10 phương pháp để cải tạo ‘guồng quay’ cuộc sống của bạn một cách lành mạnh - Scott H. Young.

Đã bao giờ bạn cảm thấy cuộc sống của bản thân quá bế tắc, nhàm chán, bị trì trệ với những mục tiêu mình đề ra, bị tuột lại so với những bạn bè đồng trang lứa? Bạn muốn thay đổi, nhưng lại không biết nên bắt đầu từ đâu. Hôm nay hãy cùng với iDesign tìm hiểu 10 phương pháp của tác giả Scott H. Young để cải thiện cuộc sống tốt đẹp hơn cho một năm mới sắp tới nhé!


Nhiều năm trước khi mới bắt đầu đi làm, tôi đã thử qua rất nhiều loại công việc khác nhau. Điều này quả thực rất hữu ích, nhưng vấn đề nằm ở việc thử và thất bại trong nhiều lĩnh vực khiến tôi trở nên ngày càng chán nản và mất niềm tin vào năng lực của bản thân. Nếu được quay trở lại, tôi nhất định sẽ dành khoảng thời gian đó để chọn lựa những phương pháp khác phù hợp hơn với mình.

Tôi tin là với mỗi người, nếu thật sự nghiêm túc, đều có thể tự cải thiện cuộc sống tốt hơn rất nhiều chỉ trong chưa đầy một năm. Nhưng nó chỉ thực sự hiệu quả khi ta biết cách xây dựng cho bản thân một nền tảng phát triển vững chắc. Nếu bạn quan tâm đến tất cả những điều đó nhưng vẫn đang phân vân không biết nên bắt đầu từ đâu, thì những gợi ý của tôi dưới đây chắc hẳn sẽ rất hữu ích dành cho bạn.

1. Thiết lập một kế hoạch làm việc hiệu quả.

Năng suất trong công việc luôn là yếu tố hàng đầu, sai lầm là khi nghĩ rằng một kế hoạch làm việc hiệu quả chỉ giúp bạn hoàn thành nhiều công việc hơn. Trên thực tế thì nó còn giúp bạn tổ chức những mục tiêu và tối ưu hóa nỗ lực của bản thân dành cho mỗi mục tiêu đó.

Có 2 vấn đề thường thấy trong quá trình cải thiện bản thân. Đó là:

  • Thiếu động lực. Bạn cảm thấy bản thân không có đủ thời gian hoặc năng lượng để thực hiện tất cả những việc bạn nghĩ là mình nên làm.
  • Thiếu tính liên tục. Bạn dự định tập thể dục mỗi ngày trong tuần, nhưng lại quên bẵng đi ba ngày sau đó.

Một kế hoạch làm việc hiệu quả nếu được xây dựng đúng cách hoàn toàn có thể giải quyết cả 2 vấn đề trên. Nó không chỉ giúp bạn kiểm soát nguồn năng lượng mà còn đảm nhận trách nhiệm ghi nhớ những công việc mà bạn cần phải hoàn thành.

Có một cuốn sách rất hay viết về chủ đề này có tên là “Getting Things Done” của tác giả David Allen. Trong sách, ông đề cập đến hệ thống các phương pháp trong việc xây dựng một bảng kế hoạch hoàn chỉnh, tôi nghĩ nó sẽ rất phù hợp nếu bạn là một người bận rộn và đang gặp khó khăn trong quá trình giải quyết các tác vụ hằng ngày. Nhưng suy cho cùng, dù bạn có là ai đi nữa thì tôi tin là việc nắm vững các nguyên tác cơ bản trong việc lập kế hoạch vẫn sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình cải thiện cuộc sống của bản thân sau này.

2. Tập thể dục mỗi ngày.

Tập thể dục thường xuyên có lẽ là mục tiêu dễ dàng nhất mà bất kì ai cũng có thể đạt được. Nó không những mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, cải thiện tư duy mà còn có thể khiến cho tâm trạng của chúng ta ngày một tốt hơn. Khác với những mối quan hệ xã hội lẫn sự nghiệp, việc này hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của bạn.

