Nghệ sĩ Ưu tú Tuyết Thu: ‘Không thể nói không với bất kỳ một vai diễn nào’ (Phần 1)

“Được sắm nhiều dạng vai khác nhau, với người diễn viên, là cảm hứng để theo đuổi với nghề. Hơn nữa, đó là điều cần và phải của người diễn viên.” Có lẽ, tình yêu dành cho sự nghiệp diễn xuất của Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Tuyết Thu còn nhiều hơn những gì chúng ta có thể nhìn thấy trên sân khấu hay truyền hình. Đó là niềm đam mê kéo dài suốt hàng chục năm, từ niềm yêu thích những vở cải lương lúc nhỏ đến hành trình hoàn thiện kỹ năng để luôn sẵn sàng cho mọi vai diễn.

Là gương mặt quen thuộc của biết bao khán giả Việt qua những bộ phim, vở kịch nhưng ít ai biết rằng con đường theo đuổi niềm đam mê của NSƯT Tuyết Thu còn gắn cả với bộ môn cải lương và múa. Một cách tự nhiên nhất, tình yêu dành cho nghệ thuật lớn lên trong cô từ những vở cải lương lúc quây quần bên chiếc tivi mỗi buổi chiều, khi mọi công việc của ngày đã tạm được gác lại. 

Cũng như bà con mình thời bấy giờ và có khi còn hơn thế nữa, cải lương là sự thu hút mạnh mẽ đối với NSƯT Tuyết Thu. Những câu thoại cùng dáng vẻ, phong thái trên sân khấu của các nghệ sĩ gạo cội ngày xưa đều được tái hiện qua giây phút hóa thân của trẻ thơ từ những bộ trang phục quá khổ của mẹ. 

Người cậu ruột là một soạn giả cho những vở cải lương của đài phát thanh, những buổi tập hát cùng đàn tân cổ với con của cậu và sự ủng hộ từ bạn bè những năm cấp 3. Tất cả đã góp phần tạo nên tiền đề cho niềm say mê nghệ thuật ấy. “Và tôi đã bạo gan đăng ký để thi vào Khoa Cải lương của Trường Nghệ thuật sân khấu 2.”

“Chắc có lẽ ông trời đã sinh ra và cho mình cái năng khiếu cùng đam mê dành cho bộ môn nghệ thuật cải lương.” (cười)

– NSƯT Tuyết Thu.

Nhắc đến cải lương, đặc biệt là tuồng cổ, NSƯT Tuyết Thu luôn dành sự yêu mến đặc biệt, cứ như đã trở thành một phần của ký ức, của tuổi thơ. Những bậc lão bối cùng các vở diễn kinh điển như Tiếng Trống Mê Linh, Bên Cầu Dệt Lụa của cố Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Nga, Tô Hiến Thành Xử Án của nghệ sĩ Bạch Lê, Bão Táp Nguyên Phong của nghệ sĩ Bạch Mai, nghệ sĩ Thanh Thế và còn rất nhiều tác phẩm khác đã thôi thúc cho niềm say mê ấy lớn dần.

Cùng với những lần tự sắm vai tại nhà, dần dà, cái chất của nghề diễn như thấm vào trong tâm và được mài dũa thành kỹ năng, phong thái, vũ đạo khi bước lên giảng đường đại học. 

“Không phải đa đoan, đó là may mắn”

Không trực tiếp bắt đầu với diễn xuất, nơi để lại dấu ấn mạnh mẽ trong sự nghiệp của mình, NSƯT Tuyết Thu đã có một khoảng thời gian khá dài chuyển hướng từ cải lương sang múa rồi đến sân khấu và cuối cùng là điện ảnh. Khi được hỏi về những kiến thức đặc thù và kỹ năng chuyên môn đã hỗ trợ bộ môn diễn xuất thế nào, NSƯT Tuyết Thu chia sẻ: 

“Có người từng hỏi rằng có phải con đường nghệ thuật của tôi hơi đa đoan quá nhưng riêng tôi lại thấy rằng đó là điều rất may mắn. Vì nếu không tham gia khóa cải lương đó, không có cơ may để bén duyên cùng bộ môn múa thì có lẽ bây giờ tôi sẽ cảm thấy mình là một diễn viên thiếu sót.”

NSƯT Tuyết Thu trong khoảng thời gian tham gia biểu diễn bộ môn múa.

Có lẽ, con đường nghệ thuật qua nhiều bộ môn cũng là cái duyên đáng trân quý, cái duyên giúp người nghệ sĩ hoàn thiện bản thân cả về vốn kỹ năng lẫn nhân sinh quan về nghề diễn. 

“Đã là một người diễn viên, nếu có được đủ những kỹ năng về các bộ môn nghệ thuật khác thì đó là một yếu tố rất quan trọng. Cho nên tới giờ phút này, tôi rất tự tin vào bản thân mình, rằng tôi không ngại bất cứ một vai diễn nào cả.”

“Bản thân tôi từ xưa đến nay, khi đọc sách, những mẩu truyện hay lúc đi trên đường, đều lưu trữ lại những gì mình thấy, mình nghe, mình đọc. Quan sát xung quanh, từ cô bán chè, bán cá, cô hàng xóm đến những người bạn của mẹ… như đã thành thói quen, đi đâu cũng quan sát. Hay cả những câu chuyện khi về nhà mẹ, mấy chị em tụ tập kể cho nhau nghe ai đó, ở đâu, xảy ra chuyện gì hay hoàn cảnh người ấy ra sao… đều được thu nhặt và lưu lại hết ở trong đầu. Mớ hình ảnh cứ ở đó, trong trí nhớ và khi mình đọc kịch bản, có nhân vật tương tự thì sẽ lấy tư liệu đó ra từ ký ức.”

