Triển lãm ‘Vùng thơ | Musings’ của Hứa Vĩ Văn: ‘Chất liệu cũng chỉ là cái quê quán trong giấy căn cước’
“Chúng ta mặc định Hoa là phải đẹp, sẽ mang ý nghĩa riêng, nhưng tôi muốn bản thân mỗi bông hoa đều tự nói lên tiếng nói của mình.” – Chia sẻ từ Hứa Vĩ Văn về triển lãm cá nhân thứ 4 mang tên “Vùng Thơ | Musings” – được tổ chức lần đầu tiên và đang diễn ra tại Hà Nội.
Hứa Vĩ Văn sinh năm 1979. Năm 2002, anh theo học tại trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Từng thử nghiệm với nhiều vai trò khác nhau như người mẫu, ca sĩ,… nhưng với anh “Sự nghiệp diễn viên của tôi là một bông hoa”. Với anh, hội họa như một cách để thư giãn, thấu hiểu và chữa lành bản thân. Cho tới thời điểm hiện tại, Hứa Vĩ Văn thực hành các sáng tác của mình với tâm thế tạo ra các tác phẩm “có thể giải tỏa áp lực” nơi người xem hay đơn giản chỉ ở nơi bản thân người cầm cọ.
Triển lãm “Vùng thơ” là sự tiếp nối của tâm trí Hứa Vĩ Văn trong 2 triển lãm “Vùng mơ” và “Vùng yên” trước đó. Bạn có thắc mắc anh đã ươm mầm những hạt giống đầu tiên như thế nào để những bông hoa bung nở tại “Vùng thơ”? Cùng chúng mình trò chuyện và bước vào một vùng tâm trí của Hứa Vĩ Văn để xem những bông hoa trong anh đã thành hình như thế nào nhé!
Anh có thể tiết lộ nguồn cảm hứng để thành hình cái tên “Vùng Thơ” của triển lãm lần này?
Sau 3 triển lãm được thực hiện ở Thành Phố Hồ Chí Minh, tôi thấy khán giả Hà Nội mong muốn tôi thực hiện triển lãm ngoài đó nên tôi đã dành một năm để vẽ các bức tranh đợt này với chủ đề Hoa. Nhân đây, tôi cũng muốn khám phá cách vẽ khác và mới so với các lần trước.
Vậy vì sao anh chọn hình tượng của những sắc hoa để biểu đạt những cảm xúc ngổn ngang bên trong mình?
Khi vẽ Hoa sẽ dễ rơi vào sự uỷ mị và sến, mặc dù Hoa đã là biểu tượng của cái đẹp. Chính vì thế khi vẽ Hoa, tôi muốn kết hợp vừa trừu tượng vừa tả thật, và cũng vừa decor được. Tất cả kết hợp lại để ra cái bản ngã mình mong muốn thể hiện. Y như rằng, chúng ta mặc định Hoa là phải đẹp, sẽ mang ý nghĩa riêng, nhưng tôi muốn bản thân mỗi bông hoa đều tự nói lên tiếng nói của mình chứ không phải theo cách mọi người màn ý nghĩa vốn có của nó.
Ngoài lột tả cảm xúc cá nhân của người nghệ sĩ, hoa còn giúp khơi gợi cảm giác tươi mới và năng lượng tích cực nơi người xem. Được biết các tác phẩm thuộc các triển lãm “Vùng Mơ”, “Vùng Yên” hay “Phù Hoa” cũng không nằm ngoài kim chỉ nam đó. Điều gì khiến anh luôn nỗ lực lồng ghép những cảm xúc tích cực vào các tác phẩm của mình như thế?
Tôi nhận ra điều đó sau những khó khăn kinh tế đi xuống, những đợt giãn cách, những hệ luỵ của nó mang đến cho chúng ta, những mất mát… Cho dù là chủ để nào, triển lãm nào, quy lại cũng mang một thông điệp năng lượng tích cực. Nơi giải tỏa áp lực. Và trên hết, tất cả những bức tranh tôi đều mang đi thiện nguyện. Tôi không hứa, nhưng sau tất cả tôi đều thực hiện được một phần nào đó. Những ai nhận ra năng lượng đó, chắc chắn họ sẽ thấy ngay trong bức tranh của tôi. Đó là sự kết nối.
Anh đã chia sẻ “Với anh, sự nở rộ tinh khôi của hoa mang lại cảm giác thức tỉnh, đồng thời đánh dấu những biến chuyển mang tính cột mốc trong cuộc đời.” Liệu trong anh đang có bông hoa nào đã hoặc đang bung nở?
