Pablo Picasso (Phần 2)

Trong phần hai của loạt hai bài về Picasso, ta tìm hiểu di sản của người nghệ sĩ có sức ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng này, cũng như các tác phẩm nổi bật của ông sắp xếp theo trình tự thời gian.

  1. “Mọi hành động sáng tạo trước hết là hành động phá hoại.”
  2. “Cho những ai biết cách đọc, tôi đã vẽ nên toàn bộ tự truyện của mình.”
  3. “Hãy học luật lệ như một chuyên gia, để có thể phá vỡ chúng như một nghệ sĩ.”
  4. “Họ nói về chủ nghĩa tự nhiên như một thể đối lập với hội họa hiện đại. Tôi muốn biết có ai đã từng thấy một tác phẩm nghệ thuật tự nhiên chưa. Tự nhiên và nghệ thuật, vốn hai thứ khác biệt, không thể là một. Qua nghệ thuật, chúng ta thể hiện ý niệm của mình về điều mà tự nhiên không phải là. Velásquez để lại cho chúng ta ý niệm của ông về con người thuộc thời đại của ông. Chắc chắn rằng họ khác với những gì ông vẽ, nhưng chúng ta vẫn không thể nhìn nhận Vua Philip IV theo bất kì cách nào khác với người mà Velásquez đã hoạ ra.” 
  5. “Chủ nghĩa Lập thể không phải là một hiện thực mà anh có thể nắm bắt. Nó giống một mùi thơm nước hoa, ở trước mặt, đằng sau, bên hông anh, mùi hương khắp mọi nơi nhưng anh chẳng biết nó đến từ đâu.”
  6. “Nghệ thuật gột rửa tâm hồn khỏi những bụi bặm đời thường.”
  7. “Picasso từng là một họa sĩ vĩ đại, giờ ông chỉ là một thiên tài.” – Một bình luận gay gắt của Georges Braque

Di sản của Pablo Picasso

Sức ảnh hưởng của Picasso là vô cùng sâu rộng, và đáng chú ý là nhiều giai đoạn trong đời ông cũng có tầm ảnh hưởng riêng của nó. Các tác phẩm theo trường phái Biểu tượng thời kỳ đầu của ông vẫn được xem là xuất sắc, trong khi những cải tiến trong trường phái Lập thể tiên phong đã thiết lập một loạt các vấn đề, phương tiện, và cách tiếp cận về hình ảnh, mà vẫn rất quan trọng mãi đến những năm 1950. 

Kể cả sau chiến tranh, mặc dù năng lượng trong nghệ thuật tiên phong đã chuyển đến New York, Picasso vẫn là một nhân vật vĩ đại, và là một người không bao giờ có thể bị phớt lờ. Thật vậy, mặc dù người ta có thể cho rằng những họa sĩ theo trường phái Biểu hiện Trừu tượng đã thay thế các khía cạnh của trường phái Lập thể (kể cả khi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ ông), Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York được gọi là “căn nhà do Pablo xây nên”, vì nó trưng bày rất nhiều tác phẩm của họa sĩ này. Triển lãm khai mạc của bảo tàng vào năm 1930 bao gồm mười lăm bức tranh của Picasso. 

Ông cũng là một phần của những trưng bày gây tiếng vang lớn của Alfred Barr là Trường phái Lập thể và Nghệ thuật Trừu tượng (Cubism and Abstract Art) (1936), và Nghệ thuật Không tưởng, Dada và trường phái Siêu thực (Fantastic Art, Dada, Surrealism) (1936-37). Mặc dù sức ảnh hưởng của ông chắc chắn mờ nhạt dần vào những năm 1960, nhưng vào thời điểm ấy ông đã là một biểu tượng văn hoá đại chúng, và sự say mê của công chúng với câu chuyện đời của ông tiếp tục thúc đẩy họ quan tâm đến các tác phẩm của ông.

