Vận dụng Opentype để khai phá sức mạnh con chữ (Phần 2)
Số là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc soạn thảo văn bản cũng như thiết kế. Nó được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực và hầu như có một sự đồng nhất trong nhiều loại ngôn ngữ khác nhau. Bên cạnh những giá trị mà con số biểu hiện, việc sắp xếp trật tự con số cũng có thể mang đến cho mỗi người đọc những trải nghiệm đặc biệt khác nhau.
Sau phần 1, lần này hãy cùng iDesign khám phá khả năng mà Opentype có thể tác động đến những kí tự số. Liệu rằng khi nhắc đến số trong một Typeface, có phải nó chỉ bao hàm 10 kí tự như mọi người vẫn thường nghĩ hay không?
Lining Figures & Oldstyle Figures
Chúng ta thường có thói quen viết số dựa vào Baseline (đường cơ sở) và Capline tương ứng với chân và chiều cao của con số đó. Cách căn chỉnh như vậy được gọi là Lining Figures (căn chỉnh hiện đại), nó thể hiện sự trật tự, nghiêm túc. Thông thường phù hợp với các văn bản đòi hỏi tính kỷ luật như các văn bản luận án, thống kê, hóa đơn, báo cáo,…
Bên cạnh đó cũng có một kiểu căn chỉnh khác thể hiện tính cách tự nhiên, cổ điển hơn, gọi là Oldstyle Figures (căn chỉnh truyền thống). Các con số không bị giới hạn trong khuôn khổ mà được căn chỉnh một cách tự do, nhưng vẫn tạo nên sự hài hòa và nhịp điệu với phần nội dung văn bản. Kiểu này thường được sử dụng trong các tác phẩm văn học, thư tay, thiệp mời,…
Proportional & Tabular Figures
Mỗi con số có một hình dáng khác nhau tạo nên phần không gian âm xung quanh chúng cũng sẽ khác nhau. Dựa vào điều đó người ta phân loại việc sắp xếp các con số kế tiếp nhau thành hai loại chính đó là Proportional Figures và Tabular Figures.
Proportional Figures là kiểu sắp xếp các con số phụ thuộc vào khoảng không gian âm, nghĩa là các kí tự có thể gần nhau hơn, hoặc xa nhau hơn dựa vào hình dáng của chúng. Nhờ vậy chúng ta có thể cảm giác được sự gắn kết và nhịp nhàng giữa các con số với nhau.
Tabular Figures thì ngược lại, các con số được phân bố với khoảng cách hoàn toàn bằng nhau. Cực kì hiệu quả khi trình bày theo chiều dọc, phù hợp với các bảng báo cáo, thống kê, các phép tính, sổ sách kế toán,…
Superior & Inferior Figures
Bạn chắc chắn sẽ gặp các dạng con số này thường xuyên trong việc ghi chép lại các công thức toán học hoặc hóa học bằng máy tính. Superior Figures là những con số nhỏ nằm ở phía trên, thường dùng để thể hiện phép lũy thừa trong toán học. Còn Inferior Figures là những con số nằm phía dưới, dễ thấy xuất hiện trong các công thức hóa học để biểu thị số lượng phân tử hoặc nguyên tử.
Cũng như Small Caps, dạng số này được các nhà thiết kế dành riêng một bộ kí tự đã được tinh chỉnh về tỉ lệ và kích thước. Nếu sử dụng chức năng thu phóng theo thuật toán của máy tính, các kí tự số này sẽ bị quá hẹp hoặc quá mỏng so với kí tự gốc. Thế nên trong quá trình soạn thảo văn bản, đặc biệt khi làm các nội dung liên quan đến toán học, hóa học bạn cũng cần chú ý xem Typeface mình đang sử dụng có hỗ trợ Superior & Inferior Figures không nhé!
Numerator & Denominator | Fractions
Numerator (tử số) và Denominator (mẫu số), hai loại số này dùng chung một bộ kí tự với Superior & Inferior Figures. Nhưng nó sử dụng đường Baseline (đường cơ sở) khác nhau, mục đích là để biểu thị phân số.
