/Tách Lớp/ ‘Girl With A Pearl Earring’ có phải là một tác phẩm Ấn Tượng của Vermeer?

“Girl with a Pearl Earring mang vẻ đẹp quyến rũ kì lạ, hớp hồn người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tôi đã ngắm bức tranh này hơn 30 năm, và đến giờ vẫn chưa thôi mơ mộng về cô ấy” – Đôi dòng tâm tình của nhà văn Tracy Chevalier, tác giả cuốn tiểu thuyết hư cấu “Girl with a Pearl Earring” lấy cảm hứng trực tiếp từ bức tranh nổi tiếng của Danh Họa Vermeer.

Người ta vẫn thường nói rằng phụ nữ là một kì quan của thiên nhiên được tạo hóa ban tặng cho thế giới loài người, họ luôn rạng rỡ và đầy sức sống, lôi kéo ánh nhìn của nửa kia thế giới hay chí ít là nuốt trọn ánh mắt kẻ si tình. Và vì một lí do nào đó không hề hay biết, dòng suy nghĩ ấy đã đưa mình đến ngay tuyệt tác của Johannes Vermeer“Girl with a Pearl Earring” (tạm dịch: Cô gái với đôi bông tai ngọc trai). Để rồi một câu hỏi bỗng chốc lóe lên trong đầu “Liệu đó có phải là một tác phẩm ấn tượng của Vermeer?… vì một phút giây thoáng qua trong nháy mắt mà họa sĩ người Hà Lan muốn lưu giữ khoảnh khắc tuyệt đẹp ấy cho hậu thế sau này?”.

Girl with a Pearl Earring (khoảng 1665) – Johannes Vermeer
Kích thước: 44.5 cm × 39 cm

Điều đầu tiên có thể khẳng định “Girl with a Pearl Earring” không phải là một tác phẩm của trường phái Ấn Tượng. Bức tranh được vẽ vào thời kì hoàng kim của Nghệ thuật Hà Lan ra đời vào khoảng năm 1665, giữa thế kỉ 17. Trong khi Chủ nghĩa Ấn tượng bắt đầu hình thành ở gần cuối Thế kỉ 19, tức là 2 thế kỷ sau đó. Thế nhưng, nhà phê bình nổi tiếng người Anh, Norman Rosenthal đã từng nói rằng “Sẽ luôn có những ý tưởng táo bạo của thời hiện đại lẩn khuất đâu đó ở thì quá khứ”.

Carl Holsøe, họa sĩ ấn tượng của Nghệ thuật Đan Mạch luôn xem những tác phẩm của Vermeer làm niềm hứng sáng tác. Trong loạt bài “Lịch sử thiết kế đồ họa – Chủ nghĩa Ấn Tượng” có viết: “Những nghệ sĩ theo trường phái Ấn tượng luôn cố gắng tạo ra trên toan vẽ một “ấn tượng” về cách mà phong cảnh, sự vật và con người hiện diện trước họ vào một thời điểm nhất định” hay nói theo cách của Monet là “những khoảnh khắc cuốn hút mắt ta trong tức thì”.

Câu chuyện ra đời của nàng thơ với đôi bông tai ngọc trai luôn là điều bí ẩn chưa ai biết, nhà văn Tracy Chevalier từng xuất bản cuốn tiểu thuyết cùng tên vào năm 1999 để tưởng tượng những bí ẩn phía sau bức họa được xem là “Mona Lisa của phương bắc”. Vậy nếu dùng góc nhìn của chủ nghĩa ấn tượng ở trên để nói về kiệt tác của Vermeer, biết đâu chúng ta sẽ có buổi trò chuyện thú vị và cởi mở.

Rất vui được gặp lại các bạn trong chuyên mục Tách Lớp của iDesign.

/Tách Lớp/ là loạt bài chúng mình cùng nhau trò chuyện về các tác phẩm hội họa nổi tiếng và tìm hiểu xem điều gì khiến chúng được yêu thích đến vậy.


‘Màu sắc’ Ấn tượng

Là tác phẩm theo thể loại “Tronie” của thời kì Baroque, “Girl with a Pearl Earring” miêu tả chân dung một cô gái trẻ với bộ trang phục quen thuộc ở Hà Lan thế kỉ 17 đang đứng trong không gian tối bí ẩn, hiện lên nổi bật trên đó là biểu cảm thân mật, thu hút sự chú ý của người xem dành riêng cho cô.

