El Lissitzky (Phần 2)

Trong phần cuối của loạt bài về El Lissitzky, chúng ta tìm hiểu về thời kỳ sau của cuộc đời ông, di sản của ông, và những tác phẩm tiêu biểu sắp xếp theo trình tự thời gian. Qua đó, chúng ta làm rõ ảnh hưởng của Lissitzky trong thiết kế đồ hoạ, thái độ tiên phong đối với nhiếp ảnh, cũng như niềm đam mê kiến trúc tạo ra những thiết kế bất khả thi nhưng vẫn luôn là nguồn cảm hứng lý tưởng không tưởng vĩ đại cho những nghệ sĩ cùng thời và sau này.

  • Mặt trời như một biểu hiện cho năng lượng của thế giới cũ đã bị xé bỏ xuống khỏi bầu trời bởi con người hiện đại – kẻ tạo ra nguồn năng lượng của chính mình bằng phẩm hạnh của sự tối thượng công nghệ.
  • Hình ảnh không phải một bức hoạ, mà là một cấu trúc mà chúng ta cần đi vòng xung quanh, nhìn vào nó từ mọi mặt, soi xét nó từ trên cao, và đào sâu từ bên dưới.

Thời kỳ sau này

Sau gần một năm xê dịch và làm việc ở Thụy Sĩ cũng như ghé thăm vô vàn các nhà kiến trúc và nghệ sĩ ở Vienna cùng với người vợ mới cưới Sophie Kuppers, Lissitzky quay lại Moscow vào năm 1928. Ông dành những năm còn lại của mình để giảng dạy, viết, làm việc, và thiết kế. 

Cuối những năm 1920 và đầu những năm 1930 là những năm tiến bộ nhất của Lissitzky khi ông thí nghiệm (và tiếp tục các cuộc thí nghiệm) với các phương tiện ký tự pháp, nhiếp ảnh, và ảnh cắt ghép photomontage trong khi vẫn tiếp tục cho ra nhiều bản thiết kế kiến trúc đổi mới khác. Một trong những thiết kế đó là bản phác thảo năm 1931 về một tòa nhà Pravda mới có năm đơn vị riêng biệt được lồng vào nhau bằng một loạt cây cầu dành cho người đi bộ, nhưng đấy lại là một bước tiến khác trong tầm nhìn của Lissitzky về tòa nhà chọc trời nằm ngang.

Vợ chồng Lissitzky và con trai, Jen, vào khoảng năm 1932

Sau khi bị chẩn đoán mắc bệnh lao phổi vào năm 1923, nhịp độ sáng tác của Lissitzky dần chậm đi. Căn bệnh khiến ông không thể tham gia nhiều dự án một lúc như ông vẫn làm trong hầu hết cuộc đời mình. Vào năm 1932, Lissitzky cống hiến mình cho việc sản xuất nghệ thuật tuyên truyền Xô viết, tiếp tục quảng bá một hệ thống chính trị mà dưới thời Stalin, đã hạn chế khắt khe nghệ thuật, đã bắt giữ và thậm chí giết chết các đồng nghiệp của Lissitzky, và công khai thù địch với người Do Thái. 

Không rõ Lissitzky có cảm thấy mâu thuẫn trong vấn đề này hay không, nhưng với tình trạng sức khỏe giảm sút cộng với sự cống hiến lâu năm cho sự nghiệp Xô viết, rất có thể gần cuối đời, ông chỉ muốn tiếp tục sản xuất nghệ thuật mà không vướng vào tranh cãi. Để làm phức tạp thêm những nỗ lực của mình, từ năm 1930 đến năm 1940, ông đã đóng góp cho tạp chí “Xây dựng Liên Xô” – một tạp chí quảng bá quá trình công nghiệp hóa của Liên Xô.

Một số cuốn tạp chí Xây dựng Liên Xô (СССР на стройке)

Tác phẩm nghệ thuật cuối cùng của Lissitzky là một bức ảnh ghép tuyên truyền được tạo ra khi Liên Xô mới bắt đầu tham gia vào Thế chiến thứ hai. Chính phủ Liên Xô được kêu gọi phải sản xuất nhiều vật tư chiến tranh hơn. Vài năm sau đó, vào 21/12/1941, Lissitzky không chống chọi nổi với căn bệnh của mình và qua đời tại nhà riêng ở Shodnia, ngoại ô Moscow.