Fractions (phân số) là một chức năng được phát triển giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn trong việc tạo phân số. Bạn không nhất thiết phải áp hai giá trị Numerator và Denominator cho từng con số tương ứng, chỉ cần viết theo định dạng “abc/bcd” với “abc” là tử số, “bcd” là mẫu số. Opentype sẽ tự động làm phần còn lại giúp bạn.
Ordinals
Ordinals (số thứ tự), dịch là số nhưng thực ra đây là những kí tự chữ thường, chúng có kích thước nhỏ hơn so với kí tự gốc và đã được tinh chỉnh về tỉ lệ. Thường được dùng để đánh số thứ tự hoặc thể hiện ngày tháng trong tiếng Anh.
Mathematical Symbols
Bạn có biết đến sự tồn tại của dấu nhân không? Đa số người dùng đều sử dụng kí tự chữ “x” thay cho kí tự dấu nhân “×”, tương tự với kí tự gạch nối ngắn “-“ thay cho dấu trừ “−“. Lí do đơn giản vì các Mathematical Symbols (kýhiệu toán học) này không xuất hiện trên bàn phím của máy tính, thế nên dần dần người ta quên đi sự tồn tại của chúng. Tuy nhiên thực chất trong những Typeface, bên cạnh các kí tự chữ số cơ bản, các nhà thiết kế cũng đã thêm vào đó rất nhiều yếu tố khác như bộ ký hiệu toán học, các họa tiết trang trí, ký hiệu ngôn ngữ, dấu câu và còn nhiều nhiều hơn thế nữa.
Hãy khám phá nhiều hơn về khả năng của một Typeface thông qua bảng Gylphs (Window → Type → Gylphs | Adobe Illustrator)
Character vs Opentype
Nếu sử dụng Illustrator hay các phần mềm khác của thuộc dòng Adobe, các bạn có thể dễ dàng để ý thấy trong phần Type, bảng chọn Character và Opentype là hai panel tách biệt nhau. Tại sao người ta không gộp hai bảng lại làm một? Thoạt nhìn thì có vẻ chức năng của chúng tương tự nhau, đều cùng dùng để tinh chỉnh các kí tự. Thực chất điểm khác biệt lớn nhất đó là trong khi Character thay đổi kết cấu con chữ bằng thuật toán máy tính thì Opentype tập trung khai thác của các kí tự được thiết kế riêng có trong một bộ Typeface.
Các chức năng của bảng Character có thể áp dụng tự do cho tất cả các Typeface, trong khi đó Opentype chỉ sử dụng được khi Typeface có hỗ trợ các kí tự bổ sung (ngoại trừ chức năng Small Cap được kích hoạt trên Character, nhưng nếu Typeface có các kí tự Small Cap riêng thì vẫn sẽ được ưu tiên sử dụng). Đó cũng là lý do mình viết về Mathematical & Optical Alignment ở đầu phần 1 mặc dù có vẻ nó không liên quan lắm. Nếu nói Character chính là Mathematical Alignment thì Opentype sẽ là Optical Alignment. Suy cho cùng thì bạn vẫn là người quyết định tất cả. Hãy tận dụng sự ưu việt của máy tính, nhưng cũng đừng bỏ quên trực giác của mình.
Phần Kết
Trước sự phổ cập của máy tính trong xã hội hiện đại, việc soạn thảo văn bản ngày nay đã trở thành một trong những kỹ năng cơ bản mà bất cứ ai, từ những công nhân viên chức, nhân viên văn phòng đến các chị em nội trợ đều có thể làm được. Nhưng không chỉ đơn thuần là một công cụ để thể hiện nội dung, chữ viết còn truyền tải được nhiều hơn thế nữa. Từ phong cách, cảm xúc, văn hóa, truyền thống đến đôi khi là cả những giá trị lịch sử. Đối với một số người, nó chỉ đơn thuần là hành động gõ lên trên bàn phím máy tính. Nhưng dưới cương vị là một nhà thiết kế, chữ viết chính là một món vũ khí lợi hại, là lưỡi gươm sắc bén đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình tạo nên những tác phẩm tuyệt vời.
Thực hiện bởi: Minh Khang