Tiến trình nghệ thuật

1902-03: Chén súp

Sơn dầu trên toan – Viện Nghệ thuật Chicago, Chicago, Mỹ

Chén súp (La Soupe) đặc trưng với nỗi u sầu trong Thời kỳ Xanh của Picasso, và nó được sáng tác cùng thời điểm với chuỗi tranh khác có chủ đề là sự cơ cực, tuổi già, và mù lòa. 

Bức tranh này mô tả mối bận tâm của Picasso về những điều kiện khó khăn mà ông đã chứng kiến khi trưởng thành ở Tây Ban Nha, và bức tranh chắc chắn chịu ảnh hưởng từ hội họa tôn giáo mà ông đã lớn lên cùng, có lẽ cụ thể là El Greco. Nhưng bức tranh cũng điển hình cho phong trào chủ nghĩa Biểu tượng lớn hơn ở thời kỳ này. 

Vào những năm cuối đời, Picasso đã bác bỏ các tác phẩm Thời kỳ Xanh bằng miêu tả về chúng là “không gì ngoài sự ủy mị”; các nhà phê bình thường đồng ý với ông, mặc dù nhiều bức tranh thành đã trở thành biểu tượng và dĩ nhiên, cũng có giá đắt đến không tin nổi.

1905: Chân dung Gertrude Stein

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ

Gertrude Stein là một nhà văn, một người bạn thân thiết, thậm chí là người ủng hộ Picasso, và là nhân tố không thể thiếu trong con đường phát triển với tư cách là một họa sĩ của ông. Bức chân dung này, họa bà Stein đang mặc chiếc áo khoác nhung nâu ưa thích, được vẽ chỉ một năm trước bức Những quý cô vùng Avignon (Les Demoiselles d’Avignon), và đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển phong cách của ông. 

Đối lập với hình diện bằng phẳng của các nhân vật và vật thể trong một số tác phẩm thời kỳ Xanh và Hồng, các hình khối trong bức chân dung này trông hầu như là được tạc lên, và thật vậy, chúng đã chịu ảnh hưởng từ khám phá của người họa sĩ về nghệ thuật điêu khắc cổ đại Iberia. 

Người ta gần như có thể cảm nhận được sự hứng thú ngày một tăng của Picasso trong việc mô tả gương mặt người qua một loạt các mặt phẳng. Stein nói rằng bà phải ngồi cho người họa sĩ vẽ khoảng chín mươi lần, và mặc dù có phần hơi phóng đại, nhưng chắc chắn rằng Picasso đã vật lộn rất lâu và khó khăn để vẽ phần đầu của bà. Sau khi tiếp cận nhiều cách khác nhau, từ bỏ mọi nỗ lực, một ngày nọ, ông đã vẽ lại bức tranh hoàn toàn và tuyên bố “Khi tôi nhìn bà, tôi không thể nhìn thấy bà nữa”, và nhanh chóng từ bỏ bức tranh. Mãi một thời gian sau, khi không có người mẫu trước mặt, ông mới hoàn thành được phần đầu.

1907: Những quý cô vùng Avignon

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mỹ

Bức tranh Những quý cô vùng Avignon (Les Demoiselles d’Avignon) gây sốc cả về nội dung lẫn cách thực hiện thậm chí đối với những người bạn nghệ sĩ thân thiết nhất của Picasso. Chủ đề phụ nữ khỏa thân không bất bình thường, nhưng việc Picasso vẽ những cô gái mại dâm trong tư thế gợi dục mạnh mẽ thì mới lạ. Việc Picasso nghiên cứu về nghệ thuật Iberia và bộ lạc được thấy rõ ràng nhất trong khuôn mặt của ba người phụ nữ, được thể hiện như thể mặt nạ, gợi ý rằng tính dục của họ không chỉ mạnh mẽ mà còn nguyên thủy. 

