Nghệ sĩ Ưu tú Tuyết Thu: ‘Không thể nói không với bất kỳ một vai diễn nào’ (Phần 2)

“Đến tháng 10 này là tròn 11 năm gắn bó với sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh và kỷ niệm ở đây thì nhiều vô kể…” Bén duyên với sân khấu từ những ngày đầu thành lập, NSƯT Tuyết Thu được biết đến như một trong những diễn viên trụ cột tại nơi đây qua rất nhiều vở diễn. Sống hết mình với nhân vật mỗi lần bước ra sân khấu, NSƯT Tuyết Thu đã chạm đến trái tim của biết bao khán giả phía dưới sân khấu.

Nhắc về nghệ sĩ Thành Hội và nghệ sĩ Ái Như, NSƯT Tuyết Thu bày tỏ sự tôn kính: “Anh Thành Hội và chị Ái Như đã theo sát để hướng dẫn, chỉ dạy tôi rất nhiều. Hai anh chị như những người thầy của tôi trên sân khấu.” 

“Tôi đã cộng tác cùng anh Hội và chị Như trong các vở diễn ở Nhà Văn hóa Lao động, rồi đến sân khấu kịch 5B. Lúc đó, khi có những vở của anh Hội và chị Như dựng thì mình cũng sẵn sàng tham gia để vừa làm, vừa học. Rồi khi hai anh chị thành lập sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, có nhã ý cùng các nghệ sĩ làm chung những dự án. Mình cũng muốn tiếp tục theo anh chị để học hỏi với một phần mình cũng đam mê, cũng muốn được thể hiện những vai diễn khác nhau nên đã đồng ý về cộng tác.” – NSƯT Tuyết Thu chia sẻ về cơ duyên cùng sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh. 

(Từ trái qua) NSƯT Tuyết Thu và nghệ sĩ Ái Như trong vở Bên Kia Nửa Đời Ngơ Ngác.

“Mỗi vai diễn, mỗi nhân vật đều là kỷ niệm”

“Có những vở diễn không nhớ được tên nhưng tất cả các vai diễn trong đó, tôi đều nhớ hết. Nếu phải chọn vai nào ấn tượng nhất thì sẽ rất khó, vì vai nào cũng mê, vai nào cũng thích, mỗi vai lại có cái ấn tượng riêng.” – Với NSƯT Tuyết Thu, mọi vai diễn, mọi nhân vật đều là một kỷ niệm rất riêng.

“Cũng không biết vì bí ẩn gì đó mà cứ sau mỗi vở kịch mới ở sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh là chân lại có một vết sẹo.” (cười) – NSƯT Tuyết Thu chia sẻ về điều thú vị mà có lẽ cũng là điểm đặc biệt khi nhắc về nơi đây. Khi đã cùng đồng hành với sân khấu gần 11 năm, người nghệ sĩ đã lưu giữ biết bao vui cười trong thời gian tập dượt và cả những rung cảm sâu lắng trên sân khấu. 

Nhưng đặc biệt nhất phải kể đến ngày sinh nhật của sân khấu – đúng vào Ngày lễ Tình nhân. “Mỗi lần sinh nhật sân khấu là một lần ôn lại kỷ niệm. Vui và nôn nao lắm, không chỉ tôi mà mọi thành viên của sân khấu đều mong đến ngày ấy.”

Nghệ sĩ Thành Hội, nghệ sĩ Ái Như, NSƯT Tuyết Thu cùng nhiều nghệ sĩ khác trong đêm kỷ niệm sinh nhật lần thứ 11 của sân khấu Hoàng Thái Thanh.

Cái cảm xúc thật của người nghệ sĩ khi diễn trên sân khấu nó đầy ắp lắm. Con người mà, cũng có những lúc mình mệt, mình bệnh, mình buồn nhưng cứ mỗi lần bước ra sân khấu là mình quên hết. Rồi cứ diễn hết cái nghẹn ngào đó dù trong cánh gà mình đã tự nhủ rằng thôi hôm nay bệnh rồi, hạn chế khóc nha.” 

Mỗi vở diễn có thể chỉ vỏn vẹn trong hai tiếng rưỡi, ấy vậy mà người nghệ sĩ đã mang toàn bộ những cung bậc cảm xúc, từ cao trào đến thoái trào, vui buồn hờn giận của nhân vật để mà kể lại cho khán giả. Câu chuyện và cuộc đời của vai diễn ấy cứ thế mà hiện lên, rõ nét và sống động. “Mỗi đêm diễn đều là những cảm xúc trực tiếp truyền đến cho khán giả, nếu mình sai sót thì ray rứt lắm. Người khán giả trong đêm diễn đó họ chỉ xem và cảm nhận được vào đúng cái đêm hôm đó thôi, nên nếu không truyền tải được trọn vẹn thì sẽ cảm thấy rất có lỗi với khán giả.” – NSƯT Tuyết Thu chia sẻ.

Mỗi vai diễn như một cuộc đời, một số phận được tua nhanh và người diễn viên phải truyền tải hết từng khía cạnh tâm lý đến khán giả, để họ cảm được nhân vật qua từng giai đoạn, từng bối cảnh. “Có những vai diễn mang hai màu sắc đối lập. Lúc đầu là hình ảnh một cô vợ ham vật chất, đi tố cáo chồng mình để rồi sau này, khi phải lãnh chịu hậu quả thì vai diễn lại mang nhiều màu sắc nội tâm hơn. Mình phải lật ngược cảm xúc và tìm cách biểu đạt thế nào để phần đầu người ta ghét mà phần sau người ta lại thương.” – NSƯT Tuyết Thu chia sẻ về vai Nhung trong Bạch Hải Đường.

