Rồng Phạm chia sẻ cái khó khi vẽ minh họa sử Việt: ‘Không dễ tìm được tư liệu lịch sử tham khảo’

“Sự tích Hồ Gươm là câu chuyện cổ tích đã gắn liền với bao thế hệ trẻ thơ Việt Nam. Lần vẽ này mình muốn tham khảo nhiều về cách họa sĩ xưa đi nét, kết hợp với chất liệu digital (kỹ thuật số) lâu nay mình vẫn dùng…” để tái hiện lại hình hài nhân vật thêm phần sống động và tạo dấu ấn thị giác cao hơn cho người đọc, người xem. 

Rồng Phạm là họa sĩ vẽ tranh minh họa Việt Nam, anh bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp của mình vào đầu những năm 20 tuổi bằng việc vẽ minh họa sách ảnh và bìa nghệ thuật cho nhiều nhà xuất bản (NXB) trong nước. Anh cũng đã từng vẽ minh họa sách thiếu nhi cho một số NXB Trung Quốc, Malaysia và Hàn Quốc. Hiện Rồng đã có hơn 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sách ảnh và minh họa quảng cáo.

Mình thấy đây không phải lần đầu bạn hợp tác với NXB Kim Đồng. Bạn có thể chia sẻ nhiều hơn về cơ duyên này? Sự kết hợp này có bị tác động bởi yếu tố đặc biệt nào không? 

Thực ra mình và một anh nữa tên Vinh đã vẽ với NXB Kim Đồng nhiều lần rồi, nhưng với bút danh là Vườn Illustration. Những cuốn sách đầu tiên tụi mình vẽ là series sách Susu Gogo của tác giả Dương Thụy, vài minh họa nhỏ trong sách artbook Năm mùa năm 2018 hay Nhâm Nhi Tết năm 2019. Gần đây tụi mình muốn trải nghiệm kiểu vẽ dân gian hơn, Á Đông hơn qua tập sách Câu đố, Đồng dao cho bé và cuốn Sự tích Hồ gươm. Những cuốn sách này tụi mình làm việc trực tiếp với anh Vũ Xuân Hoàn, là biên tập viên của NXB Kim Đồng.

Không có nhiều tư liệu lịch sử tham khảo

Các đề tài liên quan đến lịch sử dân tộc luôn nhạy cảm và dễ gây tranh cãi. Bạn có thể chia sẻ thêm về quá trình nghiên cứu đề tài trước khi cầm bút?

Trong quá trình sáng tác, tất nhiên mình phải nghiên cứu và tìm tư liệu nhiều. Tuy nhiên, không tránh khỏi việc phải phóng tác những tư liệu bị thiếu hụt hoặc sáng tạo thêm. Riêng có bạn bảo phải lập hẳn chương trình nghiên cứu kỹ càng, đúng sử, thậm chí còn mời thêm chuyên gia góp ý thì có lẽ hơi quá với khả năng của mình ở thời điểm đấy.

Ngoài những chia sẻ viết trên fanpage (về cọ vẽ, giấy vẽ, quá trình nghiên cứu) mình cũng chia sẻ thêm là: Việc tìm tài liệu lịch sử về thời chiến khá khó khăn với mình lúc đó. Mình cũng tham khảo tài liệu vẽ của các họa sĩ khác tuy nhiên cũng không tránh việc vẽ sai.

Trang phục của vua chúa thì tương đối dễ hơn vì đã có nhiều nguồn tham khảo trên facebook cũng như sách Ngàn năm áo mũ của tác giả Trần Quang Đức. Cái khó là trang phục thời chiến, khi nghĩa quân Lam Sơn chưa có chuẩn bị đầy đủ về phục trang, binh khí. 

Nói chung vẽ về lịch sử phải tham khảo rất nhiều tài liệu rồi, từ bối cảnh làng mạc ngày xưa đến ngựa, lính, vua, tứ linh hay đến cả thuyền rồng vua đi. Chia sẻ thêm vẽ ngựa cũng là đề tài khá khoai với mình. May là đã xong cuốn sách rồi!

