Thái Linh: ‘Trong tương lai gần, mình tin việc khai thác đề tài truyền thống sẽ là một cuộc đua’

“Mình yêu thích và muốn lấy cảm hứng từ sản phẩm nghệ thuật truyền thống để tạo ra một thế giới và kể những câu chuyện của mình.”

Phạm Ngọc Thái Linh hay còn được mọi người gọi là Thái Linh (27 tuổi) là một hoạ sĩ tự do sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Hiện tại, Linh là Co-Founder của Nirvana Streetwear và thành viên của Antiantiart. 

Website | Facebook 

Với lợi thế được đắm mình trong môi trường văn học và hội họa ngay từ nhỏ (từ hai người ông là họa sĩ Phạm Lực và nhà văn Dũng Hà), đồng thời đại diện cho thế hệ trẻ thời đại 4.0; ngay từ những ngày đầu đến với nghệ thuật, Linh đã sớm đi tìm bản thể và ngôn ngữ hội họa cho riêng mình thông qua nhiều phương thức khác nhau. 

Những chất liệu mà Linh ứng dụng vào trong những tác phẩm của mình là những thứ liên quan đến chính bản thân bạn ấy, đó là những kỷ niệm, cảm xúc cá nhân, những gì Linh hiểu và cảm nhận được qua cuộc sống hằng ngày. Những giấc mơ cũng giúp Linh tạo ra rất nhiều ý tưởng sáng tạo. Giấc mơ về những sinh vật hoặc những nhân vật hiện ra đều được Linh hồi tưởng lại và cho vào các tác phẩm của mình. Nhiều khi Linh vẽ một cách vô thức và ngẫu nhiên, sau đó xem lại và tự phân tích trạng thái tinh thần của mình lúc đó. 

“Hạnh phúc nhất là được là chính mình, được vẽ, được gặp gỡ những nhân vật trong tưởng tượng và chìm đắm trong thế giới của riêng mình.”

Ngoài ra, Linh còn đặc biệt hứng thú và quan tâm đến những chất liệu truyền thống Việt Nam: “Mình yêu thích và muốn lấy cảm hứng từ sản phẩm nghệ thuật truyền thống để tạo ra một thế giới và kể những câu chuyện của mình.”

Chàng họa sĩ trẻ đã ứng dụng những chất liệu này như thế nào vào trong các tác phẩm của mình? Dưới góc nhìn của một người trẻ làm hội họa, giữa văn hóa và hội họa có sự tương quan ra sao? Cùng chúng mình trò chuyện với Thái Linh để thâm nhập vào thế giới hội họa của bạn ấy nhé!

Hãy kể tên (1 màu sắc, 1 họa cụ, 1 phần mềm) có liên hệ mật thiết đến công việc hiện tại của Linh?

Mình rất thích màu xanh lá vì xanh là màu tương sinh với mình và cũng là màu của thiên nhiên, giúp mình cân bằng cảm xúc và ý tưởng. 

Hoạ cụ mình luôn mang theo là bút marker đen. Mình rất thích ký họa nhanh những người bạn của mình hoặc đơn giản và vẽ bậy lên một chỗ nào đó hợp lý, nên bút marker là thứ mà mình không thể thiếu.

Procreate là phần mềm mà hiện tại mình đang sử dụng nhiều nhất vì nó rất dễ sử dụng, mình có thể dễ dàng mang chiếc ipad đi mọi nơi và vẽ mọi lúc mà không có nhiều trở ngại.

Tác phẩm nghệ thuật để lại ấn tượng nhất với Linh cho tới thời điểm hiện tại?

Mình vô cùng yêu thích và ấn tượng bức tranh “Mang tranh ra chợ” của ông ngoại mình là họa sĩ Phạm Lực. Đó là bức tranh vẽ ông ngoại đang một tay bế cậu, một tay dắt mẹ khi còn bé, đồng thời quắp bức tranh vẽ một cô gái khỏa thân ở nách để mang ra chợ bán lấy tiền mua thức ăn. Đó là bức tranh mô tả chân thực hoàn cảnh của ông mình thời chiến tranh. Bức đó đã để lại trong mình rất nhiều cảm xúc, cảm hứng và cả bài học về sự kiên trì cũng như tình yêu dành cho mỹ thuật. 

Tác phẩm nghệ thuật để lại ấn tượng với Linh trong thời gian gần đây nhất? 

Đó là bức “The Cat with Red Fish” của danh họa Henri Matisse bởi nó mang lại cho mình một sự thoải mái, vui vẻ vô cùng. Màu sắc trong tranh cũng cực kỳ ấn tượng. Sự thoải mái, tươi vui trong tư duy sáng tác đó cũng là thứ mà mình đang muốn học hỏi và hướng đến. 

