp ngành kiến trúc trường đại học Kiến Trúc Hà Nội
Sáng lập thương hiệu thời trang nữ KIM Bychille
Xin chào Kim Chi. Cơ duyên nào đã đưa một kiến trúc sư mở thương hiệu thời trang vậy?
Xin chào iDesign. Mình vốn thích vẽ từ nhỏ và được thừa hưởng một chút năng khiếu từ gia đình. Ngày xưa, như thế hệ 9X thường có sổ chép bài hát và vẽ, mình cũng hay vẽ rất nhiều quần áo váy vóc. Ngoài ra, mình còn thích chơi và may đồ cho búp bê, có thể ngồi cả ngày khâu từng chiếc váy nhỏ. Mỗi thứ góp vào tạo nên ước mơ được làm nhà thiết kế thời trang.
Nhưng sau này, khi học lớp chuyên khối A ở một trường cấp 3 gần nhà, rồi thi đại học khối A như một lẽ dĩ nhiên, mình bị cuốn theo, dần quên đi ước mơ ngày nhỏ và suýt trở thành một cô giáo. Khi học đại học, mình cảm thấy không thật sự phù hợp và muốn thi lại ngành khác để thực hiện ước mơ. Vì thi khối H (Văn – Vẽ – Vẽ) ngày đó thực sự quá sức nên mình có một lựa chọn nhanh chóng và lý trí là thi khối V (Toán – Lý – Vẽ) vào trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội.
Ra trường với tấm bằng giỏi và một giải thưởng (giải ba Loa Thành, cho đồ án tốt nghiệp xuất sắc ngành kiến trúc), tương lai khá rộng mở nhưng mình vẫn trăn trở về ước mơ. Mình đã đi làm một thời gian để tích vốn và quyết định mở một thương hiệu thời trang
Tuy đi đường vòng, nhưng mình chưa từng hối tiếc đã học kiến trúc trong vòng năm năm. Tư duy trong kiến trúc rất giống thời trang. Từ hình khối, cách phối màu sắc, tạo điểm nhấn đến việc phải tìm hiểu nhu cầu, sở thích, cá tính người sử dụng để đưa ra sản phẩm phù hợp.
Kim Chi chính là người thiết kế cho thương hiệu, bạn có thể chia sẻ về những nguồn cảm hứng và những công cụ để sáng tạo ra mẫu cũng như làm nên các trang phục?
Nguồn cảm hứng chính là bản thân mình – một cô gái. Mình hiểu bản thân thích gì, có những khuyết điểm thế nào và mong muốn mặc gì. Vì thế, mình đặt slogan cho thương hiệu là “Embrace your flaws” – Hãy yêu thương cả những điều không hoàn hảo của bạn, để truyền đi thông điệp về một cô gái tự tin, hiểu bản thân, có dũng khí chấp nhận và yêu thương những khuyết điểm, biến chúng thành ưu điểm.
Định hướng của mình dành cho thương hiệu là mang đến những bộ trang phục chất lượng, có tính ứng dụng cao, đẹp thanh lịch và cá tính dành cho những cô gái hiện đại. Mình thường xuyên cập nhật xu hướng từ các hãng thời trang danh tiếng để tạo ra những trang phục hợp mốt.
Một năm trở lại đây, mình rất ấn tượng với thương hiệu CHATS BY C.DAM về phong cách thiết kế sang trọng, cao cấp lấy cảm hứng từ đường nét kiến trúc Á Đông. Gần đây mình mới biết nhà sáng lập Cường Đàm cũng là một kiến trúc sư tốt nghiệp trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội trước khi chuyển sang làm nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp. Mình cảm thấy khá thú vị vì sự trùng hợp này, nó thôi thúc bản thân mình phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Về các công cụ, vì hiện mới sản xuất số lượng không lớn nên mình làm theo cách truyền thống: vẽ thiết kế và rập trên giấy mà không sử dụng phần mềm máy tính. Sau khi có rập thì sẽ tiến hành may mẫu, duyệt mẫu, chỉnh sửa và cuối cùng là may sản xuất.
Ngoài việc thiết kế, hiện Chi còn lo cả phần kinh doanh, marketing, vậy theo bạn làm sao có thể cân bằng và kết hợp giữa việc sáng tạo bay bổng với những con số và chuyện doanh thu?
Thực sự kinh doanh có rất nhiều vấn đề phải quan tâm. Làm thế nào để có thể vận hành trơn tru từ khâu thiết kế, làm ra sản phẩm, bán hàng, khiến khách hàng hài lòng với số tiền bỏ ra. Vì mới kinh doanh nên hầu hết công việc mình đều phải tự làm, không tránh khỏi sự căng thẳng vì chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhiều lúc gặp rắc rối một công đoạn dẫn đến trì trệ cho tất cả các công đoạn sau, doanh thu không như kì vọng. Nghe có vẻ hơi lạ nhưng mình thường chọn lúc căng thẳng nhất để thiết kế, vẽ, nhằm tạm quên đi những khó khăn. Nhìn những bản thiết kế, mình cảm thấy có thêm động lực để tiếp tục mang đến những sản phẩm ngày càng tốt hơn.
Những khoá học về thời trang có bổ trợ hiệu quả cho bạn không?
