Giải phóng khỏi cảm giác tù túng của ‘Định kiến giới’ trong không gian lung linh, kỳ bí của ‘KIÊN ĐỊNH’

‘Bất kể ai đang ở trong chiếc lồng của Định kiến giới, dù họ đang bị ảnh hưởng hay đang chèn ép người khác, bản chất cũng chỉ là những con rối bị điều khiển, không có được tự do thực sự, cũng không thể sống đúng là chính mình.’

KIÊN ĐỊNH là dự án phim hoạt hình 3D, cũng là đồ án tốt nghiệp của 3 sinh viên chuyên ngành Thiết kế đồ họa Trường đại học FPT thực hiện, bao gồm Trần Phát Đạt, Phạm Hoàng Minh và Phạm Tiến.

KIÊN ĐỊNH thiết lập một bối cảnh trong một lồng chim khổng lồ chứa đầy Định kiến ​​Giới tính. Trong đó, nhân vật chính là hai chú rối: DAON và người bạn thân PUNU phải thực hiện một vở kịch đặc biệt mỗi ngày trong một thời gian quy định và bị giám sát bởi những thế lực bí ẩn xung quanh chiếc lồng. Họ phải vật lộn với nhiều khó khăn và cố gắng tìm cách giải thoát mình khỏi gông cùm đang kìm hãm họ.

KIÊN ĐỊNH được thực hiện nhằm mục đích nâng cao nhận thức của khán giả về tác hại của Định kiến ​​giới, đồng thời chung tay đấu tranh, xóa bỏ chúng để từng bước tiến tới bình đẳng giới trong xã hội.

3 bạn trẻ cũng là thành viên của CamoiStudio, nơi mà các thành viên cùng nhau hoàn thiện các dự án có trong các môn học tại trường, chủ yếu ở các mảng: UI/UX Design, 3D Motion, Short Film,… Trong đó, Trần Phát Đạt đảm nhiệm vai trò 3D Character Artist, Phạm Hoàng Minh là 3D Environment Artist và Phạm Tiến là UI/UX Designer.

“CamoiStudio ra đời không đơn thuần chỉ để hoàn thành các assignment mà phải thực sự tạo ra những dự án có giá trị thực tiễn, phục vụ nhu cầu xã hội, cũng như truyền thải thông điệp ý nghĩa đến mọi người. Các thành viên Camoi làm việc với tiêu chí “work hard, work smart” (tạm dịch: làm việc chăm chỉ, thông minh). Bên cạnh việc cố gắng tạo ra các ấn phẩm thiết kế chất lượng, nhóm còn quan tâm đến việc tối ưu một cách hiệu quả quy trình làm việc.”

Các trang thông tin và liên hệ:

     Trần Phát Đạt | Phạm Hoàng Minh | Phạm Tiến 

Trò chuyện với 3 thành viên của Camoi để khám phá cách thức khai thác góc nhìn về chủ đề Định kiến giới cũng như hình thức khai triển một dự án phim hoạt hình 3D của 3 bạn trẻ nhé!

Các bạn có thể giải thích về câu chuyện mà các bạn kể trong “KIÊN ĐỊNH”? Cụ thể là vở kịch mà hai nhân vật chính đã diễn?

Câu chuyện trong bộ phim “KIÊN ĐỊNH” được lấy cảm hứng từ vở kịch Romeo và Juliet của William Shakespeare. Tuy nhiên thay vì người nam là người mạnh mẽ, chủ động tán tỉnh người phụ nữ thì trong bộ phim ta sẽ thấy một sự đối lập hoàn toàn. Nhân vật DAON (Đàn ông) lại là một chàng trai yếu đuối, nhút nhát trong khi PUNU (Phụ nữ) lại là một cô gái mạnh mẽ, gan dạ. Vì vậy, khi cả hai con rối được đặt trong một chiếc lồng chứa đầy Định kiến giới, buộc chúng phải cư xử và hành động theo “chuẩn mực” sẽ tạo nên một mâu thuẫn rất lớn giữa các tuyến nhân vật trong bộ phim. Bước ngoặc xảy ra khi hai nhân vật vô tình tìm được một “đường ống” giúp chúng thay đổi cơ thể cho nhau, từ đó hai con rối được sống đúng với bản thân, tuy nhiên, đổi lại là một sự trừng phạt khi cơ thể chúng trở về lại ban đầu.

Thông điệp mà “KIÊN ĐỊNH” muốn gửi gắm cho khán giả là trước những ảnh hưởng tiêu cực của Định kiến giới đối với cảm xúc cũng như sự phát triển của con người, nếu thật sự muốn thoát khỏi nó, chúng ta phải đứng lên chiến đấu, chống lại nó. Hãy “KIÊN ĐỊNH trước những ĐỊNH KIẾN.”

