Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh: ‘Sân khấu chính là sự phản ánh chân thực của cuộc đời.’

So với một số loại hình nghệ thuật khác, kịch nói xuất hiện ở nước ta nói chung và Nam Bộ (trong đó có Sài Gòn – TP.HCM) nói riêng được xem là khá muộn. Tuy nhiên khi kịch nói xuất hiện ở Sài Gòn, bản thân nó đã bắt đầu mang đậm hơi thở của địa phương, khoác lên mình màu sắc và phong thái riêng biệt. Dần dà, kịch nói đã trở thành một loại hình nghệ thuật đặc sắc, phản ánh kịp thời những vấn đề của cuộc sống xã hội. 

Nhưng việc khai thác các chủ đề tâm lý xã hội gặp những khó khăn nào, những người làm kịch đã hoàn thành tròn trịa nhiệm vụ của mình ra sao? Hôm nay hãy cùng iDesign tâm sự với Hoàng Thái Thanh, sân khấu kịch trung thành với phong cách kịch này, để lắng nghe nỗi trăn trở của những người làm kịch nhé!

Website | Facebook | Instagram

Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh do hai nghệ sĩ Thành Hội và Ái Như đồng sáng lập vào năm 2010. Hoàng là họ của chồng nghệ sĩ Ái Như, còn Thái Thanh chính là tên của nữ danh ca mà cả nghệ sĩ Ái Như, Thành Hội đều yêu mến và dành một sự kính trọng đặc biệt. Do đó hai nghệ sĩ đã quyết định mượn tên của nữ danh ca để làm bút danh chung của sân khấu.

Danh ca Thái Thanh tên khai sinh là Phạm Thị Băng Thanh, sinh năm 1934 và mất năm 2020 ở tuổi 86. Bà được xem là một trong những giọng ca tiêu biểu của tân nhạc Việt Nam.
Nghệ sĩ sở hữu giọng hát đặc biệt, vừa mang màu của opera, song chịu nhiều ảnh hưởng của những loại hình nghệ thuật mà bà tự rèn luyện và học tập từ nhỏ như chầu văn, quan họ, chèo.

Trong thời gian đầu thành lập, Hoàng Thái Thanh đã xác định phong cách của sân khấu là khai thác chủ đề tâm lý xã hội – những vấn đề  tồn tại trong đời sống con người, gần gũi với khán giả và mang đậm giá trị nhân văn.

“Ở sân khấu, chúng tôi không làm bất kỳ điều gì khác với đời thực. Người nghệ sĩ đơn thuần chỉ mang những điều bình thường lên sân khấu, góp nhặt những chuyện đơn giản rồi biến vở kịch thành một tác phẩm vượt lên trên hai chữ ‘bình thường’”. – Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh.

Ngay từ những ngày đầu, Hoàng Thái Thanh đã xác định nhiệm vụ của sân khấu là mang đến những tác phẩm sở hữu nét đẹp về tinh thần lẫn giá trị văn hoá đến với các khán giả. Không đâu khác, đây chính là nguồn tài nguyên vô hạn của Việt Nam, rất đáng để gìn giữ và lưu truyền. Đó là tình làng nghĩa xóm giữa những con người mang kiếp nghèo khó, là nghĩa phu thê bao năm vẫn gắn liền bởi một lời hứa thủy chung hay những giá trị văn hoá đậm chất dân tộc như “cầm vàng mà lội qua sông/vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng”,…

Sau thành công của vở Nửa đời ngơ ngác, dường như sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh dần xác định thế mạnh của sân khấu và ngày càng đào sâu hơn vào hai khía cạnh: Một là, chuyển thể từ các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư qua các vở: Nửa đời ngơ ngác, Bao giờ sông cạn, Rau răm ở lại, Mơ trăng bóng nước…. Hai là nhuận sắc lại những tác phẩm của sân khấu cải lương một thời vang bóng, qua các vở: Sông dài, Lan và Điệp, Nửa đời hương phấn … Xin cho biết ý kiến của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh về khía cạnh này.