Dù có nhiều kế hoạch tập luyện khá hợp lý, nhưng riêng tôi đề xuất nên bắt đầu với lịch tập đều đặn mỗi ngày trong tuần vào cùng một thời điểm. Việc tập luyện thường xuyên và đều đặn sẽ nhanh chóng phát triển trở thành một thói quen, có thể là vào buổi sáng sớm để bắt đầu cho một ngày mới tràn đầy năng lượng, hay buổi xế chiều sau khi bạn đã hoàn tất những công việc thường ngày.

Một sai lầm tôi đã phạm phải lúc đầu là xây dựng một lịch trình tập luyện không đều đặn. Tôi đã đề ra mục tiêu tập từ 3 đến 4 ngày mỗi tuần, vấn đề là nếu có vô tình bỏ lỡ một ngày nào đó, tôi hoàn toàn có thể tập bù vào những ngày tiếp theo. Kết quả là tôi luôn không hoàn thành đủ số ngày luyện tập của mình.

Một vấn đề khác là thời gian trung bình dành cho mỗi buổi tập thường dao động từ 60-90 phút, đây là một điểm rất bất lợi nếu bạn là một người đang quá bận rộn trong công việc và không thể dành ra ngần ấy thời gian. Để giải quyết điều đó, bằng cách tăng cường độ cũng như sự tập trung của bản thân, bạn hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian cho mỗi buổi tập chỉ còn từ 20-30 phút .Tôi tin là làm như vậy vẫn sẽ mang lại một hiệu quả đúng như mong đợi.

3. Đọc 30 phút mỗi ngày.

Điều quan trọng nhất để hiện thực hóa bất kỳ mục tiêu nào là làm việc. Điều thứ hai là đọc nhiều sách để có một phương pháp làm việc hiệu quả hơn.

Hầu hết chúng ta đọc rất ít, trung bình một người Mỹ chỉ đọc tầm 4 cuốn sách mỗi năm. Tuy nhiên, với một phương pháp đúng đắn, bạn có thể đọc hết số lượng đó chỉ trong vòng một tháng.

Điều tối thiểu bạn cần làm, bất kể như thế nào, chính là tự quy định thời gian của bản thân dành ra cho việc đọc sách, 30 phút mỗi ngày là điều ai cũng có thể làm được. Hãy đọc sách mỗi khi rảnh rỗi, giữa những khoảng trống trong lịch trình công việc, khi di chuyển và giữa những chuyến bay,… Tôi nghĩ bạn nên dành nhiều thời gian hơn cho nó.

Một khi bạn đã quyết tâm thì bước tiếp theo chính là cố gắng làm cho việc đọc sách trở nên dễ dàng nhất có thể. Sau đây là một số gợi ý của tôi:

  • Mua một gói sách nói dài hạn kết hợp và nghe nó thường xuyên. Sách nói là một phương tiện vô cùng hữu ích trong tình huống bạn chỉ có thể dành ra 30 phút mỗi ngày cho việc đọc. Lợi ích của nó là bạn hoàn toàn có thể vừa nghe sách nói trong khi làm những công việc khác.
  • Mua nhiều sách. Tuy nhiên nếu nguồn tài chính của bản thân đang eo hẹp thì tôi khuyên bạn nên thường xuyên đến thư viện mượn sách với một mức phí thấp hơn rất nhiều.
  • Đừng cố gắng đọc hết mọi cuốn sách. Điều quan trọng là phải đọc nhiều, nhưng bên cạnh đó thì việc gắng sức đọc hết mọi cuốn sách sẽ có thể phản tác dụng nếu chúng không thực sự thu hút bạn.
  • Luôn có một quyển sách bên mình. Hãy tải ngay Kindle và xóa mọi ứng dụng liên quan đến mạng xã hội. Thay vì cứ tiếp tục lướt xem những chuyện vớ vẩn, bạn nên dành thời gian đó để đọc sách, điều đó sẽ giúp cho cuộc sống của bạn thêm phần ý nghĩa.

