Soi Lòng Đọc Thơ Nam Thi trong triển lãm ‘Bảo tàng tan vỡ’

Ngày nay, khi mà văn hóa thị giác đang chiếm ưu thế hơn cả, vai trò, vị thế của thơ, của chữ nghĩa bỗng dưng bị lùi lại thì đâu đó vẫn có những con người ngày ngày say đắm với thơ ca, vẫn miệt mài mang những vần thơ hiện đại đến gần hơn với công chúng qua những cách tiếp cận rất mới. Nhân vật mà chúng mình muốn nhắc đến hôm nay chính là Nam Thi, một nghệ sĩ thực hành về thơ vừa mang ba tác phẩm của mình tham gia trưng bày tại triển lãm “Bảo tàng tan vỡ”, triển lãm thuộc chiến dịch “Yêu mới khó – Phòng ngừa HIV có ngại gì”. 

Nam Thi tên thật là Lê Viết Thi, sinh năm 1994 tại Hà Nội. Anh từng tốt nghiệp chuyên ngành Triết học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hiện tại, Nam Thi đang đảm nhận vai trò Phó Ban Biên Tập – tạp chí Men’s Folio Vietnam.

Nam Thi quan niệm: “Trong gian khó tôi tị nạn vào thơ”. Thơ là không gian cấp cứu của tâm tư. Nam Thi thực hành thơ với tinh thần phơi lòng mình một cách kín đáo bằng cấu trúc chữ gợi hình tượng. Với Nam Thi, sáng tác thơ là sáng tác chữ. Thơ cho phép chữ được giải phóng mình khỏi tính-tiêu-dùng, đứng độc lập như một thực thể tự do biểu hình, biểu nghĩa, biểu cảm mà không bị quy định bởi bất kỳ đường biên khái niệm nào. Nam Thi để chữ va đập, lạ hoá, hoặc đôi khi gợi lại từ thân quen nhưng vô tình bị đóng khung một nét nghĩa, để chữ được chuyển động.

Website | Facebook | Instagram

Tâm sự với iDesign, Nam Thi mô tả bản thân mình trong ba từ:

Cực Đoan, Đa Dạng, Thân Thiện nhưng không Dễ Gần

Bây giờ, hãy cùng chúng mình chiêm nghiệm bài thơ cùng tên với triển lãm “Bảo tàng tan vỡ”, sau đó trò chuyện với nhà thơ Nam Thi để khám phá xem một tác phẩm văn học khi được mang triển lãm thì sẽ như thế nào nhé!

Anh đã vui trong ngày em đến

và anh đã về với bảo tàng riêng anh

hôm nay em đi

anh về với bảo tàng tan vỡ

xin lỗi em

anh không mang ý thức bảo tàng tình yêu

anh bảo tàng những mảnh vụn tiêu điều tim anh

trong đêm đen

anh cô độc một mình

trong ngày trắng

anh cô độc một mình

một nghìn nhịp thở

anh cô độc một mình

anh giấu anh trong bảo tàng tan vỡ

anh tham quan những nỗi buồn phân mảnh lồng khung

anh tham quan những di tích tâm thần khai quật

anh tham quan những suối mắt chảy ngược trầm tích

ôi lịch sử tâm hồn anh

chứng tích tâm hồn anh

là những cuộc chiến tranh sâu thẳm

tĩnh mịch bảo tàng tan vỡ mênh mông

hôm nay em đi

anh lại là kẻ cô độc

hôm nay em đi

anh lầm lũi mở cửa

treo em vào bảo tàng tan vỡ

anh sẽ tham quan em

trong một ngày chợt nhớ.

Chào anh Nam Thi. Anh có thể giải thích một chút về ý nghĩa của bài “Bảo tàng tan vỡ”. Tác phẩm này có mối liên hệ như thế nào tới chủ đề của buổi triển lãm?

Đây là một điều rất tình cờ. Từ năm 2018, mình đã có một bài thơ mang tên“Bảo tàng Tan Vỡ” và bài thơ này đã được in trong sách. Đến khi nhận lời mời từ phía Ban tổ chức (The Lab Saigon và anh Nhật Võ – quản lý buổi triển lãm), mình đã sử dụng ngay tác phẩm thơ này kèm với hai bài thơ khác có liên quan nhiều đến tình yêu.