Phong cách minh họa mà Linh đang theo đuổi? 

Có thể nói mình đang theo phong cách tối đa. Mình luôn thích thể hiện kỹ mọi ngóc ngách của từng chi tiết trong tác phẩm. Vì mình mình quan niệm mỗi một chi tiết dù chính hay phụ thì đều là một nhân vật. Chúng đều có vẻ đẹp và câu chuyện riêng. Chúng bổ trợ và tôn nhau lên. Nếu lột tả được chi tiết của mỗi nhân vật đó thì tác phẩm sẽ càng sâu sắc và nhiều ý nghĩa hơn. 

Trong tương lai mình sẽ thử thêm nhiều phong cách khác thông qua phong cách cá nhân như lập thể hoặc trừu tượng. Những phong cách đó vô cùng khó để thể hiện một cách nghiêm túc và có tâm, cho nên mình sẽ ra mắt sau khi đã học thêm được nhiều kiến thức và tự tin hơn.

Bạn tìm thấy sự kết nối nào với các chất liệu dân gian và truyền thống của Việt Nam?

 Chú bé trong tranh Đông Hồ là sợi dây kết nối và là tiền đề để mình bắt đầu xây dựng phong cách cá nhân. Hồi trước khi mới phát hiện ra bộ tranh Đông Hồ, mình đã rất ấn tượng với bức chú bé ôm gà. Lúc đó mình cũng không tìm hiểu về ý nghĩa của bộ tranh, đơn giản là lúc đó mình là một chú bé, nên cũng muốn là một chú bé như thế. Đó là một mối duyên để ra đời nhân vật Đậu. Mình chỉ muốn nhân vật Đậu đại diện cho sự vui vẻ, trẻ thơ và hồn nhiên nhất. Đúng như ý nghĩa khi mình bắt đầu. 

Linh có thể chia sẻ một chút về câu chuyện truyền cảm hứng từ 2 người ông của mình, họa sĩ Phạm Lực và nhà văn Dũng Hà? Thừa hưởng những lợi thế trên cũng như là thế hệ đại diện cho thời đại 4.0, bạn nhận định như thế nào về mối liên hệ giữa văn hóa và hội họa ở Việt Nam?

Cảm hứng từ ông ngoại và ông nội mang lại xuất phát từ tình yêu của một đứa cháu dành cho ông của mình. Đó cũng là hai người mà mình yêu quý và luôn lấy làm tấm gương về đạo đức, sự kiên trì và tình yêu dành cho công việc. 

Về nghệ thuật, ông ngoại cho mình cảm hứng về những hình ảnh mỹ thuật, những bài học về mỹ thuật, còn ông nội cho mình cảm hứng thông qua những quyển sách do ông viết, mang cho mình ý tưởng về vấn đề xã hội và lòng tự hào dân tộc. Những điều đó đã góp mặt vào tranh của mình một cách vô thức và sau này mình mới nhận ra. 

Văn hóa và mỹ thuật hoặc nghệ thuật nói chung là những thứ luôn song hành với nhau. Việc có lợi thế truyền thống gia đình và được sống trong không gian văn hoá có thể cho mình đủ ý tưởng và hình ảnh để làm những tác phẩm nói về quá khứ, những thứ mà trong tương lai sẽ mất đi như con người hoặc khung cảnh. Văn hóa có thể được truyền tải thông qua mỹ thuật bằng nhiều hình thể và chất liệu khác nhau nhằm tôn vinh và phát triển văn hóa. 

Mình được biết, ngoài các chất liệu dân gian, Linh rất xem trọng việc đi tìm bản thể, ngôn ngữ hội họa của riêng mình. Theo bạn, việc sở hữu một cá tính riêng trong lối sáng tác của mình quan trọng như thế nào? Và bạn đã làm thế nào để đạt được điều đó?

Mình luôn quan niệm sản phẩm nghệ thuật mà mọi người tạo ra đều nói lên con người của chính bản thân người đó và phong cách cá nhân cũng là đặc điểm để người khác có thể nhận ra mình. Mình có ý thức về việc tạo ra phong cách cá nhân khá sớm và mình cũng ý thức được mình là người Việt, văn hóa nghệ thuật của Việt Nam còn vô vàn thứ rất hay mà chưa có nhiều người khai thác, và mình đã tìm hiểu, biến đổi chúng dần dần. Thời gian kết hợp thêm với những thứ mình thích và ấn tượng trong cuộc sống xung quanh cũng đã góp phần tạo ra được phong cách cá nhân của mình hiện tại. 