/Tronie là thể loại được đặt cho các tác phẩm phổ biến trong hội họa Thời kỳ Baroque Flemish mô tả một biểu cảm trên khuôn mặt. Những bức tranh này không nhằm mục đích miêu tả chân dung mà là các nghiên cứu về cử chỉ, kiểu người, đặc điểm cơ thể hoặc nhân vật thú vị như một ông già, một phụ nữ, một thiếu nữ, người lính, người chăn cừu, người phương Đông, hay một người thuộc một chủng tộc cụ thể, v.v./

Một Tronie thường có phông nền màu tối trung bình và ánh lên những sắc để bổ trợ cho nhân vật chính, thế nhưng ở đây Vermeer lại sử dụng màu gần như đen hoàn toàn (một số nghiên cứu hiện đại chỉ ra nền của bức tranh đã được Vermeer phủ một lớp Xanh Orche nhưng không thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường). Cách sử dụng màu nền như vậy đến từ sự ảnh hưởng nghệ thuật của Caravaggio, Vermeer luôn thích những tác phẩm có độ tương phản cao và mạnh mẽ trên nền tối của danh họa người Ý.

Trích đoạn trong bức David with The Head of Goliath của Caravaggio

Tuy nhiên nếu Caravaggio xây dựng những nhân vật chính trong các tác phẩm của mình với ánh sáng ấm nóng bao phủ toàn bộ (giống như đèn chiếu trên sân khấu kịch) thì Vermeer lại cho thấy sự khác biệt một chút khi phổ quát màu rực rỡ và đa sắc hơn (khá giống chủ nghĩa ấn tượng). Dựa trên những nghiên cứu ánh sáng đã được xây dựng tỉ mỉ từ trước đó, ta có thể thấy ánh sáng trải đều trên nhân vật nữ, đặc biệt là khuôn mặt thanh tao với những góc khuất sáng uyển chuyển sử dụng Đỏ Orche và Nâu để miêu tả cảm giác mềm mại và nét yêu kiều cho cô.

Với 3 tông màu nhấn chính là: Vàng – Đỏ – Lam, Vermeer tạo nên hoà sắc cân đối cho tổng thể đối tượng, qua đó xây dựng khung hình tương phản cuốn hút với phần nền tối bí ẩn và cũng chính phần nền sâu thẳm này là công cụ “nâng đỡ” để các sắc tăng thêm một tông bắt mắt và dễ dàng tạo hiệu ứng không gian ba chiều cho nhân vật chính.

Ngoài ra, kỹ thuật Glazing trứ danh của Vermeer cũng đóng vai trò quan trọng. Ông sử dụng nhiều nét vẽ êm mịn để tạo khối chuyển được định hình bởi ánh sáng và bóng tối. Những nếp gấp trên áo hay khăn đội đầu có tuyến tính rõ ràng cho thấy bút lực với độ mạnh mẽ nhất định. Đỉnh cao của kỹ thuật Glazing có lẽ nằm ở viên ngọc trai, khi nó chỉ được hình thành từ hai nét vẽ. Một là nét của ánh sáng phản chiếu nhẹ nhàng, hai là vùng nhận sáng trực tiếp.


‘Khoảnh khắc’ Ấn tượng

Với những gì xuất hiện trong “Girl with a Pearl Earring”, bức tranh chiếm trọn mắt người xem bởi bố cục khiến chúng ta dễ dàng bao quát toàn bộ các chi tiết của 2 mảng lớn đối lập hoàn toàn với nhau. Ngoài được “chăm chút” cẩn thận về mặt ánh sáng và màu sắc, “Cô gái bí ẩn của Vermeer” còn có một biểu cảm gương mặt cực kì mê hoặc.

Bức tranh dưới góc độ đơn sắc để thấy rõ tính biểu tượng của nhân vật.

Những tác phẩm thuộc Trường phái Ấn Tượng đem đến cho khán giả góc nhìn khoảnh khắc thông qua nét vẽ lỏng và độ quyện màu rối để gợi nên tính dòng chảy và sự chuyển động của cảnh vật, con người có mặt trong bức tranh. Ví dụ dễ dàng để thấy rõ điều này chúng ta có thể nhìn qua trong “Woman with a Parasol” của Monet. Xây dựng nhân vật trung tâm là người phụ nữ, Monet tạo tính động cho tác phẩm bởi làn gió thổi phất qua mạng che mặt cũng như nếp gấp cuộn từng đợt trên váy Camille và cây cỏ nghiêng ngả dưới chân bởi những nét bút chấm phá.