Picasso còn tiến xa hơn với các thí nghiệm về không gian của mình bằng cách từ bỏ ảo giác ba chiều thời kỳ Phục hưng. Học hỏi phần nào từ Paul Cézanne, ông thể hiện một bề mặt hình ảnh được làm phẳng hoàn toàn và bẻ vỡ thành các mảnh hình học. Ví dụ, chân của người phụ nữ ở cánh trái được vẽ như thể được quan sát từ vài góc nhìn một lúc; khó để phân biệt cái chân này với không gian âm xung quanh nó, khiến trông như thể cả hai đều ở tiền cảnh. 

Bức tranh bị nhiều người cho là vô đạo đức khi nó được trưng bày trước công chúng vào năm 1916. Braque là một trong số ít những họa sĩ chủ tâm nghiên cứu bức tranh vào năm 1907, trực tiếp đưa đến những sự hợp tác Lập thể của ông với Picasso. Vì bức Những quý cô đã dự đoán một số đặc điểm của trường phái Lập thể, tác phẩm được xem là trường phái Lập thể gốc hoặc tiền Lập thể.

1912: Tĩnh vật với chiếc ghế mây 

Sơn dầu trên toan – Phòng trưng bày Quốc gia, London

Tĩnh vật với mặt ghế đan (Still Life with Chair Caning) được tôn vinh là tác phẩm cắt dán đầu tiên của nghệ thuật hiện đại. Picasso đã từng dán các đồ vật có sẵn vào tranh của mình trước đây, nhưng bức tranh này đánh dấu lần đầu tiên ông làm với chủ ý chơi đùa và nhấn mạnh. 

Mặt ghế đan trong tranh thực chất từ một mảnh vải dầu được in lên, chứ không phải, như tiêu đề nói, là một mảnh thật của ghế. Nhưng sợi dây bện quanh bức tranh lại hoàn toàn là thật, và được dùng để gợi đường viền chạm khắc của bàn café. Hơn nữa, người xem có thể tưởng tượng rằng bức tranh là một chiếc bàn bằng kính, và mặt ghế đan là phần ngồi thật sự của chiếc ghế mà họ có thể thấy xuyên qua bàn. Vì vậy, bức tranh không chỉ tương phản rõ nét với không gian thị giác, điển hình trong các thí nghiệm của Picasso, mà nó còn khiến các giác quan của chúng ta hoang mang về thứ mà chúng ta đang nhìn. 

1912: Mô hình guitar

Bìa, giấy, chỉ, dây đàn, dây bện và dây tráng – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mỹ

Các thí nghiệm của Picasso với những yếu tố cắt dán như trong Tĩnh vật với mặt ghế đan cũng thúc đẩy ông cân nhắc lại nghệ thuật điêu khắc truyền thống. Tuy nhiên, thay vì chỉ là cắt dán, Mô hình guitar (Maquette for Guitar) là một tác phẩm lắp ráp hay cắt dán nhưng mà ba chiều. 

Picasso lấy các mảnh bìa cứng, giấy, dây đàn, và dây kim loại và sau đó gấp lại, xâu và dán chúng lại với nhau, tạo thành một bức điêu khắc đầu tiên được lắp ghép từ các bộ phận khác nhau. Tính đổi mới của tác phẩm cũng nằm ở điểm nó không phải là một vật liệu rắn được bao quanh bởi một khoảng trống, mà thay vào đó nó tích hợp linh hoạt các khối và khoảng không xung quanh nó. 

Picasso đã thể hiện mối quan tâm của trường phái Lập thể với sự đa góc nhìn và dạng hình học sang một phương tiện ba chiều, sử dụng các chất liệu nghệ thuật phi truyền thống để mà tiếp tục thách thức sự khác biệt giữa nghệ thuật cao cấp và văn hóa đại chúng như ông đã làm trong bức Nàng đẹp của tôi (Ma Jolie) (1911-12).