4. Viết nhật ký.

Bạn có biết về một kỹ thuật giúp tăng khả năng ghi nhớ? Nó cho phép bạn lập tức chuyển thông tin từ đỉnh đầu đến vùng ghi nhớ toàn phần, khiến bạn nhận ra sự liên kết giữa các thông tin mà trước đó bạn chưa từng để ý và đồng thời cũng có thể giúp bạn trở nên thông minh hơn.

Một công cụ như thế đáng giá bao nhiêu?

Không có bất cứ lời rao bán nào ở đây cả, vì công cụ tôi đang đề cập đến chính là việc luyện viết thường xuyên. Trí nhớ ngắn hạn (working memory) được biết đến như là thành phần chính của trí thông minh, về cơ bản rất có hạn, và thông qua việc viết giúp não bộ của chúng ta tạo ra một vùng đệm để lưu trữ các ý nghĩ trước khi chúng hoàn toàn chìm vào quên lãng. Viết cũng hỗ trợ khả năng tự suy ngẫm, bạn có thể viết ra một chuỗi các suy nghĩ và đọc chúng lên, điều này cho phép bạn trình bày một ý tưởng đồng thời tự phê bình nó một cách khách quan.

Tất cả những gì bạn cần để tận dụng công cụ này chính là mua một cuốn sổ ghi chú và đặt ra mục tiêu viết ít nhất 1 lần/tuần. Hãy viết về bất cứ thứ gì, từ những khó khăn của hiện tại, tham vọng, trải nghiệm… đến những kế hoạch và dự định tương lai. Bên cạnh đó thì trong quá trình thực hiện những phương pháp mà tôi gợi ý, bạn cũng có thể ghi chú lại những trải nghiệm của bản thân, điều gì phù hợp và điều gì không, để lên kế hoạch áp dụng chúng một cách lâu dài cho cuộc sống của mình.

5. Trò chuyện thường xuyên với ai đó thông minh hơn mình. 

Sai lầm lớn nhất tôi mắc phải trong quá trình cải thiện bản thân đó là quá hướng nội. Tôi đã tập thể dục thường xuyên, duy trì một kế hoạch làm việc hiệu quả và đọc sách… nhưng cứ mỗi khi có cơ hội được tiếp xúc với những người khác, tôi luôn cảm thấy bản thân mình bị tuột lại phía sau so với họ.

Bạn nên sắp xếp thời gian để trò chuyện 1 lần/tuần với một người nào đó giỏi hơn bạn, hãy nói về ít nhất một chủ đề trong cuộc sống của họ. Nếu bạn đang nỗ lực cho sự nghiệp thì nên trò chuyện với những người có chuyên môn giỏi hơn mình. Nếu bạn muốn chăm sóc sức khỏe, cải thiện vóc dáng thì hãy trao đổi với những người có thân hình cân đối tại phòng tập Gym. Và nếu bạn mong muốn học hỏi một điều gì mới mẻ, không có gì tốt hơn là được lắng nghe kinh nghiệm của người đã từng học qua những điều đó.

Điều kỳ lạ là rất ít người áp dụng phương pháp này. Chúng ta có xu hướng chỉ gắn bó với những người mình quen biết, đó có thể là người thân, đồng nghiệp, bạn bè, những người nằm trong vùng an toàn. Kết quả là sự hiểu biết của chúng ta bị giới hạn chỉ bởi kiến thức của những người xung quanh mình.

Tiếp xúc với những người giỏi hơn mình, duy trì mối quan hệ với những người mà bạn kính trọng. Đây là một phương pháp vô cùng quan trọng, nhưng cũng rất dễ bị bạn vô tình bỏ qua.