Trở lại Cô gái với đôi bông tai ngọc trai, “tính động” đặc biệt này xuất hiện ở đâu?… Chúng không nằm ở bút pháp như Chủ nghĩa Ấn Tượng mà được Vermeer tạo dựng ở chuỗi cử động tinh tế của nhân vật chính. Một cái quay người nhẹ nhàng, bờ vai thả lỏng, gương mặt hơi hướng lên, đôi mắt tròn long lanh nhìn về phía trước và bờ môi hờ hững xinh đẹp. Những biểu cảm thân mật, gần gũi này khiến người xem có cảm giác nàng thơ ấy đang tồn tại thực sự trong không gian thực và cô đang hướng ánh mắt âu yếm dành cho chúng ta.

Mình tin rằng để có một loạt hành động liên tiếp mềm mại và thu hút như vậy, cô gái của Vermeer có lẽ đã điều chỉnh chuyển động cơ thể rất nhiều lần, cũng như họa sĩ Hà Lan phải nắm bắt thời điểm cực nhanh để lột tả khoảnh khắc trong ngần tuyệt đẹp đó. Chính vì hiệu ứng đặc sắc như vậy mà “Girl with a Pearl Earring” khác lạ hoàn toàn so với phần lớn các kiệt tác khác với khung hình tĩnh như ngưng đọng toàn bộ không – thời gian của Vermeer.


Vậy điều gì ẩn sau hình tượng của Cô gái bí ẩn này

Hình ảnh ngọc trai lấp lánh đầy kiêu sa tượng trưng cho sự thông thái và tinh khiết. Trong nền văn hóa Ai Cập cổ đại, ngọc trai còn được xem như nước mắt của các vị thần, một vẻ đẹp tinh khôi của tự nhiên. Vậy nên chúng thường gắn liền với vẻ đẹp của phái nữ và có lẽ viên ngọc trai ngoại cỡ mà Vermeer đặt lên đôi bông tai kia là sự tôn vinh vai trò của người phụ nữ trong gia đình, họ là người gìn giữ truyền thống và bảo vệ các giá trị đạo đức qua các thế hệ.

Ngoài ra, trong “Girl with a Pearl Earring”, Vermeer còn đặc biệt quan tâm đến bộ trang phục độc đáo của cô gái với chiếc khăn Turban xanh nổi bật và áo khoác đến từ văn hóa của người Thổ Nhĩ Kỳ. Không chỉ vậy, màu xanh Ultra Marine mà Vermeer sử dụng là loại bột màu quý hiếm thời bấy giờ đến từ vùng Afghanistan ngày nay và màu đỏ son được làm từ bọ sống trên cây xương rồng ở khu vực Nam Mỹ.

Một bức tranh như điểm quy tụ của nhiều đất nước, văn hóa khác nhau, phải chăng những vẻ đẹp tinh tú của thế giới rộng lớn đã chạm đến cô ấy và khuyến khích cô tìm kiếm những cuộc phiêu lưu kì vĩ hơn thế nữa ở bên ngoài? Theo lịch sử ghi chép lại, phần lớn cuộc đời của Vermeer gắn liền với vùng Delft nơi ông sinh ra và “Girl with a Pearl Earring” ra đời có phải là mong ước chu du thế giới để khám phá nhiều vùng đất mới của danh họa người Hà Lan?

Biên tập: Hoàng

Cùng tác giả

#Tag

baroque Cô gái với đôi bông tai ngọc trai Girl with a Pearl Earring Hoàng nghệ thuật hà lan thế kỷ 17 vermeer

iDesign Must-try

Điểm tin nghệ thuật thế giới Tháng 02/2023
Điểm tin nghệ thuật thế giới Tháng 02/2023
Trước những biến động của nền kinh tế, trái đất chúng ta đang sinh sống và tiến bộ của khoa học công nghệ, nghệ thuật vẫn đang đóng một vai…
Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
“Mình sẽ luôn chọn tết cổ truyền, bởi môi trường sống và các giá trị mình được truyền lại từ nhỏ.” – Lời tâm tình của Lổn Nương về những…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Tháng đầu tiên của năm 2022 các độc giả iDesign có gì mới không nhỉ? Riêng chúng mình thì có loạt điểm tin nghệ thuật nổi bật diễn ra trên…
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Bằng ngôn ngữ sáng tạo độc đáo của bản thân, Trung Bảo đang dần xóa nhoà ranh giới giữa âm nhạc và nghệ thuật thị giác, biến hai loại hình…
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Tọa lạc tại Jakarta, Indonesia, Mineral Cafe là không gian cafe cung cấp các dịch vụ về thức uống và đồ ăn tự chế biến với phương châm mang đến…
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Michelangelo được biết đến là nghệ sĩ nổi tiếng và đa tài của thế kỷ 16, ông là bậc thầy nghệ thuật với các kiệt tác điêu khắc vượt thời…