‘Women of Colours’ của Duckie: ‘Sự kết hợp mới lạ sẽ dễ tiếp cận với mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ’
“Women of Colours” (tạm dịch: Sắc Nữ) là dự án tranh minh họa lấy cảm hứng về nỗ lực phát triển, khẳng định bản thân và giành quyền bình đẳng của người phụ nữ Việt Nam ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau do Trần Nguyễn Việt Anh thực hiện.
Việt Anh từng học chuyên ngành Visual Art, hiện tại đang là họa sĩ minh họa hoạt động dưới nghệ danh Duckie.
Các trang thông tin và liên hệ:
Facebook | Instagram | Behance
Ba bức tranh thuộc dự án “Women of Colours” thể hiện những giai đoạn phá kén mạnh mẽ của người phụ nữ Việt Nam từ xa xưa cho đến hiện tại. Trong đó:
“What is Loyalty?” (tạm dịch: Son sắc) sử dụng nghệ thuật cải lương Việt Nam như một phương tiện truyền đạt thông điệp; “Your Love is Not Your Own” (tạm dịch: Hy sinh) tái hiện lại câu chuyện “Mỵ Châu Trọng Thủy” trong một diện mạo mới và “Love After Love” (tạm dịch: Bao dung) được truyền cảm hứng từ tác phẩm “Đất Rừng Phương Nam” của Đoàn Giỏi.
Điều điều gì đã liên kết ba câu chuyện trên và Việt Anh đã thực hiện dự án như thế nào? Nghe Việt Anh chia sẻ nhiều hơn về dự án ngay bên dưới nhé!
Chào Việt Anh! Phong cách vẽ bạn đang theo đuổi là gì?
Hiện tại mình không theo đuổi một phong cách nào cụ thể. Những điểm đặc trưng phong cách vẽ của mình là sử dụng ngôn ngữ hình khối và màu sắc rực rỡ.
Đâu là các chủ đề (liên quan đến việc sáng tác nghệ thuật) mà bạn quan tâm?
Mình có một chấp niệm to lớn với các giá trị văn hoá truyền thống Việt Nam. Mình muốn mang đến cho tất cả các khán giả và người yêu thích tranh mình một thông điệp về vẻ đẹp thuần Việt, với một hơi thở đương thời và hiện đại.
Cảm hứng thực hiện dự án “Women of Colours” đến từ đâu?
Mình là một người có đam mê to lớn với văn hoá dân tộc, cũng như những giá trị truyền thống Việt Nam.
Nhớ lại lúc nhỏ vừa lên 5, mình đã xem vô số tuồng cải lương với bà ngoại, và mình thật sự bị hớp hồn bởi cách các nghệ sĩ cải lương diễn. Họ khoác trên mình những bộ trang phục lộng lẫy. Chính giây phút đó khiến mình nhận ra Việt Nam cũng có các bản sắc văn hoá không thua gì các nước khác. Bên cạnh cải lương thì Việt Nam còn có vô số các bản sắc dân tộc riêng biệt thể hiện qua các môn nghệ thuật, văn hoá xuyên suốt chiều dài lịch sử. Đó chính là nguồn cảm hứng cũng như chất liệu mình muốn mang đến trong dự án “Women of Colours”. Bởi lẽ nó là tiềm thức, là ký ức lúc nhỏ nên mình có cảm hứng mãnh liệt mỗi khi nhớ lại và muốn đem vào thể hiện trong tranh.
“Mình đã thực sự bị mê hoặc bởi tài năng đặc biệt của các nghệ sĩ cải lương và những bộ trang phục rực rỡ mà họ mặc trên người. Một trong những trải nghiệm này khiến mình nhận thấy sự phong phú trong văn hóa của Việt Nam, một tài sản độc đáo và riêng biệt giống như các quốc gia khác. Cũng chính sự nhận thức sâu sắc này đã trở thành nguồn cảm hứng dồi dào cho các sáng tạo của mình.“
Vì sao bạn lại chọn những chủ đề này để minh họa? Ba câu chuyện bạn lựa chọn có liên quan gì với nhau không?
Dự án “Women of Colours” là góc nhìn cá nhân của mình về sự phát triển và đổi thay của hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, trải dài ở mọi khía cạnh trong văn hoá Việt Nam từ lịch sử, văn học đến phim ảnh. Đối với mình, để phụ nữ hiện tại có tiếng nói và có sự bình đẳng vốn có thì họ đã có một giai đoạn dài đấu tranh và khẳng định bản thân, vượt lên định kiến “trọng nam khinh nữ” của quá khứ.
Vốn đam mê với bản sắc truyền thống Việt Nam; cùng với đó là mong muốn khôi phục các giá trị văn hoá đã cũ, thổi làn gió mới, góc nhìn sáng tạo hơn, thời đại hơn nhằm thu hút sự chú ý tới bạn bè bốn phương nói chung và giới trẻ Việt Nam nói riêng, mình đã thực hiện dự án này.