6. Theo dõi mọi giao dịch mua sắm.

Tôi thường có thói quen ghi chú lại tất cả những giao dịch phát sinh trong mọi trường hợp, đặc biệt khi bản thân đang gặp khó khăn về mặt tài chính. Phương pháp này rất cần thiết để giúp bạn giữ cho mình một cuộc sống thoải mái.

Bạn cũng không nhất thiết phải ghi chúng lại một cách quá chi tiết, cá nhân tôi sử dụng công cụ bảng tính để có thể nhanh chóng theo dõi, xem xét đồng thời sắp xếp và phân bổ chi tiêu thành nhiều loại. Dĩ nhiên là bạn hoàn toàn cũng có thể sử dụng các ứng dụng quản lý khác cho việc này.

Có một phương pháp giúp bạn đưa ra những quyết định cho việc chi tiêu của mình, đó là dựa vào tình hình công việc của bản thân. Nếu bạn đang quá bận trong công việc và không có đủ thời gian để bước xuống đường mua thức ăn, việc đặt người khác giao đến nhà chắc chắn là một khoản chi hợp lý. Đừng quá tiết kiệm nếu tài chính của bạn đang ổn định, nhưng dù vậy cũng đừng quá sa đà chi tiêu vào những thứ vô bổ. Tôi nghĩ chúng ta nên cẩn thận vì phương pháp này tương đối khó kiểm soát trong việc tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào bản thân cũng có thể tạo nên sự khác biệt rất lớn. Một cuộc sống tốt không nhất thiết phải quá tốn kém, bạn hoàn toàn có thể dễ dàng đạt được nó nếu đủ khả năng chi trả cho những nhu cầu của mình. Đối với tôi, thay vì để tiền cho một bữa ăn tốn kém bên ngoài, tôi sẽ ưu tiên tiết kiệm số tiền đó để mua sách cho bản thân.

7. Loại bỏ các thói quen xấu.

Đối với nhiều người, trở ngại lớn trong cuộc sống không phải là thiếu nỗ lực để thay đổi bản thân mà là có quá nhiều cám dỗ khiến chúng ta dậm chân tại chỗ. Chúng ta thường thích xem phim, chơi game và lướt Facebook mỗi ngày, một số khác có thể là uống rượu, bia, hút thuốc, ăn vặt,…

Giải pháp đơn giản nhất là hãy loại bỏ hết những thói quen xấu này, hãy kiêng nhịn các thứ không giúp cuộc sống bạn tốt hơn. Phương pháp này có lẽ là một giải pháp tốt đối với những thói quen thiếu lành mạnh, nhất là khi bạn thấy mình đang nghiện chúng.

Tuy nhiên, điều này nghe có vẻ thật khó khăn và không mấy hấp dẫn, tôi nghĩ nó cũng không hoàn toàn khả thi trong mọi trường hợp. Thỉnh thoảng, tôi vẫn muốn thưởng thức một ly rượu vang hoặc xem Netflix, ngay cả khi không muốn công việc của mình bị trễ nải.

Trong trường hợp này, chúng ta có thể tự đặt ra những quy tắc dành cho bản thân, những quy định này giúp chúng ta không quá lún sâu vào các hoạt động thư giãn giải trí. Có rất nhiều dạng quy tắc, nhưng chúng phải thực sự vững chắc để chúng ta không cố tình vi phạm nó.

  • Bắt đầu với một quy tắc cơ bản: “Không uống quá hai ly trong một đêm” hoặc là “Chỉ xem một tập phim mỗi ngày”
  • Cấp độ tiếp theo là sử dụng sức mạnh của thói quen. Giới hạn thời gian mà bạn cho phép bản thân được sử dụng những phương tiện vui chơi giải trí . “Tôi chỉ sử dụng mạng xã hội vào các buổi sáng cuối tuần.” Xây dựng cho bản thân một thói quen, và giờ đây tôi thậm chí không thiết nghĩ đến việc kiểm tra tin tức facebook mỗi trưa thứ tư vì đây không phải là thời gian phù hợp để làm việc đó.
  • Bước tiếp theo là thiết lập nên những trở ngại. Ứng dụng Leechblock có thể kiểm soát các hoạt động trên những trang mạng xã hội của bạn. Bạn cũng có thể đặt chế độ tự động tắt cho TV nếu bản thân xem vượt quá thời gian quy định.
  • Cuối cùng là hãy nâng cấp cho những trở ngại đó. Hay giao mật khẩu của Leechblock cho một người mà bạn tin tưởng, để giữ bản thân không thể cố tình vi phạm những quy tắc mà mình đã đề ra.

