Lạc vào ‘Đám cưới chuột’ cùng chú bé Đông trong tựa phim hoạt hình 2D ‘Mộng Đông Hồ’

Tranh Đông Hồ có lẽ là chất liệu khai thác quá quen thuộc với những bạn yêu thích và nghiên cứu về văn hóa truyền thống của dân tộc. Dựa vào nội dung chủ đề, các bức tranh Đông Hồ được chia thành bảy loại chính, gồm tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh cảnh vật và tranh phản ánh sinh hoạt.

Mới đây, hai sinh viên Chuyên ngành Thiết kế đồ họa truyền thông tương tác Trường Đại học Văn Lang đã thực hiện bộ phim hoạt hình 2D lấy cảm hứng dựa trên câu chuyện về “Đám cưới chuột”, với tạo hình nhân vật chính “na ná” các cô cậu học sinh tiểu học trong những trang sách tiếng Việt thời xưa, hết sức gần gũi với những thế hệ 8X, 9X. 

Bộ phim mang tên “Mộng Đông Hồ”, kể về một cậu bé tên Đông vô tình cảm nhận được cái hồn của bức tranh “Đám Cưới Chuột” và từ đó rơi vào giấc mơ. Trong giấc mơ, cậu được tận mắt chứng kiến cảnh trao hối lộ của đám cưới chuột cho mèo, sự phấn khởi, vui sướng của cả đoàn chuột khi đã trao xong hối lộ và bắt đầu rước dâu.

Hiện tại, hai tác giả của bộ phim là Bùi Thị Kiều TrinhNguyễn Thị Ngọc Phượng đều đang hoạt động với tư cách là Freelancer Designer. 

Cùng iDesign trò chuyện với hai bạn trẻ để tìm hiểu điều gì đã kết nối nhân vật chú bé Đông và dòng tranh dân gian này nhé!

Ý tưởng cho câu chuyện “Mộng Đông Hồ” đến từ đâu vậy nhỉ?

Câu chuyện “Mộng Đông Hồ” được lấy ý tưởng khi mình thấy những bức tranh dân gian Đông Hồ trên pinterest, làm gợi lại những ký ức tuổi thơ. Ngày còn học tiểu học, mình đã rất thích thú khi lần đầu tiên được thấy tranh Đông Hồ trong tiết mỹ thuật. Từ đó, trong đầu chợt suy nghĩ tại sao mình không thổi hồn vào những bức tranh ấy và làm cho nó sinh động hơn, góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống và để những người trẻ hiện nay tiếp cận, có cái nhìn mới hơn với những dòng tranh dân gian nói chung, cũng như là dòng tranh dân gian Đông Hồ nói riêng.

Tại sao trong kho tàng tranh dân gian Việt Nam, các bạn lại chọn thể loại tranh Đông Hồ để làm cảm hứng và chất liệu khai triển?

Từ những ngày đầu nhóm cũng đã có suy nghĩ giữa hai dòng tranh là tranh Hàng Trống và tranh Đông Hồ. Sau quá trình nghiên cứu thì nhóm cảm thấy tranh Đồng Hồ là dòng tranh phù hợp với sở thích và tiêu chí mà nhóm muốn hướng tới. Nghe có vẻ đơn giản nhưng nét ngây ngô, mộc mạc và đời thường của dòng tranh Đông Hồ lại là mấu chốt mà nhóm lựa chọn để làm nguồn cảm hứng. 

Tạo hình nhân vật chú bé Đông liệu có phải được lấy cảm hứng từ sách tiếng Việt thời xưa? Các bạn nhìn thấy yếu tố kết nối nào giữa tạo hình này và thể loại tranh Đông Hồ?

Tạo hình nhân vật cậu bé Đông được lấy cảm hứng từ hình ảnh trong trí nhớ mình về cái thời tiểu học ở quê nơi mình sinh ra và lớn lên. 

Sự ngây ngô qua mái tóc và bộ đồng phục rất quen thuộc đối với học sinh Việt Nam là yếu tố kết nối giữa Đông và thể loại tranh Đông Hồ.

Được biết dự án đã được các bạn thai nghén và hoàn thiện trong 5 tháng. Trong thời gian này, các bạn đã làm những gì để chuẩn bị cho dự án?

Vì thời gian có hạn nên thời gian đầu nhóm đã xác định rõ mục tiêu của phim, sau đó sẽ lên timeline cho đồ án. 