1911-12: Nàng đẹp của tôi

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mỹ

Trong tác phẩm này, Picasso thách thức sự phân biệt giữa nghệ thuật cao cấp và văn hóa đại chúng, thúc đẩy các thí nghiệm của ông theo những hướng đi mới. Được xây dựng dựa trên các hình dạng hình học của Những quý cô Avignon, Picasso tiến sâu hơn về phía trừu tượng bằng cách giảm màu sắc và tăng ảo giác của phù điêu nông. 

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là Picasso đã vẽ thêm chữ vào tranh. Hai chữ “ma jolie” trên bề mặt không chỉ làm phẳng không gian hơn, mà còn khiến bức tranh trông như một bức áp phích vì chúng được vẽ theo phông chữ gợi nhớ đến loại phông được sử dụng trong quảng cáo. Đây là lần đầu tiên người họa sĩ ngang nhiên sử dụng các yếu tố của văn hóa đại chúng trong một tác phẩm nghệ thuật cao cấp. Để liên kết sâu hơn tác phẩm này với văn hóa đại chúng và đời thường, “Ma Jolie” cũng là tên của một giai điệu phổ biến lúc bấy giờ đồng thời cũng là biệt danh Picasso đặt cho người bạn gái của mình.

1914: Bát đựng hoa quả, vĩ cầm, và cái chai

Sơn dầu trên toan – Phòng trưng bày Quốc gia, London, Anh Quốc

Bát đựng hoa quả, vĩ cầm, và cái chai (Bowl of Fruit, Violin, and Bottle) của Picasso là điển hình cho chủ nghĩa Lập thể tổng hợp của ông, trong đó ông sử dụng nhiều phương thức khác nhau – các chấm, bóng, hạt cát – để ám chỉ các đối tượng được miêu tả. Sự kết hợp giữa hội hoạ và các phương tiện hỗn hợp này là một cách để Picasso “tổng hợp” màu sắc và kết cấu bề mặt – tổng hợp thành những tổng thể mới sau khi phân tích một cách tâm lý những vật thể trong tầm tay.

Trong chặng Lập thể phân tích, Picasso đã hạn chế màu sắc để tập trung nhiều hơn vào hình thức và khối lượng của các vật thể, và cơ sở lý luận này – không nghi ngờ gì – dẫn dắt sự ưu tiên tĩnh vật trong suốt chặng. Đời sống tại những quán cà phê chắc chắn đã tóm gọn cuộc sống Paris hiện đại đối với các nghệ sĩ – tại nơi đó mà Picasso đã dành nhiều thời gian trò chuyện với những nghệ sĩ khác – nhưng những sắp đặt đồ vật giản đơn cũng đảm bảo những câu hỏi về tính biểu tượng và sự ám chỉ mà có thể đặt trong tầm kiểm soát.

1921: Ba nhạc công

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, Philadelphia, Mỹ

Picasso đã vẽ hai phiên bản cho bức tranh Ba người nhạc công (The Three Musicians). Một phiên bản nhỏ hơn được treo ở Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, nhưng cả hai đều lớn bất thường so với thời kỳ Lập thể của Picasso. Ông đã có thể chọn vẽ trên khổ lớn này vì chúng đánh dấu điểm kết thúc của trường phái Lập thể Tổng hợp của ông, một thời kỳ ông đã dành gần một thập kỷ.

Ông vẽ bức tranh này vào cùng một mùa hè mà ông cũng đã vẽ một bức rất khác, rất cổ điển là Ba người phụ nữ vào mùa xuân (Three Women at the Spring). Một số người diễn giải hai bức tranh này là những hoài niệm của người họa sĩ về những ngày đầu: Picasso ngồi ở trung tâm – như mọi khi ở Harlequin – và những người bạn cũ của ông là Guillaume Apollinaire, mất năm 1918, và Max Jacob, người mà đã trở nên xa lạ với ông, ngồi ở hai bên. Tuy nhiên, một lập luận khác khác liên kết những bức tranh này với tác phẩm của Picasso cho Ballets Russes, và xác định các nhân vật trong tranh là những người bạn gần đây. Dù là cách nào, trang phục của các nhân vật này chắc chắn xuất phát từ truyền thống trong rạp hát nổi tiếng Ý. 