Nếu những bước cuối cùng này không giữ được thú tiêu khiển của bạn ở mức độ vừa phải, thì có lẽ tự tiết chế sẽ là giải pháp tối ưu sau cùng.

8. Thức dậy đúng giờ mỗi sáng.

Hãy đặt thời gian thức/ngủ cố định cho bản thân và cố gắng duy trì nó.

Đối với nhiều người, phương pháp này sẽ luôn được áp dụng nếu bạn là người đã có gia đình hoặc đang làm việc trong môi trường văn phòng bị quy định chặt chẽ về mặt thời gian. Tuy nhiên, xu hướng thức quá khuya dẫn đến cảm thấy mệt mỏi vào buổi sáng vẫn luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội.

Bên cạnh đó, đối với sinh viên hoặc những người làm việc tại nhà, có cho mình được một thời gian biểu hợp lý có thể là một bước tiến lớn. Lý do đơn giản vì đi ngủ và thức dậy đều đặn cho phép bạn lên kế hoạch những việc định làm, nếu muốn tập thể dục vào mỗi buổi sáng, nhưng lại ngủ quên trong một số ngày, bạn sẽ chẳng bao giờ hoàn thành được mục tiêu đó.

Một số thay đổi trong thói quen để có thể làm cho phương pháp này hiệu quả hơn:

  • Đừng nhấn vào nút báo lại. Nếu gặp khó khăn với vấn đề này, bạn có thể luyện tập bật dậy ngay lập tức khi vừa mới nghe tiếng chuông báo thức, tránh để cơ thể rơi vào trạng thái lim dim ngủ một lần nữa.
  • Dành một giờ trước khi đi ngủ để đọc sách, viết nhật ký hoặc yên tĩnh. Điều này sẽ giúp bạn ngủ đúng giờ dễ dàng và cung cấp cho bạn nhiều năng lượng hơn vào sáng hôm sau.
  • Hãy áp dụng lịch trình này cho cả những ngày cuối tuần. Nếu văn hóa công ty của bạn yêu cầu những buổi họp mặt khuya cùng đồng nghiệp, hội nhóm hoặc bạn đang độc thân và muốn giao lưu kết bạn thì điều này có thể không phù hợp. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn có thể áp dụng nó, một lịch trình thức dậy cố định sẽ dễ dàng duy trì hơn so với việc bạn buông thả bản thân trong những tối cuối tuần và ngủ nướng vào sáng hôm sau.

9. Luôn đề ra một dự án thay vì mục tiêu.

Tôi thích dự án hơn là các mục tiêu, mục tiêu là những gì bạn muốn đạt được trong tương lai, còn dự án thì bao gồm cả những kế hoạch, hành động cụ thể để đạt được chúng. Tất nhiên, các mục tiêu rất hữu ích, nhưng nếu không có kế hoạch thì chúng vẫn chỉ là tưởng tượng của bạn mà thôi. “Việc kiếm được 1 triệu đô la” cũng sẽ không thể thành hiện thực trừ khi bạn bắt tay vào thực hiện những hành động cụ thể. Ví dụ như việc “trích ra 10% thu nhập mỗi năm của tôi để dành cho cuộc sống về hưu sau này”

Việc luôn phấn đấu thực hiện một dự án lớn sẽ giúp ích rất nhiều khi kết hợp tất cả các phương pháp mà tôi đã đề cập. Nhưng bên cạnh đó thì có một vấn đề quen thuộc của những người đang trong quá trình nỗ lực để cải thiện bản thân, đó là họ không xem toàn bộ quá trình này là một dự án, điều này khiến cho họ thường có xu hướng trì trệ hoặc bỏ cuộc giữa chừng: “Tại sao chúng ta lại phải dậy sớm mỗi ngày?”

