/Tách Lớp/ Những chi tiết ẩn trong bức ‘Chân dung Adele Bloch-Bauer I’ của Gustav Klimt
Xuyên suốt trong lịch sử hội họa thế giới, hiếm có ai miêu tả vẻ đẹp người phụ nữ sang trọng và lộng lẫy như cách Klimt từng thể hiện. Hương sắc tỏa ra từ nét trần tục quý phái được son sắc bởi những lá vàng lấp lánh, Klimt yêu hình tượng người phụ nữ hơn chính bản thể hiện hữu của ông nơi trần gian.
Nếu Adele của xứ sở sương mù khiến người ta mê mẩn vì giọng hát mạnh mẽ đầy nội lực thì “nàng Adele” của Gustav Klimt có thể cướp hồn bất kì kẻ đa tình nào trót luyến lưu hình bóng của cô. Là tác phẩm nằm trong Thời kì Vàng (Golden Phase) của danh họa người Áo, bức chân dung nàng Adele Bloch-Bauer I được xem là một trong những kiệt tác của hội họa thế giới.
Chúng ta vẫn thường biết đến Klimt với bức tranh nổi tiếng “The Kiss”(Nụ Hôn), nơi ông vẽ nên một tình yêu thật đẹp và nồng cháy. Họ đắm đuối trong miền hoang dại, bỏ quên thế giới xung quanh để miên man tận hưởng khoảnh khắc đôi lứa. Ở đó, người phụ nữ đắm chìm trong bể tình, cô yếu mềm và ngủ gục trên trên bờ vai của chàng trai để biến đó thành biểu tượng cho tình yêu mật ngọt.
Vậy, trong bức Chân dung nàng Adele Bloch-Bauer, hình tượng người phụ nữ ở đây có gì đặc biệt? Cùng chúng mình khám phá điều đó trong số Tách Lớp ngày hôm nay.
/Tách Lớp/ là loạt bài chúng mình cùng nhau trò chuyện về các tác phẩm hội họa nổi tiếng và tìm hiểu xem điều gì khiến chúng được yêu thích đến vậy.
Nghệ thuật thị giác
Là tác phẩm theo phong cách Art Nouveau (Tân Nghệ Thuật), người xem dễ dàng cuốn hút theo nhịp độ của bức tranh bởi vẻ ngoài bắt mắt, lấp lánh của ánh vàng chủ đạo. Đi cùng với đó là những họa tiết nhỏ theo lối trang trí lấp đầy mỗi khung hình thu hút thị giác. Người ghi chép tiểu sử của Gustav Klimt, Frank Whitford, đã mô tả bức tranh như một “ví dụ trau chuốt nhất về sự chuyên chế của trang trí” trong tác phẩm của người nghệ sĩ.
Về mặt hình thức, “Adele Bloch-Bauer I” miêu tả bức chân dung toàn cảnh người phụ nữ có lẽ trong tư thế đứng thẳng với hai tay chắp lại trước ngực và cô mặc một chiếc váy vàng kiêu xa. Klimt xây dựng 2 lớp cảnh nhưng khá khó để người xem phân định bởi nền vàng và bộ trang phục gần như tương đồng với nhau. Tuy nhiên, manh mối duy nhất để chúng ta nhận ra điều này là phần xanh lá ở phía dưới khi nó bị che khuất một phần do lớp cảnh của nhân vật nữ.
Bố cục khung hình được sắp xếp công phu và tuân theo quy tắc nhất quán. Hình ảnh người phụ nữ nằm ở vị trí 2/3 bên phải bức tranh dựa theo quy tắc bố cục thẩm mỹ 1/3. Bên cạnh đó, các khối tam giác cũng được Klimt khéo léo sắp đặt, ví dụ như tỉ lệ giữa mặt và khuỷu tay người phụ nữ hay khối tam giác lớn xuất hiện phía dưới bao trùm nhân vật.
Trong thiết kế hay thẩm mỹ, khối tam giác này có vai trò tạo nên sự chắc chắn cho đối tượng miêu tả, qua đó gợi mở một phần về địa vị nhân vật cũng như tính cách của họ.
Phần không gian âm màu xanh ở phía dưới được tận dụng để xây dựng tính đối lập trong bức tranh với tông màu trái ngược hoàn toàn (gam xanh lạnh so với vàng nóng của tổng thể). Không chỉ vậy, dải xanh này hoàn toàn trống trơn và thiếu vắng các họa tiết cầu kì. Từ đây, Klimt đã sắp đặt tính chuyển nhận thức người xem hướng lên phần trên để đặc biệt nhấn mạnh vào bộ trang sức của Adele.