Hiện tại, mình đã học ở một học viện thời trang tư nhân tên FACE (The Fashion Design Academy) hai khóa về Fashion Marketing và Fashion Stylist. Vì đúng thời gian dịch bệnh, phải chủ yếu học online nên việc truyền tải và tiếp thu kiến thức không hiệu quả như học trực tiếp trên lớp, nhưng mình cũng nhận được một khối lượng nhất định các kiến thức hữu ích về sản xuất hình ảnh và các phương thức quảng bá.
Với những người không chuyên về thời trang thì việc tham gia những khóa học ngắn hạn là vô cùng cần thiết, để tập trung vào kiến thức trọng điểm, tránh bị dàn trải gây mất thời gian. Việc học kiến trúc đã giúp mình có tư duy thiết kế, biết tưởng tượng về hình khối và có khả năng vẽ minh họa, nên về phần thiết kế, mình tự học hay đăng kí một vài khóa trên mạng. Nhưng tương lai xa, mình muốn có cơ hội được học tập tại những môi trường chuyên nghiệp, vì để thương hiệu phát triển xa hơn và có tiếng nói trong ngành thì nhà thiết kế phải được đào tạo một cách bài bản.
Hiện tại các thương hiệu thời trang nội địa đang được người tiêu dùng ủng hộ nhưng đã có rất nhiều. Phong cách đơn giản, thanh lịch cũng phổ biến, vậy theo Kim Chi, cần làm thế nào để tạo nét riêng cho thương hiệu của mình?
Đây là một bài toán khó đối mình hiện tại. Thiết kế phải gây ấn tượng để khách hàng ghi nhớ, rồi yêu thích sản phẩm, mua hàng và hài lòng khi trải nghiệm là một chuỗi bài toán, chỉ cần vướng một công đoạn, khách hàng có thể quên lãng mình ngay lập tức.
Về thiết kế, mình thường nhấn vào những nét đẹp, quyến rũ trên cơ thể người phụ nữ như eo, lưng, vai, cổ, … bằng cách tạo cut-out chẳng hạn để mang đến trang phục tôn dáng, cá tính. Mình thấy thiết kế của mình thanh lịch nhưng không đơn giản.
Là một người tiêu dùng đã sử dụng qua sản phẩm của rất nhiều thương hiệu local brand, mình tự tin cùng với KIM Bychille mang lại các sản phẩm có chất liệu, đường kim mũi chỉ đạt chất lượng cao nhất có thể trong tầm giá đến tay khách hàng. Ngoài ra bao bì, đóng gói sản phẩm cũng sẽ được đầu tư để mang đến những trải nghiệm tốt.
Khởi nghiệp vào đúng khoảng thời gian dịch bệnh căng thẳng chắc bạn cũng gặp phải một số trở ngại. Vậy bạn đã làm cách nào vượt qua điều đó?
Thời gian qua khi Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều giãn cách thực sự rất khó khăn cho tất cả các ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành dịch vụ không thiết yếu do phải đóng cửa hàng. Mặc dù có chút lo lắng nhưng mình cũng không nghĩ nhiều vì đó là khó khăn chung của toàn ngành. Việc của mình hiện tại là tin tưởng, kiên nhẫn chờ đợi, tranh thủ học thêm kiến thức mới để hoàn thiện bản thân và sẽ mang đến cho khách hàng nhiều sản phẩm tốt hơn. Hiện tại mình chưa lập gia đình và được bố mẹ ủng hộ nên cũng bớt áp lực về kinh tế, doanh thu trong mùa dịch.
Những dự định tương lai của bạn dành cho thương hiệu là gì?
Trong tương lai gần, mình mong muốn tìm được một đội ngũ chất lượng để cùng nhau đưa KIM Bychille đến với nhiều khách hàng hơn. Còn tương lai xa, mình dự định mở rộng đến phân khúc cao cấp hơn và phát triển sang mảng phụ kiện.
Qua buổi trò chuyện này, mình muốn chia sẻ về con đường đang theo đuổi, có thể mọi người sẽ đồng tình hoặc không nhưng mong nó sẽ giúp ích một chút cho các bạn trẻ muốn theo đuổi đam mê.
Cảm ơn Kim Chi. Chúc những dự án và thương hiệu của bạn sẽ tiếp tục thành công.
Thực hiện: 19August
Hình ảnh do nhân vật cung cấp
Nguồn tham khảo
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Calligrapher Đào Huy Hoàng: “Mình chẳng có gì ngoài kiên nhẫn cả”
- 2. Hậu trường Việt Sử Kiêu Hùng - góc nhìn cận cảnh về nghề lồng tiếng
- 3. Illustrator Đốm: Đem lại ấm áp cho người khác bằng tranh vẽ
- 4. Triển lãm “Vẽ về hát bội” - cánh cửa giao thoa văn hoá giữa hai thế hệ
- 5. Illustrator Kỳ Huỳnh: Dùng lý trí để tư duy sáng tạo
- 6. VR ở Việt Nam: Không khó về kỹ thuật mà là con người
- 7. Vietnam Geographical Indications - Hành trang đưa nông nghiệp Việt bước ra thế giới
- 8. Dạo quanh một vòng triển lãm tốt nghiệp tại Đại học Văn Lang
- 9. Có gì ở triển lãm tốt nghiệp tại đại học Mĩ Thuật (TP.HCM)?
- 10. Dự án “THỊ ƠI”: Trào phúng cùng những cô Thị thích đùa