Một cái deadline quan trọng có thể thúc đẩy bạn vượt qua sự trì hoãn, và một dự án quan trọng sẽ giúp bạn phối hợp được tất cả những phương pháp này.

Các dự án có hiệu quả tốt nhất khi bạn thực sự hoàn thành chúng. Nếu bạn có thói quen bắt đầu bằng những dự án lớn, nhưng rồi lại bỏ dở thì hãy chậm lại một chút, hãy khởi động bằng cách bắt đầu với những dự án nhỏ hơn, giới hạn thời gian hoàn thành tối đa trong vài tháng. Hiện tại, tôi thấy bản thân phù hợp với các dự án từ 1–2 năm, đây là cách tốt nhất để tôi tối ưu hóa nỗ lực chính mình. Các dự án dài hạn hơn thường quá xa vời khiến tôi không có đủ động lực để bắt tay vào thực hiện.

Bạn nên đặt ra những loại dự án nào? Tôi có xu hướng xoay chuyển theo bốn loại chính sau:

  • Các dự án nghề nghiệp. Những nỗ lực mới giúp cải thiện thêm chuyên môn trong công việc.
  • Dự án học tập. Những dự án này không chỉ giới hạn ở việc đọc sách mà còn rộng hơn thế nữa.
  • Các dự án tập thể dục. Rèn luyện thể lực để trở nên khỏe mạnh hơn, giữ gìn vóc dáng và giúp bạn chuẩn bị tốt cho những hoạt động thể chất sau này.
  • Các dự án sáng tạo. Vẽ tranh, lập trình, chế tạo hoặc biểu diễn một thứ gì đó.

Phương pháp này, nếu duy trì trong nhiều năm có thể dẫn đến những sự thay đổi vô cùng to lớn. Tuy nhiên thì rất ít người đưa ra kết luận một cách thường xuyên sau khi đã hoàn thành những dự án của cá nhân mình để bạn có thể so sánh, họ thường không nhìn lại những điều mà mình đã vượt qua, thay vào đó họ luôn hướng về những mục tiêu phía trước. Dù không ai nói ra, nhưng tôi nghĩ biết được những điều này vẫn là một lợi thế rất lớn trong quá trình phát trình tự rèn luyện và phát triển của bản thân mỗi người.

10. Một trải nghiệm mới mỗi tuần.

Có thể là đi ăn trong một nhà hàng mới (hay thử nấu một món mới tại nhà), tham gia một hoạt động, sự kiện mới hay thậm chí là tản bộ ở nơi nào đó mà bạn chưa từng đặt chân đến.

Và bên cạnh đó thì việc quản lý thời gian một cách hợp lý có thể giúp bạn chọn lựa được những hoạt động phù hợp, khiến bạn cảm thấy thật xứng đáng với thời gian mà mình bỏ ra. Vấn đề nằm ở việc chúng ta thường bị giới hạn bởi những trải nghiệm quen thuộc, sợ những điều mới mẻ có thể khiến mình mất nhiều thời gian mà chẳng mang lại kết quả gì. Những suy nghĩ như vậy khiến chúng ta có xu hướng ngày càng lười biếng và dễ vô tình bỏ lỡ đi rất nhiều cơ hội trải nghiệm những điều thú vị trong tương lai.

Bạn không nhất thiết phải là một người yêu thích phiêu lưu và khám phá, chúng ta hoàn toàn có thể biến chúng thành những thói quen của bản thân. Xu hướng này dễ dàng nhận thấy ở những con người nhiệt huyết và giàu năng lượng.

