Vì sao giới thượng lưu La Mã dùng rác để trang trí sàn nhà?

Tấm khảm “căn phòng không dọn dẹp” (unswept room) ở Vatican

Trong khu vực bảo tàng của Vatican, có một hiện vật nổi bật giữa những quan tài chạm khắc công phu hay tượng đá cẩm thạch diễm lệ: tấm khảm sàn được phủ bởi chất thải thực phẩm.

Lần đầu ngắm bức khảm, bạn sẽ cảm giác bao phủ lên nó là các loại chất thải thực phẩm: vỏ hạt dẻ, lõi trái olive, vỏ trái cây và những nhánh nho rải rác. Nhưng chờ đã, nhìn lâu và kỹ hơn một chút, phần chất thải thực phẩm này dường như tan thành nhiều mảnh thủy tinh lóng lánh. Đây chính là một kỹ thuật khéo léo và cần nhiều công sức thường được sử dụng trong tranh khảm, có tên gọi là trompe l’oeil. Kỹ thuật này có tác dụng kéo những vật thể hiện thực về phía vô cực nhằm tạo ra các ảo ảnh quang học. Và thế là bạn biết rồi đó, tấm khảm sàn đầy “rác” này thực chất là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Phần vỏ hạt dẻ, lõi trái olive hay vỏ trái cây trở nên mềm mại dưới ánh sáng như được phủ lên một lớp phấn hoa óng ánh.

Tấm khảm “căn phòng không dọn dẹp” (unswept room) ở Vatican

Vào thời kỳ La Mã, những tấm khảm này thường được ưa chuộng để lót sàn trong các phòng tiệc lớn của giới thượng lưu. Nơi đó, những vị khách quý thỏa thích nghỉ ngơi trên các băng ghế dài và lựa chọn những món ăn ngon trong các bữa tiệc xa hoa.

Tấm khảm này được khai quật trong khu vực tàn tích từng là biệt thự của người La Mã ở Aventine Hill. Cho đến nay, dù đã rất nhiều năm trôi qua, người ta vẫn cảm nhận được từ tấm khảm sàn bầu không khí ấm áp của những đêm dài mộng mơ của thời kỳ La Mã cổ đại. Chất thải thực phẩm cho thấy phần bóng đổ ở nhiều phương hướng khác nhau, và càng trở nên lấp lánh hơn nữa dưới ánh sáng của những bóng đèn dầu dùng trong các buổi khiêu vũ. Thậm chí ở góc bức khảm, người ta cũng thấy được ánh sáng lấp lánh từ đôi mắt của một chú chuột nhỏ xíu đang gặm quả hạch.

Tấm khảm “căn phòng không dọn dẹp” (unswept room) ở Vatican

Kiểu trang trí này thịnh hành trong xã hội thời ấy đến mức nó có cả một tên riêng cho mình: asarotos oikos, hay còn gọi là “căn phòng không dọn dẹp” trong tiếng Hy Lạp. Dù rằng những nghệ sĩ Hy Lạp là người đầu tiên làm nên tấm khảm “căn phòng không dọn dẹp”, hậu thế chỉ có được những bản sao chép của người La Mã, thứ được làm nên vì lòng tôn sùng cuồng nhiệt. Nhưng vì sao tầng lớp thượng lưu La Mã lại bỏ ra từng ấy công sức và tiền bạc để khiến sàn phòng ăn của họ trông như bị bao phủ bởi rác?

Ngôi biệt thự sang trọng của người La Mã cổ đại ở Aventine Hill

Đầu tiên, điều này được xem là một loại biểu tượng của tầng lớp xã hội. Hãy nhớ đến những thứ trong bộ sưu tập của Profane Museum: tuy là chất thải, nhưng chất thải từ thực phẩm đắt đỏ nhất thế giới lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Hải sản được thể hiện trên khảm đều là các loại tươi ngon nhất, bao gồm tôm hùm, hàu biển hoặc thậm chí là phần gai tí hon của loại ốc săn mồi Bolinus brandaris (nguồn gốc của màu tím Tyrian nổi tiếng mà chỉ có tầng lớp thượng lưu trong xã hội La Mã mới được quyền mặc). Những loại trái cây cũng là loại được nhập khẩu với giá cực kỳ đắt đỏ, tựa như dâu tằm từ châu Á, gừng từ Ấn Độ và quả sung từ Trung Đông.