“Chúng tôi không dám tự nhận đó là thế mạnh của mình. Nói đúng hơn có lẽ là do chúng tôi cảm thấy được sự rung cảm và kết nối với các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, để có thể mường tượng ra một câu chuyện dài hơn bằng hình thức nghệ thuật sân khấu. Đó cũng là cái duyên giữa người nghệ sĩ và văn sĩ.

Còn với những tác phẩm cải lương vang bóng một thời, chúng tôi cho rằng việc chuyển thể của mình là một hành động giữ gìn nét đẹp của văn hoá nghệ thuật Sài Gòn. Bởi như đã nói ở trên, chúng tôi tin rằng Hoàng Thái Thanh có nghĩa vụ bảo tồn và mang đến những tác phẩm có nét đẹp về mặt tinh thần lẫn giá trị văn hoá. Thế nên, việc một lần nữa kể lại những câu chuyện cải lương vừa là cách chúng tôi hoàn thành sứ mệnh đó, vừa là mong muốn được mang đến cho khán giả những câu chuyện hay nhưng vẫn đậm chất Hoàng Thái Thanh.” 

Ngoài ra, để đáp ứng với thị hiếu khán giả hiện tại, đặc biệt là giới trẻ, trong những vở chuyển thể, các biên kịch và đạo diễn của Hoàng Thái Thanh đã mạnh dạn làm mới lại mạch kịch và các tình tiết quan trọng, khéo léo lồng ghép hơi thở đương thời vào những câu chuyện cũ, để truyền tải đến khán giả thông điệp: “Cho dù cuộc sống có cùng cực thế nào, vẫn còn có lối thoát cho một ngày mai tươi đẹp hơn.” 

Điển hình chính là vai The trong vở ‘Nửa đời hương phấn’. Ở bản cải lương gốc, sau khi liên tục gặp những bất hạnh trong tình yêu và cuộc đời, cô xuống tóc đi tu. Còn ở bản dựng của Hoàng Thái Thanh, chúng tôi kể lại câu chuyện khác đi bằng việc The không xuất gia mà chỉ làm công quả ở cửa Phật, làm lại cuộc đời. 

Khi ấy, chúng tôi đặt cho mình những câu hỏi ‘Tại sao cứ hễ thất tình là phải đi tu? Bây giờ đã là thế kỷ 21, phụ nữ thậm chí còn thành công ngang hoặc hơn đàn ông trong rất nhiều lĩnh vực. Có nhất thiết phải chấm dứt cuộc đời của một nhân vật như vậy hay không?’

Hay ngay cả bản dựng lại câu chuyện Lan Và Điệp, chúng tôi đổi tên thành ‘Lan Phải Sống’. Sau khi Điệp sa ngã, Lan cũng không đi tu mà chọn bước tiếp với cuộc đời của mình, cống hiến cho đời những ngày tháng tươi đẹp.” 

Làm mới những tác phẩm kinh điển khó như thế, nhưng đó vẫn chưa phải là vấn đề mà những người làm kịch thực sự trăn trở. Thách thức ở đây là làm sao để khán giả chịu tạm gác những giá trị mà người ta đã từng khắc cốt ghi tâm, từng được nghe truyền từ những thế hệ trước, để tiếp nhận một cách kể chuyện thực sự mới.

“Khó khăn lớn nhất có lẽ là làm sao để kể một câu chuyện mọi người đã biết nhưng vẫn đủ thu hút để khán giả phải xem. Hơn nữa, phải làm mới câu chuyện như thế nào để vẫn bảo tồn được giá trị của tác phẩm nhưng vẫn mang nét riêng, đậm đặc cái chất của Hoàng Thái Thanh.

Huỳnh Công Hiển – Quản lý Truyền Thông & Chiến Lược Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh

Trong những câu chuyện của Hoàng Thái Thanh, chúng tôi thường hướng tới một cái kết đẹp. Đẹp không có nghĩa  là kết thúc được tô màu hồng, ai cũng hạnh phúc mà là một đoạn kết thực tế (có thể là buồn đến rơi nước mắt)  nhưng phải có giá trị nhân văn với người xem, để khi ra về, khán giả phải ngẫm nghĩ lại và yêu thương cuộc đời  nhiều hơn một chút.” 