Bên cạnh đó, nếu đưa sự ngẫu nhiên vào lịch trình của mình, đôi khi bạn có thể có được những trải nghiệm mới vô cùng đáng nhớ. Đó có thể là việc tình cờ phát hiện ra một nhà hàng nào đó mà mình thích, hay may mắn đặt chân vào một cửa tiệm sách với không gian vô cùng dễ mến, và tôi nghĩ đó luôn là những trải nghiệm sâu sắc tuyệt vời. Dĩ nhiên nó cũng sẽ mở ra những cơ hội để bạn được gặp gỡ với những người có khả năng ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống của bản thân sau này.

Kế hoạch sáu tháng để xây dựng nền tảng vững chắc.

Nếu tôi được phép bắt đầu lại cuộc hành trình của mình ngay hôm nay, tôi sẽ dành ra 6 tháng để áp dụng từng phương pháp này. Mặc dù mỗi người sẽ có một cách thực hiện khác nhau, nhưng riêng bản thân tôi cho rằng sẽ hợp lý khi tập trung vào 2 phương pháp trong cùng một thời điểm hơn là cố gắng thực hiện đồng thời tất cả chúng.

Vì vậy, nếu bạn muốn cải thiện cuộc sống của mình một cách đáng kể, tôi khuyên bạn nên:

  1. Tháng đầu tiên dành cho một kế hoạch làm việc hiệu quả. Bạn nên chinh phục nó đầu tiên. 
  2. Tháng thứ hai để tập thể dục và thức dậy đúng giờ. Nếu bạn lên lịch tập thể dục vào buổi sáng thì việc thức dậy đúng giờ sẽ rất hợp lý, nhưng nếu bạn tập vào những khoản thời gian khác thì tôi nghĩ việc dậy sớm cũng sẽ rất tốt trong việc cấp đủ năng lượng cho cả một ngày dài. Tất nhiên là hãy sắp thời gian cho cả hai việc này trong bảng kế hoạch của bạn để không vô tình quên mất.
  3. Tháng thứ ba để đọc và viết nhật ký. Hãy dành ra 30 phút mỗi ngày để đọc và ít nhất 30 phút mỗi tuần để viết nhật ký. Chúng thường có một sự phối hợp hài hòa với nhau bởi lẽ việc đọc sẽ đưa bạn đến với những ý tưởng mới còn việc ghi chép lại cho phép bạn ghi nhớ cũng hỗ trợ việc thực hiện chúng một cách tốt hơn.
  4. Tháng thứ tư để theo dõi chi tiêu. Một khi áp dụng phương pháp này, bạn có thể muốn dành nhiều thời gian hơn việc lập nên một kế hoạch quản lý tài chính cá nhân, bao gồm tiết kiệm thường xuyên và lập ngân sách cho các khoản chi khác nhau trong cuộc sống.
  5. Tháng thứ năm để đẩy lùi các thói quen xấu. Nếu bạn cảm thấy mình đang có nhiều thói quen xấu không lại nhiều giá trị, có lẽ bạn cần phải thay đổi kế hoạch hằng ngày của mình. Tôi khuyên bạn nên đặt trọng tâm vào những điều tích cực trước, bởi vì nếu bạn loại bỏ mọi thứ mà không có những lựa chọn thay thế tốt hơn thì việc đó có thể không mang lại một hiệu quả lâu dài. Hãy để cảm giác thôi thúc khiến bạn phải bắt tay vào làm một điều gì đó chứ không chỉ là cảm giác tội lỗi vì đã để lãng phí quá nhiều thời gian.
  6. Tháng thứ sáu dành để lên lịch cho những cuộc gặp mặt và những trải nghiệm thú vị. Khi bạn đã xây dựng được cho mình nền tảng phát triển, đây có lẽ là thời điểm tốt nhất để bước ra ngoài và bắt đầu tìm kiếm những cơ hội. Hãy dành thời gian để trải nghiệm, gặp gỡ những con người mới và tích lũy thêm những câu chuyện thú vị. Việc này thường sẽ hiệu quả hơn khi bạn cảm thấy mình đang có một cuộc sống thật ý nghĩa, thế nên tôi nghĩ chúng ta nên ưu tiên đầu tư hoàn thiện bản thân thật tốt trước khi căng buồm cho những cuộc phiêu lưu sau này của mình.