Mình biết trào lưu vẽ về văn hoá không quá mới. Vì đó, mình muốn thử nghiệm các chất liệu mới tưởng chừng chưa bao giờ có tiền lệ đứng cạnh nhau, nhằm tạo ra nét đặc trưng, để tác phẩm của mình “stand out” (tạm dịch: nổi bật) và có khí chất hơn.
Series trên là sự kết hợp giữa văn hoá nghệ thuật đương đại, cụ thể hơn là trường phái Cubism (Trường phái Lập thể) xuất hiện vào những năm đầu thế kỷ 20 với các chất liệu dân gian Việt Nam.
Mình nghĩ đây là sự điên rồ nhất mà mình đã làm ở thời điểm đó. Bởi sự tách bạch của mảng miếng, màu sắc và sự tối giản trong hình khối của trường phái Lập thể giúp cho tác phẩm có lợi thế hơn trong việc truyền tải nội dung.
Màu sắc tươi tắn cũng giúp các yếu tố dân gian dễ nổi bật và gây ấn tượng đối với người xem.
Có thể thấy phong cách minh họa của Việt Anh (không chỉ trong dự án này) hướng đến việc nhấn mạnh vào việc tạo hình khối, cách điệu nhân vật và sử dụng màu sắc sặc sỡ? Vì sao bạn chọn kết hợp các yếu tố này với nhau để tạo nên các artwork của riêng mình? Hay chúng sở hữu những đặc điểm nào nổi bật nào khiến bạn cảm thấy hứng thú và muốn thể nghiệm với nó?
Bản thân mình sống và lớn lên xung quanh các yếu tố văn hoá đại chúng như các bộ phim hoạt hình Disney, Pixar hay Ghibli Studio. Mình rất hâm một cách mà các hoạ sĩ “stylized” nhân vật, họ dùng các yếu tố ngôn ngữ hình khối bằng cách quy tất cả đối tượng trong tranh về các hình học đơn giản như tam giác, tròn, vuông hay chữ nhật. Việc làm trên khiến chủ thể trong tranh sẽ ấn tượng và độc đáo hơn. Thêm vào đó, độ mạch lạc trong truyền tải ý nghĩa tác phẩm sẽ tốt hơn.
Mình là một người có hứng thú thử nghiệm điều mới lạ, “Sẽ như thế nào nếu tác phẩm có yếu tố dân gian Việt Nam sở hữu dáng dấp của văn hoá nghệ thuật đại chúng?” Hơn thế nữa, sự kết hợp mới lạ sẽ góp phần mang đến giá trị mới dễ tiếp cận với mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Mất bao lâu để bạn hoàn thành mỗi tác phẩm?
Để hoàn thành một bức tranh có độ chi tiết và cầu kỳ như trên thì mình bỏ ra từ 1-3 tuần, có khi lên đến cả tháng, bắt đầu từ khâu lên ý tưởng – nghiên cứu – lựa chọn chất liệu – hoàn thành.
Bạn có thể chia sẻ một chút về kế hoạch, dự án hoặc hướng thực hành trong thời gian sắp tới?
Mục tiêu của mình là trở thành một hoạ sĩ minh hoạ có sức ảnh hưởng. Mình muốn mang câu chuyện văn hoá Việt Nam lan tỏa đến bạn bè quốc tế.
Hiện tại mình chỉ mới theo nghề minh hoạ được 3 năm. Đối với mình đây chỉ mới là điểm xuất phát. Mình muốn trong tương lai sắp tới sẽ hoàn chỉnh hơn về chuyên môn và cách kể chuyện trong tranh, từ đó có thể truyền cảm hứng nhiều hơn đến mọi người.
Mong rằng iDesign sẽ luôn theo dõi chặng đường làm nghệ thuật của mình.
Thực hiện: May
Thiết kế: Uyên Nguyễn
Hình ảnh do nhân vật cung cấp
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Calligrapher Đào Huy Hoàng: “Mình chẳng có gì ngoài kiên nhẫn cả”
- 2. Hậu trường Việt Sử Kiêu Hùng - góc nhìn cận cảnh về nghề lồng tiếng
- 3. Illustrator Đốm: Đem lại ấm áp cho người khác bằng tranh vẽ
- 4. Triển lãm “Vẽ về hát bội” - cánh cửa giao thoa văn hoá giữa hai thế hệ
- 5. Illustrator Kỳ Huỳnh: Dùng lý trí để tư duy sáng tạo
- 6. VR ở Việt Nam: Không khó về kỹ thuật mà là con người
- 7. Vietnam Geographical Indications - Hành trang đưa nông nghiệp Việt bước ra thế giới
- 8. Dạo quanh một vòng triển lãm tốt nghiệp tại Đại học Văn Lang
- 9. Có gì ở triển lãm tốt nghiệp tại đại học Mĩ Thuật (TP.HCM)?
- 10. Dự án “THỊ ƠI”: Trào phúng cùng những cô Thị thích đùa