Kể từ khi Sài Gòn tạm cho nhau khoảng cách, đến nay cũng đã được 4, 5 tháng. Xa nhau, xa cái nơi thường đến, ai cũng sẽ có cảm giác nhớ và người diễn viên trên sân khấu cũng vậy.

“Chắc không phải riêng tôi đâu mà tất cả các anh chị em nghệ sĩ cũng sẽ có cảm xúc như vậy. Cứ vào cái giờ mà đáng lẽ ra mình phải ngồi vào bàn makeup để chuẩn bị đi diễn thì cứ ngẩn người ra: ‘Giờ này là mình đang làm cái gì nè chứ không phải ngồi ở đây.’ Rồi nhiều khi đang ngồi ở nhà, bất chợt xem đồng hồ: ‘Giờ này là bắt đầu chuẩn bị cảnh 3 nè, lúc này là hết cảnh 4, rồi đến giờ giải lao.’” – NSƯT Tuyết Thu chia sẻ về cảm giác ở những ngày đầu giãn cách. 

“Nhiều lúc ở nhà tới giờ đó mình cũng không biết phải làm gì? Nó cứ trống rỗng ra vậy đó.”

Cái buồn, cái nhớ, nó cứ lẩn quẩn rồi biết bao ký ức, những câu thoại, những phân cảnh lại hiện về trong tâm trí. Thèm được diễn, thèm những buổi hội tụ và tập dượt, cái cảm giác mà chắc chỉ có những ai đã trót dành tặng cả trái tim cho nghề diễn mới hiểu được. 

Thời gian giãn cách, có lo âu, có hoang mang đó, nhưng có lẽ điều tốt đẹp cũng vì vậy mà càng hiện lên rõ hơn. Những đôi tay đưa ra, những tấm lòng rộng mở, những giọt mồ hôi rơi xuống để nụ cười được nở trên môi và cả sự chờ đợi, mong ngóng của khán giả với sân khấu, ấm lòng lắm. 

“Sau thời gian giãn cách, khi trở lại thì tình cảm của mọi người, của khán giả dành cho nghệ sĩ, cho sân khấu sẽ càng ngập tràn, đầy ắp hơn, bù lại cho mấy tháng xa cách.” – Điều mà NSƯT Tuyết Thu muốn gửi đến mọi người bên cạnh lời chúc sức khỏe và bình an. 

Đó cũng chính là cảm xúc mà NSƯT Tuyết Thu dành cho khán giả của mình: “Đã một thời gian dài không có cơ hội được đứng trên sân khấu để truyền tải cảm xúc đến cho khán giả, đó cũng là điều làm Thu rất nôn nao. Mong thời gian này sẽ trôi qua nhanh để được gặp lại khán giả, để lại có được những cái ôm thắm thiết của khán giả dành cho mình cũng như là tình cảm của Thu dành cho khán giả.”

Thực hiện: Mamminus

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh do nhân vật và sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cung cấp


/Nghe Hoàng Thái Thanh trải lòng về sân khấu kịch nói/ là loạt bài kể về tâm tình của những người làm kịch tại sân khấu Hoàng Thái Thanh. Những người nghệ sĩ đã hết sức chăm chút và tỉ mẫn trong từng tác phẩm để gửi gắm đến các khán giả những giá trị đời thường nhưng cũng rất đỗi nhân văn, đồng thời góp phần làm giàu đẹp hơn kho tàng văn hóa kịch nghệ của nước nhà.

Các bài khác cùng chủ đề

  1. Kịch nói miền Nam – quá trình hình thành, phát triển và vị thế trong giai đoạn hiện nay
  2. Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh: ‘Sân khấu chính là sự phản ánh chân thực của cuộc đời.’

Cùng tác giả

#Tag

mamminus nghệ thuật nghệ thuật sân khấu NSƯT Tuyết Thu sân khấu Sân khấu kịch Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh Series Nghe Hoàng Thái Thanh trải lòng về kịch nói

iDesign Must-try

Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 2)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 2)
Trong hơn hai thập kỷ không ai thành công trong việc khái quát về nghệ thuật đương đại. Đầu tiên là mối lo sợ về chủ nghĩa bản chất, tiếp…
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 1)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 1)
Nghệ thuật đương đại là một phần của cuộc đối thoại văn hóa liên quan đến các khuôn khổ bối cảnh lớn hơn như bản sắc cá nhân và văn…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Có thật là ta sắp tiến tới một thời đại không gian-thời gian mới, nơi những sản phẩm của ta sẽ hoàn toàn mang tính chân thực, đưa người xem…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Bên trong khu rừng và khám phá sự kỳ diệu của nấm cùng Moritz Schmid
Bên trong khu rừng và khám phá sự kỳ diệu của nấm cùng Moritz Schmid
Moritz Schmid, một chuyên gia về nấm của Hiệp hội Nấm học tại Đức đã biến hành trình nghiên cứu sinh vật này thành chuỗi sáng tác nghệ thuật của…