Di sản của El Lissitzky

Lissitzky nỗ lực biến đổi chủ nghĩa Siêu việt từ định hướng hai chiều, thực tế và lý tưởng của nó thành những cân nhắc ba chiều về không gian, đặc biệt là liên quan tới kiến trúc. Mặc dù chỉ có một bản thiết kế của ông được thực hiện, những sự phát triển sau này trong thiết kế kiến trúc thế kỷ 20 cần phải mang ơn Lissitzky. Người nghệ sĩ có tư duy cấp tiến toàn diện đã thành lập một phương tiện thành công để thiết lập một bộ từ vựng trực quan hiện đại, hoàn toàn trừu tượng mà có thể được sử dụng theo hướng kiến thức hay nghệ thuật trực quan từ đồ họa tới hội họa. Các nghệ sĩ và kiến trúc sư theo sau, đặc biệt là những người thuộc thời kỳ Bauhaus đầu tiên như Walter Gropius, Mies van der Rohe, và Wassily Kandinsky cũng như những người theo trường phái Lập thể, đã khám phá và mở rộng vốn từ vựng này với các yếu tố cơ bản là hình thức, đường nét và màu sắc.

Các tác phẩm tiêu biểu

1919: Had Gadya

Tranh in thạch bản. Bộ sưu tập cá nhân.

Một chú dê nhỏ (Had Gadya) là bài hát thường được các gia đình người Do Thái hát vào đêm đầu tiên của Lễ Vượt Qua. Bài hát kể về một con dê đực (đại diện cho người dân Do Thái) bị tấn công bởi một con mèo, sau đó là một con chó. Những con vật này tái hiện những kẻ đàn áp người Do Thái trong suốt tiến trình lịch sử.

Lissitzky ban đầu tạo ra tranh màu gouache vẽ mười con vật, Một chú dê nhỏ là bức được vẽ một cách uyển chuyển, gợi nhớ đến phong cách của Marc Chagall. Phiên bản năm 1919 này, được vẽ cho sách thiếu nhi, đặc trưng với những con vật tự nhiên, kỳ lạ một cách cuốn hút, với những phần cong của chúng chồng lên nhau. Những yếu tố hình học này – là điềm báo theo một cách nào đó – không chỉ nói lên sự đơn giản rõ rệt của phong cách về sau của Lissitzky, mà còn tạo cảm giác chuyển động trong bố cục.

1919: Hạ gục bọn Trắng bằng nêm Đỏ

Tranh in thạch bản. Bảo tàng thành phố Van Abbemuseum, Eindhoven, Hà Lan

Hạ gục bọn Trắng bằng nêm Đỏ (Beat the Whites with the Red Wedge) là một trong những nỗ lực đầu tiên của Lissitzky trong nghệ thuật tuyên truyền. Ông tạo ra tác phẩm mang tính chính trị mạnh mẽ nhằm ủng hộ Hồng Quân ngay sau khi những người Bolshevik tiến hành cách mạng vào năm 1917. 

Hình nêm đỏ tượng trưng cho những nhà cách mạng đã tấn công lực lượng Bạch Vệ chống Cộng sản. Ở đây, Lissitzky sử dụng cách kết hợp màu đặc trưng của ông gồm màu đỏ, trắng và đen, nhằm củng cố thông điệp được thể hiện qua tiêu đề tác phẩm. Màu sắc và hình dáng mang ý nghĩa biểu tượng trực tiếp. Ví dụ, lớp thành nhẵn mịn của vòng tròn trắng bị mũi nhọn của hình tam giác đỏ đâm xuyên qua: Hồng Quân đã đâm thủng hàng rào phòng ngự của Bạch Vệ. Những sự tương phản màu sắc rực rỡ cũng tạo ra sự khó hiểu về không gian – không gian nào là không gian dương? Không gian nào là không gian âm? Trong khi đó, các dạng hình học nhỏ trong bảng màu giới hạn trôi nổi như những viên đạn nhỏ trong không gian cùng với văn bản. Ở đây, các hình thức cơ bản kết hợp với văn bản: hội họa và ký tự pháp được hợp nhất. Tác phẩm này là một tiền thân quan trọng của chuỗi Proun của Lissitzky, khi nghệ thuật Siêu việt chuyển sang mặt phẳng thị giác ba chiều.

1925: Proun 99

Loạt tác phẩm Prounen hay Proun của Lissitzky, có mặt trên nhiều phương tiện khác nhau từ hội họa và minh họa đến sắp đặt vật lý, là nỗ lực của người nghệ sĩ nhằm tạo ra các môi trường ba chiều mà ở đó các hình học hai chiều có thể tồn tại đối lập với không gian chúng được đặt trong. 

