Minh họa sách ‘Harry Potter - Kỳ thư phù thủy’ của Phạm Quang Phúc

“Mình vừa vẽ bức Quidditch qua các thời đại, vừa xem FIFA World Cup 2022.” – Phạm Quang Phúc.

Những ngày gần đây, giới mộ điệu bộ truyện “Harry Potter” của tác giả J.K. Rowling đang không ngừng truyền tay nhau về quyển Bách khoa toàn thư bằng tranh mô phỏng thế giới phù thủy Harry Potter, được dịch sang 34 ngôn ngữ và phát hành trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

“Harry Potter – Kỳ thư phù thủy” dày hơn 200 trang, là quyển sách minh họa màu tổng hợp đầy đủ về thế giới pháp thuật của Harry Potter. Sách gồm 7 chương, cho độc giả gặp gỡ những pháp sư, phù thủy tên tuổi; khám phá các phương tiện và cách giải trí phổ biến trong thế giới này; ghé thăm những địa điểm huyền diệu, ngôi trường Hogwarts; nghiên cứu các lời nguyền, bùa chú…

Tuy nhiên, điều khiến cộng đồng khán giả Việt quan tâm không kém chính là thông tin Phạm Quang Phúc là một trong 7 họa sĩ góp mặt trong dự án quy mô quốc tế này, bên cạnh các cái tên nổi tiếng như Peter Goes, Louise Lockhart, Weitong Mai, Olia Muza, Levi Pinfold, Tomislav Tomic. Trong đó, Quang Phúc đảm đương nhiệm vụ vô cùng quan trọng là vẽ minh họa tranh bìa và một số trang sách khác. 

Phạm Quang Phúc hiện là họa sĩ minh họa sách thiếu nhi tự do, đã có hơn 10 năm kinh nghiệm ở lĩnh vực vẽ minh họa và từng tham gia nhiều dự án sách trong nước và quốc tế. Các chủ đề mà Phúc quan tâm, nghiên cứu là các thể loại sách thiếu nhi, sách và phim về các thế giới tưởng tượng, quái vật, thế giới động vật… 

Các trang thông tin và liên hệ:

Fanpage | Instagram | Behance

Bên cạnh cảm giác vui sướng và tự hào khi vừa có dịp vẽ minh họa cho một tác phẩm kinh điển gối đầu giường của bao thế hệ thanh thiếu niên, vừa có thể “đu idol” Levi Pinfold – một trong những họa sĩ đã truyền cảm hứng những ngày đầu Phúc bước vào nghề vẽ minh họa, việc tham gia dự án này cũng khiến Phúc gặp không ít áp lực. Cùng iDesign lật giở từng cung bậc cảm xúc của Phạm Quang Phúc khi anh bạn thực hiện dự án này nhé!

Tuy không phải lần đầu tham gia một dự án quốc tế, nhưng khi nhận được lời mời vẽ minh họa cho “Harry Potter – Kỳ thư phù thủy” từ NXB Bloomsbury (Anh), Phúc cảm thấy như thế nào?

Mình rất vui khi nhận được lời mời tham gia dự án nhưng cũng vô cùng áp lực. Đây là dự án của tác giả nổi tiếng toàn cầu J.K Rowling, có sự góp mặt của rất nhiều người từ các biên tập viên, nhà thiết kế đồ hoạ tới những hoạ sĩ minh hoạ lớn… những người rất giỏi trong lĩnh vực của họ, nên đứng chung tác phẩm với họ áp lực rất cao. Bên cạnh đó, độ khó của công việc là vô cùng lớn. Rất may, mình đã kịp thích ứng để hoàn thành được phần việc của mình khá là “ổn áp”.

Như đã chia sẻ trước đó, để bắt tay vào thực hiện vẽ minh họa cho quyển sách này, bạn đã xem lại tất cả các tập truyện và series phim “Harry Potter”. Cảm nhận của bạn sau lần nghiên cứu (xem lại) tác phẩm này là gì? Đặc biệt là sau khi đã trở thành một họa sĩ vẽ minh họa, bạn cảm thấy đâu là các yếu tố tốt để có thể khai thác?

Vì đã có chút kinh nghiệm vẽ và sáng tác sách thiếu nhi nên trong lần xem lại sách và phim để phục vụ cho công việc, mình đã đứng dưới góc nhìn và phân tích của người làm sáng tác nhiều hơn. 

Mình rất nể cô J.K Rowling về khả năng xây dựng nên thế giới phù thuỷ rất sống động và dồi dào chi tiết. Cách cô xây dựng các nhân vật cũng rất đa dạng và đa chiều. Mọi thứ trong trong sách, từ bối cảnh đến nhân vật, đều được cô thêm thắt nhiều chi tiết nhỏ để tất cả đều có tính cá nhân rất cao, khó trùng lặp. Mình rất thích điều này nên sẽ cố gắng học hỏi và áp dụng vào công việc sáng tạo trong tương lai.