Vì sao các bạn chọn chủ đề “Định kiến giới” cho đồ án tốt nghiệp của mình?

Trong suốt quá trình học tập tại trường, các thành viên trong nhóm cũng đã được tiếp cận và nghiên cứu về các chủ đề liên quan đến giới như “Toxic Femininity” (Tính nữ độc hại), “Gender Equality” (Bình đẳng giới),… thông qua các bài nghiên cứu từ các môn học. Chúng mình nhận thấy rằng những vấn đề về Định kiến giới ngỡ như là câu chuyện của thế hệ trước nhưng thực chất nó vẫn đang là một thứ ngấm ngầm ảnh hưởng một cách tiêu cực đến thế hệ trẻ gen Z chúng ta. Cuối cùng, chúng mình chọn đề tài “Gender Stereotypes” (Định kiến giới) như một chủ đề dễ khai thác và dễ tiếp cận với các bạn trẻ nhất.

Vậy vì sao là phim hoạt hình 3D mà không phải là một hình thức tiếp cận thị giác khác?

Định hướng thiết kế từ ban đầu của dự án là về mảng 3D Modeling, 3D Animation,.. do đó là thế mạnh của chúng mình. Tuy nhiên, tại sao lại là một bộ phim ngắn 3D chứ không phải một hình thức khác, thì là vì chúng mình muốn dùng sự sáng tạo để kể một câu chuyện thật sự độc đáo đến khán giả, và cống hiến một tác phẩm vào mảng phim hoạt hình Việt Nam.

Quy trình thực hiện đồ án đã diễn ra ra sao?

STAGE 1 – Lên ý tưởng: 

Nhóm sẽ ngồi lại cùng nhau research (nghiên cứu) về đề tài, phân tích đối thủ cạnh tranh và quan trọng nhất là lên bảng kế hoạch chi tiết cách thức khai thác dự án gồm: Art direction (chỉ đạo nghệ thuật), Moodboards (bảng tâm trạng), Design references (Thiết kế tham chiếu), Phần mềm, Timeline, Pipeline (Quy trình thực hiện),…

STAGE 2 – Tiền kỳ: 

Nhóm sẽ tiến hành thực hiện theo tuần tự gồm: Story, Script, Shot list (danh sách các cảnh quay), Storyboard (bảng phân cảnh) và Animatic storyboard (video diễn hoạt đơn giản từ những hình ảnh của storyboard).

STAGE 3 – Sản xuất:

Giai đoạn 1: Thiết kế nhân vật, bối cảnh, props (đạo cụ).

Giai đoạn 2: Tạo hình cũng như lên texture cho nhân vật, bối cảnh trên môi trường 3D; bố trí layout và camera.

Giai đoạn 3: Rigging (xây dựng một bộ khung xương bên trong mô hình tạo chuyển động cho nhân vật) và animation (tạo chuyển động) cho nhân vật; VFX (hiệu ứng hình ảnh) và Stimulation; Lighting (đánh sáng) và Final Compositing (bố cục cuối cùng).

STAGE 4 – Hậu kỳ: 

Các ấn phẩm truyền thông trên mạng xã hội và ấn phẩm truyền thông phục vụ cho quá trình triển lãm tại trường Đại học FPT,…

Các bạn có thể giải thích về ý nghĩa của tạo hình các element (thành tố) trong đoạn phim ngắn. Chúng được lấy cảm hứng từ đâu và đại diện cho những tầng ý nghĩa nào?

Các props (đạo cụ) trong phim đặc biệt là trên sân khấu nơi hai con rối biểu diễn được team triển khai theo concept mà Định kiến giới quy định. Bên DAON cây cối sẽ mang đường nét vuông vức và có màu xanh, bên PUNU sẽ có cây cối hình khối tròn trịa hơn và mang màu hồng chủ đạo. 

Vì sao các bạn chọn chất liệu gỗ để mô phỏng hai nhân vật chính?

Hai nhân vật chính là hai con rối gỗ, đại diện cho giới nam và nữ trong xã hội, là hình tượng thể hiện cho việc những con người đang bị Định kiến giới thao túng và điều khiển, khiến họ mất đi tự do, không thể hiện được cảm xúc cũng như bị kìm hãm sự phát triển trong mọi mặt đời sống.

“Bên cạnh hai nhân vật chính, thì những khán giả xung quanh sân khấu cũng như con quái vật khổng lồ cuối phim cũng là những con rối bằng gỗ, cho thấy rằng bất kể ai đang ở trong chiếc lồng của Định kiến giới, dù họ đang bị ảnh hưởng hay đang chèn ép người khác, bản chất cũng chỉ là những con rối bị điều khiển, không có được tự do thực sự, không thể sống đúng là chính mình.”