Bên cạnh đó, tính đối lập còn xuất hiện ở trang phục của người phụ nữ, nó được đơn giản hóa hoàn toàn về mặt nhận thức không gian ở kích thước và cấu trúc vật thể. Chiếc váy trông giống như mặt phẳng hai chiều để lôi kéo thị giác người xem vào cơ thể của nhân vật chính: gương mặt, làn da – đây là yếu tố ba chiều duy nhất tồn tại trong bức tranh.
Về phần màu sắc, bức tranh nổi bật với màu vàng ánh kim. Nhưng chúng ta có thể nhận ra có sự đa dạng sắc được đan xen trong đó với đen, đỏ, lam và lục. Mảng màu tối (đen và lam) được sử dụng để phác họa hình bóng nhân vật bên dưới chiếc váy của cô, giúp tạo ra một sự tương phản nhỏ giữa 2 đối tượng là trang phục và cơ thể.
Màu đỏ son ở góc nhỏ phía trên là một cách để cân bằng với mảng xanh trơn phía dưới trong cặp màu bổ túc. Ngoài ra, chi tiết màu đỏ này còn để Klimt tạo hiệu ứng cộng hưởng cho màu hồng trên da của Adele. Giúp sắc thái trên gương mặt cô nổi bật hơn một chút so với ánh bạc lấp lánh xuất hiện ở vùng lân cận.
Câu chuyện xây dựng hình ảnh trong bức tranh
Bức tranh được thực hiện trong 4 năm từ năm 1903 đến 1907, trên thực tế đây không phải là một sáng tác thuần túy của Gustav Klimt mà là tranh đặt hàng do Ferdinand Bloch-Bauer, một ông chủ ngân hàng ủy quyền cho nghệ sĩ người Áo vẽ vợ mình. Để có được bản nét cuối cùng, Klimt đã phải phác thảo hơn 100 bản khác nhau của Adele trong 2 năm 1903-1904, một trong số chúng đã được ngài Ferdinand mua lại sau đó.
Trở về phong cách đặc trưng trong Thời kì Vàng (Golden phase), một chi tiết thú vị rằng bức chân dung Adele Bloch-Bauer vừa là tác phẩm mở đầu cho giai đoạn hoàng kim rực rỡ nhất trong sự nghiệp của ông nhưng cũng đánh dấu cho tác phẩm cuối cùng kết thúc cho giai đoạn này, nơi Klimt chịu ảnh hưởng nhiều từ nghệ thuật Cơ Đốc Giáo Hy Lạp – Byzantine.
Tháng 12 năm 1903, ông cùng với nghệ sĩ đồng nghiệp Maximilian Lenz đã đến thăm Vương cung thánh đường San Vitale ở Ravenna, Ý nhằm nghiên cứu chi tiết cách sắp đặt cũng như vẻ đẹp trên các bức tranh khảm vàng ở đây.
Không chỉ vậy, Nghệ sĩ người Áo còn lấy nguồn cảm hứng lấp lánh từ thế giới quan của mình về nghệ thuật Nhật Bản. Trong khoảng thời gian thập niên đầu thế kỉ 20, đã có một sự phát triển theo hướng thu hẹp khoảng cách giữa nghệ thuật phương Tây và phương Đông. Klimt học hỏi trường phái Rinpa trong hội họa Nhật Bản để sử dụng màu sắc bắt mắt và kỹ thuật trang trí vàng lá nổi bật, do đó chúng ta có thể thấy một chút tương đồng thẩm mỹ vể cấu trúc và chi tiết với nghệ thuật Sơn mài.
Một trong những điểm đặc biệt khác nữa ở bức chân dung mang đến dấu ấn cá nhân của Klimt trong nghệ thuật đó là các chi tiết hoa văn đặc trưng. Là họa sĩ theo đuổi trường phái Biểu Tượng, những hoa văn màu sắc ấy mang tính chiết trung khắc họa sâu sắc về đời sống tinh thần, gợi mở về thế giới trong những giấc mơ và đâu đó là tính dục của con người. Chúng ta có thể bắt gặp những chi tiết này trong các tác phẩm khác của ông như: The Embrace (Cái Ôm)-1905, The Tree of Life (Cây sự sống)-1909,….