Harry Potter là tác phẩm không còn xa lạ với nhiều khán giả, đặc biệt thành công ở phiên bản tiểu thuyết. Vậy khi nhận lời thực hiện vẽ minh họa cho quyển sách này, bạn có gặp những áp lực nào không? Và bạn đã xử lý chúng như thế nào?

Áp lực lớn nhất là mình đã lo lắng sẽ không thoả mãn được trí tưởng tượng của độc giả vì Harry Potter là tác phẩm quá nổi tiếng. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, mình đã cởi bỏ được áp lực này bằng cách tin vào việc kinh nghiệm của bản thân sẽ đủ để mình sẽ có góc nhìn riêng và cách thể hiện riêng về tác phẩm. 

Ngoài việc bám sát yêu cầu từ nhà xuất bản, mình đã tự tin, thoải mái sáng tạo thêm những thứ mình muốn. Tuy là những chi tiết nhỏ nhỏ nhưng cũng góp phần tạo thêm hiệu quả cho từng tranh vẽ. Các biên tập viên của NXB Bloomsbury cũng rất ủng hộ và hỗ trợ mình trong quá trình sáng tạo. Sáng tạo nào lỡ có đi quá xa thì đã có Nhà xuất bản và biên tập viên kìm lại nên mình làm việc cũng rất thoải mái (cười).

Với sản phẩm này, bạn mong muốn truyền tải tinh thần nào đến các độc giả?

Mình tin rằng trí tưởng tượng là không giới hạn và trí tưởng tượng của mỗi người là độc đáo, riêng biệt. Hãy tận hưởng thế giới tưởng tượng bằng niềm vui.

Có thể thấy sự vui sướng và tự hào của Phúc khi bạn là họa sĩ được chọn (trong 7 họa sĩ) để minh họa tranh bìa cho quyển “Harry Potter – Kỳ thư phù thủy”. Phía NXB đã đưa ra những yêu cầu gì cho artwork này? Bạn đã triển khai phần tranh bìa như thế nào?

Ban đầu, theo kế hoạch thì mỗi người trong 7 hoạ sĩ sẽ vẽ một góc nhỏ của bìa. Tuy nhiên, ở phút thứ 89, mình đã được giao thực hiện một mình trọng trách này. Rất tự hào nhưng cũng rất áp lực vì nhiệm vụ khá đột ngột và gấp rút. 

NXB đã đưa ra một danh sách gợi ý về những thứ họ muốn xuất hiện ở trang bìa, cùng một phác thảo đơn giản về bố cục. Từ những gợi ý đó, mình và các biên tập viên, thiết kế đồ hoạ của NXB đã làm ra rất nhiều phác thảo ý tưởng, bố cục cũng như màu sắc… Phần thiết kế chữ cũng được NXB tinh chỉnh rất nhiều lần để phần chữ và hình minh hoạ có độ hoà quyện cao nhất. Nhìn chung, đó là một quá trình làm và tinh chỉnh liên tục trong vòng khoảng hơn 2 tháng cho duy nhất một trang bìa. 

Ngoài vẽ minh họa cho bìa sách, bạn còn vẽ cho bao nhiêu trang sách nữa? Cụ thể là những trang sách nào?

Mình đã vẽ 16 trang đôi và bìa chính lẫn bìa lót. Trong đó có thể kể đến như tranh Quidditch qua các thời đại, Rồng, Sinh vật sống dưới nước, Những sinh vật huyền bí và nơi tìm ra chúng, Tất tần tật về cú, Vượt xa giới hạn pháp thuật…

Bạn có thể chia sẻ một chút về artwork (do bạn thực hiện) mà bạn thích nhất? Điều gì khiến bạn yêu thích nó? Và bạn đã khai triển nó ra sao?

Mình thích nhất bức Quidditch qua các thời đại.

Đây không phải là tranh đẹp nhất mình vẽ trong sách nhưng quá trình thực hiện nó rất vui. Mình đã vẽ nó trong quá trình vừa ngồi xem FIFA World Cup 2022. Có rất nhiều những màn tranh giành quả bóng tới những khán giả cổ vũ cuồng nhiệt. Mình đã cố gắng mang tinh thần thể thao cũng như nhiều năng lượng nhất có thể vào tranh vẽ. Việc yêu thích xem các chương trình thể thao trên tivi đã cho mình rất nhiều năng lượng để thực hiện tranh vẽ này.

Phong cách minh họa mà bạn sử dụng trong dự án này là gì? Hoặc bạn đã tham khảo các tác phẩm/minh họa/ phong cách nào để thực hiện các artwork này?