Kết quả cuối cùng với Lissitzky là một cách lý tưởng tạo ra một độ căng liên tục giữa không gian ba chiều mở, âm, và các dạng hình học phẳng, hoàn toàn trừu tượng. Vẽ chì và vẽ màu, trước đây tồn tại độc lập với các phương tiện của điêu khắc và kiến trúc ba chiều, giờ đây có thể được kết hợp với nhau để tạo ra các hình thức tích hợp mới – lý tưởng nhất là các toà nhà phong cách Siêu việt, hướng tới tương lai, mà Lissitzky đã hình dung. 

1929: Liên bang Xô Viết, Triển lãm Nga

 In khắc nhiếp ảnh (photogravure) đỏ và đen. Bảo tàng Thiết kế Basel, Thụy Sĩ

Bức áp phích này được tạo ra cho một cuộc triển lãm năm 1929 tại Bảo tàng Nghệ thuật ứng dụng (Kunstwerbemuseum) ở Zurich. Nghệ thuật Kiến tạo của Lissitzky và các niềm tin chính trị của ông đã trở nên gần như có thể thay thế cho nhau vào thời điểm này trong sự nghiệp của ông. 

Trong tác phẩm Liên bang Xô Viết, Triển lãm Nga (USSR, Russische Ausstellung) , phần thân trên khổng lồ của một người đàn ông và một người phụ nữ thấp thoáng trên phần kiến trúc nhấp nhô dọc đường chân trời. Những nhân vật này hòa vào nhau để nhấn mạnh bình đẳng giới trong ngôn ngữ của chủ nghĩa Cộng sản và họ là bản chất của Nhà nước. Lissitzky từ lâu đã hình dung người dân quê hương ông vươn đến những tầm cao mới, cả về tâm linh lẫn thể chất.

1930: Người chạy bộ

Ảnh cắt dán. Phòng trưng bày nhà nước Tretyakov, Moscow, Nga

Lissitzky từng viết về nhiếp ảnh rằng, “…nhiếp ảnh sở hữu những đặc tính mà hội họa không có. Những đặc tính này nằm ở chính bản thân chất liệu nhiếp ảnh và chúng ta cần phải phát triển chúng để nhiếp ảnh thật sự trở thành nghệ thuật.” 

Với bức Người chạy bộ (The Runner), Lissitzky chuyển đổi bức ảnh in bạc gelatin năm 1926 của ông Người chạy trong thành phố (Runner in the City) thành một hình ảnh tham chiếu trực quan mới tuyệt đẹp về sự tôn vinh hiện đại với tốc độ và sự năng động bằng cách chia bức ảnh thành những phần bằng nhau theo chiều dọc. 

Bức ảnh phân mảnh này mô phỏng hiệu ứng nhận thức vật thể khi chuyển động (các vật thể đang chuyển động và/hoặc người xem cũng đang chuyển động): tạo cảm giác phân mảnh trực quan khi người ta nhìn thoáng qua các phần hơn tổng thể. Nỗ lực của Lissitzky nhằm biến các phương tiện bị xem là tầm thường thành một thứ nghệ thuật cao cấp trên thực tế là một bước tiến khác cho phong cách Kiến tạo của người nghệ sĩ. Ý tưởng chính ở đây là xây dựng một thứ hoành tráng và hoàn toàn mới, và theo nghĩa đó, khái niệm nhiếp ảnh là một hình thức nghệ thuật thuần túy, hoặc cái mà người Xô viết xem là một “phương tiện khai sáng”, là một thứ thật sự rất tiền tiến.

1932: Tiệm in Ogoniok

Moscow, Nga

Với Lissitzky, kiến trúc là một niềm đam mê dai dẳng. Trớ trêu thay, về mặt nào đó, chính niềm đam mê với kiến trúc đó của ông cũng là thách thức lớn nhất đối với năng suất làm việc của ông. Những khát vọng lý tưởng không tưởng thường được thực hiện thành các bản thảo và kế hoạch của Lissitzky cho các tòa nhà mà lẽ ra không thể nào xây dựng được. 

Trong phần thể hiện này, những khối đá nguyên khối chót vót cao dường như lơ lửng trên không trung, bất chấp trong lực và từ chối những cân nhắc rất thực tế (chẳng hạn như những hạn chế về ngân sách). Không phải không có ý về tính thực tế, Lissitzky đã điều chỉnh tầm nhìn kiến trúc của mình. Tiệm in Ogniok ở Moscow được đặt hàng vào năm 1932 được xem là tác phẩm kiến trúc duy nhất còn tồn tại của Lissitzky. Thật không may, tòa nhà thật khác xa với những gì ông tưởng tượng, hầu như không có một yếu tố nào liên quan đến tòa nhà chọc trời nằm ngang đã trở thành thiết kế đặc trưng của Lissitzky.

Dịch: Nhã Văn

Cùng tác giả

#Tag

El Lissitzky Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…