Những họa tiết đa dạng này còn cho thấy sự giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau trong nghệ thuật của Klimt, ngoài cách sắp đặt vàng lá theo nghệ thuật Byzantine còn có: những con mắt trên chiếc váy của văn hóa Ai Cập cổ đại, các cuộn dây và vòng xoáy lặp đi lặp lại của thời kỳ Mycenaean. Trong khi khi đó những hoa văn khác được dựa theo các chữ cái của Hy Lạp.
Với tất cả những chi tiết đồ sộ này, Klimt muốn kể cho người xem điều gì?
Hình tượng người phụ nữ của Gustav Klimt
“Tôi chưa bao giờ vẽ chân dung tự họa. Tôi không đặt hình ảnh bản thân như một đối tượng trong nghệ thuật. Tôi muốn sử dụng kỹ thuật của mình để vẽ những người khác và đặc biệt hơn cả là hình tượng phụ nữ.” – Gustav Klimt.
Có thể thấy toàn bộ bức tranh là sự đan kết của những đường cong mềm mại, chúng gợi đến vẻ nữ tính và yếu mềm cho phái nữ. Hình ảnh nàng Adele “hiện thực” trong sự bao trùm bởi vàng bạc và trang sức đắt tiền đôi khi khiến nhiều người chê bai tính nghệ thuật của nó. Nhưng đó là một ý niệm sâu sắc mà họa sĩ muốn gửi gắm thông qua bức tranh.
Chủ nghĩa Biểu tượng là cách để nghệ sĩ không trực tiếp bày tỏ ý nghĩa về tác phẩm của mình một cách “trần trụi” như Hiện Thực hay Ấn Tượng mà ẩn giấu nó tinh tế trong mỗi nét vẽ để người xem đi tìm lời giải mã. Dường như ở đây, Klimt đang muốn ẩn dụ cho hình thái khác miêu tả về vị trí người phụ nữ trong xã hội đương thời.
Bloch-Bauer là một gia đình Do Thái thượng lưu ở Vienna, theo góc nhìn từ những gì Klimt xây dựng, Adele đang sống trong “một chiếc lồng vàng” kiêu xa, quyền quý. Cô ấy có mọi thứ mà người khác vô cùng mong muốn và ao ước.
Tuy nhiên, đây cũng chính là những điều khiến cô bị kìm kẹp và tước đi sự tự do. Biểu cảm trên khuôn mặt Adele mang một vẻ u sầu, thờ ơ và lãnh cảm, đôi tay khum lại không hề thoải mái. Rất có thể, Adele đã bị giằng xé giữa truyền thống và sự tiến bộ cởi mở theo hướng giải phóng phụ nữ. Những con mắt trên bộ váy của cô là “lá chắn bảo vệ” để chống lại cái nhìn tò mò từ xã hội nghiêm khắc ở Vienna dành cho mình.
Quá khứ của Adele cũng giống nhiều người phụ nữ cùng thời khác, vì những hạn chế tiêu chuẩn xã hội nên không được học hành đầy đủ và phải lấy chồng khi còn trẻ. Chỉ khi tiếp xúc với Klimt, cô mới có thể khám phá những sở thích của bản thân như nghệ thuật và tìm thấy chìa khóa của sự tự do cho mình.
Biên Tập: Hoàng
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Câu chuyện đằng sau tuyệt tác “Luncheon of the Boating Party” của Renoir (P1)
- 2. Câu chuyện đằng sau tuyệt tác “Luncheon of the Boating Party” của Renoir (P2)
- 3. Nàng thơ tóc đỏ Elizabeth Siddal cùng bi kịch có thực phía sau bức tranh ‘Ophelia’ ám ảnh
- 4. /Tách Lớp/ Sự yên tĩnh bí ẩn trong Nighthawks của Edward Hopper
- 5. /Tách Lớp/ Điều gì đã diễn ra trong Las Meninas của Diego Velázquez
- 6. /Tách Lớp/ Wanderer above the Sea of Fog - Chọn sự tĩnh lặng để hiểu rõ bản thân
- 7. Cách đọc tranh thời Phục Hưng
- 8. /Tách Lớp/ Say đắm trong điệu Valse du dương của “Dance at le Moulin de la Galette”
- 9. /Tách Lớp/ Hip, Hip, Hurrah! - Khúc ngân vang từ xứ Skagen
- 10. /Tách Lớp/ Điều gì khiến ta trót yêu màu nắng Sewing the Sail của Joaquin Sorolla