1921: Ba người phụ nữ vào mùa xuân 

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York

Picasso đã nghiên cứu kĩ lưỡng để chuẩn bị cho bức tranh này – cách xử lý tham vọng nhất của ông về đề tài cổ điển cũ. 

Bức tranh liên quan đến những bức trước đây bởi Poussin và Ingres – những người khổng lồ của nền hội họa cổ điển – nhưng tranh này cũng lấy cảm hứng từ nghệ thuật điêu khắc Hy Lạp. Thật vậy, trọng lượng khổng lồ của những nhân vật trong tranh trông rất giống điêu khắc. Các nhà phê bình đã suy đoán rằng chủ đề này hấp dẫn ông bởi vì con trai đầu lòng của ông, Paulo, vừa ra đời; trạng thái ảm đạm của các nhân vật có thể được giải thích rằng do mối bận tâm lúc bấy giờ ở Pháp cùng với sự tiếc thương những người đã khuất trong cuộc Thế chiến I. 

1929: Khỏa thân lớn trên ghế bành đỏ 

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Quốc gia Picasso, Paris, Pháp

Khi tác phẩm của Picasso chịu ảnh hưởng từ các họa sĩ trường phái Siêu thực vào cuối những năm 1920, các hình dạng của ông thường có đường nét tan chảy, hữu cơ. Tác phẩm Khoả thân lớn trên ghế bành đỏ (Large Nude in a Red Armchair) được hoàn thành vào tháng Năm năm 1929, cùng khoảng thời gian các họa sĩ trường phái Siêu thực quan tâm đến cách hình ảnh xấu xí và kinh tởm có thể đi vào vô thức như thế nào.

Bức tranh này rõ ràng có ý định gây sốc, và nó có thể đã chịu ảnh hưởng bởi Salvador Dalí và Joan Miró. Người ta nghĩ rằng bức tranh này đại diện cho cựu vũ công Olga Koklova. Đây cũng là thời điểm mối quan hệ giữa cô và Picasso đổ vỡ.

1937: Guernica

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Trung tâm Nghệ thuật Quốc gia Reina Sofia, Madrid, Tây Ban Nha

Bức tranh này là phản ứng của Picasso đối với vụ đánh bom vào một thị trấn ở Basque tên là Guernica vào ngày 26 tháng 4, 1937 trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha. Được vẽ trong vòng một tháng – từ tháng 5 tới tháng 6 năm 1937 – nó trở thành tâm điểm của gian hàng Tây Ban Nha tại Hội chợ Thế giới Paris vào cuối năm đó. 

Mặc dù bức tranh là một hiện tượng tại hội chợ, nhưng nó lại bị cấm triển lãm ở Tây Ban Nha cho tới khi nhà độc tài quân sự Francisco Franco mất quyền lực năm 1975. Người ta đã dành nhiều thời gian để giải mã tính biểu tượng của bức tranh này, và một số người tin rằng con người đang hấp hối ở trung tâm bức tranh ám chỉ người dân Tây Ban Nha. Nhân ngưu có thể ám chỉ đến trận đấu bò, một thú tiêu khiển quốc gia ưa thích ở Tây Ban Nha, tuy nó cũng có ý nghĩa cá nhân phức tạp đối với người họa sĩ. Mặc dù Guernica chắc chắn là lời phản ứng nổi tiếng nhất của nghệ thuật hiện đại đối với chiến tranh, các nhà phê bình bất đồng về thành công của nó với tư cách là một bức tranh.

Dịch: Nhã Văn

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Pablo Picasso Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…