Vậy cho tới thời điểm hiện tại, dự án nào do Linh thực hiện thể hiện sâu sát nhất con người của bạn?

Tất cả những sản phẩm cá nhân mà mình làm đều mang ý nghĩa quan trọng nhất định đối với mình. Vì mình chỉ vẽ khi cảm thấy đủ hiểu và có thể cảm nhận được vấn đề đó, cho nên mỗi sản phẩm đều nói lên cái tôi, quan điểm cá nhân cua mình về chủ đề được chọn.

 Nhưng có một dự án cá nhân rất đặc biệt đối với mình đó là “Thiên Nhiên”. Đó là dự án cá nhân dài hạn mang ý thức về sự chữa lành. Mỗi một tác phẩm trong đó đều được vẽ ra sau khi mình vừa trải qua một vấn đề của bản thân như sức khỏe, tâm lý hoặc nhận ra được một bài học gì đó rất quan trọng. Đó không chỉ đơn thuần là vẽ để lưu lại một kỷ niệm đặc biệt mà nó còn là sự giải tỏa. Nhiều người khóc để giải tỏa hay viết, hát, đập phá v,v, còn mình vẽ. Vẽ và vẽ. Ngoài ra vẽ cũng là cách để tìm ra vấn đề mà mình đang gặp phải. Màu sắc, hình thể trong tranh của mình phụ thuộc khá nhiều vào cảm xúc và thái độ của mình thời điểm đó, và chúng thay đổi liên tục. Việc phân tích lại các chi tiết đó cũng phần nào giúp mình hiểu rõ bản thân và dễ dàng tìm cách giải quyết hơn. 

“The Healing”

Dưới góc nhìn của một người trẻ làm sáng tạo tại thị trường Việt Nam, bạn nhận thấy thế hệ của mình đang có những khó khăn nào trong việc tiếp cận những giá trị truyền thống của dân tộc? Nếu có thể, Linh hãy chia sẻ những kinh nghiệm của bạn với các nhà sáng tạo trẻ trong việc đi tìm chất liệu này?

Theo quan điểm của mình, Việt Nam là một nước đang phát triển rất nhanh, có rất nhiều thứ mới mẻ hay ho du nhập về mà giới trẻ dễ dàng bị ảnh hưởng, thu hút và chúng cũng là những công cụ rất hữu hiệu để mọi người thể hiện cái tôi cá nhân. Vậy nên các đề tài truyền thống phần nào vẫn chưa đủ sức hút với giới trẻ. Các thông tin về đề tài truyền thống vẫn chưa đầy đủ và thông dụng, mọi người cũng chưa có thói quen tìm hiểu về những đề tài truyền thống. 

Điều đáng mừng mà mình thấy là trong vài năm gần đây, các bộ môn đường phố như nhạc rap đã được mọi người công nhận và trở nên rất phổ biến. Mọi người cũng bắt đầu sử dụng chất liệu truyền thống cho những sản phẩm của mình. Hơn nữa, việc lấy ý tưởng, cảm hứng từ truyền thống để tạo ra những thứ mới mẻ còn đang rất nhiều. Chúng ta thực sự có rất nhiều cơ hội với mảng đề tài truyền thống vì chưa nhiều người khai thác chúng theo hướng hiện đại. Trong tương lai gần, mình tin rằng việc khai thác đề tài truyền thống sẽ là một cuộc đua và những nghệ sĩ trẻ sẽ có cơ hội để phát triển rất nhanh. 

Linh có thể bật mí một chút về dự án hoặc kế hoạch gần nhất của bạn trong tương lai?

Trong năm nay mình đang có rất nhiều cơ hội hợp tác cùng những nghệ sĩ giỏi và mình sẽ tận dụng thời gian này để giao lưu và học hỏi thêm từ mọi người và trong nhiều mảng nghệ thuật khác nhau. Ngoài ra mình cũng sẽ làm thêm nhiều dự án tranh về Việt Nam hơn nữa. 

Thực hiện: May

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh do nhân vật cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

idesign signature interview may Thái Linh

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 03/2023
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 03/2023
/Maybe bạn nên … Đi/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ 1. Triển lãm ‘Alice ở…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Rembrandt 
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Rembrandt 
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Với niềm say mê đặc biệt dành cho nghệ thuật và tình yêu thiên nhiên ngay từ thuở bé, Tomoaki Murayama, một nghệ sĩ Nhật Bản đã tạo nên vô…