Bài thơ “Bảo tàng Tan Vỡ” liên quan trực tiếp đến tình yêu nhiều hơn. Hai bài thơ còn lại là những cảm thức, tâm tư cá nhân, là những trăn trở, suy nghĩ trong cuộc sống – đó là những sự vụn vỡ bên trong tâm hồn.

Về riêng “Bảo Tàng Tan Vỡ”, mình luôn cho rằng mỗi người đều nên có cái ý thức mà Nam Thi gọi là “ý thức bảo tàng”, chúng ta lưu giữ những mảnh thời gian mà chúng ta đi qua trong không gian cá nhân, dù vui hay buồn, nó đều có giá trị làm nên một con người ngày hôm nay và khi trở lại tham quan thì ta sẽ nhận ra mọi chứng tích đều long lanh cả.

Anh đã từng chia sẻ về buổi triển lãm rằng “Nếu có ai đó muốn tới tham quan không gian của ta, họ cần phải biết nhìn bằng con mắt thật thà”, vậy theo anh “con mắt thật thà đó” cần phải như thế nào?

“Con mắt thật thà” chính là bao hàm sự trong sáng, vô tư và yêu thương. Vì rõ ràng không gian của mỗi người sẽ đa dạng chứng tích, đâu chỉ có những điều đẹp đẽ thôi đâu, nên nếu không thật thà thì sẽ chỉ hiện lên toàn phán xét bởi những vụ lợi và tính toán mà thôi. Khi đã nỗ lực đi vào lòng ai đó rồi, thì biết nhìn bằng con mắt thật thà cũng quan trọng lắm đấy.

Thơ ca là thứ rất đỗi riêng tư, chuyện tình cảm cũng thế, nhất là đối với những người nhiễm HIV. Như vậy, việc không đề cập cụ thể câu chuyện cảm hứng nào do The Lab gửi về cộng với một hình thức tiếp cận “mở” như thế có phải là ý đồ để anh mang câu chữ, vần điệu tới người xem một cách rộng rãi hơn nhưng vẫn ý tứ và rất kín đáo không?

Khi Ban tổ chức gửi 1.096 câu chuyện thì mình cũng có ngồi đọc và nghiên cứu nội dung. Nhưng khi lựa chọn đưa vào tác phẩm thơ của mình thì mình lại không chọn một câu chuyện hay bối cảnh cụ thể nào cả. Mình đọc các câu chuyện ấy, mình cảm nhận. Với thơ, mình muốn tìm một cái nhìn tổng quan hơn. Khi đọc các câu chuyện, mình sẽ xem các câu chuyện ấy mang đến cho mình những cảm giác gì từ đó. Mình muốn các bài thơ của mình là một cầu nối để chuyển hóa, lan tỏa các câu chuyện về mặt cảm xúc đến với công chúng. Cá nhân mình sẽ không thích sử dụng câu chuyện đời tư để trở thành chất liệu một cách cụ thể. Thơ rất riêng tư, người viết thơ cũng rất riêng tư và người đọc thơ cũng rất riêng tư như vậy. Cho nên là, mình không cần phải cụ thể hóa bất kỳ câu chuyện nào, và mình đã không chọn bất kỳ câu chuyện cụ thể nào. Mình chỉ cảm nhận xem các câu chuyện đó mang đến cho mình những cảm xúc gì, và từ đó lan tỏa những cảm xúc đó trong các tác phẩm thơ của mình.

Quá trình hiện thực hóa ý tưởng trưng bày đã diễn ra như thế nào? Cụ thể anh và anh Nhật Võ đã phối hợp với nhau ra sao? Có điều gì thú vị anh muốn chia sẻ không?