Có lẽ chính những nỗ lực trong việc trình bày một phiên bản khác, mang cá tính và chủ định rõ ràng như thế, những tác phẩm chuyển thể ở Hoàng Thái Thanh đều đủ sức nặng khiến người xem hết khóc lại cười, rồi thầm biết ơn những người nghệ sĩ đã hết sức cẩn trọng và chăm chút cho từng tác phẩm.

Vở Bạch Hải Đường tại sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh
Thiết kế: Qanbi

Với tư cách là một nhà làm kịch, Hoàng Thái Thanh có thể giúp các khán giả thấy được sự khác nhau của kịch nói khi xem trực tiếp với khi xem chiếu rạp? Tại sao phải đích thân đến sân khấu xem thì mới cảm nhận được hết cái hay của kịch nói?

“Tên của loại hình nghệ thuật có lẽ đã nói lên tất cả. Trong rạp phim, cho dù bạn có ngủ, phim vẫn chiếu, không ảnh hưởng gì đến ai. Ở sân khấu, người nghệ sĩ đang đứng trước mắt bạn, hoá thân thành một nhân vật khác với đời sống khác một cách chân thật. Sự chăm chú của khán giả và sự hoá thân của người nghệ sĩ cộng hưởng với nhau, tạo nên một thánh đường nghệ thuật, nơi mà mỗi khi cánh màn nhung mở ra, tưởng như đó là một khung cửa sổ giúp ta nhìn vào cuộc đời của những người khác, chứ không chỉ đơn thuần là một câu chuyện trên sân khấu nữa.” 

Những cuộc đời đó đã được Hoàng Thái Thanh khai thác như thế nào? Sự yêu mến của khán giả đã góp phần duy trì ngọn lửa bên trong những người nghệ sĩ ra sao? Hãy cùng iDesign khai mở các vấn đề qua cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Ái Như, đạo diễn sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh trong phần tiếp theo của loạt bài nhé!

Người phát ngôn: Huỳnh Công Hiển – Quản lý Truyền Thông & Chiến Lược Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh.

Thực hiện: May

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh: Nguyên Lộc, Hương Mapu

Nguồn: http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/159208/


/Nghe Hoàng Thái Thanh trải lòng về sân khấu kịch nói/ là loạt bài kể về tâm tình của những người làm kịch tại sân khấu Hoàng Thái Thanh. Những người nghệ sĩ đã hết sức chăm chút và tỉ mẫn trong từng tác phẩm để gửi gắm đến các khán giả những giá trị đời thường nhưng cũng rất đỗi nhân văn, đồng thời góp phần làm giàu đẹp hơn kho tàng văn hóa kịch nghệ của nước nhà.

Cùng tác giả

#Tag

may nghệ thuật nghệ thuật sân khấu sân khấu Sân khấu kịch Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh Series Nghe Hoàng Thái Thanh trải lòng về kịch nói

iDesign Must-try

Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính (Phần 3)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính (Phần 3)
“Nghệ thuật không có lịch sử – chỉ có một hiện tại tiếp diễn… Cái hiện tại không ngừng của nghệ thuật! Velázquez, Goya, Manet đều nằm trong một dòng,…
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 2)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 2)
Trong hơn hai thập kỷ không ai thành công trong việc khái quát về nghệ thuật đương đại. Đầu tiên là mối lo sợ về chủ nghĩa bản chất, tiếp…
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 1)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 1)
Nghệ thuật đương đại là một phần của cuộc đối thoại văn hóa liên quan đến các khuôn khổ bối cảnh lớn hơn như bản sắc cá nhân và văn…
Triển lãm cá nhân của Hà Ninh Pham: ‘Fugitive Zone’ sắp sửa mở cửa đón công chúng tại Paris
Triển lãm cá nhân của Hà Ninh Pham: ‘Fugitive Zone’ sắp sửa mở cửa đón công chúng tại Paris
Đã 7 năm kể từ khi Hà Ninh Pham bắt đầu xây dựng cho mình một thế giới riêng trong dự án My Land [1] (Đất Mình), từ lúc còn…
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…