Nhóm vẫn còn nhớ kịch bản ban đầu hoàn toàn khác so với kịch bản bây giờ, ngay cả hướng thể hiện nhóm chọn trước đó là thể loại stopmotion. Nhóm cũng đã mất rất nhiều thời gian nghiên cứu và chuẩn bị, nhưng vì mong muốn có hướng đi tốt hơn cho phần kịch bản “Mộng Đông Hồ” hiện tại nên nhóm đã có những thay đổi phút cuối cho đồ án của mình là phim hoạt hình 2D. Frame by frame (khung hình liên tiếp) là cách mà nhóm lựa chọn để làm đất diễn khai thác cho chuyển động, bên cạnh kết hợp những góc quay mới lạ góp phần sinh động cho bộ phim. 

Team cũng nghiên cứu về dòng tranh Đông Hồ rất kỹ để xây dựng nhân vật và câu chuyện cho phim. Nên đối với nhóm thì phần nghiên cứu về văn hoá và nét đẹp là yếu tố hết sức cần thiết trong giai đoạn chuẩn bị.

Các bạn có gặp khó khăn nào trong quá trình nghiên cứu không? 

Trong quá trình nghiên cứu về tranh Đông Hồ, nhóm gặp khá nhiều khó khăn. Trên Internet hiện nay có quá nhiều nguồn thông tin khác nhau về dòng tranh này và vì nó là tranh truyền thống ra đời khá lâu rồi nên việc chọn lọc ra những thông tin chính xác cũng là vấn đề lớn đối với nhóm.

Có thể thấy, phần chuyển cảnh cũng như góc nhìn trong từng artwork trong “Mộng Đông Hồ” được các bạn lên ý tưởng rất kỹ lưỡng và sáng tạo. Team có thể chia sẻ về khía cạnh này?

Về phần chuyển cảnh cũng như là góc nhìn trong từng artwork trong “Mộng Đông Hồ” thì nhóm nhờ vào việc xem nhiều phim, hầu như là tất cả các thể loại phim.

Ngoài ra, trong quá trình học những môn về quay phim, giảng viên sẽ cho tụi mình xem rất nhiều phân cảnh phim để phân tích và chỉ ra những góc quay đẹp, sau đó tự thực hành những cảnh quay đó. 

Bên cạnh đó là việc chú ý kết nối cảnh phim trong storyboard (bảng phân cảnh) sao cho mạch phim liền mạch và có sự cuốn hút hơn.

Phần âm nhạc cũng là yếu tố để lại dấu ấn cho người xem. Các bạn có thể chia sẻ nhiều hơn về việc các bạn chọn và làm nhạc cho bộ phim?

Đầu tiên, nhóm định hình trường phái âm nhạc để giới hạn cho quá trình nghiên cứu và tìm kiếm, sau đó xác định mạch phim qua animatic (video diễn hoạt đơn giản từ những hình ảnh của storyboard), lựa chọn những tiết tấu phù hợp để mang đến đúng cảm xúc cho người xem.

Đâu là phân cảnh các bạn yêu thích nhất? Vì sao?

Với mình, khi chuột trao hối lộ xong, cánh cửa mở ra bừng sáng là phân cảnh mà mình yêu thích nhất. Bởi vì nó vừa là sự kết thúc cũng vừa là sự mở đầu. Kết thúc sự sợ sệch, run rẫy, tăm tối. Mở đầu cho sự vui vẻ, tươi mới đầy hy vọng phía trước.

Còn với Phượng là phân cảnh khi Đông nhìn cuộc diễu hành. Để người xem hóa thân vào nhân vật cậu bé Đông và cảm nhận niềm vui sướng khi đi cùng đoàn cưới chuột, Phượng đã áp dụng khai thác góc cận, đặc tả gương mặt nhân vật kết hợp toàn cảnh đám cưới chuột, giúp người xem được trải nghiệm trọn vẹn tầng cảm xúc trong phim.

Thông qua “Mộng Đông Hồ”, các bạn muốn truyền tải thông điệp nào đến với người xem?

Thông qua Mộng Đông Hồ nhóm muốn truyền tải thông điệp là: Hãy chung tay kết nối văn hóa truyền thống đến với giới trẻ hiện nay. Vì nhóm tin rằng sự sáng tạo kết hợp với truyền thống sẽ mang lại sự trải nghiệm mới mẻ hơn cho các bạn trẻ.

Thực hiện: May

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh do nhân vật cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

idesign signature may Mộng Đông Hồ phim hoạt hình 2D

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…