Trong sự nghiệp diễn viên của tôi là một bông hoa. Tôi vui vì có những tác phẩm tốt gửi đến khán giả mỗi năm. Dù khán giả than phiền tôi đóng quá ít phim, ít tham gia dự án, nhưng rõ ràng nếu tôi không lựa chọn, không khắt khe thì không bao giờ có hoa thơm cỏ ngọt. Tôi trân quý điều đó nên rất nhẫn nại để làm điều gì. Đó cũng là cách một bông hoa toả hương.
Anh bắt đầu sáng tác với một bức vẽ như thế nào?
Tôi sáng tác một bức vẽ khi tôi còn nhỏ. Tôi đã có năng khiếu hội hoạ từ rất sớm. Đến khi ở nhà thiếu nhi, tôi cũng luôn được phụ trách các mảng vẽ.
Các tác phẩm là sự sao chép nguyên bản cảm xúc của bản thân anh, hay bao gồm cả sự vay mượn cảm xúc của một ai khác nữa?
Tôi vay mượn chính những cái đẹp vốn có để lan toả và nhân rộng nó ra. Bản thân tôi là một diễn viên, vốn đã là một bản gốc không vay mượn. Nhưng chính những cái đẹp của bộ phim điện ảnh kinh điển, của những minh tinh, những huyền thoại đã cho mình những xúc cảm để giữ lửa với nghề đến tận hôm nay. Cho nên với hội hoạ cũng thế. Nếu không có cảm xúc thì sẽ không diễn được và cũng không thể vẽ được.
Điều gì từ màu acrylic và chất liệu canvas khiến anh muốn thử nghiệm? Liệu anh tìm được sự kết nối nào từ hai chất liệu trên? Anh có dự định thử nghiệm với những chất liệu khác trong tương lai?
Tôi thấy phù hợp với cách của mình. Nó giúp tôi không quá cầu kỳ lựa chọn mà vẫn ra được tác phẩm. Còn chất liệu cũng chỉ là cái quê quán trong giấy căn cước nên tôi nghĩ nó không là yếu tố quan trọng. Quan trọng là mình tạo ra được tác phẩm.
16 tác phẩm của “Vùng thơ” đã được anh hoàn thiện trong bao lâu?
Từ tháng 3 đến nay là gần 7 tháng.
Qua triển lãm lần này, anh mong muốn gửi gắm thông điệp nào đến những người thưởng lãm “Vùng thơ”?
Có lẽ đây là lần đầu khán giả thủ đô được xem tận mắt tranh diễn viên vẽ. Và tôi vẽ tặng họ. Bằng tất cả tình cảm chân thành.
Liệu sau “Vùng thơ”, anh có đang ấp ủ một vùng trời mới nào khác trong tương lai?
Mỗi lần như thế tôi không bao giờ hứa vì sợ mình không làm được và không còn xúc cảm để vẽ. Nếu tôi vẫn còn cảm xúc tôi sẽ vẽ đến khi nào hết thì thôi. Vì sau mỗi đợt triển lãm tôi lại được làm công tác thiện nguyện mà mình mong muốn. Còn gì bằng. Quá hạnh phúc! Mà điều hạnh phúc thì nên nhân rộng ra (cười).
Triển lãm “Vùng Thơ | Musings” của Hứa Vĩ Văn vẫn đang mở cửa.
Thời gian: Triển lãm diễn ra từ 07/10 – 07/11/22
Thứ 2 – 6: 08h00 sáng tới 20h00
Thứ 7: 08h00 sáng tới 17h00
Địa điểm: Toong Tràng Thi, 8 Tràng Thi, Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Sự kiện không thu phí vào cửa.
Biên tập: May
Thiết kế: Uyên Nguyễn
Hình ảnh do nhân vật cung cấp
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Calligrapher Đào Huy Hoàng: “Mình chẳng có gì ngoài kiên nhẫn cả”
- 2. Hậu trường Việt Sử Kiêu Hùng - góc nhìn cận cảnh về nghề lồng tiếng
- 3. Illustrator Đốm: Đem lại ấm áp cho người khác bằng tranh vẽ
- 4. Triển lãm “Vẽ về hát bội” - cánh cửa giao thoa văn hoá giữa hai thế hệ
- 5. Illustrator Kỳ Huỳnh: Dùng lý trí để tư duy sáng tạo
- 6. VR ở Việt Nam: Không khó về kỹ thuật mà là con người
- 7. Vietnam Geographical Indications - Hành trang đưa nông nghiệp Việt bước ra thế giới
- 8. Dạo quanh một vòng triển lãm tốt nghiệp tại Đại học Văn Lang
- 9. Có gì ở triển lãm tốt nghiệp tại đại học Mĩ Thuật (TP.HCM)?
- 10. Dự án “THỊ ƠI”: Trào phúng cùng những cô Thị thích đùa