Camoistudio

Có thể thấy team đã rất đầu tư cho phần phối cảnh không gian, các bạn có thể chia sẻ một chút về công đoạn này?

Ý tưởng: Ban đầu concept phối cảnh bộ phim đơn thuần chỉ là một rạp hát múa rối đơn giản. Tuy nhiên, các thành viên trong nhóm lại không thật sự hài lòng với ý tưởng trên và muốn thiết kế một thế giới viễn tưởng riêng biệt, thực sự phải “outside of the box” (suy nghĩ đột phá). Do đó, một chiếc lồng chim khổng lồ với một sân khấu treo lơ lửng giữa không trung là một ý tưởng mà nhóm mình đánh giá là rất độc đáo. Với ý nghĩa rằng hai con rối gỗ như những con người đang bị giam lỏng trong chiếc lồng Định kiến giới.

Thiết kế: Giai đoạn thiết kế cũng gặp khá nhiều khó khăn do đây là một phối cảnh không có thật, team đã triển khai rất nhiều options khác nhau để có thể tạo ra được một không gian với tiêu chí phải tạo ra cảm giác tù túng, tối tăm nhưng cũng phải có được sự lung linh, kỳ bí.

Đâu là thách thức với team trong suốt quá trình thực hiện dự án? Các bạn đã xử lý nó như thế nào?

Thời gian chính là thách thức lớn nhất của chúng mình trong xuyên suốt quá trình thực hiện dự án. Chúng mình đã nhận ra được điều này từ những ngày đầu lên ý tưởng vì một bộ phim ngắn 3D dài 8 phút trong vòng 4 tháng là dự án lớn đối với nhóm ba sinh viên. Do đó, chúng mình dành gần một tuần đầu tiên để phát triển một quy trình làm việc thật sự hiệu quả và tối ưu tương ứng với khối lượng công việc của từng thành viên, cụ thể là ba mảng “CHARACTER – BACKGROUND – COMPOSITION”. Tụi mình làm việc song song nhưng vẫn hỗ trợ lẫn nhau hoàn thành công việc. 

Đâu là phân đoạn các bạn yêu thích nhất trong “KIÊN ĐỊNH”? Vì sao?

Với sự nhất trí của cả nhóm, đoạn cao trào lần thứ nhất – phân cảnh hai nhân vật chính cùng nhau lơ lửng giữa không gian mộng tưởng là phân cảnh yêu thích nhất. Khi mà hai nhân vật đã mặc cho sự áp đặt và dè bỉu từ những ánh mắt gièm pha định kiến xung quanh, để rồi sau đó có thể tỏa sáng khi được sống là chính mình và tạo nên buổi trình diễn vô cùng ấn tượng. 

Bởi vì là cao trào đầu tiên, và để đẩy mạnh cảm xúc người xem, nhóm đã rất tâm huyết trong việc tạo ra những hiệu ứng VFX lung linh, mờ ảo kết hợp với phần âm nhạc sống động, huyền bí; từ đó đã tạo ra một phân đoạn rất đáng nhớ trong bộ phim.

Có kỷ niệm thú vị nào các bạn muốn chia sẻ với bạn đọc iDesign không?

Quá trình thực hiện bộ phim “KIÊN ĐỊNH” chứa đựng rất nhiều cung bậc cảm xúc. Có lúc buồn, chán nản và cũng có lúc vui mừng, hạnh phúc khôn xiết. Tất cả những kỷ niệm ấy chắc phải kể 7749 ngày mới trọn vẹn. Cả nhóm đã có những trải nghiệm vô cùng khó quên cùng nhau, một trong số đó là những buổi karaoke trên sóng Discord, đây chính là lúc các thành viên trong nhóm ngồi lại ca hát, gầm rú để trút hết “sì trét” cùng với nhau *cười*.

Qua câu chuyện nhỏ trên chúng mình cũng chỉ muốn gửi đến các bạn một điều. Bất kỳ dự án nào, lớn hay nhỏ, cũng sẽ có những lúc chúng ta căng thẳng vì áp lực từ deadline, bất đồng khi làm việc nhóm,… lúc đó mọi người thực sự cần dừng lại một phút, ngồi lại trò chuyện cùng nhau hay đơn giản cùng nhau ca hát, chơi game. Điều đó chắc chắn sẽ giúp các bạn hiểu nhau hơn và thúc đẩy quá trình đến một kết quả tốt nhất. Những cỗ máy cần liên kết chặt chẽ với nhau để vận hành; con người cũng vậy, cũng cần cho mình sự đồng điệu và thấu hiểu lẫn nhau.

Thực hiện: May

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh do nhân vật cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

3D animated short film camoi idesign signature may

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…