Để triển lãm các bài thơ này, mình đã dùng bút chì viết tay trên vải canvas. Mình muốn làm sao chữ viết trên vải phải thật là mờ. Sau đó người xem phải dùng kính lúp soi vào mới có thể đọc được bài thơ đấy một cách trọn vẹn so với việc nhìn bằng mắt thường. Cách này cũng chính là thông điệp mà mình muốn nói đến: Không chỉ riêng với những người có HIV, mà đối với bất kỳ ai trong cuộc sống này, một khi đã muốn đi vào lòng của một ai đó, muốn hiểu hơn tâm tư của một ai đó, thì hành động dùng kính lúp để soi thể hiện rằng chúng ta phải biết nỗ lực, phải bỏ một chút công sức và hành động cụ thể thì mới đạt được mong muốn ấy. Còn nếu không thì xin mời bạn lướt qua như bao người khác mình gặp trong cuộc sống này. Nếu chúng ta không nỗ lực hiểu nhau hơn, lắng nghe nhau hơn, thì không sao cả, xin hãy tự nhiên lướt qua nhau như bao người đi ngoài phố.

Ý tưởng này đến từ khi mình đọc các câu chuyện của các bạn gửi về cho Ban tổ chức. Qua những câu chuyện đó, mình cảm nhận được rằng đằng sau chúng có một khao khát được chia sẻ, được nói lên câu chuyện cá nhân của mình. Và mình cũng có một cảm giác rằng: Có lẽ họ đã giữ những câu chuyện đó trong lòng quá lâu rồi, họ không dám nói ra hoặc bộc lộ ra, và cho đến ngày hôm nay họ mới có điều kiện để bày tỏ. 

Những câu thơ trên giấy canvas được viết thật mờ, giống như tâm hồn trước đây của họ, chưa dám nói ra những câu chuyện cá nhân, nhưng ngày hôm nay sẽ có những người bạn, hoặc thậm chí những người lạ, sẵn sàng thể hiện những nỗ lực, những tâm huyết thông qua việc cầm kính lúp để soi vào và đọc.

Ở đây, hình thức thể hiện của mình sẽ có sự đảo chiều một chút rằng: “Mọi người ơi, hãy bày tỏ một sự nỗ lực chân thành để đi vào lòng của các bạn ấy, đừng xa lánh. Khi ta chủ động cởi mở, các bạn ấy cũng sẽ chủ động cởi mở lòng mình. Câu chuyện của họ vẫn ở đấy, câu chuyện thơ của tôi vẫn ở đấy, rõ ràng không cần đợi phải có một tổ chức đứng lên kêu gọi thì họ mới có dịp được nói. Vì nếu đợi họ nói ra thì chúng ta sẽ không thể nào thay đổi toàn bộ bối cảnh của vấn đề xã hội này.”

Trong quá trình thực hiện tác phẩm cho triển lãm, anh Nhật Võ đã giúp mình rất nhiều. Thời đại hiện nay là thời đại về hình ảnh, về thị giác, vậy nên vai trò và vị thế của thơ, của chữ nghĩa bỗng dưng bị lùi lại. Cá nhân mình cảm thấy rất hạnh phúc khi mình là người thực hành về thơ có thể tham gia vào sự kiện triển lãm như vậy. Đây như một cuộc mang thơ trở lại với mọi người để công chúng hiểu rằng thơ hiện đại bây giờ có nhiều hình thức khác nhau hơn, có thể làm được nhiều thứ hơn, chứ không chỉ đơn thuần là bạn đọc thơ trên một cuốn sách.

Ban đầu khi mới tham gia dự án thì mình khá bỡ ngỡ vì mình không biết bằng cách nào có thể mang chữ thơ vào trong một không gian triển lãm, rất may anh Nhật đã hỗ trợ mình rất nhiều. Tụi mình đã phải thường xuyên gọi điện, trao đổi với nhau về việc Nam Thi phải làm thế nào để tác phẩm phù hợp với không gian triển lãm.

Và kể cả ngay bây giờ (thời điểm diễn ra triển lãm) cũng thế, lúc mình thực hiện xong tác phẩm thì ngày set up không gian, lắp đặt tác phẩm, cả ngày triển lãm mình lại ở Hà Nội nên là trăm sự mình đều nhờ anh Nhật.

Ngày hôm nay mình cũng rất vui khi nhận được rất nhiều hình ảnh của các bạn đi triển lãm thay mặt mình đứng với các tác phẩm thơ và chụp hình lại. Hoặc mọi người cũng rất từ tốn cùng nhau cầm kính lúp lên để soi. Tức là mọi người không đơn thuần lướt qua nhau, mà cũng đã chịu khó đi vào lòng một ai đó, đi vào thơ.