Ngôi biệt thự sang trọng của người La Mã cổ đại ở Aventine Hill

Ngoài ra, tấm khảm còn thể hiện không khí của một bữa yến tiệc vô cùng sang trọng và xa hoa, mà nếu như thực sự xảy ra, nó là một điều phạm pháp đối với xã hội thời đó. Bởi Đạo luật Lex Orchia, được chính quyền La Mã thông qua vào năm 182 TCN, có quy định rõ ràng và cụ thể về số lượng khách mời tối đa được tới dự một bữa tiệc, và sau này còn quy định thêm về việc sử dụng gà đã vỗ béo, động vật có vỏ và bầu của lợn nái (một món ăn ưa thích của người La Mã). Dựa vào số lượng thực phẩm thể hiện trên tấm khảm, những điều luật nghiêm khắc dường như đã bị bỏ qua trong bữa yến tiệc. Sau cùng thì, đâu có cách nào hay hơn trong việc gây ấn tượng với khách mời bằng cách phá vỡ quy tắc, từ đó tạo nên bầu không khí vui vẻ và hào hứng?

Nhưng, các chuyên gia về lịch sử nghệ thuật lại có một nhận định khác về kiểu trang trí này. Họ cho rằng nó tượng trưng cho một quan điểm truyền thống của người La Mã: memento mori, còn có thể hiểu là “gợi nhắc cái chết”. Những gì liên quan đến chết chóc luôn là một phần tạo nên niềm vui tại các bữa tiệc của người La Mã. Khung xương bằng vàng (larva convivalis) là vật trang trí được ưa thích trong các dịp họp mặt.

Một tấm khảm được tìm thấy cùng với “căn phòng không dọn dẹp” tại Aventine Hill

Từ góc nhìn này, tấm khảm thể hiện quan điểm về cái chết và quá trình biến đổi. Tại một bữa tiệc xa hoa và linh đình nhất từng thấy trong lịch sử, nơi mà các loại thực phẩm tươi ngon và đắt đỏ chẳng mấy chốc mà biến thành chất thải thì những vị khách mời, không sớm thì muộn và cũng chẳng làm cách gì để tránh được, sẽ trở về với cát bụi. Phép liên tưởng này là một sự nhắc nhở, rằng tất cả mọi người hãy thưởng thức bữa ăn bằng trọn trái tim và tấm lòng mình. Bởi vì, ai mà nói trước được, đây luôn có thể là bữa ăn cuối cùng của vài người trong số chúng ta.

Tấm khảm “căn phòng không dọn dẹp” (unswept room) ở Vatican

Chúng ta cách biệt 2000 năm so với những người đã từng tham dự bữa tiệc trên tấm khảm sàn này. Cái chết mà họ mường tượng đã thực sự đến; và tất cả những gì còn sót lại chỉ là phần chất thải thực phẩm. Thế nhưng còn một điều bí mật nữa về tác phẩm nghệ thuật kỳ lạ và độc đáo này. Trong quyển sách Courtesans and Fishcakes, tác giả James Davidson, chuyên gia sử học thời kỳ cổ đại, đã làm rõ một chi tiết thú vị. Một vài thứ trên tấm khảm có phần bóng đổ không đúng, tạo cảm giác chỉ còn một tích tắc nữa chúng mới chạm đất. Dường như những khách mời trong bữa tiệc năm ấy dù đã không còn, nhưng bữa tiệc thịnh soạn không vì vậy mà ngừng ngân vang cho đến ngàn năm sau.

Bài dịch: Gau Truc.
Nguồn: atlasobscura.

Cùng tác giả

#Tag

Heirstory la mã lịch sử nghệ thuật memento mori nghệ thuật nghệ thuật cổ điển

iDesign Must-try

Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 2)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 2)
Trong hơn hai thập kỷ không ai thành công trong việc khái quát về nghệ thuật đương đại. Đầu tiên là mối lo sợ về chủ nghĩa bản chất, tiếp…
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 1)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 1)
Nghệ thuật đương đại là một phần của cuộc đối thoại văn hóa liên quan đến các khuôn khổ bối cảnh lớn hơn như bản sắc cá nhân và văn…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Có thật là ta sắp tiến tới một thời đại không gian-thời gian mới, nơi những sản phẩm của ta sẽ hoàn toàn mang tính chân thực, đưa người xem…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Tìm hiểu chi tiết hơn về các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ trong khuôn khổ triển lãm Nghệ thuật Kỹ thuật số nổi bật của thời đại…