Trong dự án “Sự tích Hồ Gươm”, dường như “Con Rồng” và “Phục trang” là hai yếu tố nhận được sự quan tâm của mọi người nhiều nhất. Bạn có thể chia sẻ chi tiết quá trình nghiên cứu hai yếu tố này không?

Nhiều người nhìn lướt qua liền bảo con rồng này, hay trang phục vua không giống Việt. Riêng hai phần này mình cho là đã bám khá sát với tư liệu thực tế còn sót lại ở nước mình, đúng với thời kì Lê Sơ. 

Rồng thời này có đặc điểm khác với thời Lý, thời Trần nhiều, ít còn nét uyển chuyển, mềm mại, nhã nhặn kiểu cung đình (như thời Lý) vì đã có sự ảnh hưởng của rồng Tàu, ví dụ như có sừng hươu, mũi bự, râu cá trê,… Đầu Rồng mình tham khảo trên lối thang vào của điện Kính Thiên, hiện nay còn lưu giữ. Còn trang phục vua mình tham khảo trang phục phục dựng trong sách Nghìn năm áo mũ.

Về việc giống Trung Quốc thì hiển nhiên rồi, nước mình từng chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ nước này mà. Tuy nhiên, dù có bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc nhưng sẽ có sự khác biệt qua góc nhìn của người Việt. 

Vài ngày qua, bài đăng về dự án “Sự tích Hồ Gươm” nhận được rất nhiều góp ý, điều này khiến mình khá vui vì lịch sử vẫn còn là một đề tài thu hút đến như vậy.

Rồng Phạm

Đâu phải vẽ lúc nào cũng vui

“Vẽ nét brush trên giấy và tô màu bằng chất liệu digital”. Đây có phải là lựa chọn tối ưu nhất để bạn cho ra đời sản phẩm cuối cùng? Ưu và nhược điểm của cách triển khai này?

Đây là những bản vẽ nét bằng bút brush trên giấy Việt Trì. Giấy Việt Trì có ưu điểm là bề mặt sần sùi có thể tạo nhiều vệt xước, diễn độ tự nhiên của bút mà wacom chưa bì được.

Nhược điểm cách vẽ này là lúc bôi nét chì trên giấy sau khi đi nét brush xong. Ôi việc bôi chì này mất thời gian và chán kinh khủng ấy, nhanh hết mực nữa, mình phải mua thêm bút, mãi lúc sau mới tìm được đúng bình mực để bơm mà không bị cặn, tắc mực.

Ưu điểm là khi bố cục xong xuôi rồi thì lúc lên máy tính, mình chỉ cần tập trung cho việc tô màu thôi, tránh phải sửa lại bố cục. Ngoài ra cũng đỡ thời gian ngồi trên máy nhiều. Đợt đấy mình bị đau lưng và đau cổ tay, ngồi máy lâu bị ảnh hưởng. 

Mất bao lâu để hoàn thành dự án “Sự tích Hồ Gươm”. Đâu là giai đoạn bạn cảm thấy khó khăn nhất?

Mình thực hiện cuốn sách này trong thời gian còn đang học ở trường. Sự chồng chéo thời gian làm việc khiến mình trễ deadline một khoảng thời gian. Còn khâu khó khăn nhất chắc là lúc bôi nét chì và nghiên cứu.

Bạn có dự tính sẽ phát triển các dự án khác cùng phong cách? Sau dự án này, dự định tiếp theo của bạn là gì?

Mình đang làm một cuốn sách khác nội dung cũng về đề tài dân gian. Chưa chia sẻ được gì nhiều vì sợ nói trước bước không qua. Nhưng mình hi vọng sẽ làm thật tốt cuốn sách này và mang một màu sắc mới hơn cho những câu chuyện dân gian Việt Nam.

Kết nối với Rồng qua:

Behance | Website | Facebook

Biên tập: May

Cùng tác giả

#Tag

Cổ tích Việt Nam iD interview idesign signature may rồng phạm Sự tích Hồ Gươm vietnam artist

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…