Mình không theo đuổi một phong cách cụ thể nào cả. Phong cách vẽ hiện tại của mình là kết quả của quá trình luyện tập, chọn lọc và thay đổi cách vẽ theo gu thẩm mỹ cá nhân theo thời gian. 

Hơi kỳ lạ nhưng mình xem và yêu thích rất nhiều sách từ nhiều hoạ sĩ nổi tiếng nhưng cách vẽ của họ khác mình khá xa. Chủ yếu, mình thưởng thức cái đẹp trong quá trình xem tranh ảnh, tác phẩm nghệ thuật… Việc xem nhiều giúp mình mở rộng và nâng cao gu thẩm mỹ cá nhân. Còn khi thực hiện dự án thì mình tin vào năng lực, tư duy của cá nhân mình lúc đó hơn là cố tham khảo từ tác phẩm của ai đó.

Trong quá trình thực hiện dự án, bạn có gặp những khó khăn nào không? 

Khó khăn lớn nhất là mình phải xử lý lượng thông tin vô cùng lớn. Mỗi tranh vẽ nhìn đơn giản như vậy nhưng mình phải đọc 20-40 trang thông tin tổng hợp tiếng Anh từ yêu cầu về tranh vẽ cũng như các trích đoạn trong sách. Sau đó là phải tìm hiểu thêm để kiểm tra thông tin lẫn hình ảnh. Quá trình nghiên cứu để sẵn sàng cho mỗi tranh tốn rất nhiều thời gian. 

Ngoài ra, bộ sách Harry Potter có rất nhiều tranh vẽ của các họa sĩ khác cũng như cộng đồng fan trên toàn thế giới yêu mến thể hiện, nên làm sao vẽ ra một phiên bản của riêng mình mà không bị trùng lặp cũng là một thử thách không hề nhỏ.

Là một tác phẩm lớn được minh họa bởi 7 họa sĩ trên khắp thế giới, trong quá trình làm việc, các họa sĩ có cơ hội trao đổi với nhau không? Theo bạn, điều này mang lại những ưu điểm cũng như hạn chế nào?

Tới khi thực hiện tranh bìa ở giai đoạn cuối của dự án mình mới biết danh sách cụ thể của bảy họa sĩ tham gia. Ban đầu, mình chỉ biết trong 7 hoạ sĩ có 4 người đã rất nổi tiếng và được nhiều giải thưởng quốc tế, 2 trong số đó từng vẽ dự án của Harry Potter, còn mình là tân binh lần đầu tham gia vào “ngôi nhà” hoạ sĩ vẽ Harry Potter. 

Vì tính bảo mật vô cùng cao của dự án, các hoạ sĩ không hề được trao đổi gì với nhau tới ngày dự án sách được công bố với truyền thông. Các biên tập viên cũng không hề hé hộ một chút hình ảnh nào về công việc của các họa sĩ khác để giữ tính độc đáo và nguyên bản của từng hoạ sĩ tới giây phút cuối cùng.

Tới giờ, khi sách đã ra mắt, thì mình cũng chưa thấy có gì hạn chế đáng kể trong cách làm này. Phần nhiều, mình dành sự nể phục tới ban biên tập của NXB vì đã quản lý một dự án phức tạp, có rất nhiều bên tham gia mà trơn tru như vậy. 

Điều khiến bạn cảm thấy tự hào nhất sau khi thực hiện dự án này là gì?

Cá nhân mình thấy vui và may mắn khi bản thân được làm một dự án có tính toàn cầu cao như vậy. Việc sách được phát hành cùng lúc ở rất nhiều quốc gia trên toàn thế giới khiến mình rất tự hào. Nếu công việc của mình có truyền được chút cảm hứng nào đó cho các hoạ sĩ trẻ hơn thì mình sẽ tự hào thêm một chút.

Bạn có thể bật mí một chút về dự án hoặc kế hoạch của bản thân trong thời gian sắp tới?

Mình vẫn đang tiếp tục vẽ những dự án thiên về các thế giới tưởng tượng, sinh vật kỳ bí… Mình vừa minh họa xong một cuốn sách chỉ chuyên về các loại rồng, sách sẽ xuất bản vào năm sau. 

Ngoài ra, mình muốn tiếp tục sáng tác sách tranh thiếu nhi. Mình đã xuất bản được vài cuốn sách tranh thiếu nhi nhưng bản thân tự thấy chúng cũng còn nhiều hạn chế. Mình muốn bản thân chuyên nghiệp hơn ở mảng sáng tác trong tương lai.

Thực hiện: May

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh do nhân vật cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

Harry Potter - Kỳ thư phù thủy idesign signature may phạm quang phúc vẽ minh họa vẽ minh họa sách

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…