Vì sao anh lại sử dụng phương thức gợi cảm để viết thơ? Anh đã gặp những thuận lợi và khó khăn nào trong việc sử dụng cách tiếp cận này? Đây có phải là phương thức khai thác mà anh theo đuổi?

Đó là ý đồ của Nam Thi cho tác phẩm trong triển lãm lần này. Mình muốn tất cả mọi thứ mờ đi. Mình muốn gợi cảm, chứ không truyền cảm. Giống như 1.096 câu chuyện được gửi đến cho Ban tổ chức, tức họ có lòng muốn chia sẻ, thì những người đến xem triển lãm phải nỗ lực đi vào lòng họ. Mình lấy chuyên môn nghệ thuật của mình để khơi gợi điều đó lên. Và Nam Thi hy vọng rằng, những người đến xem triển lãm có thể bỏ ra một chút tâm huyết và nỗ lực để thưởng thức điều đó.

Như anh Nam Thi có chia sẻ, anh là nghệ sĩ duy nhất mang chữ nghĩa đến với triển lãm, cùng với việc văn hóa thị giác đang là xu thế hiện tại, điều đó có khiến anh e dè khi mang tác phẩm đến với triển lãm không?

Mình không e dè chút nào! Mình tự tin và tự hào. Ở mỗi thời đại khác nhau, với sự thay đổi của bối cảnh xã hội, có thể lĩnh vực nghệ thuật này lên hàng tiên phong, lĩnh vực kia lùi về hậu phương, nhưng giá trị thì không thay đổi.

Từ xưa đến nay, thơ vẫn luôn là môn nghệ thuật được xếp hàng cao cấp bậc nhất, nên mình cảm thấy vinh dự khi góp phần cho công chúng. Cụ thể hơn là những người trẻ hay bạn bè đồng trang lứa đều thấy hình thức diễn đạt thơ đã đa dạng hơn những gì mọi người thường nghĩ. Và thơ cũng có thể đứng độc lập trong không gian triển lãm.

Cuối cùng, mình cũng muốn nói rằng mình rất ngưỡng mộ các anh chị nghệ sĩ khác của những loại hình nghệ thuật khác nhau, vì xét cho cùng, thì thơ và văn chương, tất cả chất liệu đều ở trong đầu và không cần quá nhiều công cụ để thể hiện tác phẩm. Còn các bạn bè ở các loại hình nghệ thuật khác thì phải cần rất nhiều công cụ để tác phẩm có thể được hoàn chỉnh và ra mắt công chúng. Bản thân mình rất tôn trọng và ngưỡng mộ các bạn.

Qua buổi triển lãm, có thể thấy thơ đã có thể làm được rất nhiều thứ thiết thực hơn với nhiều hình thức tiếp cận khác nhau. Vậy anh nhìn nhận con đường của thơ hiện đại sắp tới sẽ như thế nào? Anh có thể chia sẻ một chút về con đường mà anh đang theo đuổi cũng như kế hoạch sắp tới của anh?

Để nói về thơ hiện đại sắp tới sẽ ra sao thì đó là một câu hỏi mang tính thời đại, nó phổ quát làm một cá nhân như mình không thể và cũng không dám đưa ra nhận định. Mình chỉ nghĩ rằng, đơn giản với con đường thơ của mình, mình lao động với nó một cách chuyên nghiệp, nghiêm túc và tử tế. Cốt lõi của thơ vẫn phải là giá trị thẩm mỹ ngôn ngữ mà tác phẩm truyền tải, còn lại tất cả các hoạt động là hình thức lan toả đến gần với độc giả ngày hôm nay.

Mình thích việc kết hợp thơ cùng các loại hình nghệ thuật khác nhau như hội hoạ, âm nhạc, vũ đạo…nhưng tất nhiên, thơ phải là nhân vật chính. Hy vọng mọi người sẽ đón nhận trong tương lai.

Thực hiện: May

Hình ảnh: Vero cung cấp

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Cùng tác giả

#Tag

bảo tàng tan vỡ idesign signature may Nam Thi soi lòng đọc thơ

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…