Một trái tim để cảm nhận rõ nét những rung cảm xung quanh, một trí nhớ đặc biệt lưu lại dáng hình và tính cách cùng góc nhìn phân tích cho từng lớp diễn, dường như những mảnh ghép để giúp người diễn viên thật sự sống với nhân vật đều hội tụ tại đây. Cùng với ý đồ của đạo diễn, bằng cái tâm cho nghề và vốn sống sâu sắc, nghệ sĩ Tuyết Thu đã khắc họa nên hình ảnh các nhân vật của mình, một cách chân thực nhất.

Với NSƯT Tuyết Thu, ngay cả trong một dạng tính cách cũng có thể được thể hiện bằng nhiều sắc thái khác nhau: “Hiền thì cũng sẽ có nhiều kiểu hiền chứ không phải một nét diễn như vậy không thôi. Hiền ở từng hoàn cảnh, từng tính cách nhân vật, khi cam chịu, lúc phản kháng, ở người trầm tính và bốc đồng, đều khác nhau cả.”

“Ngày trước, khi tôi học cải lương thì được cô chủ nhiệm giao cho những vai tính cách như con của bà hội đồng, ông hội đồng, chảnh chọe, chứ không phải là vai hiền đâu. Không hiểu sao sau này, khi bén duyên với kịch, truyền hình lại được phân những vai hiền không thôi. Có vẻ như là các cô chú đạo diễn, anh, chị lớn gặp mình rồi ‘thấy mặt đặt tên’ luôn.” (cười).

“Nhiều khi đọc kịch bản, thấy những vai phản diện có tính cách hay quá, tôi muốn xin những vai đó, mặc dù ít phân đoạn hơn cũng không sao. Mà đạo diễn không cho. Rất hiếm để mình được chọn vai, có thể nói là không có. Mình cũng muốn đổi những vai gai góc, nhiều dạng tính cách hơn nhưng mà bây giờ làm sao mà đổi được.” – NSƯT Tuyết Thu bộc bạch.

Kể về một lần được chọn vai bà Mười Một trong phim Sông dài, NSƯT Tuyết Thu hào hứng nhớ lại: “Lúc đó, bản thân đạo diễn và NSX cũng mong tôi chọn vai kia, nhưng đọc xong kịch bản thì tôi chọn ngay vai bà Mười Một. Tính cách khác hoàn toàn với các vai từ xưa đến nay của mình và bản thân cũng mê đắm cái vai đó, rất dí dỏm và dễ thương.”

Dù là ở phim truyền hình hay kịch nói, NSƯT Tuyết Thu luôn mong muốn có thể hóa thân thành nhiều vai diễn đa dạng hay khai thác nhân vật từ các góc cạnh tâm lý khác biệt. Từ những vở diễn của Nhà hát Kịch Thành phố đến sân khấu 5B rồi sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, hình ảnh người nghệ sĩ yêu nghề ấy đã dần tỏa sáng bằng niềm đam mê, trải nghiệm từ đa dạng bộ môn nghệ thuật và cả sự học hỏi từ các bậc tiền bối. 

Là một nghệ sĩ tận tâm với nghề, trong mỗi dự án, mỗi sân khấu, NSƯT Tuyết Thu luôn cố gắng để truyền đạt những cảm xúc chân thật nhất đến khán giả. Hãy cùng hiểu thêm về một mảnh ghép trong sự nghiệp diễn xuất của NSƯT Tuyết Thu, cơ duyên đưa người nghệ sĩ đến ngôi nhà hơn 10 năm gắn bó – sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, trong phần tiếp theo nhé!

Thực hiện: Mamminus

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh do nhân vật và sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cung cấp


/Nghe Hoàng Thái Thanh trải lòng về sân khấu kịch nói/ là loạt bài kể về tâm tình của những người làm kịch tại sân khấu Hoàng Thái Thanh. Những người nghệ sĩ đã hết sức chăm chút và tỉ mẫn trong từng tác phẩm để gửi gắm đến các khán giả những giá trị đời thường nhưng cũng rất đỗi nhân văn, đồng thời góp phần làm giàu đẹp hơn kho tàng văn hóa kịch nghệ của nước nhà.

Các bài khác cùng chủ đề

  1. Kịch nói miền Nam – quá trình hình thành, phát triển và vị thế trong giai đoạn hiện nay
  2. Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh: ‘Sân khấu chính là sự phản ánh chân thực của cuộc đời.’

Cùng tác giả

#Tag

mamminus nghệ thuật nghệ thuật sân khấu NSƯT Tuyết Thu sân khấu Sân khấu kịch Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh Series Nghe Hoàng Thái Thanh trải lòng về kịch nói

iDesign Must-try

Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 1)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 1)
Nghệ thuật đương đại là một phần của cuộc đối thoại văn hóa liên quan đến các khuôn khổ bối cảnh lớn hơn như bản sắc cá nhân và văn…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Có thật là ta sắp tiến tới một thời đại không gian-thời gian mới, nơi những sản phẩm của ta sẽ hoàn toàn mang tính chân thực, đưa người xem…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Bên trong khu rừng và khám phá sự kỳ diệu của nấm cùng Moritz Schmid
Bên trong khu rừng và khám phá sự kỳ diệu của nấm cùng Moritz Schmid
Moritz Schmid, một chuyên gia về nấm của Hiệp hội Nấm học tại Đức đã biến hành trình nghiên cứu sinh vật này thành chuỗi sáng tác nghệ thuật của…
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Tìm hiểu chi tiết hơn về các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ trong khuôn khổ triển lãm Nghệ thuật Kỹ thuật số nổi bật của thời đại…