Quá trình sáu tháng này, nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, bản thân nó sẽ trở thành một dự án vô cùng quan trọng. Riêng cá nhân tôi, một khi đã hoàn thành nó, tôi sẽ nhanh chóng bắt tay vào một dự án khác để chinh phục những mục tiêu kế tiếp. Sáu tháng có lẽ là mốc thời gian khá lý tưởng, nhưng trong cuộc sống đôi lúc sẽ xuất hiện những trở ngại mà chúng ta không lường trước được, thế nên một năm nghe có vẻ sẽ thực tế hơn.

Tuy nhiên, dù cho bạn có phải dành ra 5 năm để nắm vững những phương pháp này, tôi tin là nó sẽ giúp bạn xây dựng cho bản thân một nên tảng vững chắc để theo đuổi bất kỳ mục tiêu nào trong đời. Có thể bạn muốn có một sự nghiệp tốt hơn, một thân hình thật lý tưởng hay chỉ đơn giản là hạnh phúc hơn, bạn sẽ luôn biết đâu là vị trí tốt nhất để bắt đầu.

Dịch: Tuyết Như
Biên tập và thiết kế: Minh Khang
Minh họa: icons8.com
Nguồn: medium

Cùng tác giả

#Tag

creative life kế hoạch mục tiêu sống personal growth phát triển bản thân quan điểm sống tâm lí học

iDesign Must-try

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta “lỡ đụng tay” vào tác phẩm nghệ thuật
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta “lỡ đụng tay” vào tác phẩm nghệ thuật
“Những cú chạm của sự tò mò và ngây thơ” là cách mà con người muốn tận hưởng cảm giác gần gũi với ý tưởng kiệt xuất của sáng tạo.…
Sao chép trong hội họa: Ăn cắp hay công cụ học tập?
Sao chép trong hội họa: Ăn cắp hay công cụ học tập?
Quá trình sao chép thật chất là một cách học tuyệt vời về việc kiểm soát chất lượng tác phẩm và phát triển phong cách cá nhân khi bạn có…
Tại sao chúng ta không thể ngừng việc chạm tay vào các tác phẩm nghệ thuật?
Tại sao chúng ta không thể ngừng việc chạm tay vào các tác phẩm nghệ thuật?
Nghệ thuật luôn có một vẻ quyến rũ khó cưỡng và chỉ chờ đợi sơ hở của con người để cám dỗ sự vuốt ve của chúng ta. Bạn đang…
‘Kiến trúc có thể chữa lành’: Katie Swenson chia sẻ về loại hình kiến trúc mà cô theo đuổi
‘Kiến trúc có thể chữa lành’: Katie Swenson chia sẻ về loại hình kiến trúc mà cô theo đuổi
Katie là một nhà lãnh đạo thiết kế, nhà nghiên cứu, nhà văn và nhà giáo dục được công nhận trên toàn quốc. Trước khi gia nhập MASS vào đầu…
Bạn sáng tạo vì đâu? Như ‘Garfield’ hay ‘Calvin and Hobbes’?
Bạn sáng tạo vì đâu? Như ‘Garfield’ hay ‘Calvin and Hobbes’?
‘Garfield’ và ‘Calvin and Hobbes’ là ví dụ cho hai phương thức sáng tạo rất khác biệt, dù có chung một hình thức là comic strip (các khung truyện tranh…
4 bí kíp để tập luyện tự tin giữa muôn vàn sáng tạo
4 bí kíp để tập luyện tự tin giữa muôn vàn sáng tạo
Có thể rất khó để giữ được tự tin, thậm chí khi mọi thứ quanh ta rất thanh bình. Và thật không may thời gian gần đây mọi thứ không…